- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Tôi đã làm gì ở Đà Lạt?
Đà Lạt là thành phố có khí hậu tuyệt nhất Việt Nam. Cái lạnh dễ chịu đến mức muốn kéo cái tay áo xuống sâu một chút, vờ như đang rét căm căm. Người chỉ khẽ run lên rồi lại thích thú khi cảm nhận rõ rệt vị ngọt trong từng cơn gió.
Tôi tới Đà Lạt lúc 6h sáng. Khi xe quanh co trên mấy con đường dốc, tôi đã tỉnh dậy và ngó nghiêng xung quanh qua ô cửa kính ô tô. Tôi bắt đầu cảm nhận được cái lạnh của Đà Lạt khi lớp sương phủ mờ tấm kính. Chà, thích quá, cái không khí trong trẻo chỉ muốn hít hà thật sâu cho trọn. Xe trung chuyển đưa tôi về khách sạn nằm trên đường Nguyễn Chí Thanh, đường này ở ngay gần khu trung tâm với nhiều khách sạn, lại rất gần chợ Đà Lạt, tiện qua chợ đêm, hồ Xuân Hương…
Với bản thân tôi, Đà Lạt đẹp vì cái lạnh ngọt, bầu trời trong veo, vì những con hẻm nhỏ với những căn nhà trồng đầy hoa, vì những con đường uốn quanh bên rừng thông cao vút, vì những bông hoa xuyến chi mọc dại ven đường... Từ từ, rồi tôi sẽ kể cho bạn nghe. Tôi sẽ kể thật dài và bạn phải hứa là sẽ đọc hết nhé.
Lạnh. Đà Lạt lạnh đến mê luôn
Cái lạnh Đà Lạt dễ chịu đến mức muốn kéo cái tay áo xuống sâu một chút, vờ như đang rét căm căm. Người chỉ khẽ run lên rồi lại thích thú khi cảm nhận rõ rệt vị ngọt trong từng cơn gió.
Bầu trời Đà Lạt xanh, trong veo. Vì thế mà danh sách “những điều trong veo” để nhớ của tôi dài ra thêm một xíu nhờ bầu trời ấy. Tới Đà Lạt, chỉ muốn ngước mắt lên nhìn ngắm mãi màu xanh, muốn điều khiển những đám mây cuộn như bông kia “đừng trôi nữa”, “đừng tan ra” bằng suy nghĩ.
Nắng Đà Lạt không gắt, không rát… nhưng dễ sợ. Nên nếu tới Đà Lạt, cũng đừng vì yêu cái nắng ấy quá mà lười bôi kem chống nắng hay đeo khẩu trang. Hậu quả sau ngày đầu tiên rong ruổi của tôi là cái mũi đỏ ửng, hai mu bàn tay cũng đỏ lên vì cháy nắng. Và dư âm còn lại là một làn da vừa đen vừa nâu đầy chất cao nguyên.
Đà Lạt tình. Tình tới mức chỉ cần ngồi yên thôi cũng thấy đáng yêu. Huống hồ đi trên đường thi thoảng lại bắt gặp hai em học sinh trong chiếc áo đồng phục, dắt chiếc xe đạp lên dốc… là muốn yêu. Cái thành phố dễ khiến người ta tủi thân. Tự hỏi lòng mình thế mà sao còn thương và trong khoảnh khắc đó còn muốn quay lại đây thêm ngàn lần nữa.
Vẫn đang còn yêu xứ đó quá nên tôi muốn viết cho bằng hết những cảm xúc của bản thân. Giống như việc ngày nào cũng lượn qua hồ Xuân Hương vài bận.
Hồ Xuân Hương có gì, trông như thế nào?
Chắc bạn cũng thắc mắc nhỉ?
Hồ Xuân Hương cũng giống như Hồ Gươm, nghĩa là nếu nhắc tới Hà Nội, người ta nghĩ tới hồ Hoàn Kiếm thì ở Đà Lạt có hồ Xuân Hương. Nơi đây không đông đúc lắm, đi hết một vòng khoảng 5km. Có một buổi sớm, hai đứa tôi qua đó, nhìn mặt hồ nước lung linh, đứng dưới cái nắng dễ chịu và thấy một bầu trời xanh đến là xanh, xanh hơn tất thảy những bầu trời tôi từng thấy. Có khi còn thấy hai bạn trẻ ngồi dựa vai nhau trên cỏ, giữa khung cảnh ấy mới tình tứ làm sao.
“Đồi hoa không người”
Viết theo phong cách văn tiểu học thì là: Trong vườn hoa thành phố có rất nhiều hoa, nào là cúc, hồng, cẩm tú cầu… nhưng tôi vẫn thích nhất là đồi hoa bươm bướm. Trước khi tới Đà Lạt, lúc nào suy nghĩ của tôi cũng thôi thúc tìm được một “đồi hoa không người”. Cái đồi hoa bươm bướm ấy nằm sau một hàng thông được cắt tỉa gọn gàng. Nó nhỏ thôi, nhưng không hiểu sao tôi lại thích đến vậy. À, vì nó đơn giản và mộc mạc giữa cả một vườn hoa được chăm sóc tỉ mỉ. Và tôi cá là không nhiều người để ý tới nó, ít nhất là ngày hôm đấy.
Mỗi nơi đặt chân đến, tôi đều có một lý do cho mình. Trước khi đi Đà Lạt, một người bạn nhắn nhủ tôi tới Đà Lạt nhất định phải đến đây.
“Đến đây” nghĩa là tới khu đồi Mộng Mơ ấy
Đó cũng là một điểm du lịch ở Đà Lạt gần với Thung lũng tình yêu. Khu này vắng vẻ nên tôi cũng hứng thú. Người ta trồng hoa ven lối đi, trồng hoa trước khu nhà nghỉ, trồng cả hoa trên mái nhà. Nó thơ đến nỗi cả tên nhà nghỉ cũng thơ: Mai Anh Đào, Mimoza, Đỗ Quyên… hay tên nhà hàng cũng phải là Nhà Hàng Hạnh Phúc. Hẳn là Đồi Mộng Mơ. Ngồi bên ghế đá, dưới tán cây, dưới chân là cỏ xanh, gió reo trong nắng mà không kiềm lòng nổi nên tôi phải mang sổ ra ghi lại đôi ba dòng. Về nhà đọc lại hóa ra trong phút ngắn ngủi ấy đang nhớ ai đó, mà không rõ là ai.
“Mỗi tờ giấy là một cái cây ngã xuống, xin quý khách vui lòng dùng vừa đủ”
Đố bạn biết câu nói này được ghi chú ở đâu?
Chắc chắn là ở một nơi mà bạn cần phải dùng giấy rồi. Đó là câu nói được dán trên cửa ở khu nhà vệ sinh tại XQ Sử Quán, nơi có những bức tranh thêu tuyệt đẹp. Vì vào đây không có hướng dẫn viên nên bản thân tôi cũng không hiểu lắm về nó. Nhưng khu này được chia ra thành nhiều phòng, nào là Lối đi dành cho tuổi thơ, Căn phòng của mẹ, Căn phòng trở về quê hương… Mọi thứ vừa ám ảnh, vừa cứa vào tận sâu trong mỗi con người.
Ở khu vệ sinh, ngay từ lúc bước vào cửa đã thấy dòng chữ viết: "Tôi chuyển sang công tác vệ sinh đã lâu nhưng vẫn chưa quen. Mong quý khách vui lòng giúp đỡ". Nghe rất lịch sự.
Nếu có thời gian thì bạn nên tìm hiểu kỹ hơn về XQ Sử Quán và câu chuyện đằng sau những bức tranh thêu.
Từ con đường vào Thung lũng Suối Vàng
Được chỉ dẫn là Thung lũng Suối Vàng thực ra là một cái đập thủy điện, con đường ấy dẫn tới một khu du lịch khác tên là Làng Cù Lần. Tôi chưa đi vào tới đó nhưng nghe kể đó là khu nhân tạo. Không hiểu sao giữa cao nguyên đẹp như thế này, người ta lại cần dựng lên một khu du lịch nhân tạo như vậy nhỉ?
Nếu là một người hay đi và yêu thiên nhiên, bạn chắc chắn không thể bỏ lỡ con đường này rồi. Nó càng đẹp hơn trong khí hậu se lạnh của Đà Lạt, khi mà nắng nhẹ nhàng mà trời trong xanh. Tôi chỉ dừng chân ở chỗ được gọi là suối Bạc rồi quay ra. Người Đà Lạt miêu tả những con đường như vậy bằng từ “dễ thương”. Nghe đã muốn đi lại rồi.
Khi quay xe ra, tôi đi vào một con đường nhỏ dẫn tới một nhà máy thủy điện. Anh bạn người Đà Lạt chỉ cho cả nhóm chỗ đó. Anh nói mỗi lần tới đây, anh phải dừng xe, tắt máy, tháo mũ bảo hiểm và thả xe trôi thật chậm để nghe được tiếng thông reo, tiếng suối chảy và cả tiếng chim hót nữa.
Tới con đường ven hồ Tuyền Lâm
Tới Đà Lạt, chúng tôi bỏ lỡ mất chỗ này vì nó rất đẹp. Hồ Tuyền Lâm nước không xanh như nước sông Đà nhưng khi dừng chân ngắm hồ, tôi thấy người bạn đứng lặng như đang tương tư thả hồn vào mây gió và con nước.
Ven đường là những hàng cây mai anh đào mà người trồng cây còn phải đề biển "Lưu ý không làm hỏng cây".
Chỉ hơi buồn là người ta đang xây khu resort ở đó, buồn hơn là người ta phá rừng để xây. Trên con đường ấy, tôi ngồi sau xe và hát to mấy câu trong bài “Đưa nhau đi trốn”. Thực lòng tôi không muốn về nữa. Những con đường khiến tôi muốn đi mãi không dừng chân. Cảm giác bất tận. Đúng rồi, những con đường ấy cho chúng tôi cảm giác bất tận.
Cả con đường đi qua những hẻm nhỏ
Nếu chịu khó đi vào những con hẻm, các bạn sẽ gặp những ngôi nhà biệt thự đầy hoa. Những ngôi nhà nhỏ cũng nhiều hoa. Những ngôi nhà ở trên cao, những ngôi nhà ở dưới thấp. Hình như người ta xây nhà không phải chỉ để ở, mà để ngắm, để làm bạn và trò chuyện. Nhà nào cũng đẹp tới nỗi tôi muốn chuyển vào đây và xây một ngôi nhà như thế.
Câu chuyện anh chàng họa sĩ và anh nhiếp ảnh gia
Anh chàng họa sĩ là bạn anh nhiếp ảnh gia. Anh ấy là họa sĩ, thích phong cảnh Huế, học ở Huế và sống ở đó cũng vài năm. Anh ấy là người Quảng Trị, nói giọng nhỏ nhẹ nên thi thoảng nghe những gì anh ấy kể, tôi chỉ gật gù. Anh ấy làm hướng dẫn viên cho chúng tôi ở Thác Voi.
Anh nhiếp ảnh gia có một ngôi nhà xinh lắm. Ngôi nhà nằm dưới một con hẻm nhỏ. Anh ấy sống một mình, trồng hoa, nuôi cá và chụp ảnh. Căn gác nhà anh nhìn ra một con đường, thấy Hồ Xuân Hương và còn đẹp hơn một góc quán café. Anh thích hoa oải hương nên cửa ra vào sơn màu tím, bộ bàn ghế cũng màu tím. Trong phòng là một dàn loa, nhiều đĩa CD, nhiều máy ảnh và tất nhiên nhiều bức ảnh anh chụp nữa. Ảnh phong cảnh Đà Lạt, ảnh em bé Y Tý đầy ám ảnh, ảnh cụ già vùng cao… Anh ấy là một người đặc biệt, kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về khu Hà Nội ở Đà Lạt có tên Lâm Hà, về suy nghĩ của người miền Nam đối với người miền Bắc, về con trai và con gái hai miền.
Anh kể về người Đà Lạt với một niềm tự hào. Con gái Đà Lạt vừa sang, vừa đẹp, vừa kín đáo và luôn lễ phép. Con gái Đà Lạt ít nói, hơi có chút nhút nhát. Người Đà Lạt lịch thiệp, đàn ông ra đường cũng mang giày cẩn thận. Nói chung là người Đà Lạt tỉ mỉ và hiền như những bông hoa. Không chỉ qua lời anh kể, tôi cũng thấy điều đó ở chị chủ khách sạn. Chị nói nhẹ nhàng lắm, cả bác bán “gỏi chay” ở chợ Đà Lạt cũng vậy. Lúc khách đông, bác thấy tụi tôi ngồi chờ mà quay ra xin lỗi liên tục và kêu bác một chút nữa thôi.
Có hai Đà Lạt rất khác trong những lời tôi kể. Bạn chọn Đà Lạt nào? Đà Lạt nào cũng có cái “tình” riêng nên nếu có thời gian thì hãy trải nghiệm nhiều nhất có thể nhé. Hẹn gặp Đà Lạt một mùa khác, khi hoa mai anh đào đã nở hồng cả con đường.
Hoàng Phương Thảo
Sự khác biệt thú vị giữa Paris và Hà Nội
Nhiều du khách thường ví von rằng, không khó để tìm ra những nét của Paris trong lòng Hà Nội qua các công trình mang kiến trúc Pháp cổ. Tuy nhiên, hai thành phố này lại có điểm khác biệt rất đời thường mà nhiều người không để ý tới.