- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Sự khác biệt thú vị giữa Paris và Hà Nội
Nhiều du khách thường ví von rằng, không khó để tìm ra những nét của Paris trong lòng Hà Nội qua các công trình mang kiến trúc Pháp cổ. Tuy nhiên, hai thành phố này lại có điểm khác biệt rất đời thường mà nhiều người không để ý tới.
Đồ ăn nhanh
Nếu đã quen với việc lấy bao nhiêu tương cà và tương ớt tuỳ thích khi ăn đồ ăn nhanh thì chắc chắn, nhiều du khách sẽ ngạc nhiên khi đến Paris. Ở đây, người ta chỉ cho 1-2 gói tương cà và 1-2 gói mayonnaise, hoàn toàn không có tương ớt vì người Châu Âu rất ít khi ăn cay. Nếu muốn ăn tương ớt hoặc lấy thêm hai loại sốt trên, bạn sẽ phải trả 20 cent/gói (khoảng 5.000 đồng).
Các quán đồ ăn nhanh ở Paris thường có máy lấy nước tự động. Du khách chỉ cần trả tiền, lấy cốc tại quầy và ra máy tự bơm bao nhiều nước tuỳ ý. Đây là một ý tưởng rất hay trong việc tránh lãng phí vì mọi người thường ít khi uống hết một cốc nước đầy.
Máy gọi đồ tự động tại các hàng ăn ở Paris cũng rất thú vị. Nếu chỉ gọi những món đơn giản như burger hay thịt gà rán thì đây sẽ là vị cứu tinh giúp bạn thoát khỏi dòng người xếp hàng dài. Tuy nhiên, chiếc máy chỉ cung cấp một vài lựa chọn nhất định nên nếu muốn thưởng thức những món phức tạp và ngon miệng hơn, du khách phải kiên nhẫn xếp hàng.
Sau khi ăn xong, người dân Paris thường tự dọn sạch bàn của mình, bỏ hết hộp burger, rồi cốc giấy và gói sốt vào thùng rác trước khi đi ra. Trái lại ở Hà Nội, mọi người thường không có thói quen này vì cho rằng đó là việc của nhân viên. Một người bạn Pháp từng nói với tôi rằng, với người Pháp, việc tự dọn đồ không phải để giúp nhà hàng mà vì họ tôn trọng những người đến sau.
Văn hoá đường phố
Những người nghệ sỹ đường phố ở Paris xuất hiện khắp mọi nơi, từ ga tàu điện ngầm đến những tụ điểm du lịch như đồi Montmartre. Họ chơi ghi-ta, đánh trống, thậm chí có người chơi cả đàn hạc. Người qua đường thường tặng 1-2 euro hoặc mua đĩa nhạc họ thu để ủng hộ. Nhiều nghệ sỹ còn coi việc biểu diễn đường phố là "cần câu cơm" chính. Còn ở Hà Nội, du khách có thể dễ dàng bắt gặp những nhóm người biểu diễn nghệ thuật trong khu phố cổ vào các buổi tối cuối tuần. Khác với Paris, họ chơi nhạc vì niềm đam mê biểu diễn thuần tuý chứ không phải vì tiền.
Hà Nội nổi tiếng với các món ăn đường phố. Ảnh: Linh Ngọc |
Hà Nội nổi tiếng với các món ăn đường phố. Ở đây có hàng trăm quán ăn vỉa hè với số lượng món ăn phong phú, từ bánh cuốn, bún chả, phở, đến nem chua rán, bánh gối và cả bánh rán... Du khách đến Hà Nội sẽ được trải nghiệm “ẩm thực đường phố” đúng như tên gọi bởi các món ăn này đều được ăn trên đường phố. Còn ở Paris, dù là đồ ăn truyền thống hay hiện đại thì đều đưa vào nhà hàng, chỉ khác biệt ở nhà hàng bình dân hay sang trọng. Đi cả thành phố, có lẽ du khách cũng không thể tìm được một “quán vỉa hè” thực thụ nào cả.
Du khách khó có thể tìm thấy một quán ăn vỉa hè ở Paris. Ảnh: Linh Ngọc |
Nghe có vẻ nực cười nhưng nhiều du khách khá bất ngờ khi phải trả 1-1.5 euro (khoảng 25,000-32,000 đồng) cho mỗi lần đi vệ sinh ở Pháp. Bình thường ở Việt Nam, nếu có nhu cầu, bạn có thể vào nhờ quán cà phê nào đó, nhưng việc đấy sẽ không áp dụng được ở Paris. Chưa kể việc tìm nhà vệ sinh công cộng cũng không dễ dàng, nhất là khi bạn đi du lịch và gặp rào cản lớn về ngôn ngữ.
Phương tiện đi lại
Nhiều khách du lịch cảm thấy sợ khi phải qua đường ở Hà Nội. Ảnh: Internet |
Metro hay xe buýt là sự lựa chọn tối ưu khi di chuyển tại Paris vì tính tiện lợi và tiết kiệm của nó. Khác với người Pháp, người dân Hà Nội lại thường đi xe máy để chủ động hơn. Tuy nhiên, cũng chính vì mật độ xe máy quá cao mà tình trạng tắc đường trong giờ cao điểm ngày càng nghiêm trọng.
Điểm khác biệt nữa là người Pháp luôn dừng xe khi thấy có người chuẩn bị qua đường, kể cả ở những nơi không có đèn giao thông. Còn ở Hà Nội, khách du lịch sẽ phải ngó trước ngó sau trước khi qua đường vì một số xe vẫn tiếp tục chạy dù đèn có đỏ hay không.
Cuộc sống về đêm
Các cửa hàng ở Paris thường đóng cửa khá sớm. Ảnh: Linh Ngọc |
Phải thú thật Paris là một thành phố khá “lười” khi các cửa hàng, cửa hiệu đều đóng cửa từ khoảng 8-9 giờ tối, ngoại trừ một số phố du lịch như Champs-Élysées hay Mouffetard.
Hà Nội được nhiều khách du lịch ví là "thành phố về đêm". Ảnh: Linh Ngọc |
Trái lại, Hà Nội, đặc biệt là khu phố cổ, được khách du lịch ví là “thành phố về đêm” vì trời vừa chạng vạng tối, hàng loạt quán bia, quán bar, quán ăn vặt đã bắt đầu dọn ghế ra vỉa hè. Các cửa hàng trong khu chợ đêm cũng lên đèn để sẵn sàng phục vụ khách đến mua sắm. Ngoài ra, Hà Nội còn có rất nhiều siêu thị tiện lợi mở cửa 24/7, khiến cho cuộc sống về đêm ở thành phố này thêm nhộn nhịp.
Linh Ngọc