- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Thu hút du lịch bằng hoa dã quỳ: Lợi bất cập hại
Bạn có bao giờ quan sát xung quanh những bụi dã quỳ đẹp đến nao lòng và tự hỏi, tại sao ngoài cỏ dại thì hầu như không có loài cây nào phát triển tốt? Bạn có bao giờ dừng lại hỏi người dân, những chỗ dã quỳ đã mọc um tùm kia, liệu trồng lúa ngô, hoa màu có nặng hạt?
Nở rộ trào lưu du lịch săn dã quỳ
Sắc vàng quyến rũ của hoa dã quỳ. Ảnh: Internet |
“Đến hẹn lại lên”, từ cuối tháng 10 đến cuối tháng 11, hoa dã quỳ Tây Nguyên lại bắt đầu khoe sắc. Đây là thời điểm báo hiệu mùa mưa đã kết thúc và tiết trời se lạnh cũng bắt đầu.
Từ nhiều năm nay, việc chờ đón mùa hoa dã quỳ nở, cũng như chờ đợi mùa hoa tam giác mạch, mùa hoa mơ, hoa mận nơi rẻo cao Tây Bắc... đã trở thành thú vui với những người đam mê du lịch và nhiếp ảnh... Giữa những ngày cuối thu ảm đạm, sắc vàng rực rỡ ấy như sưởi ấm cao nguyên lạnh giá và làm mê hoặc bất kỳ ai lạc bước ngang qua.
Dã quỳ nở vàng rực trải dài khắp các nẻo đường. Ảnh: Internet |
Khoảng gần chục năm trước, khi lên mạng gõ những từ khóa như: “Phượt săn hoa dã quỳ”, “săn dã quỳ”… bạn chỉ nhận được vài ngàn kết quả thì hiện tại, chỉ trong vòng vài giây, Google đã cho ra hàng triệu kết quả cụ thể đến bất ngờ: “Các địa điểm chụp ảnh hoa dã quỳ đẹp nhất ba miền”, “Săn cung đường ngắm hoa dã quỳ tuyệt đẹp ở Đà Lạt”… Sự khác biệt đó bắt đầu từ khi trào lưu "săn" dã quỳ bùng nổ trong cộng đồng những người yêu du lịch.
Trên các diễn đàn mạng hay fanpage của những bạn trẻ đam mê phượt, tháng 10, tháng 11 đến, một trong những từ khóa hot nhất chính là “hoa dã quỳ”. Các công ty du lịch cũng không ngần ngại nắm bắt xu hướng mở tour để thu hút khách. Nếu miền Bắc có Ba Vì, Điện Biên, Lạng Sơn, Mộc Châu thì miền Nam có Đà Lạt, Pleiku- hai vùng đất có mùa hoa dã quỳ đẹp nhất đất nước. Rất nhiều người mê du lịch bụi cùng các nhiếp ảnh gia không ngừng kéo về đây để lưu lại khoảnh khắc về loài hoa này.
Săn dã quỳ trở thành trào lưu của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Internet |
Hoa đẹp nhưng độc
Không thể phủ nhận, dã quỳ là một loài hoa có vẻ đẹp tự nhiên mộc mạc. Nhưng bạn có bao giờ tự hỏi, dã quỳ mọc thành từng bụi lớn như vậy sẽ ăn bao nhiêu dinh dưỡng từ đất để lớn lên? Bạn có bao giờ quan sát xung quanh những bụi hoa đẹp đến nao lòng này và tự hỏi, tại sao ngoài cỏ dại thì không có bất kì loài cây nào có thể sinh sôi, phát triển tốt. Bạn có bao giờ dừng lại hỏi người dân, những chỗ dã quỳ đã mọc um tùm kia, liệu trồng lúa ngô, hoa màu có nặng hạt, bội thu?
Tôi đoán là không.
Những chuyến hành trình chỉ kéo dài vài ngày chẳng đủ để bạn thưởng thức hết vẻ đẹp của loài hoa này. Bạn lại bận chụp thêm vài trăm pô ảnh kỉ niệm thì làm sao còn thời gian quan tâm đến "chuyện vặt vãnh đó” đúng không?
Người nông dân miền núi Tây Bắc coi dã quỳ là loài cây có hại. Ảnh: Internet |
Bạn có biết, người nông dân miền núi Tây Bắc coi dã quỳ là loài cây có hại? Vì dã quỳ vốn sống dai, hút dinh dưỡng khỏe nên chỗ nào có loài hoa này thì cây khác nghỉ… mọc.
Ở quê tôi có một loài cỏ chóc. Tôi không rõ tên gọi phổ thông của nó là gì, chỉ biết nó sống rất dai, năm nào cỏ chóc nhiều thì năm đó lúa mất mùa, bà con đói. Những loài cỏ dại khác, mẹ tôi chỉ cần đào lên phơi nắng, nó sẽ chết. Nhưng cỏ chóc thì khác. Cỏ chóc mọc thành từng bụi, nhỏ, khi đào phải đào xuống sâu tầm 10cm, phải dùng cuốc đào, đào khéo để nó không bị vỡ bung ra. Vì chỉ cần một hạt bung ra, nó sẽ hình thành cây mới. Khi đào xong phải bưng đổ lên bờ, có nhà còn châm lửa đốt.
Làm nương, làm rẫy mà sót rễ cây dã quỳ thì chắc chắn nương đó mất mùa. Ảnh: Internet |
Dã quỳ cũng tương tự vậy, chỉ có điều độc hơn và tiêu diệt khó hơn cỏ chóc cả chục lần. Làm nương, làm rẫy mà sót rễ cây dã quỳ thì chắc chắn nương đó sẽ mất mùa. Người nông dân rất vất vả để tiêu diệt loài hoa này nhưng dùng lửa hay thuốc diệt cỏ đều vô dụng. Ở những vùng mọc nhiều dã quỳ thì đất canh tác ít. Bởi vậy, việc coi hoa dã quỳ là biểu tượng cũng được nhiều nơi nhìn nhận lại.
Cách duy nhất để diệt loài hoa này là đào rễ. Nhưng nó lại hoàn toàn không dễ chút nào. Vì vào đất tốt, dã quỳ có thể cao đến 2, 3 mét, đôi khi hóa gỗ, rễ cây bện chắc bám sâu vào kẽ đá. Để nhổ được một cây dã quỳ người ta phải đào hàng mét khối đất, để đốt một bụi dã quỳ phải mất cả lít dầu hỏa, nhưng dù có cháy đen thì nó vẫn mọc lại khi mưa xuống… Và chuyện bà con đồng bào miền núi phải "nhường” nương cho dã quỳ không phải là hiếm gặp.
Dã quỳ thường tàn rất nhanh, chỉ nở rộ trong khoảng từ 2 đến 3 tuần. Với vẻ đẹp ngắn ngủi nhưng tác hại sâu xa đến vậy, liệu thu hút du lịch bằng hoa dã quỳ có phải là một giải pháp hay?
Hải Đăng