- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Người dân vùng tuyết nói gì về tuyết?
Tôi viết những dòng này không phải để gợi lại sự bức xúc, chỉ là muốn phản ánh một phần tâm tư của chính những người đang sinh sống tại nơi có tuyết rơi mà trong các cuộc tranh luận nảy lửa vừa rồi, chúng ta thấy họ ít khi lên tiếng.
Tôi viết những dòng này khi đợt lạnh kinh khủng nhất trong 30 năm gần đây đã suy yếu, trận tuyết đầu tiên của mùa đông đã đi qua và những tranh cãi về sự vô tâm của khách du lịch bắt đầu có dấu hiệu hạ nhiệt. Viết ra không phải để gợi lại sự bức xúc, chỉ là tôi muốn phản ánh một phần tâm tư của chính những người đang sinh sống tại đây mà trong các cuộc tranh luận nảy lửa vừa rồi, chúng ta thấy họ ít khi lên tiếng. Không phân tích, không chỉ trích, bài viết là những chia sẻ thật sự của vài người Sapa tôi đã gặp trong chuyến đi vừa rồi, để mọi người thấy rằng, nhiều việc đôi khi không giống như chúng ta vẫn nghĩ.
“Nụ cười của các em là nước mắt của bao nhiêu người”
Thị trấn Sapa vẫn đông khách du lịch dù tuyết đã ngừng rơi. Ảnh: Trương Hùng |
10h đêm ngày 24/1, tôi đặt chân đến Sapa khi nhiệt độ ngoài trời là -2 độ C. Lúc này, tuyết đã ngừng rơi khoảng 6 tiếng. Dù trời lạnh buốt kèm theo mưa phùn nhưng lượng khách đổ về Sapa vẫn rất đông. Trên một số trục đường chính dọc trung tâm thị trấn, dòng người qua lại vẫn tấp nập và đông vui như trẩy hội. Bắt vội một chiếc taxi, tôi hào hứng hỏi anh lái xe về tình hình tuyết rơi nhưng anh trả lời có vẻ miễn cưỡng và thái độ không được thân thiện. Ấy vậy mà khi nghe tôi bày tỏ mong muốn được nhìn thấy tuyết rơi vào ngày mai thì anh bỗng quay ngoắt lại nghiêm nghị nói: “Thôi em ạ! Tuyết ngừng rơi thì xung quanh vẫn còn đầy cho em nhìn. Mỗi năm chỉ cần một lần như thế này là người dân cũng “sống dở chết dở”. Em có biết nụ cười của các em là nước mắt của bao nhiêu người không?” Câu nói của anh tài xế taxi khiến tôi hết sức bất ngờ. Hóa ra, không phải anh khó chịu với riêng tôi mà là với tất cả những người đang dồn về đây ngắm tuyết. Anh bảo anh chỉ thích Sapa bình lặng như những ngày thường. Mới có 2 ngày tuyết rơi mà người dưới xuôi đổ về đây đông nghịt, ô tô và xe máy đỗ loạn xạ trên đường chắn hết cả lối đi, thậm chí người ta còn nhảy cả vào những vườn su su, vườn rau của người dân hai bên đường để chụp ảnh với tuyết.
“Mấy cây đó bị tuyết phủ còn sống nữa đâu” - Tôi nói. “Kể cả là không ăn được nữa thì cũng phải tôn trọng công sức người trồng. Người ta còn đang mếu mà mình cười đùa như vậy có được không? Lúc đó thấy chướng mắt anh còn bốc cả nắm tuyết to ném vào mấy người đang chụp ảnh” - Anh lái xe bức xúc.
Mang tâm trạng khó hiểu về tới nhà nghỉ, một lần nữa tôi suýt ngã ngửa khi thấy chú chủ nhà bảo: “Tuyết mới rơi mà hết đoàn này tới đoàn kia, lạnh thế này ở nhà không thích còn mò lên đây làm gì?”. Tôi đùa: “ Nhiều khách thế chú phải vui mới đúng chứ”. “Vui cái gì. Tôi vui một thì người ta khổ mười. Tôi chẳng thấy vui” – Chú chủ nhà cáu kỉnh.
Đó là hai người thực sự kỳ lạ mà tôi đã gặp trong chuyến đi vừa rồi. Tôi vẫn thắc mắc rằng tại sao, khi chính họ cũng là người được hưởng lợi từ đợt tuyết này. Cần phải nói thêm rằng đó là hai người Kinh và hiện đang sống giữa trung tâm thị trấn.
“Tuyết rơi là việc của trời”
Người bán hàng co ro trong giá rét |
Nếu như người miền xuôi và ngay cả người Kinh đang sinh sống tại Sapa tỏ ra lo lắng thì những người dân tộc lại có suy nghĩ lạc quan hơn chúng ta tưởng. Họ không hề biết về những cuộc tranh luận trên các diễn đàn du lịch, họ không chỉ trích và cũng chẳng lên án bất cứ du khách nào thờ ơ với khó khăn của mình. Những người Mông mà tôi đã gặp, tôi thấy họ bình tĩnh và an nhiên trước thiên tai khắc nghiệt hơn bất cứ người nào.
Cô Tẩn Mơ Nải ở xã Thanh Kim, huyện Sapa cho biết: “Mấy ngày tuyết rơi khách đến đông nhưng mình không bán được hàng. Lạnh quá đồ thổ cẩm không có ai mua. Tuyết rơi thì trâu, bò chết nhưng mình không ghét tuyết đâu, vì ghét thì cũng chẳng làm gì được”. Dù ở cách trung tâm thị trấn gần 30km nhưng ngày nào cô Tẩn Mơ Nải cũng mang đồ thổ cẩm xuống phố huyện để bán. Cô tâm sự rằng, để tiết kiệm chi phí thì thường đi bộ một nửa quãng đường, nửa quãng đường còn lại đi xe ôm với giá 50.000 đồng.
Bà Mã Thị Vu và Lò Thị Dụ: "Tuyết rơi là việc của trời" |
Cùng chung suy nghĩ với cô Nải, bà Mã Thị Vu và Lò Thị Dụ sống tại xã Lao Chải cũng chia sẻ: Hai ngày tuyết rơi vừa rồi chúng tôi chưa về nhà nên cũng không biết cây cối có bị ảnh hưởng không. Như mọi năm tuyết rơi thì cây cỏ mạnh và thảo quả chết nhiều. Người Mông ghét tuyết nhưng tuyết rơi là việc của trời, không ngăn cản được thì sao phải trách móc.”
Có lẽ, đối với những người dân tộc mà cuộc sống không quá phụ thuộc vào việc nuôi trồng và cấy hái thì sự khắc nghiệt của thời tiết không ảnh hưởng nhiều tới họ. Họ không suy nghĩ nhiều tới việc trận tuyết này mất bao nhiêu con trâu hay thiệt hại bao nhiêu luống hoa màu, không để ý người dưới xuôi có vô tâm trước sự đói nghèo của mình hay không… Cái họ quan tâm là ngày hôm nay bán được bao nhiêu tiền để mua gạo, mua đồ ăn về nhà cho những người đang đợi.
Sau gần 2 tiếng lang thang cùng chị Sài – một phụ nữ Mông sống tại Bãi đá cổ đang bán hàng rong quanh thị trấn, tôi đã biết thêm nhiều điều về cuộc sống của những người Mông nơi đây. Theo chị Sài, người trong bản chị hầu hết đều vào thị trấn làm thuê hoặc bán hàng cho khách du lịch. Do không trồng cấy nên mỗi đợt tuyết rơi thì ảnh hưởng không nhiều. Thậm chí bạn bè chị đang làm tại các quán ăn còn mong có tuyết để khách đến đông, bán được nhiều hàng.
Còn lại gì sau một mùa tuyết?
Làm thế nào để người vùng cao có thể an nhiên đi qua mùa tuyết? Ảnh: Lê Hồng Hà |
Bỏ qua những ồn ào, sau mỗi mùa tuyết, người ta lại bắt đầu thống kê những thiệt hại về cây trồng và vật nuôi. Trên các phương tiện thông tin đại chúng, hình ảnh về cuộc sống khó khăn của người dân vùng cao xuất hiện dày đặc. Nhiều cá nhân và tổ chức lại cùng nhau chung tay, góp sức để ủng hộ thực phẩm và quần áo ấm đến với đồng bào nơi đây.
Thế nhưng vẫn còn nhiều lắm những vùng đất tuyết đã rơi mà cuộc sống của người dân còn nghèo khó hơn cả Sapa. Chẳng hạn như các xã vùng sâu vùng xa của Yên Bái, Tuyên Quang, Sơn La, Cao Bằng, Hà Giang, Lai Châu…, những vùng không có thế mạnh để phát triển bất cứ loại hình du lịch nào. Thiết nghĩ, thay vì tranh luận xem ai đúng – ai sai, thay vì chỉ trích lẫn nhau thì chúng ta nên có hành động thiết thực hơn để giúp người dân giảm thiểu những thiệt hại. Để mỗi lần tuyết đến, nền du lịch địa phương sẽ trở nên sôi động hơn nhờ những đoàn khách du lịch ghé thăm, còn người vùng cao thì có thể an nhiên nắm tay nhau đi qua mùa tuyết.
Thái An
Một chuyến đi rừng trong tôi
Sự mê hoặc của các cung phượt, đỉnh núi cao hay cảm giác phiêu diêu trong mùa “săn lúa”, “săn mây” vùng Tây Bắc đã được nhắc đến nhiều. Nhưng với ai thích chuyển dịch, những chuyến đi rừng cũng có mãnh lực hấp dẫn đặc biệt.
Không ngủ ở Seoul
Khám phá thành phố về đêm quả là trải nghiệm thú vị, không thể bỏ lỡ, đặc biệt với một thành phố sầm uất như Seoul, Hàn Quốc.
Phản đối xây cáp treo Fansipan: ''Xin bạn đừng ích kỉ''
Chinh phục đỉnh Fansipan - "nóc nhà của Đông Dương" không chỉ là ước mơ của hàng ngàn người trẻ mà còn là của rất nhiều người già, không chỉ có những người tay chân lành lặn mà còn là giấc mơ của những người không may bị khiếm khuyết một phần cơ thể. Và c
Chợ ở Thượng Hải
Ở bất kỳ đâu, chợ cũng là nơi phản ánh rõ nét và đầy đủ nhất về hình ảnh của vùng đất đó. Chợ là lát cắt cơ bản thể hiện văn hoá ẩm thực, thói quen tiêu dùng, tập quán sinh hoạt, trình độ dân trí, điều kiện khí hậu thổ nhưỡng, thậm chí cả về thành phần dâ
Mỗi chúng ta chính là một đại sứ du lịch
Xách balo lên và đi không còn là việc quá khó khăn trong thời đại thế giới phẳng. Tuy nhiên, khi thông tin lan tràn khắp nơi thì hoạt động du lịch sẽ càng trở nên hấp dẫn nếu có sự xuất hiện của các đại sứ đầy nhiệt huyết.