- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Tất tần tật những món ăn đặc sản ngon "khó cưỡng" ở Sài Gòn
Nội dung
Sài Gòn là nơi hội tụ “tinh hoa” ẩm thực của các vùng miền và nhiều nước trên thế giới. Ở Sài Gòn, du khách có thể dễ dàng tìm ăn một món ở tận vùng Tây Bắc xa xôi hay thậm chí một món rất nổi tiếng ở một xứ phương Tây.
Trong bài viết hôm nay, Viet Fun sẽ giới thiệu đến Quý khách một số món ăn đặc sản được cho là đặc sắc ở Sài Gòn. Mời Quý khách bắt đầu theo dõi.
1. Bánh tráng trộn
Nhắc đến món ăn vặt đặc sản ở Sài Gòn thì không thể không nhắc đến món bánh tráng trộn. Đây là “món đinh” của nhiều tín đồ mê ăn vặt ở Sài Gòn. Nhiều người nói khám phá món ăn Sài Gòn mà không thử qua món bánh tráng trộn quả là thiếu sót. Bánh tráng trộn là món ăn vặt không chỉ “gây nghiện” giới trẻ như học sinh mà dân văn phòng cũng vô cùng thích thú.
Bánh tráng trộn - Ảnh sưu tầm
Bánh tráng trộn được làm từ món bánh tráng mỏng, bánh tráng Tây Ninh xé nhỏ hoặc cắt nhỏ. Bánh tráng trộn cùng với xoài bằm, khô bò, rau răm, rau thơm, trứng cút, hành phi… Tất cả trộn đều lại với nhau, vắt thêm miếng tắc và cho ớt sa tế vào sau cùng. Đó là cách làm bánh tráng trộn thông thường. Ngoài ra, ở những chỗ khác nhau có thể người ta cho thêm các gia vị, thành phần khác nữa. Món bánh tráng trộn nghe tưởng chừng đơn giản nhưng có thể làm cho người ta “nghiện”, đặc biệt là giới trẻ. Đây chính là món đặc sản ngon “khó cưỡng” ở Sài Gòn.
2. Cơm tấm
Với nhiều người, cơm tấm được xem là đặc sản của Sài Gòn. Ở Sài Gòn, người ta có thể ăn cơm tấm vào buổi sáng, buổi trưa, buổi chiều, buổi tối. Và khi tham quan Sài Gòn, du khách có thể dễ dàng tìm thấy một quán cơm tấm, bình dân vỉa hè có, hàng quán đàng hoàng có, nhà hàng sang trọng có. Nói như vậy để thấy sự có mặt vô cùng “thường trực” của món cơm tấm ở Sài Gòn. Và hầu như ai sống ở Sài Gòn cũng ít nhất một vài tuần thưởng thức món cơm tấm.
Cơm tấm - Ảnh sưu tầm
Một dĩa cơm tấm thông thường gồm có cơm trắng, sườn, bì, chả, trứng ốp-la trong đó món sườn nướng được xem là món “đinh” của cơm tấm. Sườn được tẩm ướp gia vị đậm đà, để cho thấm và nướng trên bếp than ngay tại quán. Cơm tấm luôn được điểm tô chút mỡ hành lá hoặc tóp mỡ. Dĩa cơm tấm mang ra cho khách thường có rau đồ chua ăn kèm và một chén nước mắm chua ngọt. Cơm tấm Sài Gòn làm nên vị trí riêng cho mình trong vô số các món ăn ở đây. Vì vậy khi nhắc đến đặc sản Sài Gòn, cơm tấm luôn nằm trong Top những món ngon Sài Gòn được nhiều người yêu thích.
3. Bột chiên
Bạn đã thử món bột chiên ở Sài Gòn chưa? Nếu chưa, hãy một lần thử món ăn này để khám phá vị thơm ngon của nó. Món bột chiên ở Sài Gòn được làm từ nguồn nguyên liệu chính là bột. Bột chiên được làm từ bột mì và bột năng, trộn chút dầu ăn sau đó đem đun nhỏ lửa cho săn chắc. Bột chiên được nhào sẵn, cáng thành miếng vuông, sau đó cắt thành những khoanh nhỏ hình chữ nhật hoặc hình vuông để vừa miệng ăn. Những miếng bột này được chiên trên chảo gang thật nóng cho giòn, chín đều các mặt sau đó cho thêm trứng gà vào. Rắc chút hành lá xắt khúc lên trên là đã có một dĩa bột chiên thơm lừng.
Bột chiên
Bột chiên ăn kèm với đu đủ xắt sợi mỏng làm chua. Nước chấm của món ăn này là nước tương pha ớt. Để món ăn thêm tuyệt hảo thì thực khách nên cho vào đĩa bột chiên một ít tương ớt. Vi vu khám phá ẩm thực Sài Gòn mà bỏ qua món bột chiên thì xem như vẫn còn chưa trọn vẹn. Bột chiên được cho là món ăn của người Hoa nhưng ở Sài Gòn, hương vị của món ăn này được biến tấu cho hợp với văn hóa ẩm thực và khẩu vị của người Việt. Bột chiên trở thành món ăn vặt của nhiều người ở Sài Gòn.
4. Phá lấu
Phá lấu, cái tên đủ để biết món này có gốc gác từ đâu. Theo như tìm hiểu của người viết thì phá lấu là món ăn của người Hoa, cụ thể là người Tiều (Triều Châu). Lâu dần, khi người Hoa sinh sống ở đây và món phá lấu “gia nhập” vào làng ẩm thực Sài Gòn như một món ăn vặt yêu thích của một bộ phận người Việt. Dưới sự thay đổi, biến tấu trong cách chế biến, món phá lấu dù có khác biệt vẫn giữ được hương vị và nguyên liệu cơ bản của món nó.
Phá lấu
Nguyên liệu để nấu món ăn này là phần nội tạng của bò heo hoặc dê, gồm lòng, bao tử, gan… Tùy vào cách nấu của từng người mà các gia vị nêm nếm cũng khác nhau nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của món phá lấu. Chén phá lấu thường đi kèm với rau răm chấm cùng nước mắm me chua ngọt. Ăn kèm với món phá lấu còn có bánh mì.
5. Gỏi khô bò
Nhắc đến danh sách các món ăn chơi hay các món ăn vặt Sài Gòn mà thiếu món gỏi khô bò là điều thiếu sót. Đây là món khoái khẩu của nhiều thực khách, đặc biệt là các thực khách trẻ. Gỏi khô bò khá đơn giản, dễ làm, dễ ăn nên đã trở thành một trong những món ăn vặt thần thánh của các “thánh ăn vặt”. Gỏi khô bò có thể mua ăn tại chỗ hoặc mua mang đi. Hiện nay, món ăn vặt này được nhiều thực khách đặt online, mang giao đến tận nơi để thưởng thức. Vị chua ngọt của nước chấm, vị béo bùi của gan hòa cùng sự giòn dai của đu đủ sẽ đánh thức tất cả các giác quan của thực khách.
Gỏi khô bò
Thành phần để làm nên món khô bò gồm đu đủ xanh, khô bò, gan bò khô, rau thơm, đậu phộng, giấm, ớt... Tùy vào bí quyết làm của mỗi người mà gỏi khô bò có ngon hay không. Cách làm giản đơn như sau: Gỏi xanh xắt mỏng thành sợi, rửa sạch, ngâm với nước vôi ăn trầu khoảng 15 phút cho giòn. Vớt ra để cho ráo nước. Khô bò xé sợi mỏng, tẩm ướp thêm gia vị. Gan khô bò cũng xắt mỏng thành lát nhỏ dễ ăn rồi tẩm ướp gia vị. Có thể chiên lại gan khô bò cho chín. Gỏi khô bò ăn kèm với nước chấm chua ngọt. Món này có thể ăn kèm với bánh phồng tôm. Khi ăn rưới chút tương ớt lên trên gỏi, bẻ miếng bánh phồng tôm và cho một đũa gỏi vào miệng. Tất cả ngon “quên trời quên đất”. Chính vì vậy mà món này đã “đốn tim” không biết bao nhiêu thực khách.
6. Bánh tráng nướng
Sài Gòn có đặc sản bánh tráng nướng có chi là lạ? Bạn không cần phải lên tới Đà Lạt xa xôi mới có thể thưởng thức được món bánh tráng nướng Đà Lạt mà ngay tại Sài Gòn, bạn cũng đã có thể thưởng thức món ăn vặt này một cách ngon lành nhất. Bánh tráng nướng cũng được xếp vào trong danh sách các món ăn vặt được ưa chuộng ở Sài Gòn hay là một trong những món ăn đặc sản ngon “khó cưỡng” ở Sài Gòn. Cứ nghe mùi thơm nức mũi của món bánh tráng nướng thì nhiều thực khách “cầm lòng không đặng”. Khỏi phải nói, mùi thơm của món bánh tráng nướng “khó cưỡng” đến mức nào, đặc biệt là những ngày Sài Gòn trở gió, se se lạnh.
Bánh tráng nướng
Để làm món bánh tráng nướng Đà Lạt hay còn được gọi là “pizza Việt Nam” người ta chuẩn bị các nguyên liệu như sau: bánh tráng, trứng cút, sa tế, mắm ruốc, hành lá, sả, hành tím. Ngoài ra các gia vị đi kèm để làm nên món bánh tráng nướng gồm có tương ớt, nước xốt mayonnaise, hạt mè, dầu ăn, tương cà… Đặt miếng bánh tráng lên vỉ để trên bếp than hồng sau đó cho các nguyên liệu lên trên và tráng đều ra. Chú ý trước khi nướng, người làm đã phi hành tím và sả cho thơm. Tùy vào cách gia trộn gia vị của từng người mà món bánh tráng nướng có trở nên hấp dẫn hay không. Bánh tráng nướng vừa ngon là chín đều và không quá cháy. Ăn miếng bánh tráng nướng Sài Gòn, uống ly trà sữa nữa thì “tuyệt cú mèo”.
7. Gỏi cuốn
Nói gỏi cuốn là món ngon hay đặc sản Sài Gòn cũng không có gì là… quá đáng. Bởi lẽ, món ăn này, hầu như từ lớn đến bé, từ học sinh đến nhân viên văn phòng… nếu đã ở Sài Gòn chắc chắn một lần từng thử qua. Món gỏi cuốn là món ăn chơi nhưng là no thật. Đặc biệt, món gỏi cuốn rất dễ tìm ở Sài Gòn. Nó có thể xuất hiện trong tủ kính của các xe bán hàng rong, có thể nằm trong tủ của các quán lề đường vỉa hè, trong tủ kính của các quán ăn bình dân hay trong những quán ăn, nhà hàng máy lạnh sang trọng. Nếu có cuộc thi về “món ăn phổ biến nhất ở Sài Gòn” thì có thể “gỏi cuốn” sẽ nằm ở ngôi vị cao nhất.
Gỏi cuốn
Không quá khó khăn để có thể có một chiếc gỏi cuốn ngon. Nguyên liệu làm gồm bánh tráng mỏng (dùng để cuốn), bún, thịt ba chỉ, tôm luộc, giá, củ sắn hoặc củ cà rốt xắt nhỏ sợi dài… Tất cả nằm gói gọn vừa vặn trong chiếc bánh tráng. Gỏi cuốn được ăn kèm với nước chấm là mắm nêm hoặc nước mắm ngọt hay nước tương đậu phộng. Ngày nay, món gỏi cuốn Sài Gòn được người bán biến tấu ở phần nguyên liệu sao cho bắt mắt, dễ ăn. Họ có thể cho thêm trứng cút luộc, thịt bò, nem nướng vào trong “phần ruột” của gỏi cuốn. Ngoài ra, để tạo hình bắt mắt, họ có thể thay cà rốt bằng bắp cải tím. Dù biến tấu thế nào thì món gỏi cuốn cũng giữ được vị trí trong lòng thực khách. Món ăn này trở thành một trong những món ăn đặc sản ngon khó cưỡng ở Sài Gòn.
8. Súp cua
Súp là món ăn vặt thường được nhắc tới tên trong danh sách các món ăn đường phố Sài Gòn. Đây là món ăn được ưa chuộng, nhất là trẻ nhỏ. Bất kể trời nóng hay lạnh, khi nhìn thấy một chén súp nóng hổi thơm ngon trước mặt, chắc chắn không ai có thể cưỡng nổi. Súp là món ăn chơi nhưng sẽ no nếu thực khách ăn nhiều. Mùi thơm của tiêu, mùi thơm của rau ngò, của cua và tổng hợp nhiều gia vị sẽ “đánh thức” khứu giác của bạn. Với những ai lỡ ghiền món ăn này thì mỗi lần thưởng thức phải ít nhất 2 chén mới đã.
Súp cua
Món súp cua nóng hổi “vừa thổi vừa ăn” sẽ tăng thêm độ ngon nếu thực khách cho thêm chút ớt sa tế, dầu mè. Thành phần của món súp cua thường có là óc heo, trứng cút, thanh cua, nấm đông cô… Nhiều người cầu kỳ còn ăn súp cùng với bộ lòng gà, trứng bắc thảo, chân gà, xí quách… Vào những ngày mưa Sài Gòn mà có chén súp cua nóng hổi thơm ngon trước mặt thì còn gì bằng. Ở Sài Gòn người ta có thể ăn súp cua vào buổi sáng, buổi trưa, buổi xế hay buổi tối. Cứ hễ đói thì nghĩ đến súp cua, một số tín đồ của món ăn vặt này nói vậy. Nếu có cơ hội đi du lịch Sài Gòn, trong hành trình khám phá ẩm thực, du khách nhớ đừng bỏ qua món súp cua nhé.
9. Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ - Doner Kebab
Bánh mì là món ăn vặt đường phố rất phổ biến ở Việt Nam. Hầu như ở vùng miền nào trên đất nước Việt Nam du khách cũng có thể tìm thấy món bánh mì. Tùy vùng miền mà “ruột” bánh mì có điểm khác nhau nhưng chung quy lại vẫn là món ăn nhanh, dễ tìm dễ mua, dễ ăn và… khó đói vì món này ăn vào no lâu. Ở Sài Gòn, có chỗ bán bánh mì người ta phải xếp hàng dài và đợi vài chục phút mới có thể mua được bánh mì. Và, một biến tấu rất dễ thương của làng bánh mì đó là sự xuất hiện của bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ.
Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ
Khác với ổ bánh mì chúng ta thường thấy, bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ có hình tam giác, dẹp, mỏng, bên trong hầu như “không có ruột”. Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ khi cắt ra từng miếng ăn giống như những miếng bánh pizza rời rạc. Người bán sẽ cho bánh mì vào khuôn và nướng giòn sau đó bỏ các món vào bên trong như thịt heo, rau bắp cải tím, bắp cải trắng (xắt mỏng), xốt mayonnaise… Tùy nơi mà mỗi người có cách chế biến cho phần nguyên liệu bỏ vào “ruột” bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nhìn chung là các thành phần giống như ổ bánh mì Việt thông thường. Du lịch Sài Gòn, du khách có thể nhìn thấy những xe bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ với phần thịt nướng xoay quanh trục nằm trong tủ bánh sẽ thấy “hiếu kỳ” và muốn thử. Bánh mì Thổ Nhĩ Kỳ cũng là đặc sản Sài Gòn mà Viet Fun muốn giới thiệu đến du khách.
10. Bánh canh cua
Chỉ với thịt cua, người ta có thể làm ra nhiều món ăn trong đó có món bánh canh cua trứ danh ở đất Sài Gòn. Trong “bản đồ ẩm thực Sài Gòn” người ta không thể không nhắc tới món bánh canh cua thơm ngon được bán rất nhiều ở Sài Gòn từ hàng quán bình dân đến sang trọng. Người ta có thể tìm thấy tô bánh canh cua với giá 30.000 đồng và cũng có thể thấy một tô bánh canh có giá gấp 10 lần như vậy. Người ta có thể tìm thấy tô bánh canh cua chỉ có thanh cua, thịt cua và cũng có thể tìm thấy được tô bánh canh cua có nguyên cả con cua. Đây là nét đặc sắc của món bánh canh cua. Với những người “nghiện” món ăn này thì có thể thưởng thức nó vào buổi sáng, buổi trưa, buổi xế, buổi chiều, buổi tối…
Bánh canh cua
Giống như một tô bánh canh thông thường, bánh canh cua ngoài cua còn có trứng cút, chả tôm, huyết, tôm, thịt nạc. Ngoài ra, có chỗ còn cho thêm sò điệp, bánh quẩy, mực, nấm… Một tô bánh canh cua nóng hổi thêm ngon không thể thiếu “topping” là hành lá xắt nhỏ và tiêu bột. Nước mắm chua ngọt thường đi kèm với tô bánh canh để thêm vị thêm đậm đà. Vắt miếng chanh vào tô bánh canh, cho thêm chút ớt tương vào tô và khuấy đều, khách có thể thưởng thức một lần 2 tô nếu còn thấy “chưa đã”. Món bánh canh cua chính là một trong những đặc sản ngon không thể cưỡng nổi ở Sài Gòn.
11. Ốc Sài Gòn
Đừng tưởng Sài Gòn “xa” biển mà không có những món ốc tươi ngon như ở Vũng Tàu, Nha Trang hay Long Hải… Ốc Sài Gòn nổi tiếng thơm ngon nhờ vào cách chế biến độc đáo. Ở các quán ốc Sài Gòn, chỉ mỗi một món ốc thôi người ta có thể chế biến đủ các món ví dụ như ốc xốt me, ốc rang muối, ốc hấp sả, ốc xào dừa, ốc chấy tỏi, ốc luộc, ốc chiên bơ, ốc nướng mỡ hành, ốc xào rau muống… Thực khách chỉ cần ngồi vào quán là sẽ được đưa “menu” ốc hoa-cả-mắt. Từng loại ốc có từng loại nước chấm ăn kèm tương ứng ví dụ muối tiêu chanh, nước mắm chua ngọt, nước mắm ngọt dẻo… Ngồi trên bàn trước mặt là các món ốc thơm ngon thì người viết tin chắc không thực khách nào có thể cưỡng lại nổi.
Ốc hấp sả
Muốn thưởng thức ốc Sài Gòn ngon du khách nên tìm đến một vài địa chỉ uy tín. Ở Sài Gòn, người ta thường kéo đến phố ẩm thực ở quận 4 mà thưởng thức ốc. Con đường Vĩnh Khánh quận 4 tập trung rất nhiều quán ốc ngon nổi tiếng. Vì vậy mà khi đi du lịch Sài Gòn, nếu là tín đồ của các món ốc thì du khách đừng nên bỏ lỡ cơ hội đến con đường này. Đây cũng là một trong những món ăn đặc sản ngon khó cưỡng ở Sài Gòn mà Viet Fun muốn giới thiệu đến Quý khách.
Trên đây là một số món ăn đặc sản ở Sài Gòn mà Viet Fun muốn chia sẻ đến bạn đọc và du khách phương xa khi có ý định khám phá ẩm thực Sài Gòn. Chắc chắn danh sách này sẽ còn dài hơn nữa. Và trong các bài viết khác, Viet Fun sẽ tiếp tục thông tin đến Quý vị.
Viet Fun Travel tổng hợp
Những điều cần biết khi đi du lịch bụi Hội An bằng xe máy vào dịp tết
Hội An không chỉ nổi tiếng với những khu phố cổ yên bình, ẩm thực phong phú và con người thân thiện mà còn có rất nhiều khách sạn giá rẻ độc đáo không hề kém Sapa hay Đà Lạt. Những điều cần biết khi đi du lịch bụi Hội An bằng xe máy vào dịp Tết xin giới thiệu đến du khách một vài khách sạn ở phố cổ ...
Ly kỳ những sự tích ở Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội
Hồ Hoàn Kiếm từ lâu đã trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách mỗi khi đi du lịch Hà Nội. Bên cạnh khung cảnh bình yên cùng nhiều công trình kiến trúc, di tích lịch sử, câu chuyện ly kỳ những sự tích ở Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội cũng rất hấp dẫn.
Địa Chỉ Tòa Nhà Bitexco Ở Đâu?
Tham quan Sài Gòn, du khách sẽ có dịp chiêm ngưỡng nhiều tòa nhà cao tầng, nhiều khu cao ốc hiện đại, sang trọng. Trong số đó, tòa nhà Bitexco Financial là tòa nhà cao nhất Sài Gòn và cao thứ ba ở Việt Nam (sau tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower và Lotte Center Hà Nội). Hãy cùng Viet Fun Travel ...
Cầu sông hàn nằm ở đâu và có gì đặc biệt thu hút khách du lịch?
Đà Nẵng, nơi được mệnh danh là thành phố của những cây cầu. Đây là nơi mà những cây cầu đều là niềm tự hào của người dân Đà Nẵng. Mỗi cây cầu ở đây đều mang trong mình những vẻ đẹp rất quyến rũ và riêng biệt. Và khi nhắc đến Đà Nẵng thì không thể không nhắc đến cầu sông Hàn - cây cầu quay đầu tiên ...
Bí quyết khi đi du lịch Phú Quốc tự túc vào cuối tuần
Vào các dịp cuối tuần, địa điểm du lịch nổi tiếng Phú Quốc thường có đông khách đến tham quan. Chính vì thế giá cả các dịch vụ tăng cao hơn so với các ngày trong tuần. Do đó, nhiều du khách muốn đặt phòng khách sạn trước khi đến Phú Quốc để được hưởng mức giá phải chăng. Tuy nhiên, điều này quả ...