- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Khi chiếc khẩu trang Việt gây ... ''tò mò'' nơi đất khách
Với tôi, chiếc khẩu trang là vật bất ly thân mỗi khi đi đường Hà Nội. Thế nhưng, khi tôi đeo vật bất ly thân ấy ở Thụy Điển lại làm cho không ít người ngạc nhiên... chỉ đơn giản vì họ chưa từng phải sử dụng khẩu trang để tránh bụi bao giờ.
Sau chặng đường bay dài từ Nội Bài, chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Arlanda, Stockholm, vào khoảng 7h sáng. Đây là lần đầu tiên tôi đến thăm đất nước Bắc Âu xinh đẹp này dù đã đọc khá nhiều thông tin về Thụy Điển qua báo chí.
Vẻ thanh bình của thành phố Uppsala. Ảnh: Nam Hằng |
"Thu hút" sự chú ý nhờ... chiếc khẩu trang
Vốn bị chứng say tàu xe từ thời còn sinh viên, lại cộng thêm bệnh viêm mũi dị ứng, tôi đã chuẩn bị sẵn chiếc khẩu trang trong túi áo khoác vì chuyến đi này tôi sẽ phải di chuyển nhiều. Sau khi xuống máy bay, tôi nhanh chóng đeo chiếc khẩu trang vì khổ nỗi cứ có mùi lạ hay thay đổi thời tiết đột ngột, cái mũi tôi lại dễ dở chứng, xổ một tràng hắt xì hơi dài dằng dặc. Nhiều lúc đến phát ngại!
Bác tài xế taxi đợi tôi ở sân bay với tấm biển mang tên đơn vị tổ chức chuyến đi, vì thế tôi nhận ra ngay. Bỏ chiếc khẩu trang, tôi chào bác, bác cũng chào tôi với nụ cười thân thiện rồi tỏ vẻ ngạc nhiên với chiếc khẩu trang. "Làm sao cháu phải đeo khẩu trang thế, hay là sợ bị bụi. Ở Thụy Điển, mọi người không đeo khẩu trang khi ra đường đâu vì không khí ở đây thì yên tâm rồi", bác hỏi.
Tôi đáp lời bác, giải thích cả lý do chủ quan và khách quan, rồi bác nói vui rằng, chắc chỉ sau vài ngày ở Thụy Điển, tôi sẽ thấy không cần phải dùng khẩu trang nữa.
Sáng hôm sau, đoàn chúng tôi ra nhà ga trung tâm Stockholm để đi tàu tới thành phố Uppsala. Nhà ga vào buổi sáng khá đông đúc nhưng vẫn trật tự, người người xếp hàng mua vé tàu để đi làm, đi công tác....Tôi biết cái mũi sắp "biểu tình" vì cái mùi quen thuộc của các nhà ga, bến xe mà tôi vẫn chưa thể thích nghi nên đành lấy "vật bất ly thân" ra.
Lúc đó, một anh người Thụy Điển thuộc đơn vị tổ chức chuyến đi bỗng lại gần hỏi han xem tôi ổn không hay cảm thấy không khí ô nhiễm mà phải "che mũi" thế. Tôi biết anh đang ngạc nhiên...
Chiếc tàu điện dừng tại nhà ga thành phố Uppsala, đoàn chúng tôi đi bộ qua nhiều đường phố trước khi tới thăm trường Đại học Uppsala. Quan sát trên đường, tôi không thấy ai như mình cả vì chẳng có lý do gì họ phải "che chắn" bằng khẩu trang nếu không có vấn đề cá nhân như tôi. Đường phố thông thoáng sạch sẽ, nhìn đâu cũng thấy những chiếc xe đạp dựng theo hàng ngay ngắn mà không cần người trông. Nhiều người thanh thản vừa đi vừa nghe nhạc, uống cà phê; những ông bố đẩy xe nôi hay dắt con trên đường phố...
Chuyến công tác kết thúc tại thành phố Lund vào buổi chiều khá sớm nên tôi có chút thời gian thăm thú nơi đây. Ghé vào một siêu thị, tôi gặp anh David Loughnane đang đưa hai con đi mua sắm khi bà xã bận việc nhà. Tôi cũng hỏi anh có ngạc nhiên không khi thấy một người đeo khẩu trang tại Thụy Điển.
Anh David dẫn 2 con đi siêu thị mua sắm. Ảnh: Nam Hằng |
Anh chia sẻ chân tình: "Tôi là người Phần Lan nhưng sống tại Lund và hiện đang làm cho một công ty ở Copenhagen. Chưa bao giờ tôi đeo khẩu trang khi ra đường và cũng chưa từng thấy bất kỳ ai ở 2 thành phố này phải làm như vậy. Nhưng nếu ở những nơi giao thông đông đúc và ô nhiễm không khí thì đeo khẩu trang lại rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe".
Mua khẩu trang như ở Việt Nam không dễ
Trò chuyện với tôi, chị Anna Ramsten, cán bộ phòng quan hệ quốc tế của trường Đại học Lund, cho biết, lớn lên tại Thụy Điển, chị chưa bao giờ phải đeo khẩu trang và cũng chưa từng thấy ai ở đây phải làm như vậy. Lần đầu tiên chị dùng khẩu trang là trong chuyến công tác tới Bangkok mấy năm trước...
"Thụy Điển có những đường dành riêng để đi bộ và xe đạp, vì thế cùng với phương tiện công cộng, xe đạp là phương tiện đi lại phổ biến hơn là xe máy hay ô tô. Phần lớn học sinh, sinh viên cũng đạp xe tới trường", chị Anna nói.
Thụy Điển áp dụng nhiều sáng kiến để giảm thiểu ô nhiễm không khí như sử dụng nhiên liệu sinh học thân thiện với môi trường hay biến thức ăn thừa của các hộ gia đình thành nhiên liệu cho xe buýt...
Anna cho biết, ở Thụy Điển, cô chưa từng phải đeo khẩu trang để tránh bị ô nhiễm không khí |
Dân số của Thụy Điển ít hơn nhiều so với dân số Việt Nam, trong khi diện tích thì lớn hơn, do vậy áp lực về giao thông và môi trường cũng sẽ đỡ hơn. Từ trước đến nay, người dân Thụy Điển không phải đeo khẩu trang vì lo ngại ô nhiễm không khí và chị tin rằng tương lai cũng vậy, Anna nói.
Khi nhắc đến chiếc khẩu trang ở Thụy Điển, Anna chỉ thường liên tưởng tới hình ảnh các bác sĩ làm phẫu thuật hay công nhân trên công trường xây dựng... Còn nếu thấy ai đeo trên đường phố, Anna sẽ nghĩ đến khả năng họ bị cúm hay bệnh hô hấp nào đó hoặc là họ muốn bảo vệ mình khỏi nguy cơ nhiễm bệnh.
Tôi hỏi Anna xem có dễ mua khẩu trang ở Thụy Điển không, chị bảo tôi rằng, nếu mua khẩu trang chuyên dụng trong y tế hay để làm việc tại các công trình xây dựng... thì đơn giản thôi, nhưng tìm loại khẩu trang thông thường như của tôi, hay những chiếc khẩu trang có hình chú mèo Kitty xinh xắn, những họa tiết trang trí sinh động thì không dễ vì đơn giản là không có cầu thì sẽ khó có cung.
Rõ ràng là người Thụy Điển chẳng có lý do gì để đeo khẩu trang vì lo ô nhiễm không khí và nếu không bị vướng cái mũi "ẩm ương" và chứng dị ứng mùi tàu xe khó chữa thì tôi cũng cứ vô tư "mặt trần" ngắm xứ Bắc Âu này!
Theo Dantri