Chúng tôi đặt chân đến Cần Giờ sau khoảng một tiếng rưỡi xuất phát từ nội thành Sài Gòn. Giữa cái nóng như lửa đốt thế này, được ngồi cạnh biển, nghe gió thổi ào ào khiến người ta có cảm giác thật thư giãn.
|
Nghỉ trưa chờ đò cạnh bờ biển |
|
Tàu đánh cá |
Ghe tới đảo có 4 chuyến chính là 6h, 12h từ đất liền và ngược lại 14h và 17h chiều từ đảo về. Giá mỗi lượt đi là 10.000đ đồng. Nhìn chiếc ghe bằng gỗ đơn sơ, mộc mạc ấy, tôi bỗng nhớ hơn 10 năm rồi không bước lên chiếc thuyền nào kiểu này, rất chợ búa, rất dân dã, tiếng máy dầu bùm bùm kêu cành cạch, cảnh bà con ngồi trong thuyền nhìn sao chân quê quá.
Mất khoảng 45 phút đến một tiếng để đi ra đảo, mùa này các anh trên thuyền nói là mùa sóng lớn. Mà đúng là lớn thật, ngồi được một lát thì “anh hổ giấy” trong nhóm say sóng chịu không nổi đành vào nhà vệ sinh của ghe để… ói. Những người còn lại thì mệt phờ và nằm lăn quay ra ngủ ngay dưới sàn. Chỉ còn tôi và một anh khác ngồi ngắm cảnh mà cứ vài phút là sóng mạnh quánh văng nước tung tóe lên cả người, cảm giác thật là thú vị.
|
Góc phố nhỏ yên ắng thanh bình |
Cả đám đến đảo lúc tầm 13h hơn. Đường đi trên khu dân cư giống như những con hẻm nhỏ trong phố Sài Gòn, nhìn đìu hiu, gió biển cứ thổi, nắng thì ngày càng nực hơn, ai nấy đều mệt mỏi đi bộ nhìn ngó lung tung mong ngóng một chốn dung thân. Bỗng lúc đó một bác xe ôm chạy tới hỏi han: “Tụi con đi đâu vậy? Sao nhìn lơ ngơ quá, đi đâu bác chở đi”, bác còn nói: “Ở đây không có nhà trọ, khách sạn, cũng gần như không có quán ăn, chợ chỉ có buổi sáng, hay mấy đứa đi ra biển hả? Leo lên, cứ leo lên, tui chở đi cho, leo lên. Y như rằng, cái tâm lý nghi ngờ nó bay trong đầu tôi ra, tôi nhìn bác với ánh mắt hoài nghi cùng câu hỏi: “Bác lấy bao nhiêu, mà bác chở con đi đâu, xa không, tụi con lần đầu tới đây, không biết gì ở đây hết?”. Cái thái độ dè chừng bị hình thành bởi môi trường sống bây giờ, khi mỗi ngày qua đi, chúng ta đang dần đánh mất lòng tin nơi con người, riết đi đâu cũng sợ sệt, đề phòng, công thủ trước sau. Nhưng đáp lại tôi bằng chất giọng chất phát, hiền lành, bác nói: “Tôi thấy mấy cháu mệt rồi, ở đây không có gì ngoài biển hết á, tôi thấy giờ nóng nực, oi bức, thôi tôi chở về nhà tôi rồi mấy cháu nghỉ ngơi luôn đi, ngay sau nhà tui là biển luôn, tôi lấy 5 nghìn một người thôi. Thằng bạn đi cùng nhóm lấy tay đánh tôi một phát rồi nói: “Dân đây không phải như Nguyên nghĩ đâu”. Tôi giật mình vì lời nói đó.
|
Đi chợ phải lựa hải sản như thế này |
Cả đám leo lên mấy chiếc xe, chạy ra nhà bác xe ôm mời chào lúc đầu. Quẹo được vài khúc cua trên con đường nhỏ, chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà kèm tấm bảng “Nhà tình thương” trước cửa. Bác mở cửa mời cả đám vào nhà, gọi vợ bác ra tiếp rồi nói: “Giờ tôi chở ai ra ghe nhe, có vài cái mới đi đánh về luôn. Cá, mực, ghẹ không phải tươi mà là sống luôn đó. Mua gì về đây tôi nói bả nấu nướng ăn uống rồi ở nhà tôi nghỉ ngơi cho thoải mái rồi ra biển chơi, mấy cháu cho tôi mấy chục tiền công thôi”. Cả đám lúc đó thật sự thấy bất ngờ trước sự nhiệt tình đó của bác. Trước đó 5 phút, chúng tôi còn không biết phải làm sao, đi đâu, ở đâu, ăn gì, làm gì ở cái xứ khỉ ho cò gáy này thì bây giờ tôi đã có một khách sạn 5 sao đúng nghĩa. Một khách sạn đem lại cho tôi những thứ tôi thật sự cần lúc này.
|
Bữa trưa |
|
Bạch tuộc – lúc chưa bị nướng |
Cảnh những đứa trẻ con bắn bi, thả diều, nô đùa trước ngõ hay đàn gà chạy lon ton bên cạnh nhà, cái võng lưới cũ rách đong đưa cạnh cái quạt điện cũ kỹ lúc chạy, lúc tắt do cúp điện, nhà cửa thì trống không nhưng tình người với nhau thì đầy ắp. Tôi cởi trần ngồi trên sàn nhà vừa ăn mấy quả sơ ri vừa suy nghĩ vẩn vơ thì hai bạn trong nhóm “đi chợ” về. Cái gì cũng còn sống tươi, bò lúc nhúc nào ghẹ, nào bạch tuộc, nào tôm cá... Ngồi tính nhẩm cái đống này trong nhà hàng không dưới vài triệu. Thế là cái gì đến cũng đến, 15h, đồ ăn mọi người cùng làm đã xong, cả đám ngồi hì hục ăn một cách ngon lành. Có đứa bảo: Ăn ghẹ mỏi cả miệng, mỗi đứa 5, 6 con loại nhất, ăn nó sướng mồm gì đâu. Ăn một hồi vẫn không thể hết được cái đống ghẹ tôm đó. Tiếc là nhà bác xe ôm ngại hay do ăn trưa rồi mà nhất quyết không ngồi ăn chung dù lúc đầu chúng tôi cố tình mua nhiều để mọi người cùng ăn.
|
Con đê dọc theo đảo |
Tầm 16h chiều, chúng tôi ra con đê chạy dọc đảo, một khung cảnh không thể nào tuyệt đẹp hơn, gió lồng lộng thổi, sóng nhẹ nhàng vỗ vào, con đê thì dài xa tít, chạy uốn lượn quanh đảo. Những đứa nhỏ thì cùng nhau chạy lon ton thả diều. Ngắm trời và biển, lúc đấy, chúng tôi thấy lòng mình nhẹ nhàng vô cùng, bao nhiêu mệt mỏi hoàn toàn biến mất, mọi người vừa thả hồn vào gió, vừa vui cười, trò chuyện và chụp ảnh.
Do ghe bị hỏng nên không có chuyến về lúc 17h, nhiều khả năng chúng tôi phải ở lại đây qua đêm. Đứa nào đứa đó há hốc mồm vì ngày mai là thứ hai với bao nhiêu công việc. Cuối cùng, dù thật sự muốn ở lại nhưng chúng tôi đã phải “chơi sang”, thuê nguyên ghe lớn để về đất liền với giá không hề dễ chịu. Cả đám tranh thủ biếu bác chủ nhà chút tiền, cám ơn rối rít rồi lật đật gom đồ chạy ra ghe đậu ngoài cầu tre cách đó mấy trăm mét. Lần đầu tiên đi qua cầu tre tự chế nối giữa nhà ngư dân với thuyền neo đậu của họ mà chỉ sợ bị rớt xuống biển giữa chừng… Lúc đến bờ, cả đám vội vã leo lên xe đi về Sài Gòn, kết thúc chuyến đi bụi thật sự nhớ đời với nhiều kỷ niệm.
|
Tạm biệt Đảo Thạnh An |
|
Đi ké tàu đánh cá về Cần Giờ |
|
Đến Cần Giờ cũng là hoàng hôn |
Nguyen Tran