- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Chuyến đi thần tốc tới đảo Long Sơn
Sáng hôm đó, anh Cảnh hàng xóm ghé qua nhà cùng tôi ăn sáng, uống café và đàm đạo về các nơi đã đi qua. Một hồi trò chuyện về các chuyến viễn du qua lời kể của Cảnh có lẽ chưa đủ nên tôi và KuTUG cùng đi qua nhà anh để xem hiện vật và hình ảnh của những chuyến đi đó.
Đứng trong gara, ngắm những chiến mã đã đồng hành với anh bạn qua những chuyến viễn du, KuTUG không ngớt xuýt xoa chiếc xe cub cổ. Còn tôi, mặc dù đã nhiều lần đến chơi nhà Cảnh nhưng lần nào đứng trước chiếc Sidercar của anh ấy, tôi cũng vẫn bị cuốn hút một cách kỳ lạ. Trong khi ngắm nhìn những chiến mã và kho ảnh trong giai điệu du dương, nhẹ nhàng của dòng nhạc New Age thì câu chuyện của chúng tôi vẫn xoay quanh chủ đề về những chuyến du lịch khám phá mà bạn tôi đã trải qua. Càng lúc, câu chuyện càng trở nên sôi nổi, cuốn hút hơn qua những hình ảnh mà bạn tôi đã chụp được trong các chuyến đi đó.
Địa điểm tập kết đi Long Sơn |
Bất chợt, Cảnh hỏi tôi “Mày đi đảo Long Sơn chưa?”, tôi ngớ người ra rồi hỏi “Nó ở đâu?” thì anh bạn cười khẩy rồi bắt đầu giới thiệu về đảo Long Sơn. Sau khi nghe qua, tôi thấy nó cười cũng đúng thôi vì đảo Long Sơn thuộc Bà Rịa cách Vũng Tàu khoảng 12 km, là dân du lịch bụi đã nhiều lần đi qua mà tôi không biết về đảo Long Sơn thì thật là đáng tiếc. Vì vậy, trong lúc vừa nghe vừa xem những tấm ảnh mà anh bạn chụp được trong chuyến đi Long Sơn thì trong đầu tôi đã bắt đầu lên lịch trình cho chuyến đi này. Vì thế, sau khi rời nhà anh bạn, tôi và KuTUG đã quyết định sẽ gọi điện cho các thành viên nhóm Windpro thông báo kế hoạch đi Long Sơn với dự định sẽ xuất phát vào lúc 20h30 tối hôm ấy.
Chúng tôi cũng tập hợp cấp tốc được một team gồm 6 thành viên cho chuyến đi vào lúc 12h đêm. Chúng tôi hẹn nhau sẽ tập trung tại cửa Đông chợ Bến Thành vào sáng chủ nhật và sẽ khởi hành đi Long Sơn lúc 6h30.
Long Sơn thẳng tiến
Từ Sài Gòn đến Long Sơn có hai hướng đi. Hướng thứ nhất là ra khỏi thành phố Hồ Chí Minh, các bạn đi theo quốc lộ 51, đường đi này khá xấu và bụi bặm, xe cộ đông đúc lại không có cảnh đẹp ven đường. Hướng thứ hai đi qua phà Thủ Thiêm theo hướng Cát Lái, rồi qua phà Cát Lái trực chỉ đến thị xã Bà Rịa. Long Sơn cách thị xã Bà Rịa khoảng chừng 35km. Vì vậy, dù bạn chọn đi theo hướng thứ nhất hay thứ hai, sau sau khi vượt qua trạm thu phí trên quốc lộ 51 đoạn ngắn vài trăm mét sẽ có một ngã ba rẽ phải để đến đảo Long Sơn.
Bản đồ chặng đường chinh phục Long Sơn |
Đều thích du sơn ngoạn thủy để ngắm phong cảnh hữu tình dọc hai bên đường đi nên chọn hướng qua phà Thủ Thiêm và Cát Lái. Hướng đi này có rất nhiều ưu điểm so với hướng thứ nhất, đó là lộ trình ngắn hơn, khá vắng xe cộ lưu thông, đường tráng nhựa mới toanh, đôi chỗ còn gập ghềnh do hư hỏng nhưng không đáng kể, một số đoạn còn rợp mát bóng cây. Tôi phát hiện loài hoa phượng, đặc biệt được trồng nhiều ven đường, chúng dường như đang cố gắng trổ đợt hoa cuối mùa nên tôi cũng cảm thấy những bông hoa như đỏ hơn, rực rỡ hơn trong buổi sáng chớm thu.
Do giao thông thuận lợi nên hơn 9 giờ sáng chúng tôi đã tới xã đảo Long Sơn.
Hình ảnh trên đường đến đền ông Trần |
Xã đảo Long Sơn lâu nay nổi tiếng bởi nét đẹp thiên nhiên, người dân Long Sơn cũng rất đỗi hiền hòa, hiếu khách, sống chủ yếu bằng nghề đi biển, làm muối. Long Sơn có diện tích 92 km2, trong đó có đến 54km2 là đất liền, còn lại là đất mặn. Xã được bao bọc bởi kênh rạch, sông biển. Xã đảo Long Sơn gồm một đảo chính nằm men theo triền của núi Nứa, đoạn cuối của dãy núi Phước Hòa đâm ra biển và đảo nhỏ là đảo Gò Găng. Tại đây có một họ đạo gọi là đạo ông Trần phát triển bền vững. Người dân theo đạo ông Trần ở Long Sơn, đàn ông vẫn mặc quần áo bà ba đen (hoặc màu sậm), phụ nữ mặc áo dài màu đen, tóc búi gọn sau gáy, thật thà, hiếu khách và vẫn còn lưu giữ những nét sinh hoạt đậm chất Nam Bộ.
Long Sơn là đất của hải sản, đặc biệt nổi tiếng với con hào. Ở Long Sơn có thú vui đặc trưng: “nhậu” trên bè. Người dân nơi đây sinh sống bằng nghề thả bè nuôi hào, tôm, cá trên sông Dinh. Một vài người dùng bè của mình làm điểm đón khách du lịch. Khách cứ đến bến ghe, nói đi ra bè nào thì có ghe chở đi ngay.
Hải sản thì vùng biển nào cũng có, nhưng mỗi nơi có món “ruột” riêng. Long Sơn ngoài món hào, còn sò huyết, con móng tay… và các loài hải sản lạ khác như con dộp. Con dộp là một trong những món đắt tiền, cân “sống” tại chỗ 50.000đ/kg, nhưng nghe đâu khi vào nhà hàng hải sản nơi khác lên đến hơn 200.000đ. Bạn có thể theo ghe đi bắt con dộp, con móng tay. Nếu cao hứng, bạn có thể nhờ dong ghe ra ngoài cửa biển, ngắm thành phố Vũng Tàu từ xa. Trên đường đi, người dân địa phương ở đây thường chỉ cho khách tạt vào bãi cát vàng để ngắm cảnh.
Đến Long Sơn, nhóm chúng tôi vào tham quan chiêm ngưỡng Nhà lớn Long Sơn hay đền ông Trần là một di tích kiến trúc quốc gia được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận từ năm 1991. Đó là một quần thể kiến trúc uy nghi gồm 3 phần là khu đền thờ, một khu quần thể các di tích nhà Long Sơn hội, trường học, chợ, nhà bảo tồn, các dãy phố và lăng mộ của ông Trần - người sáng lập ra Nhà lớn.
Nhà lớn Long Sơn do ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu, người Hà Tiên, đến đảo Long Sơn khai hoang lập nghiệp khoảng năm 1900) cho khởi công xây dựng từ năm 1910 đến 1929 thì hoàn thành. Tất cả đều nhờ tiền của và công sức tự nguyện của ông.
Vì những công trình do ông Trần tổ chức xây dựng đều nằm chung một khu vực nên nhân dân quen gọi đó là Nhà Lớn. Sau khi ông Trần qua đời và được đưa vào thờ cúng trong Nhà Lớn thì khu di tích này lại có thêm một tên gọi nữa là đền ông Trần.
Nhà lớn Long Sơn gồm nhiều nhà có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, nhưng không theo một qui hoạch tổng thể nào cả. Các nhà lầu, nhà trệt xen kẽ kế tiếp nhau, không cân đối, không trước không sau, tạo nên một bố cục kiến trúc khác lạ.
Kiến trúc đậm chất Việt |
Lúc đầu, Nhà lớn được làm bằng gỗ ván, tre nứa, nhưng sau này khi trùng tu, các con cháu và đệ tử ông Trần đã cho thay thế một phần bằng gạch ngói và xi măng.
Đến đền ông Trần, chúng tôi không chỉ được ngắm kiến trúc đẹp, lạ mà còn được tiếp đón chu đáo bởi những người theo đạo ông đến làm việc tự nguyện ở đây. Khi đến đây, chúng tôi vào gian nhà giống như nhà tiếp khách, trong gian nhà này có hai dãy cổ phản bằng gỗ để khách thăm viếng có thể nằm nghỉ ngơi, ở chính giữa là một dãy bàn với ly tách sạch sẽ, trà nước tươm tất. Chúng tôi đến bàn đăng ký tên để được hướng dẫn tham quan (đền ông Trần có những quy định khác với các đền chùa khác nên cần phải có người hướng dẫn) và cô phụ trách tiếp đón hỏi đoàn chúng tôi có dùng cơm không để báo cho nhà bếp. Chúng tôi quyết định dùng cơm chay ở đền nên nhờ cô thông báo số lượng người cho nhà bếp. Sau khi hoàn tất thủ tục ở bàn tiếp tân, chúng tôi được hướng dẫn vào thăm các khu vực thờ cúng.
Trước khi vào tham quan khu nhà thờ (nhà để thờ cúng) chúng tôi phải bỏ dép ra ngoài và không được phép chụp hình, sàn nhà sạch sẽ được lót gạch Tàu kiểu xưa rất mát. Nhóm chúng tôi có cả nam lẫn nữ nên khi bước vào gian thờ chính, cô hướng dẫn chia chúng tôi ra làm hai nhóm nam, nữ riêng biệt. Khi tìm hiều thì chúng tôi được biết ở đây vẫn còn giữ nếp phong kiến xưa, nghĩa là đàn bà, phụ nữ chỉ được đi bên hông, đằng sau nơi thờ ông Trần. Tại đây thờ tượng của Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, thờ trăm họ và thờ ông Trần cùng những người trong gia tộc họ Lê. Chỉ có đàn ông mới được vào khu chánh điện thờ và vái lạy ông Trần. Trong các gian thờ là vô số kỷ vật cổ (đa phần bằng gỗ quý).
Xưa nay, việc trông coi và giữ gìn Nhà lớn Long Sơn đều do nhân dân cùng con cháu ông Trần tự nguyện. Việc cúng lễ, quét dọn, tu sửa hằng ngày do phiên ngũ (năm người) đảm nhiệm, cứ 2 ngày thay phiên 1 lần, khi nào số lượng người tự nguyện tăng lên thì số phiên trực sẽ giảm xuống. Nhà Lớn hiện có 68 phiên với 340 người tự nguyện thực hiện, nửa năm đáo lại một lần. Ngoài những ngày trực ở nhà Lớn, những ngày không phải trực, những người tự nguyện vẫn làm những công việc khác để mưu sinh.
Hàng năm, vào ngày giỗ ông Trần (ngày 20 tháng 2 âm lịch) và ngày Tết Trùng cửu (ngày 9 tháng 9 âm lịch), Nhà lớn Long Sơn đều tổ chức lễ hội long trọng, thu hút hàng chục ngàn người gần xa (chủ yếu từ các tỉnh miền đông và miền Tây Nam Bộ) về tham dự.
Ngoài ra, mỗi độ xuân về Nhà lớn lại chuẩn bị những phần quà là sách vở, tặng cho những em học sinh nghèo hiếu học và gạo cho những hộ nghèo trong xã.
Khám phá đền Ông |
Sau khi tham quan hết các gian thờ cúng, chúng tôi được hướng dẫn xuống khu nhà bếp để dùng cơm trưa. Bàn ăn của chúng tôi đã được dọn sẵn với những món chay: Canh chua, đậu hũ xào với dưa và cà tím, và có cả mấy chén tương hột, muối tiêu. Những món chay ngon đã khiến tôi ăn liền tù tì bốn chén mặc dù đã no nhưng vẫn còn thòm thèm muốn ăn thêm.
Sau khi ăn no và nghỉ ngơi thật thoải mái tại nhà Lớn Long Sơn, chúng tôi tiếp tục chuyến hành trình đến thành phố biển Vũng Tàu. Trên đường đi, nhóm chúng tôi tranh thủ ghé vào một con đường nhỏ rẽ vào khu đầm trước đây là ruộng muối để tham quan và chụp hình. Cảnh vật hoang sơ, nhưng đẹp và có phần hoang dã. Nếu các bạn đã xem bộ phim “cây kim cương” thì cảnh vật ở đây cũng có chút gì đó giống trong bộ phim đó.
Ngẫu hứng với tham quan đầm tôm dọc đường về |
Mục tiêu cuối cùng của chuyến đi hôm đó là tắm biển và thưởng thức hải sản nên chúng tôi lại tiếp tục lên đường.
Đến Vũng Tàu lúc 2 giờ chiều, trời nắng và quá nóng không thể tắm biển hay đi dạo, cả đám đành ngồi tám chuyện rồi ngủ gà ngủ gật. Phải đợi khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ thì chúng tôi mới nhào xuống biển lặn ngụp cho thỏa thích.
Ngắm biển |
Chuyến đi này khá thú vị, chúng tôi được bổ sung thêm kiến thức, thỏa mãn được nhu cầu đi cho biết những điều mình chưa biết và được vui vẻ bên bạn bè. Đối với tôi, đó là một trong những điều hạnh phúc trong cuộc sống.
Ku DỪA