- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
18 lưu ý để có chuyến bay hoàn hảo
Tối qua, vì muốn có thêm thời gian chia sẻ chủ đề lập kế hoạch truyền thông với các bạn Đà Nẵng mà mình phải đổi từ Vietjet qua Jetstar (có chuyến bay trễ hơn 30 phút). Cuối cùng, mình lại được "khuyến mãi" delay tới 1h sáng.
Mình thấy nhiều người rất dễ nổi nóng và stress khi bị delay, nên mình tranh thủ chia sẻ với các bạn một vài kinh nghiệm để có chuyến bay như ý nhé.
1. Hãy xác định tinh thần hãng nào cũng có thể delay. Và bạn có nổi nóng hay ức chế cũng không thay đổi được tình hình nên đừng phí công vào việc bực bội hại thân như vậy.
2. Nếu có việc quan trọng, bay sớm 3-4 tiếng là giải pháp tối ưu. Đừng mua vé "chuẩn giờ", vì lý do... như lưu ý 1.
3. Nếu nhìn thấy hàng người đứng xếp hàng quá đông mà giờ bay sắp tới, hãy quan sát và "níu áo" một nhân viên bất kì của hãng, nói với họ rằng liệu bạn có bị trễ không? Họ sẽ ưu tiên bạn cắt đoàn lên check-in cho kịp chuyến.
4. Đi ra sân bay sớm làm thủ tục check-in để có chỗ ngồi phía trên, giúp bạn đỡ chóng mặt. Nếu đi Vietjet, hãy truy cập vào website của hãng trước ít nhất 8 tiếng khi bay để làm check-in online. Bạn sẽ được tự chọn chỗ ngồi mà không mất phí, tiết kiệm đến 60.000đ tiền phí.
5. Hãy cân hành lý để chắc chắn mình không mang quá cước. Đừng cầu may theo kiểu xuề xoà "chắc quá 1, 2kg sẽ không ai nói gì đâu". Nếu không có cân to, bạn hoàn toàn có thể "xé nhỏ" hành lý ra cân rồi cộng lại.
6. Hãy trang bị một vali có tính năng chống rạch (cực kỳ quan trọng với mọi tuyến bay trong nước, đặc biệt Sài Gòn và Hà Nội). Mua thêm một khoá nhỏ để thêm an tâm. Chọn vali loại siêu nhẹ sẽ rất hữu ích. Vali cũ của mình 10kg, vali mới chỉ có 3.5kg, tức là "tự nhiên" mình có thêm gần 7kg hành lý.
7. Ngay cả trong trường hợp bị thừa cân, hãy tìm cách xử trí trước khi mặc nhiên đi đóng thêm mấy trăm ngàn. Bạn có thể cân nhắc bỏ bớt một vài món đồ không quan trọng. Nếu bay vào mùa đông, hãy mặc thêm một quần jean và hai áo khoác lên người, bạn sẽ tiết kiệm được tới 5kg hành lý ký gửi.
8. Hành lý xách tay nên có một cuốn sách giấy loại nhỏ và một áo khoác mỏng.
9. Trong trường hợp bị delay, hoặc với các chuyến bay khuya, áo khoác mỏng sẽ cực kỳ hữu dụng để bạn đối phó với cái lạnh thấu xương của những chiếc ghế inox ở nhà chờ sân bay. Ngay cả khi lên máy bay, bạn cũng có thể mặc áo khoác mỏng nếu nhiệt độ quá thấp và kéo mũ trùm che mắt tranh thủ ngủ.
10. Sách giấy giúp bạn có thể đọc trong khoảng thời gian chờ. Rất văn minh và thú vị. Lưu ý, đọc sách trên điện thoại có 3 cái hại. Một là tốn pin, có thể làm gián đoạn liên lạc khi bạn xuống sân bay. Hai là bạn không thể đọc khi cất và hạ cánh. Ba là, trông bạn sẽ mất đi sự hấp dẫn so với khi cầm sách giấy.
11. Tối thiểu hoá thời gian chờ ra xe buýt. Cứ ngồi ở ghế đợi tới khi dòng người ra gần hết thì bạn hãy xếp hàng. Việc này đôi khi có thể tiết kiệm được tới 20 phút đứng ê chân.
12. Ngoại trừ ATR, các tàu bay khác đều có đường xuống ở phía cuối máy bay. Hãy xác định xem bạn có nhất thiết phải đi lên cửa trên đầu máy bay hay không?
13. Lúc máy bay dừng lại và mọi người "ào lên" mở ngăn hành lý là thời điểm rất dễ bị tai nạn... từ trên trời rơi xuống. Hãy cẩn thận người nào đó kéo vali quá trớn va đầu bạn!
14. Rất nhiều người đã bị bước hụt chân và ngã khi vừa bước xuống thang máy bay vừa tranh thủ nhắn tin hay facebook.
15. Nếu hay bị chóng mặt khi đi tàu xe, đừng bao giờ vừa đứng trước băng chuyền hành lý vừa xem điện thoại.
16. Giữ thẻ nhận hành lý ký gửi một cách cẩn thận. Nhưng lỡ mất cũng không sao. Bạn cứ chờ lấy đủ hành lý rồi đẩy tới quầy "Lost and found" và thực hiện theo hướng dẫn, rất nhanh và dễ.
17. Một số loại xe đẩy chỉ hoạt động khi bạn ấn nhẹ tay cầm xuống phía dưới. Xem xét kĩ để tránh phải đánh vật và bực bội.
18. Nếu đi taxi ở sân bay, hãy giữ thẻ thông tin, hoặc chủ động ghi nhớ hãng xe, số xe, đề phòng sự cố phát sinh như quên hành lý.
FB Nguyễn Ngọc Long