- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Thầy giáo Việt đi du lịch bụi qua 72 nước: Đi để không so đo, phân bì
Mở rộng tâm hồn và sẵn sàng đón nhận khác biệt trong mỗi chuyến đi là cách Nguyễn Hoàng Bảo, giảng viên ĐH Công nghiệp TP.HCM, đánh dấu tấm bản đồ du lịch của mình.
"Được học thầy giáo nổi tiếng thích lắm. Mỗi lần thấy thầy trên TV, mình hãnh diện khoe với gia đình: ''Thầy con lên TV nè'', rồi có khi còn chụp lại để khoe với bạn bè", Nguyễn Thanh Cường, sinh viên năm 3 ĐH Công nghiệp TP.HCM, hào hứng khi kể về giảng viên Nguyễn Hoàng Bảo.
Thanh Cường là sinh viên lớp Quản trị Du lịch, Marketing Du lịch và Quản trị Lữ hành của thầy Bảo. Theo Cường, nhờ đưa ra những câu chuyện, ví dụ thực tế gắn liền với các chuyến du lịch bụi, tiết học của thầy vừa hứng thú vừa dễ hiểu. Thầy cũng rất nghiêm túc về giờ giấc. Cường nhớ giảng viên sinh năm 1976 chưa đến trễ, hay vắng mặt một lần nào.
Chia sẻ ngắn của cậu học trò phần nào phác hoạ chân dung của thầy giáo Nguyễn Hoàng Bảo - người đi du lịch bụi qua 72 nước trong hơn 10 năm, blogger du lịch Những Bước Chân. Đó là người đàn ông giàu trải nghiệm, mang trong mình niềm say mê mãnh liệt với những chuyến đi, và đặt du lịch là chiếc trục để mọi hoạt động, công việc, sở thích trong cuộc sống đều xoay quanh nó.
Năm 2006, cung đường sắt trên cao Bắc Kinh - Tây Tạng (Trung Quốc) khánh thành. Đây là một trong những đoạn đường gian nan, hiểm trở nhất thế giới. Nguyễn Hoàng Bảo khi đó - thiếu kinh nghiệm nhưng thèm khát trải nghiệm - lần đầu bén duyên với 3 chữ "du lịch bụi". Chọn Lhasa - thủ phủ của Tây Tạng - làm điểm đến, anh liều lĩnh “điếc không sợ súng”, chẳng ngờ đến nỗi khó khăn, vất vả phải vượt qua.
Ở độ cao hơn 3.000 m so với mực nước biển, trong bầu không khí mùa thu lạnh lẽo, thiếu oxy, anh nhận nhiều kinh nghiệm để đời. Đó là lần co ro trong cơn bão tuyết, khi gió rít bần bật liên hồi, các thành viên tạm bỏ qua việc chuẩn bị mì gói để ôm nhau trên chiếc giường khiêm tốn. Ngoài ra còn có những hạn chế trong việc giao tiếp, trao đổi với người dân bản xứ bởi khác biệt ngôn ngữ.
Dù vậy, hành trình đến đất nước nằm trên dãy Himalaya hùng vĩ cũng mang đến cho giảng viên này nhiều cảm xúc khác lạ. Ống kính máy ảnh vốn không thể chụp lại màu xanh thẫm rực rỡ đến không tưởng của bầu trời. Những thước phim không thể quay lại không khí lạnh cắt khi đứng từ xa ngắm nhìn đỉnh Everest sừng sững dưới làn mây. Và tất nhiên, chẳng giấy bút, câu chữ nào miêu tả được niềm hãnh diện vì có đủ tiền, thời gian, sức khoẻ và điều kiện để đến Tây Tạng.
Tất cả được gói ghém gọn ghẽ vào hành lý cảm xúc, để Hoàng Bảo tự tin, hăng hái cất bước cho hành trình xê dịch tiếp theo.
Những ngày rong ruổi ở thủ đô Cairo - Ai Cập, cảnh tượng chiến tranh vốn chỉ được biết đến qua sách vở nay xuất hiện ngay trước mắt. Từng tốp thanh niên xuống phố biểu tình, giăng biểu ngữ. Máy bay quần thảo trên đầu. Dưới đường, quân đội xịt hơi cay, lựu đạn để trấn áp.
Tài xế đưa Hoàng Bảo từ chợ Khan el-Khalili về khách sạn nói khi bước ra khỏi chiếc xe này, anh có thể bị bắn bất cứ lúc nào. "Cảm giác lúc đó của tôi là sợ hãi. Bom đạn, khủng bố, biểu tình là những điều tương đối xa lạ với tôi. Tôi cũng chưa hiểu mọi người đang phản đối hay đấu tranh cho vấn đề gì, nên càng lo lắng hơn", anh kể lại. Chọn cách ngồi lại trong xe và mở lời nhờ sự giúp đỡ của nhóm thanh niên gần đó, anh được 3 bạn trẻ "vây quanh" và đưa về khách sạn. Sau đó, anh mới biết được rằng đây là cuộc biểu tình kỷ niệm 3 năm "Mùa xuân Arab".
Một trải nghiệm tưởng chừng như khá nguy hiểm, có thể khiến người khác e dè, lại là điểm cuốn hút Nguyễn Hoàng Bảo. "Ở một đất nước bình thường quá, tôi sẽ thấy nhàm chán. Một chuyến đi êm ru, trơn tru quá, sẽ không có gì thú vị. Tôi từng gặp rất nhiều trường hợp biểu tình, bạo loạn… Đôi khi đó cũng là may mắn vì biết được nơi khác có những chuyện như vậy. Tất nhiên tôi vẫn phải kiểm soát được, nếu không, chuyến đi sẽ trở thành liều lĩnh", anh giãi bày.
Hãy tưởng tượng chúng ta sinh ra được tặng kèm một tấm bản đồ màu trắng, vẽ sẵn hình dạng của 207 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong cuộc sống, ta lần lượt tô màu lên những vùng đất đã đi qua. Nếu vậy, tấm bản đồ của Nguyễn Hoàng Bảo với 72 sắc màu riêng biệt sẽ cuốn hút biết chừng nào. Tạm gác lại câu chuyện về số lượng, bởi đáng giá nhất vẫn là những trải nghiệm mang tinh thần tự do, phóng khoáng, để đôi chân thoải mái lạc bước theo cảm nhận và sở thích.
Trong chuyến đi Nam Mỹ đầu năm 2015, anh "vẽ" tấm bản đồ những khối màu vững chãi của nền văn minh Inca rực rỡ, không phai dần theo năm tháng như bùn, gạch, những khối đá khổng lồ của đảo Phục Sinh (Chile), của ngôi thành cổ Machu Picchu (Peru)… bền bỉ đối đầu với thời gian.
Một lần nữa, anh gặp phải biểu tình trên đường khám phá ngôi thành cổ được góp mặt trong danh sách 7 kỳ quan mới của thế giới. Trước đó, người dân địa phương thông báo biểu tình trong 3 ngày bằng cách đem trâu, bò, cừu, dê cùng những phiến đá nặng chặn dòng xe lên nơi thờ cúng linh thiêng, có độ cao hơn 2.400 m so với mực nước biển. May mắn là công ty du lịch đưa ra phương án đi đường rừng - Inca trail. Len lỏi qua những vách đá cheo leo, rừng núi hiểm trở, đoàn khách vẫn kịp đến điểm bắt tàu hỏa lên núi.
Chuyến tham quan châu Mỹ không dừng lại ở Chile và Peru, mà mở rộng ra Brazil, Bolivia và Ecuador. Bên cạnh màu sắc sặc sỡ của lễ hội Samba, anh tô thêm những mảng màu choáng ngợp của cảnh sắc thiên nhiên. Khung cảnh của cánh đồng muối tự nhiên lớn nhất thế giới Uyuni để lại trong lòng thầy giáo nhiều cảm xúc. Anh may mắn đến điểm tham quan nổi tiếng của Bolivia đúng mùa mưa, nước săm sắp tạo ra hiệu ứng gương phản chiếu, bầu trời trong trẻo soi bóng mây xuống mặt nước.
Giữa năm 2015, giảng viên ĐH Công nghiệp TP.HCM chọn phủ màu thời gian lên tấm bản đồ vốn đã rất đa dạng. Đó là chuyến đi trở về lịch sử với loạt di tích văn hoá dọc khắp con đường tơ lụa nổi tiếng. Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, Kyrgyzstan và Tazjkistan là 5 điểm đến thuộc vùng Trung Á trên hành trình lần này. Những ngôi chợ một thời hưng thịnh trên tuyến đường thông thương hàng hóa ngày xưa nay vẫn buôn bán tấp nập. Phiên chợ Ba Tư với thảm, gia vị, tơ lụa vẫn ở đó, quyến rũ trái tim của những ai đam mê du lịch văn hoá.
Màu sắc của các quốc gia châu Phi như Kenya, Tanzania, Uganda trên tấm bản đồ của anh Hoàng Bảo lại là sự đa dạng của thế giới động vật và sự hòa hợp giữa thiên nhiên và con người. Trong các khu lều, bungalow, heo rừng, khỉ đầu chó, hươu, nai đi ra đi vào, tự nhiên như ở nhà. Chuyến tham quan rừng quốc gia Maasai Mara của Kenya diễn ra trên chiếc xe không rào chắn. Xa xa là hàng nghìn con ngựa vằn, linh dương đầu bò… tạo nên đại quang cảnh rộng lớn, hay cảnh bầy sư tử vây bắt con trâu rừng - biểu tượng cho quy luật sinh tồn khắc nghiệt.
Theo hướng dẫn viên, vị khách may mắn sẽ gặp được 5 loài động vật lớn: báo, sư tử, voi, trâu nước và tê giác. Không có duyên với báo gấm, anh được "bù đắp" bằng cảnh cheeta (báo săn) ngoạm cổ nai và vác lên ngọn cây. Theo anh, mùa nào thú ở đây cũng rất nhiều, tuỳ theo sở thích mà chọn lựa điểm đến phù hợp.
Chợ là điểm đến không thể thiếu trên mọi hành trình của thầy giáo Nguyễn Hoàng Bảo. Theo anh, dù quốc gia thay đổi thế nào, hiện đại ra sao, khung cảnh ồn ào chen chúc, ríu rít, những sản phẩm địa phương được bày bán ở chợ sẽ thể hiện rõ văn hoá truyền thống của vùng đất đó. Trong số 72 nước đã đi qua, thầy Bảo thích chợ quê ở Myanmar hơn cả sự choáng ngợp trong hàng trăm khu chợ ở Morocco.
"Ở chợ quê Myanmar, tôi bắt gặp khung cảnh phảng phất giống Việt Nam cách đây nhiều năm. Bến xe đò mẹ thường đưa đi ngày còn bé nay xuất hiện ở một nơi khác. Khu chợ dễ thương, nhẹ nhàng, không phức tạp. Tôi dễ dàng thả trôi cảm xúc, để nó dẫn dắt mình đi dọc miền kỷ niệm", anh bày tỏ.
Thoải mái sắp xếp chuyến đi mà không bị ép buộc, gò bó chính là điểm lý thú nhất của những lần du lịch bụi. Trước khi bắt đầu, mỗi người phải chủ động tìm hiểu cách xin visa, tìm kiếm vé máy bay giá rẻ, những điểm nổi bật tại vùng đất mình sắp đến, con người ở đó đối xử với nhau ra sao, cảnh quan thiên nhiên thế nào, ngôn ngữ và tiền bạc họ sử dụng là gì…
So với đi tour, du lịch bụi tiết kiệm khá nhiều chi phí về phương tiện di chuyển, nơi lưu trú, ăn uống… Theo anh Bảo, dân du lịch bụi ít khi chọn resort sang, nhưng không phải ở resort sang thì không còn là du lịch bụi. Một số quốc gia không phát triển dịch vụ du lịch chi phí thấp, ví dụ như Maldives. Rõ ràng bạn có thể tiết kiệm chi phí nếu ở homestay, nhưng nếu không một lần trải nghiệm khu nghỉ dưỡng tuyệt vời nhất trên thế giới thì làm sao "đã"?
Hay ở các nước châu Phi, đối lập với mức thu nhập chưa đến 1 USD/ngày của bộ phận lớn người dân là mức phí tham quan cao ngất ngưởng ở những công viên, vườn quốc gia rộng lớn. Rõ ràng chúng ta có thể đến châu Phi và chỉ dùng 10 USD/ngày, nhưng như vậy thì sẽ phải bỏ lỡ quang cảnh bầy thú hoang dã di cư như thế nào, không thấy sư tử, trâu rừng hay thậm chí là những chú Gorrila khổng lồ trong các bộ phim ra sao ngoài đời thực.
"Tất nhiên đi du lịch bụi sẽ tiết kiệm hơn, nhưng là tiết kiệm để dành thời gian trải nghiệm, chứ đừng tiết kiệm luôn sở thích, đam mê của mình. Đến vùng miền nào cần thưởng thức món ăn đặc sản, dịch vụ vui chơi giải trí, đừng dè xẻn đồng tiền. Hãy xông xênh một chút cho những trải nghiệm thú vị", anh kết luận.
Đáp lại câu hỏi cộng đồng phượt thủ Việt Nam bị gắn với những định kiến xấu, người đàn ông đi qua 72 nước cho rằng: "Hiện nay các bạn đi du lịch đặt cái tôi của mình nhiều quá, mà không nghĩ đến người dân bản địa như thế nào. Đôi khi đến với những nơi có nền văn hoá tương đối khác biệt, các bạn ấy lại đánh giá họ nghiêm khắc, không hiếu khách mà chẳng suy nghĩ tại sao họ lại cư xử như vậy".
Anh chia sẻ bản thân từng bị phản ứng mạnh khi chụp ảnh những người phụ nữ trên đường ở Morocco. Đó là một trải nghiệm không đáng có, nhưng anh hiểu rằng khi mình vi phạm tôn chỉ sống, đức tin của họ, việc họ "sửng cồ" là chuyện bình thường.
"Ở Việt Nam, người này đi được mà người kia chưa đi thường xảy ra tình trạng ganh ghét. Trong khi đó, ở nước ngoài không giống vậy. Nếu nghe ai đó từng được đi rồi, họ sẽ vui vẻ tìm hiểu và chia sẻ cách đi để thông tin tiếp tục được mở rộng. Người Việt mình lại giữ quan điểm ‘của mình thì của mình’, nếu chia sẻ thì mình không còn là người duy nhất nữa, nên tinh thần du lịch không được mở rộng", anh trăn trở.
Thêm vào đó, Hoàng Bảo cho rằng còn nhiều bạn đi du lịch vì những mục đích khác nhau, kể cả chứng tỏ bản thân chứ không vì ham thích miền đất đó. Nhiều bạn mê check-in nhưng lại không biết check-in vì mục đích gì, nơi mình đi sẽ thế nào, do chưa chú trọng tìm hiểu thông tin, giá trị thật sự đằng sau chuyến đi trở nên hiếm hoi.
"Du lịch mà con tim không mở rộng, chuyến đi sẽ kém thú vị. Đi du lịch chỉ để giống ông này, giống người kia thì mệt mỏi biết bao. Không thể áp đặt một hình mẫu lý tưởng, trong khi điều kiện của mình và họ không giống nhau. Mình nên tự hào về khả năng, về những gì mình đã có được", anh Bảo quan niệm.
Đồng thời, anh Nguyễn Hoàng Bảo cũng cho rằng cần tôn trọng sở thích chính đáng của người khác. Đối với những nhóm bạn trẻ thích mặc áo cờ đỏ sao vàng, chụp hình tại cột mốc Tổ quốc, chúng ta không có lý do gì để dị ứng với họ. Các bạn ấy không đập phá, vẽ bậy lên cột mốc, không vi phạm luật giao thông, thì việc đem màu cờ sắc áo đi khắp nơi nên được ủng hộ.
Một góc nhìn khác - những người du lịch mạo hiểm, thích nhảy từ vách đá xuống, họ có ngu muội không? Không! Đó là đam mê của họ. Càng mạo hiểm, họ càng thích. Hay nếu đi du lịch mà ăn bờ ngủ bụi sẽ bị "lên án" là có vấn đề, đi du lịch là phải thoải mái, phải hưởng thụ. Nhưng người đi du lịch mà ngủ resort lại bị nói rằng không hiểu gì về cuộc sống người bản địa, chuyến đi không có giá trị.
"Nhu cầu của mỗi người khác nhau. Chúng ta sống vì sở thích, đam mê, và niềm đam mê đó cần được tôn trọng, miễn không ảnh hưởng xấu đến ai khác", anh tâm sự.
Một chuyến đi đầy trải nghiệm sẽ khiến người ta nhớ và mang theo trong suốt cuộc đời. Khung cảnh đẹp và hùng vĩ vốn cũng đủ để ghi dấu trong chiếc hộp hồi ức. Những lần gặp gỡ và trò chuyện với con người của vùng đất đó sẽ là điều thú vị còn mãi đến vài năm, vài chục năm sau đó.
Du lịch cho người ta tâm hồn mở, không so đo, phân bì. Đây là thế giới đa chiều, đầy màu sắc, không thể nhìn phiến diện từ góc độ nào. Đi du lịch cần đánh đổi rất nhiều thời gian và tiền bạc, vậy nên với mỗi chuyến, đi hãy sử dụng thời gian và tiền bạc một cách có ý nghĩa nhất.
"Ý nghĩa của du lịch nằm ở đâu? Để hiểu con người, văn hoá, phong tục tập quán ra sao - những điều đó sẽ làm cho chi phí chuyến đi có giá trị. Nếu đi để mang về bức hình, đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ chán. Không nhớ câu chuyện trong bức hình là gì, xem như chúng ta bị lỗ. Cho nên, mỗi chuyến đi, nếu muốn được nhiều hơn, cần tìm hiểu thông tin kỹ và trải nghiệm nhiều", Nguyễn Hoàng Bảo bật mí cách để mỗi hành trình đều thật sự có ý nghĩa.
Lộ diện điểm tổ chức tiệc cưới lý tưởng nhất thế giới tại Đà Nẵng
Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort vừa được kênh truyền hình Mỹ CNN bình chọn là Địa điểm tổ chức tiệc cưới lý tưởng nhất thế giới.
Trò chơi cân não và xe của James Bond ở bảo tàng gián điệp Mỹ
Du khách đến bảo tàng có thể khám phá những món đồ được chế tạo dành riêng cho điệp viên và tham gia các trò chơi tương tác thử thách khả năng suy luận.
10 điểm đến hấp dẫn nhất ở Kanagawa
Suối nước nóng ở Hakone, biển Shonan, bảo tàng Doraemon ở Kawasaki là những điểm không thể bỏ qua ở Kanagawa, nơi chỉ cách Tokyo 30 phút di chuyển.
Những điểm check-in tuyệt đẹp trong ''Dấu ấn Việt Nam''
Diễn ra từ ngày 28/7, sau 2 ngày, cuộc thi “Dấu ấn Việt Nam” đã nhận được rất nhiều hình ảnh đẹp từ độc giả trên mọi miền Tổ quốc, trong đó có những điểm check-in vô cùng thú vị.
Những địa danh xa xôi nhất Trái đất có người ở
Nhiều khu vực xa xôi, hẻo lánh trên Trái đất có rất ít người, phải mất nhiều ngày trời mới tới được.