Du lịch Hà Giang chiêm ngưỡng sự sống nảy mầm từ những hốc đá
Cao nguyên đá nằm ở phía Bắc tỉnh Hà Giang, trải rộng trên địa bàn 4 huyện Đồng Văn, Mèo Vạc, Yên Minh, Quản Bạ. Đây là vùng núi đá vôi, ít sông suối, thường xuyên thiếu nước sinh hoạt, đất canh tác. Do địa hình đồi núi dốc, diện tích đá chiếm tới hơn 80%, khí hậu lạnh và ít mưa nên đồng bào dân tộc nơi đây đã hình thành thói quen “sống trong đá, chết vùi trong đá”.
Người Mông, Dao, Lô Lô, Cờ Lao, Pu Péo… tận dụng từng hốc đá để canh tác. Tập quán này đã được duy trì qua nhiều thế hệ.
Tỷ lệ đất trên cao nguyên rất ít, nên muốn canh tác đúng mùa vụ, người dân phải đưa từng gùi đất đổ vào những hốc đá. Đá xếp ở vòng ngoài che chắn nắng và khi mưa xuống không bị rửa trôi, xói mòn. Khai phá nương là công việc tốn nhiều công sức và thời gian. Công việc này thường được làm vào mùa khô.
Kỹ thuật trồng ngô trên nương đá, xen canh các loại cây hoa màu hoàn toàn dựa vào điều kiện tự nhiên. Thời điểm cày cấy tra hạt đồng bào dựa vào lịch mặt trăng (tháng 2 âm lịch). Đến nay, thổ canh hốc đá vẫn là phương thức chủ đạo trong hoạt động sản xuất của đồng bào vùng cao nguyên đá Hà Giang.
Công cụ lao động cũng đặc biệt bởi theo địa hình tạo ra: Cày, bừa, cuốc bướm. Cày sử dụng trên nương đá có thân cày chắc khỏe, lưỡi hình tam giác cân, nhỏ, dày, mũi hơi tù và nặng, chịu được lực khi va đập vào đá. Bừa là loại có tay ngang, người sử dụng cầm ấn xuống khi bừa. Bừa chân dùng thông dụng hơn, hình chữ nhật, chắc chắn, với hai hàng răng, không có tay giữ, khi bừa, người điều khiển phải đứng lên bừa. Cuốc bướm có lưỡi mỏng, to bản, hình tam giác, cong ở phần chuôi, nhọn hai đầu, nên thuận lợi cho việc cào, vơ cỏ, vun gốc trên nương đá. Việc làm đất thường diễn ra sau Tết của đồng bào.
Ngày khi cày xong, đất và phân bón (thường là phân chuồng) sẽ được trộn và đổ vào từng hốc đá.
Họ sẽ vùi hạt vào, một vài ngày sau mưa xuống. Các công đoạn được làm “cuốn chiếu” ở từng hốc đá.
Việc đồng áng là công việc chung của cả bản làng. Người Mông ở cao nguyên đá sống quần cư, tính cộng đồng cao, khi một gia đình có công việc sẽ được sự giúp đỡ của tất cả mọi người. Những đứa trẻ đang trong độ tuổi đi học cũng không nề hà việc gì.
Khác với đồng bào dân tộc Tây Nguyên canh tác bằng cách đục lỗ tra hạt, các dân tộc ở đây dùng tay tra hạt và dùng chân lấp đất để vùi hạt xuống sâu. Tầng đất giữ ẩm cho hạt chờ mưa nảy mầm. Ngô giống được ngâm nước khoảng 2 – 3 ngày, để khi trồng hạt giống nhanh nảy mầm, tránh được sự phá hoại của sâu bọ, chuột khi bị vùi lâu dưới mặt đất.
Việc tra hạt được tiến hành từ nương thấp đến nương cao. Khi tra hạt, người Mông kiêng tra vào ngày rắn và rồng. Vì với họ, đây là những ngày xấu, nếu tra hạt vào ngày này thì năng suất sẽ không cao.
Vào mùa vụ, những đứa trẻ cũng theo cha mẹ ra đồng.
Do nguồn đất khan hiếm nên đồng bào áp dụng phương pháp xen canh trong việc gieo trồng. Bên cạnh việc trồng ngô và tam giác mạch, còn một số loại cây cũng được trồng khá phổ biến trên nương thổ canh hốc đá, như đậu tương, đậu Hà Lan, đậu răng ngựa, dong riềng, cải… Riêng với người Mông, đồng bào còn trồng lanh để dệt vải may trang phục. Tri thức và kỹ thuật thổ canh hốc đá của các dân tộc thiểu số ở cao nguyên đá Hà Giang được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2012.
Theo Ngôi Sao