- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Rong chơi cửa ngàn
Tháng 7 âm lịch, hồ sông Đà (Hòa Bình) nước chưa dâng. Ba tầng nước, đất đá dựng và rừng như câu hát văn “lô xô đá mọc đầu nguồn”. Vãn cảnh, viếng đền Mẫu thác Bờ cũng là dịp “rong chơi cửa ngàn”.
Từ giờ đến hết mùa mưa, hồ Hòa Bình sẽ dâng nước dần lên. Trong những ngày tháng bảy âm lịch có nhiều đoàn hầu bóng tứ phủ hành hương về đền Chúa, đền Cô trong lòng hồ.
Dạo trên lòng hồ Hòa Bình từ bến thuyền du lịch sẽ bắt gặp những cảnh đẹp chuyển động trong mắt. Lẩn khuất trong những cánh rừng xanh um là những nhà sàn của bà con bản địa.
Nhìn thấy vậy không thể không đặt câu hỏi người ở trong những căn nhà ấy, xóm núi ấy họ đi lại bằng cách nào? Và sẽ tiếc nếu chỉ ngồi trên thuyền mà không khám phá cuộc sống của họ để trả lời những phân vân.
Bỏ qua những câu hỏi ấy, giữa dòng sông Đà này, chúng tôi như trôi về một ký ức khác. Không biết người lái đò sông Đà của cụ Nguyễn Tuân xưa sống ở đoạn sông, khúc sông nào?
Và những vồng đất tự thân nó trước kia là sườn đồi, khi nước dâng lên cây, cỏ đã hủy, đất đen chuội đi. Khi nước cạn, vồng đồi, sườn núi đất lộ ra một màu khác, hình thù tựa con ốc không lồ úp xuống dòng sông.
Đi trong lòng hồ quanh co, nhiều lúc cảm tưởng như đã hết “đường”, đó là điểm cuối. Nhưng khi qua mõm núi đá hoặc những sườn đồi nhô ra, không gian của mặt nước, của dòng sông lạ mở ra mênh mông.
Cùng thả hồn trên những rặng núi, những non xanh. Trên lòng hồ vẫn bắt gặp những người chèo thuyền bằng tay, bằng chân. Những con thuyền nhỏ cứ neo vào trong suy nghĩ về một sự tĩnh lặng thanh bình.
Và trên tuyến du lịch đường sông này, trong đầu tôi luôn vẽ ra những huyền thoại.
Kia núi đá Sơn Tinh ở, đây dòng sông Thủy Tinh ức tình đang tìm cách dâng lên giao chiến. Một mối tình tay ba trong truyện cổ tích cứ mang mang trong lòng. Vua Hùng thách cưới: voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao là cách “chơi khó” Thủy Tinh.
Hay với những câu chuyện cổ tích của người Mường về tinh quái thuồng luồng nấp mình trong những diện mạo chàng trai đẹp để lừa các cô gái trong bản. Thuồng luồng tu luyện có phép thuật biến thân.
Ngày nhỏ đọc chuyện cứ nghĩ đơn giản rằng đã không được hình hài người thì đừng biến hóa làm chi. Nhưng lớn lên thì nghĩ khác, ước mơ được làm người và làm người cho xứng đáng thì thuồng luồng cũng có ước mơ như vậy. Chuyện tình của thuồng luồng cũng như của con người chỉ đẹp khi yêu nhau…
Lạc đề mất, nhưng đi trong lòng hồ, bạn sẽ cảm giác đang đi trong huyền thoại, trong cổ tích và trong hiện thực. Nhiều những liên tưởng miên man, trong đó có những câu chuyện tình.
Một điều thích nữa là người dân Hòa Bình rất tốt bụng. Nếu bạn đi một mình hay đi hai người sẽ được các chủ thuyền ở bến thuyền du lịch ghép với đoàn khác. Khi lên thuyền, chủ thuyền sẽ nói rằng khách lẻ đi theo đoàn khách nên hành trình phải phụ thuộc vào đoàn khách thuê thuyền.
Chuyến đi sẽ ghé qua những điểm: đền Chúa, đền Cô, động Thác Bờ… “Rong chơi cửa ngàn”, nghe khúc hát văn, trong hương khói tâm linh. Khi kết thúc hành trình, chủ thuyền lấy bạn với giá rất rẻ, 50.000 đồng/người.
Những người lái thuyền du lịch kể rằng khi mặt hồ căng đầy, cảm giác như rừng chụm chân xuống nước. Đó là lúc đàn cá vào trong bãi cỏ để đẻ trứng. Và lúc đó là sự sinh sôi, nảy nở nối tiếp của đàn cá trên dòng sông.
Sông Đà – dòng sông của thủy điện và của những trầm tích văn hóa để mà khám phá.
Theo Tuổi Trẻ