Xã đảo Long Sơn từ lâu nổi tiếng bởi còn giữ nhiều nét đẹp thiên nhiên. Người dân hiền hòa, hiếu khách, xưa sống chủ yếu bằng nghề đi biển, làm muối. Long Sơn có diện tích 92 km2, trong đó có đến 54 km2 là đất liền, còn lại là đất ngập mặn. Nay ngoài làm ruộng, làm muối, người dân nơi đây còn sống bằng nghề nuôi hàu, cá bè, làm du lịch và chế biến hải sản.
Xã đảo gồm một đảo chính nằm men theo triền của núi Nứa, đoạn cuối của dãy núi Phước Hòa đâm ra biển và đảo nhỏ là đảo Gò Găng. Từ Sài Gòn đến Long Sơn có hai hướng đi: Ra khỏi thành phố đi theo quốc lộ 51 hoặc qua hầm Thủ Thiêm theo hướng Cát Lái, qua phà Cát Lái theo bảng hướng dẫn chạy đến thị xã Bà Rịa. Long Sơn cách thị xã Bà Rịa khoảng chừng 35 km. Hướng 1 hay 2 cũng sẽ qua trạm thu phí trên quốc lộ 51 một đoạn ngắn vài trăm mét sau đó có một ngã ba rẽ phải đến đảo Long Sơn.
Đường vào Long Sơn khá đẹp, rộng, bạn sẽ đi qua cầu Bà Nanh – cây cầu đầu tiên được xây dựng nối liền đảo Long Sơn với thị xã Bà Rịa (trước khi có cầu, người dân muốn ra vào đảo phải đi bằng đò), mở ra một bước phát triển mới cho Long Sơn. Từ cầu Bà Nanh, bạn có thể dừng xe ngắm cảnh vì tại khúc sông này có một làng bè nuôi hàu và cá trên sông. Hàu là một trong những đặc sản nổi tiếng nhất của đảo Long Sơn.
Cây cầu thứ hai là cầu Chà Và – là cây cầu nối liền đảo Long Sơn với quốc lộ 51, giúp rút ngắn khoảng cách từ đảo đến trung tâm Bà Rịa và thành phố Vũng Tàu. Theo nhiều đánh giá, quan cảnh quanh cầu Chà Và đẹp hơn. Các làng bè cũng nhiều hơn. Nếu đi vào cuối tuần, bạn sẽ gặp nhiều cặp đôi chụp ảnh cưới tại đây.
Qua cầu Bà Nanh, chạy đến ngã ba, quẹo tay trái khoảng 2 km là đến khu Nhà Lớn – Đền Thờ Ông Trần. Còn quẹo phải, chạy tiếp khoảng 4-5 km đến Bến Đá, nơi có những làng bè phục vụ du lịch ẩm thực.
Nhà Lớn Long Sơn (hay Đền Ông Trần) là một kiến trúc cổ, do ông Trần (tên thật là Lê Văn Mưu) xây dựng từ năm 1910, đến năm 1929 thì hoàn thành. Nhà Lớn có lối kiến trúc tựa kiểu đình làng Việt Nam, nhưng không theo một qui hoạch tổng thể nào cả.
Trong Nhà Lớn hiện vẫn còn lưu giữ nhiều vật dụng của cả ba miền Nam – Trung – Bắc như bàn ghế, tủ thờ, những bức hoành phi, liễn thờ… do ông Trần đã sưu tầm được khi còn sống. Trong đó có nhiều vật rất quý.
Rời Nhà Lớn, bạn có thể ra nhà bè ở khu Bến Đá để thưởng thức ẩm thực. Trên đường ra Bến Đá, đi khoảng 2 km sẽ thấy có một ngã tư với bảng hướng dẫn rẽ trái lên núi, rẽ phải ra Bến Đá. Long Sơn là đất của hải sản, đặc biệt nổi tiếng với con hàu. Người dân địa phương đa số sinh sống bằng nghề thả bè nuôi hàu, tôm, cá trên sông.
Từ một vài người dùng bè của mình làm điểm đón khách du lịch, sau này Long Sơn đã thành phố ẩm thực bè phát triển khá đông. Trên nhà bè, hải sản đều là tươi sống và được chế biến tại chỗ. Giá hải sản theo đánh giá của du khách là rẻ hơn tại Vũng Tàu.
Từ bến Đá, khách cứ đến bến ghe, thích đi bè xa thì nói ghe chở đi (với giá phải chăng). Với bè gần bờ thì có thể đi bộ để tận hưởng cảm giác khi đi trên cầu giữa sông nước dập dềnh. Nói là bè, thật ra là nhà sàn nổi với những trụ bê tông vững chắc. Trên bè có đủ nhà bếp, phòng vệ sinh riêng, áo phao…
Ngoài ra còn có dịch vụ đưa khách đi ghe máy ra ngoài cửa biển, ngắm thành phố Vũng Tàu từ xa. Trên đường đi, người lái ghe còn cho khách tạt vào những bãi cát vàng để ngắm cảnh (giá cả thỏa thuận với chủ ghe).
Theo Zingnews
Xem thêm các bài viết:
Khách Nhật ăn khuya hai người ở Vũng Tàu hết 22 triệu gây bão mạng
Món ngon khó cưỡng ở thành phố biển Vũng Tàu
Khách sạn Minh Đăng Vũng Tàu: Yên tâm về chất lượng và giá cả