Phổ Đà Sơn thuộc Chiết Giang được mệnh danh là một trong tứ đại danh sơn Phật giáo ở gồm Ngũ Đài Sơn (Sơn Tây), Nga My Sơn (Tứ Xuyên) và Cửu Hoa Sơn (An Huy).
Từ thành phố Hàng Châu, du khách đi ôtô theo đường cao tốc quốc lộ 92 qua thành phố Ninh Ba, Châu Sơn, sau đó qua phà Chu Gia Chiêm để đến Phổ Đà Sơn với hành trình khoảng 260 km, thời lượng khoảng 4 tiếng. Đây là một hòn đảo nhỏ có diện tích 13 km2, được mệnh danh là “Hải Thiên Phật Quốc, Nam Hải Thánh Cảnh” (Biển trời nước Phật, thắng cảnh biển Nam), tọa lạc tại cửa khẩu của sông Tiền Đường, nơi cao nhất là Phật Đỉnh Sơn cách mực nước biển 282 m.
Trên đảo có tượng Nam Hải Quan Âm bằng đồng cao 33 m, du khách có thể chiêm ngưỡng được từ nhiều nơi. Tượng có 2 tầng, tầng dưới phía trong có 4 bức phù điêu đồng với câu chuyện truyền thuyết về đức bồ tát Quan Âm, tầng trên có 500 tượng Quan Âm mỗi vẻ mỗi dáng khác nhau. Theo hướng dẫn viên, ngày 29/9 âm lịch năm 1997, lễ kiến thành tượng vàng đồng Nam Hải Quan Âm. Lúc sắp làm lễ, trên không trung mây đen dày đặc, trời mưa tầm tã. Khi Đại lão Hòa thượng Diệu Thiện tuyên bố khai quang tượng Phật, bỗng dưng mây tan, vầng dương tỏa chiếu.
Phía bên trái của tượng Nam Hải Quan Âm là ngôi tự viện đầu tiên trên đảo “Viện Quan Âm Bất Khẳng Khứ”, tức Viện ‘Quan Âm không chịu đi”. Du khách đến đây thường được nghe kể về câu chuyện về một thiền sư Nhật Bản đến Ngũ Đài Sơn học đạo. Khi về nước, thiền sư rước tượng Phật theo nhưng khi ngang qua Phổ Đà Sơn thì giông bão nổi lên. Đến khi khấn lạy, thỉnh tượng ở đây thờ phụng thì trời yên bể lặng. Thiền sư liền chọn nơi đây xây thành “Viện Quan Âm Bất Khẳng Khứ”.
Ngôi chùa là quần thể công trình có thế lưng tựa núi, nằm vươn ra biển. Dọc hành lang ngôi chùa cạnh biển còn đặt các bức tượng Quan Âm bằng đá với nhiều hình dáng khác nhau.
Toàn bộ Phổ Đà Sơn chia thành 9 khu cảnh, trong đó Phổ Tế Thiền Tự là ngôi chùa lớn nhất trên đảo. Nhiều du khách cho rằng đây là nơi cầu tình duyên linh ứng nhất. Trên ảnh là đường vào Phổ Tế Thiền Tự. Khoảng cách giữa các ngôi chùa không quá xa, du khách có thể đi bộ (chừng hơn 1 km) hoặc chờ xe buýt miễn phí.
Phổ Tế Thiền Tự còn được gọi là Tiền Tự (chùa trước) là nơi thường xuyên cử hành các hoạt động về Phật giáo, nơi đây nhang khói luôn thịnh vượng, cả ngôi tự được xây theo thế núi.
Có sân sảnh rộng, phía trước còn có hồ nước, mùa hè bông súng đua nhau nở, đây là cụm cảnh được xếp vào 12 cảnh đẹp của Phổ Đà “Liên Trì Dạ Nguyệt”.
Khách đến đây hương khói nườm nượp mỗi ngày, bất kể mưa nắng hay ngày thường.
Không chỉ thả tiền xu vào các lư đồng trong chùa, người Trung Quốc còn có quan niệm sờ tay vào linh vật này và đi một vòng. Do đó, phần thân của lư thường nhẵn, bóng
Trong chùa có 8 điện lớn, thờ phụng Quan Âm Chân Thân (cầu gia đạo bình an), Văn Thù Bồ Tát (cầu học vấn, trí tuệ), bồ tát Phổ Hiền (cầu công việc thuận lợi), Phật A-di-đà, Phật Thích Ca Mâu Ni, Phật Dược Sư (cầu gia đạo bình an), Địa Tạng Bồ Tát (cầu sức khoẻ người lớn trong nhà, cầu cho kẻ vong sinh cực lạc), Quan Thế Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn (cầu tình duyên), Ca Lan Bồ Tát (cầu Tài), Vỹ Đà và Di Lạc (cầu gia đạo bình an, xuất nhập bình an).
Trên đảo có rất ít khách sạn, chủ yếu là nhà nghỉ homestay dành cho du khách và người hành hương. Người dân ở đây phục vụ cả ăn uống cho khách có nhu cầu. Theo kinh nghiệm của những người đi trước, giá cả đồ ăn, thức uống ở đây thường cao hơn đất liền. Du khách nên hỏi giá trước khi mua vì sẽ bị nói thách nhiều.
Theo Vy An/Vnexpress