- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Những món ngon nổi tiếng Bến Tre
Nội dung
- Dừa xiêm
- Kẹo dừa Bến Tre
- Củ hũ dừa
- Đuông dừa
- Rượu dừa
- Cơm dừa
- Ốc Xào Nước Cốt Dừa
- Chuột dừa
- Tép rang dừa
- Cá bóng kho nước dừa
- Mứt dừa
- Thịt trâu, bò xào lá cách với nước cốt dừa
- Mắm cá lóc chưng dừa
- Ốc hấp nước dừa
- Chuối đập
- Bì cuốn
- Bánh ướt ngọt nhân đậu xanh
- Bánh canh bột xắt
- Cháo dừa
- Bánh tráng Mỹ Lồng
- Bánh phồng Sơn Đốc
- Hủ tiếu Mỹ Lồng
- Nấm mối
- Bánh xèo ốc gạo
- Gỏi gà trộn môn ngọt
- Canh chua cá linh
- Lẩu cháo cua đồng
Bến tre nổi tiếng với những vườn dừa trải dài, những vườn cây trái sum sê, con người thì nhiệt tình, thận thiện và hiếu khách, nhưng hấp dẫn nhất nơi này là vô số sản vật món ngon mà bạn sẽ khó quên nếu được thưởng thức một lần.
Dừa xiêm
Nhắc đến dừa là nhắc đến Bến Tre vùng đất được bao quanh bởi từng rặng dừa xanh mướt, phủ bóng mát lên từng nhánh sông. Bến Tre là xứ sở của trái dừa, với nhiều loại dừa: dừa ta, dừa dâu, dừa lửa, dừa cỏ, dừa sáp, dừa bị… Dừa xiêm xanh là giống cây trồng nhiều tại xã Tam Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre.
Dừa xiêm.
Kẹo dừa Bến Tre
Những rặng dừa xanh đã là hình ảnh đặc trưng của Bến Tre cũng như vị ngọt ngào của kẹo dừa Bến Tre đã làm nên thương hiệu cho vùng đất này. Để tạo ra đúng hương vị đặc trưng của kẹo dừa Bến Tre thì phải dựa vào kỹ thuật độc đáo của nghề. Đó là cách chọn nguồn nguyên liệu và có công thức pha chế riêng. Và cách thức chế biến kẹo dừa Bến Tre trong mắt người dân địa phương dường như là cả một nghệ thuật.
Kẹo dừa.
Củ hũ dừa
Củ hủ dừa là phần lá mầm nằm chính giữa ngọn của cây dừa,ẩn trong đám lá bẹ vây quanh, từ củ hủ này sẽ dần phát triển thành lá dừa. Mỗi khi người ta lấy là được 1 cái củ hủ dừa to, ở ngoài được bọc bằng những cái mo xơ, bên trong là phần trắng, non và ngọt nhất của củ hủ dừa.
Người dân xứ dừa lấy phần này để chế biến những món ăn dân dã nhưng độc đáo, hấp dẫn nhiều du khách, mang nét đặc trưng của nơi đây như củ hũ dừa xào lòng gà, củ hũ dừa chiên bánh xèo, củ hũ dừa xào tôm, củ hũ dừa bóp xổi, củ hũ dừa nấu tôm thịt, gỏi củ hũ dừa, canh củ hũ dừa nấu thịt viên, hoặc đơn giản là ăn sống.
Gỏi củ hũ dừa.
Đuông dừa
Những con sâu dừa hay còn gọi là đuông dừa là loài côn trùng sinh sống trong cổ hũ, to bằng ngón tay út, có màu trắng, béo tròn. Món này đặc biệt không dành cho các bạn yếu đuối bởi chỉ nhìn mấy con sâu mũm mĩm, ít ai có đủ can đảm để thưởng thức.
Đuông dừa sặc mắm.
Rượu dừa
Rượu dừa là một đặc sản lạ của Bến Tre. Không giống như các loại rượu khác, rượu dừa uống không say mà chỉ khiến người uống ngất ngây và phảng phất giữ lại một dư vị rất đặc biệt. Rượu có vị ngọt mát với hương thơm đặc trưng của trái dừa bản xứ, vừa nồng nàn, vừa thanh tao, dịu nhẹ.
Rượu dừa.
Cơm dừa
Món cơm nấu nước dừa là một trong nhiều món ăn được người dân Bến Tre sáng tạo nên, mang hương vị rất riêng. Cơm dừa chín bằng nước dừa và hấp trong nồi, chính vì vậy hương thơm, vị ngọt kết đọng lại trong mỗi hạt cơm đậm đà .
Cơm dừa.
Ốc Xào Nước Cốt Dừa
Ốc xào nước cốt dừa có thể dùng ốc len, ốc bươu , ốc hút,… có hương vị rất độc đáo.Vị béo của dừa kết hợp với vị thanh ngọt của ốc làm cho món ăn không gây cảm giác ngán. Chế biến món này khâu ướp gia vị cực kỳ quan trọng, phải đảm bảo có đủ các loại gia vị như: ớt, sả, tỏi, muối, đường, nước mắm để tạo nên hương vị đặc trưng của món ăn.
Ốc xào nước cốt dừa.
Chuột dừa
Chuột dừa có hình dạng giống như chuột đồng, nhưng có bộ răng sắc nhọn hơn, chuyên phá hoại cây dừa. Chúng ăn, hút chất ngọt từ tất cả các trái dừa tươi, khô. Thịt chuột dừa được chuộng hơn chuột đồng, bởi thơm như thịt gà, lại phảng phất độ béo, độ thơm sạch của nước dừa.
Chuột dừa.
Tép rang dừa
Tép rang dừa muốn có màu đỏ đẹp phải chọn tép đất, tép bầu hay tôm lóng còn tươi . Tép được làm sạch, ướp muối, đường vừa với số lượng tép, để chừng nửa giờ cho thấm. Dừa lựa trái khô, chưa có mộng lớn .
Cơm dừa nạo xong vắt lấy nước cốt và lược sạch. Nước cốt dừa cho vào tép đã ướp và bắc lên bếp, khi nước còn ít thì cho lửa riu riu tới khô cạn, sau đó cho vài muỗng dầu ăn hoặc mỡ, tép sẽ có sắc bóng nhẫy trông rất hấp dẫn.
Tép rang dừa.
Cá bóng kho nước dừa
Bến Tre là miền sông nước có rất nhiều cá bống dừa tự nhiên. Thịt cá bống dừa có thớ mịn, dai, vị ngọt, ít xương, ít mỡ, không có mùi tanh hoặc mùi hôi cỏ, hôi bùn như nhiều loại cá khác.
Cá bóng dừa đem chà sạch vảy, kho bằng nước màu dừa. Khi cá vừa thấm gia vị, vắt nước cốt dừa cho săm sấp, để lửa riu riu. Nước cốt dừa sắc xuống, thấm vào cá thơm lựng. Sau khi nấu chín thì phần thịt và xương tách rời nhau dễ dàng nên khi ăn ít khi bị hóc xương
Đặc sản Bến Tre - Cá bống kho nước dừa
Mứt dừa
Mứt dừa là món ăn truyền thống khá quen thuộc trong ngày Tết, ngày giỗ… của người dân Nam bộ nói chung và Bến Tre nói riêng. Để chế biến mứt, dừa phải là trái dừa vừa rám tới, chỉ lấy phần cơm bên trong.
Cạy cơm dừa ra, gọt sạch lớp vỏ lụa màu nâu đen, sắt mỏng thành sợi dài, đều, rồi rửa sạch lại, để ráo, trộn vào với đường cát trắng, sau đó để lên bếp lửa riu riu, xào lên liên tục, đến khi mứt dừa khô lại.
Mứt dừa.
Thịt trâu, bò xào lá cách với nước cốt dừa
Đây là món ăn dân dã, khá quen thuộc với mọi người, nhưng gần gũi nhất là người dân làm nông nghiệp ở nông thôn. Cách chế biến rất đơn giản: thịt trâu, thịt bò sau khi thái mỏng ướp gia vị như tỏi, hành, gừng, sả, ớt băm nhuyễn cho thấm rồi xào trên bếp cho chín mềm, sau đó cho nước cốt dừa, lá cách cắt sợi vào trộn đều. Món này ăn cùng cơm trắng hay bánh mì đều rất tuyệt.
Thịt trâu, bò xào lá cách với nước cốt dừa
Mắm cá lóc chưng dừa
Mắm cá lóc đem chưng cùng dừa ngon hết sảy, là món ăn dân dã nhưng rất hấp dẫn thực khách. Người ta cho mắm cùng các gia vị như tiêu, hành, tỏi, ớt, gừng, bột nêm rồi cho nước cốt dừa vào chưng cách thủy hay cho vào nồi cơm, ăn kèm với chuối chát, khế chua, rau sống hoặc ngọn rau lang, rau muống luộc, ngon hết sảy.
Mắm cá lóc chưng dừa
Ốc hấp nước dừa
Ốc gạo sinh sản nhiều vào khoảng tháng 7 hàng năm và sống ở vùng đáy sông, ăn phù sa, động vật phiêu sinh. Khi đó con ốc to cỡ hạt mít, ruột trắng tinh. Ốc gạo tuy nhỏ nhưng ai từng thưởng thức đều nhớ vì vị béo, thơm, ngọt và giòn đến lạ kỳ. Đặc biệt ốc vào mùa sinh sản thường có một lớp mỡ trắng dưới yếm, khều lên ăn sẽ thấy những con ốc con trắng tinh bên trong, nhai giòn rụm.
Ốc gạo ở Cồn Phú Đa (Chợ Lách - Bến Tre) nổi tiếng thơm ngon vì đây là vùng cát, ốc to, vỏ màu xanh, ruột trắng, thịt dầy. Ốc gạo không có nhớt, nên khi vừa đánh bắt lên có thể chế biến món ăn mà không cần phải ngâm cho mất nhớt như các loài ốc khác. Ốc gạo có thể chế biền thành nhiều món như ốc gạo xào dừa, ốc gạo xào sả ớt, nấu lẩu mắm, hay thậm chí là đổ bánh xèo, trộn gỏi… ốc hấp nước dừa vẫn được yêu thích nhất bởi vị ngọt thanh của ốc còn được giữ nguyên.
Ốc hấp nước dừa.
Chuối đập
Món ăn vô cùng đặc trưng của xứ dừa này không những là món khoái khẩu của các cô cậu thích ăn vặt mà còn là nỗi nhớ nhung của những người xa quê. Chuối đập khá khó tìm, thường chỉ bán ở những hàng gánh rong ngoài lề đường.
Món này cũng có thể tự làm ở nhà chỉ với một nải chuối và lò nướng. Chuối được lựa chọn phải là chuối Xiêm vỏ còn xanh vừa chuyển vàng, người miền Tây hay gọi là “chín hường hường”. Những ngày mưa lành lạnh, núp dưới mái dù của quán ven đường nào đó, bóc từng miếng chuối vừa giòn trên bếp xuống rồi xì xụp húp nước cốt tới muỗng cuối cùng thì thật tuyệt.
Chuối đập.
Bì cuốn
Miền Tây là xứ của các món cuốn. Bì cuốn cũng là tinh túy nằm một trong số đó. Món ngon vặt miền Tây này được chính xứ sở sản sinh ra nó đưa lên hàng đặc sản. Ngoài những thành phần phụ trợ cơ bản như rau, bún, thì bì cuốn không có thịt với tôm mà cuốn bằng “bì” – hỗn hợp của thịt ba rọi với da heo cắt nhỏ.
Một thành phần nhỏ quyết định gần như là “bản sắc” của món ăn này chính là thính. Bánh tráng nem trải ra, bỏ nhúm bún, mấy cọng rau xắt nhỏ, một muỗng bì chấm nước mắm tỏi ớt thì không còn gì bằng. Ngoài bì cuốn, phần bì trên còn có thể làm món bún bì.
Bì cuốn.
Bánh ướt ngọt nhân đậu xanh
Bánh ướt ngọt thực chất là bánh tráng dừa khi mới tráng xong, chưa đem phơi, còn ướt, cuốn thêm ít nhân đậu xanh, dừa bào để cho ra món ăn chơi thú vị. Do đó, ban đầu, các lò bánh tráng là nơi “khởi xướng” món ăn này. Dần dà, bánh được người ta làm tại nhà, không chỉ ăn mà còn bán ở chợ sáng. Bánh ngọt ngọt béo béo, chấm với muối mè hay đậu phộng, chỉ vài cuốn là đủ cho một bữa sáng ở vùng quê.
Bánh ướt ngọt có thể xem là “đặc sản” Bến Tre - nơi có các lò bánh tráng, bánh phồng nổi tiếng khắp nơi. Làm bánh ướt ngọt không khó nhưng đòi hỏi chút kỹ năng khéo léo để tráng bột, cuốn bánh sao cho đẹp mắt.
Bánh ướt ngọt nhân đậu xanh.
Bánh canh bột xắt
Miền Tây cũng là xứ sở của bánh canh bột xắt, những vùng khác còn gọi là bánh canh bột gạo. Tựu chung, nguyên liệu chính của món bánh canh này là bột gạo, tùy vào cách chế biến mà có tên gọi khác nhau.
Bánh canh bột xắt thường là bánh canh vịt chấm với nước mắm gừng. Nhiều nơi người nấu cho tép non hay tôm khô vào để nước ngọt hơn. Thứ nước lèo trắng đục do bột gạo tạo nên làm cho bánh canh bột xắt khó mà lẫn được với các loại khác.
Bánh canh bột xắt.
Cháo dừa
Dừa không chỉ để làm mứt, nấu cơm, xôi mà còn được dùng để nấu cháo. Có rất nhiều cách nấu món này, chẳng hạn như sau khi vo một ít gạo, người ta đổ nước vừa đủ rồi nấu để nồi cháo sôi lên cho gạo nở ra Dừa nạo sẵn, đợi cháo sôi là vắt nước cốt đổ vào, nhưng phải để nước nước vắt đầu tiên lại, chờ khi nhắc nồi cháo xuống thì cho vào để cháo thêm ngon, thêm béo.
Cháo dừa có thể ăn cùng với đường, nhưng cũng có khi người ta làm cá lóc bỏ thêm vào, làm cho nồi cháo có thêm phần dinh dưỡng. Vị thơm bùi của gạo, vị ngọt của cá hoà với vị béo ngậy của nước cốt dừa tạo nên sự hấp dẫn khó quên.
Cháo dừa.
Bánh tráng Mỹ Lồng
Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, nói đến “bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng Sơn Đốc” ai cũng biết, đó là đặc sản của vùng quê Giồng Trôm, Bến Tre. Mỹ Lồng nổi danh nhất là loại bánh tráng dừa vừa béo vừa xốp, vừa đặt lên lò than đã tỏa hương thơm lừng. Thứ bánh tráng dừa đó được chia làm ba loại, bánh đặc biệt có sữa, trứng gà, dừa; bánh ngang chỉ có dừa không sữa; bánh sữa không dừa…
Bánh tráng mỹ lồng.
Bánh phồng Sơn Đốc
Bánh phồng là niềm tự hào của người dân Sơn Đốc, Bến Tre. Mùi hương gạo nếp, hương dừa phảng phất trong từng chiếc bánh phồng nhỏ nhắn luôn khiến những người xa quê nhớ hoài. Bánh phồng Sơn Đốc nổi tiếng nhờ chọn lựa gạo nếp kỹ càng, không được lẫn với gạo tẻ dù chỉ một hột.
Nếp ruột phải thật trắng và loại bỏ tấm vì hạt tấm nhỏ khi quết nó vẫn còn nguyên chứ không nhuyễn mịn và sẽ làm bánh bị sượng. Chọn dừa để lấy nước cốt cho vào nếp cũng phải có bí quyết. Đó phải là loại dừa khô vừa đúng mức, nếu mới rám sẽ kém độ béo nhưng khô quá thì bánh sẽ hôi dầu.
Bánh phồng sơn đốc.
Hủ tiếu Mỹ Lồng
Hủ tiếu Mỹ Lồng món ăn dân dã, mộc mạc như cuộc sống người Mỹ Lồng, Bến Tre. Tô hủ tiếu với nào là bao tử, gan, thịt heo luộc, miếng nào miếng nấy xắt dầy cộm, cắn ngập răng, ngọt lịm. Trong tô lại còn có con mực nhỏ cỡ ba ngón tay nướng tỏa mùi thơm phức và miếng chả tép chiên vàng, giòn rụm khi cắn và nhai, sợi hủ tiếu mềm, ngọt béo.
Hủ tiếu mỹ lồng.
Nấm mối
Nhắc đến Bến Tre, người ta thường nghĩ đến các đặc sản từ dừa, nhưng ít ai biết nơi đây còn có một loại thực phẩm đặc biệt, đó là nấm mối. Nấm mối là loại nấm thiên nhiên mọc trên những gò mối đùn đất, thường xuất hiện vào khoảng từ tháng 4 – 7 âm lịch, rộ nhất là tháng 5. Nấm mối dai hơn nấm rơm, vị ngọt đậm đà, có mùi thơm đặc trưng và được nhiều người ưa chuộng. Nấm mối giàu các chất dinh dưỡng tự nhiên, giúp cơ thể chống lão hóa rất tốt.
Nấm mối.
Bánh xèo ốc gạo
Bánh xèo ốc gạo là món ăn dân dã không chỉ du khách phương xa, mà ngay người dân những vùng xung quanh đến mùa là phải ghé qua chợ Lách để ăn. Cả vùng đồng bằng sông Cửu Long chỉ có cồn Phú Đa của Chợ Lách là có ốc gạo ngon nhất, mà mỗi mùa ốc chỉ từ tháng 4 đến tháng 7 âm lịch là hết.
Vị thơm béo của vỏ bánh đổ từ bột pha nước cốt dừa đã có thể đủ làm khách ngây ngất, nay lại thêm nhân gồm củ sắn xắt sợi, giá đỗ và ốc gạo dai bùi, ngọt ngon rải đều phía trong khiến bánh xèo ốc gạo không ngấy mà lại còn rất lạ vị, đưa đẩy và thuyết phục hoàn toàn những người sành ăn nhất.
Bánh xèo ốc gạo.
Gỏi gà trộn môn ngọt
Khi nhắc đến món gỏi gà, người ta thường nghĩ ngay đến gỏi gà trộn bắp chuối, trộn lá chanh, trộn dưa ngó sen, trộn dưa bồn bồn…, ít ai nói đến món gỏi gà trộn môn ngọt một món ăn độc đáo lạ miệng chỉ có ở Bến Tre.
Môn ngọt còn có tên là môn đúm, hình dáng giống cây bạc hà, thân thấp và chắc. Trên đọt tàu lá có chấm màu nâu, đầu lá bầu. Môn ngọt có vị ngọt, làm món ăn gì cũng ngon như: xào thịt, làm bánh xèo, nấu canh chua, làm gỏi… trong đó ngon nhất phải kể đến món trộn với gà.
Khi ăn cho bánh tráng nhúng vào lòng bàn tay, gắp một miếng thịt gà có kèm miếng môn ngọt cuốn lại chấm vào chén muối ớt đưa lên miệng nhai chậm rãi, ta sẽ cảm nhận được vị ngọt, dai của thịt gà, chua chua, giòn giòn của môn ngọt.
Gỏi gà trộn môn ngọt.
Canh chua cá linh
Cá linh chọn con lớn, cắt ngang phía dưới mang, nặn cho mật vọt ra còn ruột thì để nguyên. Cá linh đầu mùa, thịt béo ngậy. Bông so đũa đầu mùa ăn rất ngọt, cuối mùa thì đắng lại có nhiều sâu, cũng là lúc cá linh ăn hết béo. Khi mua, chọn so đũa còn búp hoặc mới nở, đã được nhặt sạch hết nhụy, cuống.
Canh chua cá linh.
Lẩu cháo cua đồng
Cua đồng rửa sạch, tách mai và yếm bỏ. Gạch cua lấy từ yếm ra, trộn với một số gia vị, để riêng. Phần còn lại của cua xay nhuyễn, hòa nước lạnh, quậy đều, lược lấy nước cốt. Nồi cháo gạo ngon nấu nhừ với đậu xanh cà, nấm rơm cho vào lẩu, nêm nếm vừa ăn rồi mới cho nước lọc cua vào cùng với hành lá xắt nhỏ và gốc hành. Sau cùng cho lớp gạch cua phi với hành thơm nức lên làm mặt.
Thưởng thức lẩu cháo cua đồng với 5 thứ rau đồng quê: rau ngót, rau má, rau mồng tơi, rau đay, cải xanh và mướp hương. Đặc biệt, ăn “kèm” món này còn có hột vịt lộn. Ngoài tiêu và ớt xắt khoanh, món ngon nhờ có nước mắm rươi trong.Lẩu cháo cua đồng ăn mát, bổ dưỡng mà lại giúp hạ đường huyết.
Lẩu cháo cua đồng.
Gợi ý một số địa điểm ăn uống nổi tiếng ở Bến Tre
- Chuối đập: ở gần hồ Trúc Giang (là một địa điểm nổi tiếng của học sinh Bến Tre). Món này đơn giản là chuối đập ra và nướng than ăn với nước cốt dừa. Món này không phải là loại chuối nguyên trái rồi có nếp bên ngoài, mà đơn giản là 1 trái chuối để giữa 2 tấm thớt cho nó dẹp ra. Cái ngon của món này là chuối vừa nướng nóng là ăn ngay với nước cốt dừa nóng. Quán bán từ xế trưa cho đến chiều nhưng thường là hết sớm. Bạn nào muốn ăn thì tranh thủ ra sớm, phải ăn ngay tại quán mới ngon.
- Bánh canh bột xắt: chính hiệu đặc sản miền tây. Món này làm từ bột gạo, nước sệt thường nấu với thịt vịt chấm nước mắm gừng. Sở dĩ có tên gọi bánh canh bộ xắt vì để làm bột bánh canh người ta sẽ dùng bột gạo, nhào nặn theo công thức riêng của từng người. Thường thì khó tìm chỗ bán vì các chị thường gánh đi, chỉ có dân địa phương mới biết hành trình thôi, nhưng các bạn có thể hỏi bất cứ dân địa phương nào.
- Chè Bưởi Thầy Tôn: nằm ở đường Nguyễn Huệ gần trường Mẫu giáo Đồng Khởi, bán từ chiều đền tối. Mặc dù ăn nhiều địa điểm bán chè ở TP HCM nhưng không thể nào tìm được chổ nào làm ngon như ở đây. Chè ngọt vừa, sợi chè dai và đặc biệt là chỉ có 10k/ ly thôi.
- Cơm Tấm: Chắc nhiều bạn không biết cơm tấm có gì mà là đặc sản. Nếu có dịp ghé Bến Tre nhât định các bạn phải ăn thử món này. Cơm Tấm ở đây ngon hơn ở Sài Gòn. Cơm tấm ở Bến tre là cơm tấm thật, có nghĩa nấu từ tấm nên sẽ khó nấu hơn gạo bình thường chúng ta ăn. Thịt thường là thịt heo nướng, xắt mỏng, mỏng đến nỗi bạn có thể nhìn xuyên qua được bên kia, ngoài ra còn có thịt gà ram xé nhỏ, trứng cút chiên ốp la, bì dưa leo, cà chua, cải chua … Tất cả làm thành 1 dĩa cơm bắt mắt và đủ dinh dưỡng. Địa điểm bán ở nhiều nơi trong tỉnh, đa số đều ngon. Một lựa chọn cho món này là Cơm Tấm Chi gần Ngân Hàng công thương, hoặc quán sau lưng Hồ bơi bán vào buổi sáng.
- Bắp nướng: chỗ bán nổi tiếng nhất là gần cầu Kiến Vàng, đối diện bở sông, Ở đây có 1 chỗ bán hoành tráng, có rất nhiều người ăn, bán từ chiều cho đến 9h tối.
- Ngoài ra thì cũng có các món như Bánh xèo miền tây, Bò đun – Bò lá lốt – Bánh Hỏi ở gần trường Chuyên Bến Tre.
- Trái cây thì vô chợ Bến Tre, không cần trả giá nhiều lắm, vừa tiện vừa ngon.
- Cafe thì ghé vô khách sạn Hàm Luông hoặc khách sạn Việt Úc, hoặc chạy ra đường Lộ Mới.
Những món ngon nổi tiếng ở Đồng Hới - Quảng Bình
Đồng Hới không chỉ có nhứng bờ biển tuyệt đẹp, những hang động có một không hai mà còn bởi những món ăn nhớ mãi không quên.
Những điểm du lịch hấp dẫn ở Sóc Trăng
Sóc Trăng là sự kết hài hòa văn hóa của các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer cùng với người Chăm bản địa, sự đa dạng văn hóa đã tạo nên sự hấp dẫn của Sóc Trăng, để khám phá vùng đất nơi đây, chúng tôi giới thiệu những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Sóc Trăng ch
Những điểm du lịch nổi tiếng Cà Mau
Cà Mau nổi tiếng với cực nam của tổ quốc là Mũi Cà Mau, tuy nhiên ở Cà Mau còn rất nhiều các điểm du lịch hấp dẫn khác như Rừng U Minh, Rừng đước... Dưới đây là danh sách những điểm du lịch nổi tiếng ở Cà Mau, khi tới đây bạn không nên bỏ lỡ những điểm du
Thưởng thức hải sản nướng ở chợ đêm Dinh Cậu
Nằm ở trung tâm thị trấn Dương Đông, chợ đêm Dinh Cậu được xem là trung tâm mua sắm, ăn uống, tham quan dành cho khách du lịch và người dân địa phương.
Món ngon nổi tiếng Sóc Trăng
Đến Sóc Trăng, tham quan những điểm du lịch hấp dẫn, nhưng bạn cũng đừng bỏ lỡ thưởng thức những món ngon hấp dẫn ở đây.