- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Những đứa trẻ Hà Giang – Cuộc sống nơi cao nguyên đá
Đâu đó trong những chuyến đi về miền Đông Bắc, người ta chẳng thể nào quên được những đứa trẻ Hà Giang – Cuộc sống nơi cao nguyên đá.
Đâu đó trong những chuyến đi về miền Đông Bắc, người ta chẳng thể nào quên được những đứa trẻ Hà Giang – Cuộc sống nơi cao nguyên đá.
Gương mặt hồn nhiên đến ngơ ngác của em bá Hà Giang. (Ảnh Photo Tour PYS Travel)
Chẳng cần phải nói nhiều, những cao nguyên xa xôi đâu chỉ hớp hồn bởi cảnh sắc hoang sơ hữu tình, những ngôi nhà trình tường vách đất, những hàng rào đá được che phủ bởi thảm hồng đào bung, sắc hoa mận trắng, đâu chỉ là những cung đường hun hút, ngoằn ngoèo đầy gió lộng…mà trên hết điều khiến người ta không khỏi lưu luyến khi rời xa nơi đây đó chính là hồn trẻ trên núi cao. Nét mê hoặc khách thập phương chính là gương mặt hồn nhiên đến ngơ ngác, cái vẻ nhem nhuốc đến tội nghiệp mà rất đỗi đáng yêu của các em nhỏ.
Cái vẻ nhem nhuốc đến tội nghiệp mà rất đỗi đáng yêu. (Ảnh Photo Tour PYS Travel)
Những đứa trẻ vùng cao, đầu trần chân đất, quá đỗi chân thực đến xót xa. Bọn trẻ đến trường với những bộ áo quần sờn nát, nhiều em còn không có dép để đi học nên sách mới, vở mới là cả một ước mơ.
Những gương mặt ngây thơ đã sớm choàng vẻ lam lũ khi cái đói, cái nghèo vẫn hiện diện trên cao nguyên đá Đồng Văn. (Ảnh Photo Tour PYS Travel)
Cái đói cái nghèo vẫn còn đâu đó trên cao nguyên đá. (Ảnh Photo Tour PYS Travel)
Yêu tha thiết ánh mắt trong mà sâu vời vợi, tóc cháy vàng, nước mũi chảy ròng ròng, những đứa trẻ phong phanh trong cái rét cứa da cứa thịt của rừng núi. Bố mẹ bận lên nương rẫy nên bọn trẻ tự chăm nhau. Đứa lớn chừng 8-9 tuổi thì đi hái đót làm chổi về bán, cũng có đứa vừa trông em vừa giặt đồ trên suối, bàn tay tím ngắt vì làn nước buốt lạnh. Đứa nhỏ hơn chị biết quanh quẩn bên chị hoặc nghịch đất quanh nhà.
Gương mặt ngơ ngác khi ống kính chĩa vào. (Ảnh Photo Tour PYS Travel)
Có em nhà gần con sông, con suối thì đem lưới ra giăng kiếm con tôm, con tép ăn qua bữa. Có em lên rẫy hái rau, mót của sắn, củi về ra chợ đổi gạo. Cũng có những em bưng khay ra bờ suối đãi vàng, nếu không có việc gì thì phụ bố mẹ bê chén bát ra sông ngồi rửa…làm cho người ta không khỏi xót xa, ngậm ngùi về cuộc sống còn cơ cực của trẻ em vùng cao. Tùy vào điều kiện mỗi em sẽ tự tìm cho mình một công việc phù hợp để thích nghi.
Tuổi nhỏ làm việc nhỏ. (Ảnh Duong Tuong)
Giữa thời tiết 10 độ C, trẻ em ở xã nghèo Lũng Chinh (Mèo Vạc, Hà Giang) co ro trong những bộ quần áo mỏng manh, chân đi dép tổ ong, bàn tay lem nhem, nứt nẻ…
Giữa cuộc sống còn đầy khó khăn, thiếu thốn, gương mặt trẻ thơ vẫn bừng sáng những nụ cười. Trò chơi của lũ trẻ cũng thật đơn giản, chúng trượt máng đất, lăn bánh xe, đào đất hoặc đơn giản là lang thang núi đồi. (Ảnh Photo Tour PYS Travel)
Đâu đó vẫn có những bé gái cặp mắt long lanh, đôi má ửng hồng trong bộ trang phục truyền thống, những nụ cười đượm chất vùng cao.
Trẻ con vùng cao thường rất nhút nhát, rụt rè. Đôi khi chỉ cần bạn giơ máy ảnh lên là chúng chạy, bật khóc hoặc quay mặt đi sợ hãi. Để có những bức ảnh tự nhiên, cần phải kết thân, làm quen, cười tươi chuyện trò cùng các em. Khi đã thân quen những em bé tự nhiên tạo dáng chụp hình.Bạn có thể mua cho chúng những chiếc kẹo, các em rạng ngời chia nhau rồi cùng vô tư nô đùa.
Khó khăn là vậy nhưng những đứa trẻ vùng cao thật dễ thương và mến khách. Chúng khỏe mạnh, hồn nhiên như vẻ đẹp tự nhiên của cỏ cây, hoa trái núi rừng. (Ảnh Photo Tour PYS Travel)