Hòn đá bay, vùng đất của ma thuật, hồ hài cốt, làng sinh đôi, đồi nam châm, ngôi làng chưa hề có tội ác diễn ra… là những bí ẩn khó lý giải thu hút nhiều du khách đến .
1. Hòn đá bay, Shivapur, Maharashtra: Tại một ngôi làng nhỏ tên Shivapur ở Pune, ngôi đền Hazrat Qamar Ali Darvesh có một câu chuyện thần bí. 800 năm trước, ngôi đền này là một sân tập võ. Một vị thánh Sufi tên Qamar Ali bị những tay vật ở đây trêu chọc. Vị thánh đã phù phép một tảng đá được các tay vật dùng để tập luyện. Hòn đá nặng 70 kg có thể được nâng lên chỉ bằng cách chạm 11 ngón tay vào và kêu tên vị thánh thật to. Đến nay, hòn đá Qamar Ali vẫn có thể được nâng lên một cách dễ dàng bằng cách đọc tên vị thánh.
2. Vùng đất ma thuật, Mayong, Assam: Một tấm màn bí ẩn bao trùm Mayong, hay còn gọi là “Vùng đất của ma thuật”, một ngôi làng nằm cách thành phố Guwahati 40 km, gần khu bảo tồn Pobitora. Người ta tin rằng cái tên Mayong bắt nguồn từ “Maya”(ảo giác) trong tiếng Sanskrit. Tại đây có nhiều câu chuyện về những người đột ngột biến mất giữa không trung, người biến thành động vật, thú dữ được thuần hóa bằng phép thuật. Các phép phù thủy và ma thuật được thực hiện và truyền từ đời này sang đời khác. Nhiều di vật cổ của Ayurveda và ma thuật đang được bảo quản tại bảo tàng Trung tâm Mayong.
3. Hồ hài cốt Roopkund, Chamoli, Uttarakhand: Nằm ở độ cao hơn 5.000 m, giữa khu vực khắc nghiệt nhất của dãy Himalayas, hồ Roopkund phủ đầy tuyết và bao quanh là những dải băng hà lởm chởm. Được biết đến với cái tên “hồ Hài Cốt” hay “hồ Bí Ẩn”, điều đặc biệt về hồ nước này là hơn 600 bộ xương người được tìm thấy tại đây. Những bộ xương này có từ thế kỷ 9 sau Công nguyên và lộ rõ khi tuyết tan. Người dân địa phương tin rằng đây là một đoàn người đi ngang qua, họ khiến thần Latu tức giận tạo bão tuyết làm họ mắc kẹt và cuối cùng chết hết.
4. Chim tự sát tập thể, Jatinga, Assam: Làng Jatinga nằm trên đồi Borail của vùng Assam. Mỗi mùa mưa, ngôi làng đẹp đẽ này lại chứng kiến một hiện tượng kỳ lạ. Khoảng giữa tháng 9 và tháng 10, nhất là vào những tối âm u và sương mù, hàng trăm con chim di cư lại lao vào cây và các tòa nhà đến chết. Hiện tượng chim tự sát tập thế này được thế giới chú ý sau những nghiên cứu của nhà tự nhiên học nổi tiếng E.P. Gee vào thập niên 1960.
5. Làng sinh đôi Kodinhi (Kerala) và Umri (gần Allahabad): Kodinhi, một ngôi làng bình lặng nằm ở quận Malappuram, Kerala, đã gây nhiều tranh cãi giữa các nhà khoa học trên thế giới. Trong số 2.000 người dân ở Kodinhi có tới 350 cặp sinh đôi cùng trứng. Tỷ lệ 6 cặp sinh đôi trên 1.000 trẻ sinh ra đã là cao, ở Kodinhi tỷ lệ này là 42 cặp/1.000 trẻ.
Làng Mohammedpur Umri gần Allahabad cũng có câu chuyện tương tự. Tỷ lệ sinh đôi ở đây cao gấp 300 lần tỷ lệ sinh đôi quốc gia, với 60 cặp sinh đôi trên tổng dân số 900 người. Các nhà nghiên cứu tin rằng nguyên nhân nằm trong gien di truyền, nhưng những người khác lại cho rằng đây là ý muốn của thần linh.
6. Đồi Nam Châm, Ladakh: Ở độ cao 3.352 m trên mực nước biển, đồi Nam Châm là một trong những điểm không thể bỏ qua trên đường tới Leh. Nơi đây nổi tiếng với khả năng kéo một chiếc xe về phía mình dù xe không nổ máy. Đó là một trải nghiệm lạ lùng, nhưng thực tế đó chỉ là một ảo giác quang học do đồi trọng lực tạo ra. Đồi Nam Châm là một trong những đồi trọng lực nổi tiếng nhất thế giới.
7. Làng hậu duệ của Alexander Đại Đế – Malana, Himachal Pradesh: Nằm ở phía Đông Bắc thung lũng Kullu, Malana còn được coi là “Tiểu Hy Lạp của Ấn Độ” vì người dân nơi đây tin rằng mình là hậu duệ của Alexander Đại Đế. Ngôi làng cổ này nằm tách biệt với thế giới, họ hoạt động theo hệ thống chính trị bản xứ riêng. Chỉ có khoảng 100 nóc nhà trong ngôi làng này, nhưng ở đây nổi tiếng với Malana Cream, loại thuốc phiện nặng nhất và có chất lượng cao nhất.
8. Ngôi làng sạch nhất châu Á – Mawlynnong, Meghalaya: Làng Mawlynnong ở Cherrapunji thường được gọi là “Vườn của thượng đế” và đoạt danh hiệu “Ngôi làng sạch nhất châu Á”. Với nỗ lực xây dựng du lịch sinh thái, tỉ lệ tái chế rác của làng là 100% và hầu hết người dân đều nói tiếng Anh trôi chảy. Mawlynnong có nhiều cảnh đẹp như các thác nước, cầu dây leo và đá thăng bằng.
9. Ngôi làng không cửa – Shani Shignapur, Maharashtra: Nằm cách Ahmednagar, Maharashtra 35 km, làng Shani Shinagpur nổi tiếng với ngôi đền Shani. Làng này chưa bao giờ có tội ác diễn ra và họ thờ thần Shani Dev. Người dân tin tưởng thần Shani Dev và đặt sự an toàn của mình vào tay thần. Đó là lý do các ngôi nhà ở làng không hề có cửa hay khung cửa.
10. Đền chuột – Karni Mata, Rajasthan: Một thị trấn nhỏ tên Deshnok nằm cách Bikaner 30 km có đền thờ nữ thần Karni Mata, điều đặc biệt là ở đây có tới hơn 20.000 con chuột. Chúng được thờ phụng vì người dân tin rặng chúng là hiện thân của các thành viên trong gia đình nữ thần Karni Mata. Chuột trắng còn được tôn thờ hơn vì chúng được cho là hiện thân của chính thần Karni Mata và con cái bà.
Theo Zing News
Xem thêm các bài viết:
10 công trình tôn giáo linh thiêng đẹp nhất thế giới
Cách trả tiền tip khi du lịch một số nước trên thế giới
10 lý do khiến Rajasthan là điểm đến lý tưởng nhất khi du lịch Ấn Độ