- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Những cột mốc biên giới Việt Nam dành cho người chinh phục
Các cột mốc biên giới sau thường nằm trong lịch trình chinh phục của các phượt thủ đam mê sự thử thách.
Cột mốc 0 A Pa Chải
Cột mốc nằm ở ngã ba biên giới Việt – Lào – Trung, thuộc địa phận A Pa Chải, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách tỉnh lỵ Điện Biên khoảng 250 km. Đây chính là cực Tây của Việt Nam, phía Tây Bắc giáp với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), phía Tây Nam giáp với Lào. Ở nơi “con gà gáy 3 nước cùng nghe” này tập trung chủ yếu người dân tộc Hà Nhì.
Cột mốc đa giác cao 2 m bằng đá hoa cương, nằm trên bệ đỡ vuông vức 25 m², tọa lạc trên đỉnh núi Khoang La San có độ cao gần 1.900 m, ba mặt hướng về ba nước, mỗi mặt khắc quốc huy và tên nước bằng ngôn ngữ từng quốc gia. Việc cắm cột mốc ở đây được hoàn thành vào ngày 27/6/2005.
Muốn leo lên cột mốc, bạn phải có giấy giới thiệu của nơi công tác, hoặc giấy xác nhận đi du lịch của địa phương sinh sống để xin được giấy phép ở Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Điện Biên. Thủ tục làm trong khoảng 2 tiếng, và giờ làm việc bắt đầu lúc 8g. Sau khoảng 4 tiếng vượt rừng, bạn sẽ hoàn tất hành trình chinh phục cột mốc 0 A Pa Chải.
Cột mốc 1378
Nếu cột mốc số 0 A Pa Chải là khởi đầu của đường biên giới Việt – Trung thì cột mốc số 1378 chính là cột mốc cuối cùng. Cột mốc này có vị trí đặc biệt khi nằm ở cửa sông Bắc Luân trên hòn Dậu Gót, trong cụm đảo nhỏ thuộc mũi Sa Vĩ thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Mốc hình trụ được xây khá cao, để không bị chìm khi thủy triều lên. Quá trình xây lại gian nan vì nền đất yếu. Từ ngày 18/11/2009 đến nay, cột mốc 1378 đứng vững giữa biển cả bao la.
Ra đến được cột mốc này không phải chuyện đơn giản. Trước hết, bạn phải được Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Ninh cấp phép, sau đó đồn biên phòng trực tiếp quản lý cột mốc sẽ sắp xếp thời gian và cử cán bộ đưa bạn đi. Đến đê Tràng Vỹ và sau nửa giờ đò máy, bạn sẽ ra đến cột mốc tròn to có 3 vạch sơn đen, vàng, đỏ trên nền trắng. Đứng đây, bạn còn có thể nhìn thấy cột mốc 1377 thuộc hải phận Trung Quốc.
Cột mốc 428
Cột mốc 428 bằng đá hoa cương nằm ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Cách đó 2 km là con sông Nho Quế xanh thẳm, phân chia ranh giới giữa nước ta với Trung Quốc. Đây là cột mốc đánh dấu phần lãnh thổ vươn xa nhất về phía Bắc của Tổ quốc.
Đường lên cột mốc 428 chỉ dài 2 km, nhưng địa hình hiểm trở nên phải mất gần 3 tiếng đi bộ, bắt đầu từ cuối bản Xéo Lủng, nơi sinh sống của đồng bào H’mong.
Đến nơi, bạn có thể nhìn thấy cả cột mốc 426 trên đỉnh núi phía xa, cột mốc 427 chếch xuống lưng chừng núi. Hành trình này thường kết hợp đến thăm cột cờ Lũng Cú cách khoảng 5 km về phía Bắc.
Cột mốc 79
Cột mốc 79 là cột mốc biên giới cao nhất Việt Nam, nằm ở xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, Lai Châu. Cột mốc được cắm vào ngày 24/10/2004 ở cao độ gần 3.000 m, trên vùng yên ngựa của đỉnh núi Phàn Liên San. “Nóc nhà biên cương” này nằm ở khu vực được xem là hiểm trở nhất trên đường biên giới Việt – Trung.
Để tới được đây, bạn cần có giấy phép của Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu và trình báo với đồn biên phòng Vàng Ma Chải.
Cột mốc 42
Cột mốc cao thứ 2 Việt Nam chính là mốc 42 ở xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, do đồn biên phòng Pa Vệ Sủ quản lý. Cột mốc bằng đá hoa cương phân chia ranh giới với Trung Quốc được cắm vào ngày 8/10/2008, ở độ cao trên 2.800 m. Đường đi đến mốc 42 băng qua nhiều dòng suối chảy xiết, những dốc cao có khi phải 4 tiếng mới vượt qua được, những nơi chênh vênh ngay bờ vực.
Tuy nhiên, vẫn có những đoạn đường khung cảnh đẹp như tranh vẽ, với những khu đồi trắng xóa màu hoa dại, những tán cây hồng quang rợp sắc hoa đỏ. Những ai muốn chinh phục đỉnh Pu Si Lung sẽ đi qua cột mốc 42 này.
Cột mốc 92
Từ Lào Cai, bạn theo tỉnh lộ 156 ngược lên thị trấn Bát Xát rồi đi đến địa phận xã A Mú Sung. Từ trung tâm xã, đi gần 20 km men bờ sông Hồng là đến cột mốc số 92 thuộc đường biên giới Việt Nam – Trung Quốc.
Đây là điểm ngã ba, sông Nguyên Giang của Trung Quốc hòa cùng dòng Lũng Pô của Việt Nam, trở thành khởi nguồn của sông Hồng chảy vào nước Việt.
Cột mốc 92 được làm bằng đá hoa cương, cắm ngày 7/12/2004 ở độ cao 114 m, do đồn Biên phòng Lũng Pô quản lý. Trong hành trình đến đây, bạn sẽ được tận mắt nhìn thấy những ruộng bậc thang trải rộng và dòng nước đỏ nặng phù sa miệt mài trôi của con sông Hồng.
Cột mốc ngã ba Đông Dương
Cột mốc không số tại ngã ba Đông Dương nằm gần cửa khẩu Bờ Y thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum, giáp ranh tỉnh Ratanakari của Campuchia, tỉnh Attapư của Lào. Đây vừa là điểm khởi đầu của biên giới Việt Nam – Campuchia, vừa là điểm kết thúc của biên giới Việt Nam – Lào.
Cột mốc ba biên được làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, nằm trên ngọn núi cao 1.086 m, xây từ ngày 29/11/2007 đến ngày 18/1/2009, mỗi mặt có khắc quốc huy và tên từng nước. Theo đường mòn Hồ Chí Minh từ Quảng Nam lên Kon Tum, đi 80 km đường hẹp, bạn sẽ đến cửa khẩu quốc tế Bờ Y, và những bậc thang bê tông sẽ đưa bạn đến với cột mốc này.
Cột mốc 240
Đi ngang Đồng Tháp, hãy dành thời gian ghé vào cửa khẩu Thường Phước để đến với cột mốc biên giới 240, phân ranh giới giữa Việt Nam và Campuchia. Tại đây cũng là nơi sông Mekong chảy vào Việt Nam sau khi bắt nguồn từ Tây Tạng của Trung Quốc, chảy qua Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia. Cả 9 nhánh sông lớn đã tạo nên con sông Cửu Long, vun đắp phù sa để khắp cả miền Tây Nam Bộ được trù phú, sung túc.
13 món ăn nhìn là thèm của Nhật Bản
Không chỉ đẹp mắt như mực tươi nướng ikayaki hay bánh xèo okonomyaki mà ẩm thực Nhật còn thu hút sự hiếu kỳ của thực khách với món fugu làm từ thịt sống của cá nóc độc.