- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Ngây ngất mùa hoa súng miền Tây
Cuối tháng 8, cánh nhiếp ảnh đã hú gọi nhau. Dù biết mấy năm mùa lũ không về nhưng ai cũng hi vọng một mùa nước tràn đồng. Nước chưa về, nhưng bông súng thì vẫn nở.
Bạn bè tôi nhiều người quê vùng đồng bằng, đâu đó trong mắt có hàng mưa giăng miệt Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bạc Liêu. Mùa mưa là bông súng dại đua nhau nở đầy trên ven sông, kênh rạch, đồng trũng, ao, đìa…
Loài hoa mà mùa nắng cứ tự vùi hạt, thân củ, rễ xuống tầng đất sâu, chờ mưa xuống, nước lên thì lặng lẽ mọc, lặng lẽ khoe sắc khắp mọi nơi để có một mùa hoa thu hoạch bông súng. Mùa của những món ăn dân dã ngon tuyệt.
Trong tuổi thơ của bạn bè tôi ai cũng có những mùa nước nổi chèo xuồng đi nhổ bông súng trên cánh đồng xa. Là những lúc ướt lướt thướt, lạnh căm căm, nhưng đổi lại có món học phí lận lưng, có chút tiền bỏ túi lên thành phố mà vào năm học mới.
Là hình ảnh những người mẹ, người chị chống xuồng đi từ khuya để đi nhổ bông súng cho nhiều, cho kịp (vì tới trưa bông nở sẽ đắng) mang ra chợ bán, kiếm tiền mua gạo và các thứ. Là niềm vui hớn hở qua một xuồng đầy những bông súng tươi non.
Trong khi lang thang vùng An Giang, chúng tôi may mắn làm quen được một vài chị đang ngồi lặt bông súng ven lạch. Theo lời các chị, những năm gần đây lũ không còn về, nên những người dân vùng sông nước cứ canh đến khi trời đổ mưa là đi dọn ruộng vét ao, chờ mưa nhiều cho súng mọc lên…
Thường bông súng không gieo trồng, cứ mưa xuống là theo đất dưới sình mọc lên. Nước dâng cao, bông súng cũng cao theo. Mưa càng nhiều nước thì bông súng càng dài cọng, mềm mại, tươi non.
Cứ chèo xuồng đi nhổ những cọng bông xanh non tươi về, làm sạch bùn đất. Chỉ cần bứt bỏ bông nở, lấy thân súng, tước bỏ lớp vỏ ngoài mỏng rồi khoanh tròn lại, giao cho vựa. Từ đó họ giao ra chợ, cho nhà hàng. Còn lại thì chế biến các món ăn.
Với bà con miệt đồng thì xào, nấu canh chua, làm dưa… món nào cũng ngon, ngon nhất làm cái lẩu bông súng mắm kho. Cái món ăn dân dã từ thời cha ông lưu truyền tới giờ, mà đâu phải ai cũng biết ăn và được ăn.
Theo chỉ dẫn, chúng tôi thuê xuồng và lội vô một đồng súng miền sâu. Giữa đồng hoang, ngoài vài chòi giữ súng thì gần như vắng bóng người.
Những người dân ở đây kể thêm dù là loài mọc tự nhiên, thân phát triển theo con nước, nhưng do lũ không còn về nên phải lo trồng để có thu nhập. Chính vì trồng nên phải canh, phải lo chăm sóc.
Còn một số hái súng tự do thì bơi xuồng sang các cánh đồng trũng giáp biên giới Campuchia. Nơi đây còn súng hoang nhiều nên dài và to, nhưng đi vậy cực lắm. Đêm gió lạnh, không khéo lại lật xuồng trong khuya… Họ thở dài và bỏ lửng câu nói.
Bông súng “ta” thường có màu tím đỏ, cọng mập do được chăm sóc tốt. Còn súng hoang thường màu trắng, cọng dài, có khi đến 5 – 7m. Súng bên sát biên giới Campuchia thì to cọng và bông, có khi một bó hai người lớn khiêng mới nổi.
Mấy hôm nay mưa, sáng sớm ở các xóm vùng biên người đi bẻ súng rộn ràng hẳn. Ngoài sông thì giũ súng, trên bờ thì xe ba gác, xe đạp chất đầy súng, có bó khoanh tròn, có bó thẳng tắp… Chừng hửng sáng thì hết.
“Mấy ông nhiếp ảnh muốn chụp phải dặn trước để họ chừa lại, mà phải đi thiệt sớm”, một chị cười nói.
Chia tay những người dân chân chất vùng đồng nước. Chợt thấy quá cảm phục những người dân vùng quê. Để có những món ăn ngon từ bông súng tươi lành vươn lên từ bùn đất phù sa, bao nhiêu con người đã phải rất vất vả, dãi dầm sương gió.
Theo Tuổi Trẻ