- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Một số lưu ý khi du lịch Sa Pa
Nội dung
Những năm nay cùng với sự phát triển đi lên của ngành du lịch Sa Pa, các địa danh như bản Cát Cát, Tả Van, Lao Chải, Bản Hồ… đã trở thành những địa điểm du lịch quen thuộc dành cho du khách. Tuy nhiên khi đến thăm những ngôi làng của đồng bào dân tộc thiểu số này, bạn cũng cần phải tôn trọng một số tục lệ của địa phương.
Du khách cần tìm hiểu văn hóa của người dân tộc nơi đây trước khi đi du lịch Sa Pa (Ảnh sưu tầm) |
1. Những kiêng kỵ khi vào thăm bản
Ghé thăm các bản làng của người dân tộc thiểu số là trải nghiệm không thể thiếu của du khách khi có dịp đi du lịch Sa Pa. Tuy nhiên, để có cuộc viếng thăm thuận lợi, thì việc tìm hiểu phong tục, tập quán của người dân địa phương là điều bạn nên làm.
Trên đường vào các bản làng của người dân tộc thiểu số, nếu du khách nhìn thấy một cánh cổng chào dựng tạm, phía trên buộc tua tủa những dao gỗ, kiếm gỗ, đầu cánh gà… thì hãy chuyển hướng đến nơi khác. Bởi lúc đó, trong làng đang tổ chức hoạt động văn hóa tâm linh và không muốn có sự xâm nhập của người lạ. Những lễ hội này thường được tổ chức vào tháng 2 hoặc tháng 6, tháng 7 âm lịch.
Nếu trong làng đang tổ chức lễ cúng bạn không nên bước vào (Ảnh sưu tầm) |
Đặc biệt, khi đi lại trong bản, bạn không cười đùa, nói chuyện to mà phải từ tốn, lịch lãm, tôn trọng cảnh quan tĩnh lặng vốn có.
Khi nhìn thấy các cháu nhỏ, dù yêu trẻ đến đâu cũng không xoa đầu chúng. Bởi vì, theo đồng bào địa phương, xoa đầu và hôn đầu trẻ làm chúng hoảng sợ, trẻ dễ bị đau ốm sài đẹn.
Và khi dạo chơi ngắm cảnh bản vào buổi tối, bạn không nên huýt sáo. Bởi vì, người địa phương cho rằng, âm thanh tiếng huýt sáo sẽ gọi ma quỷ về bản.
Trong mỗi làng thường có một khu vực rừng cấm rất linh thiêng, đó là nơi thờ thần thánh của cả làng, nơi này rất sạch, đẹp và mát mẻ. Tuy nhiên, du khách dừng chân ngồi nghỉ ngơi, ăn uống tại đó, sẽ phạm đến thần linh.
2. Những lưu ý khi vào nhà của người dân tộc
Trước khi bước vào nhà đồng bào các dân tộc, du khách cần quan sát kỹ xem ở trước cửa nhà hay ở đầu cầu thang có cắm hoặc treo một cành lá xanh, cành gai hoặc tấm phên đan hình mắt cáo hay không. Nếu có thì đó là những dấu hiệu kiêng cấm, gia đình không muốn người lạ vào nhà.
Nhà của người Hà Nhì Đen có hai lớp cửa, bạn chỉ nên bước vào cửa thứ nhất. Nếu muốn bước qua cánh cửa thứ hai thì bạn phải được gia chủ đồng ý. Đối với nhà người Thái, phụ nữ chỉ được lên cầu thang có sân phải (bên trái), không được lên cầu thang bên phải.
Trong ngôi nhà của người dân tộc bàn thờ tổ tiên là khu vực rất linh thiêng (Ảnh sưu tầm) |
Ở vùng người Thái Đen, bếp lửa vừa là nơi nấu nướng vừa là nơi tiếp khách, nhưng đây cũng là nơi thờ vua bếp, thần lửa. Chính vì vậy, nếu muốn ngồi cạnh bếp lửa sưởi ấm, bạn không được đặt chân lên hoặc làm xê dịch hòn đá kê làm kiềng. Theo quan niện của người Thái, hòn đá này là nơi trú ngụ của thần lửa.
Đặc biệt trong ngôi nhà đồng bào các dân tộc, cửa và cây cột chính chiếm vị trí rất linh thiêng. Đây là nơi thờ thần cửa, thần cột cái. Chính vì vậy, khi bước chân vào nhà, du khách không nên ngồi trên bậu cửa hoặc treo mũ nón và tựa lưng vào cột cái.
Ngoài ra, người Thái, Tày, Kháng, La Ha, Phú Lá còn kiêng không cho khách đem lá xanh, cành cây xanh, rau xanh vào cửa chính vì theo họ như vậy là rước tà ma vào nhà.
3. Những lưu ý trong giao tiếp sinh hoạt
Đồng bào các dân tộc ở Sa Pa đều rất hiền hậu và mến khách nên việc giao tiếp với họ rất dễ dàng. Khi đi trên đường hay ghé thăm nhà của đồng bào, du khách hãy niềm nở và chủ động chào hỏi bằng thái độ chân thành cùng nụ cười thân thiện, để xoá đi mặc cảm bất đồng ngôn ngữ.
Đồng bào dân tộc ở Sa Pa rất thân thiện và hồn hậu (Ảnh sưu tầm) |
Nếu người dân địa phương mời bạn ăn uống hay lưu trú thì hãy xin phép được trả phí để gia chủ cảm thấy được thịnh tình của bạn.
Đến với bản làng của đồng bào dân tộc chắc chắn bạn sẽ có cơ hội được thưởng thức những đặc sản Sa Pa hấp dẫn. Tuy nhiên khi ăn uống bạn cần lưu ý chọn chỗ ngồi phù hợp.
Đối với người Giáy và Dao, phía dãy ghế ở gần bàn thờ chỉ dành riêng cho người cao tuổi nhất và khách quý. Với đồng bào Mông, khi bố mẹ mất, vị trí đầu bàn (gần bàn thờ) luôn bỏ trống với ý niệm nơi đó dành cho linh hồn người đã khuất. Vì vậy, bạn không nên ngồi vào chỗ này. Còn đối với người Thái, Tày, Mường, vị trí nơi giáp cửa sổ gia chủ đặt hai chén con có ý dành cho tổ tiên vì thế khách không ngồi ở vị trí đó.
Trước khi ăn uống, du khách cần kiên trì nghe gia chủ tiến hành các nghi lễ mời tổ tiên, chúc tụng các điều tốt lành. Khách không tự ý rót rượu và gắp thức ăn trước; khi dùng xong tuyệt đối không úp chén, úp bát xuống mâm vì chỉ thầy cúng mới được làm như vậy để xua tà, ma.
Trong mỗi ngôi nhà của đồng bào dân tộc đều có khu vực riêng cho khách (Ảnh sưu tầm) |
Nếu được gia chủ mời ngủ lại bạn cần lưu ý: mỗi căn nhà của đồng bào dân tộc ở Sa Pa đều có chỗ ngủ dành riêng cho khách, nên bạn cần tuân theo sự sắp xếp của gia chủ. Trong khi ngủ, bạn không nằm hướng chân về phía bàn thờ.
Trên đây chỉ là một số lưu ý nhỏ về phong tục, tập quán của người dân Sa Pa, hy vọng sẽ giúp cho du khách có một chuyến du lịch Sa Pa thuận lợi.