- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Ký sự đi trekking K50: Tạm biệt Hang Én (Phần 3)
Mời quý bạn đọc theo dõi tiếp tục hành trình ký sự đi trekking thác K50 trong ngày trở về của đoàn với những nỗi nhọc nhằn khi lội suối, vắt cắn, thở hổng hểnh khi lên dốc “Mẹ Ơi” cao ngút ngàn.
Mời quý bạn đọc theo dõi tiếp tục hành trình ký sự đi trekking thác K50 trong ngày trở về của đoàn với những nỗi nhọc nhằn khi lội suối, vắt cắn, thở hổng hểnh khi lên dốc “Mẹ Ơi” cao ngút ngàn.
Ký sự đi trekking K50 (Phần 3)
Ngày 3: K50 – Trạm kiểm lâm KBT – Trở về
Nửa đêm đi săn Milkyway
Nửa đêm về sáng, tôi chợt giật mình tỉnh giấc bởi những tiếng thì thào bên ngoài: “Mấy đứa, đi chụp Milkyway không?” – Tiếng một anh trong nhóm nhiếp ảnh gọi khẽ vào lều.
Tôi dụi dụi mắt, đầu mang máng nhớ lại lúc chạng vạng dường như có nghe các anh ngồi bàn tính về kế hoạch “săn sao”.
Đấu tranh tư tưởng mất một lúc: nằm ngủ hay thức dậy? Rõ ràng trái tim tôi đang dụ dỗ tôi hãy nhắm mắt lại, tiếp tục vùi đầu trong chăn ấm, trốn tránh cái lạnh cắt da ngoài kia, mặc kệ Milkyway gì đó.
Thế nhưng không hiểu sao cuối cùng lý trí vẫn đủ sức khiến tôi bật dậy, vớ vội túi máy ảnh, lật đật chui ra khỏi lều, để lại ba người bạn đang say giấc nồng bên trong.
Lúc này là hơn 4 giờ sáng, trời còn lờ mờ, sương buông ướt đẫm. Tôi khoác thêm tấm áo cho đỡ lạnh, tay xách tripod và thiết bị, lập cập theo chân anh Quang và anh Kiên lội qua con suối quen thuộc, đi sang bãi đá đầu thác.
Như đã từng đề cập, bãi đá ở đây rất thoáng đãng, cây cối hai bên cánh rừng ôm sát xung quanh vừa khéo chừa ra một khoảng trời mênh mông vời vợi. Nơi đó, tôi có thể trông thấy muôn vàn những vì sao tinh tú lấp lánh tỏa sáng trên tấm phông nền đen kịt.
Chụp Milkyway ngoài việc phải canh đúng giờ, đúng hướng sao mọc, còn phải tìm một nơi rộng thoáng, không nhiễm tạp quang kết hợp với các kỹ thuật nhiếp ảnh phơi sáng đặc thù.
Tôi hiểu nếu không nắm bắt thời cơ hiếm có này ở K50 thì có lẽ rất lâu nữa tôi mới có dịp “Into the wild” để thưởng thức Milkyway lần nữa.
Vì thế, dù phải đấu tranh với cơn buồn ngủ díu mắt lẫn cơn lạnh tê tái da thịt lúc này, tôi vẫn phải “bấm bụng” vượt qua.
Mấy anh em chật vật lội tiếp qua một đoạn suối nhỏ để tìm nơi đặt chân máy. Dòng suối ngày thường nhìn có vẻ hiền lành là thế, vậy mà trong bóng đêm lúc này lại tỏ ra bí hiểm khôn lường, nước chảy tuy không quá xiết nhưng vì khó quan sát địa hình nông sâu dưới đáy, cộng thêm việc hai tay mang vác thiết bị cồng kềnh, chỉ sơ hở một thoáng là trượt chân ngã chúi mặt ngay.
Cuối cùng, mất cả buổi loay hoay thì ba anh em cũng ổn định được địa điểm tác nghiệp…
Thời gian như bóng câu, chớp mắt phía chân trời đã hửng sáng. Chúng tôi ngồi xúm xít quanh đống lửa do cậu bạn tên Luân vừa nhóm lên, chốc chốc lại xoa tay sưởi ấm.
Nhìn ánh lửa cháy lép bép, tôi lại ước gì giờ này có thêm vài củ khoai lang hay bắp nếp lùi tro thì không gì sướng bằng! Lúc này ở bên kia suối, thấp thoáng vài người đã thức dậy nhóm bếp.
Tôi và các anh tranh thủ nấn ná, chụp thêm vài cảnh ráng hồng bình minh, rồi nhanh chóng thu dọn đồ nghề trở về bãi trại khi cảnh vật xung quanh bắt đầu sáng rõ.
Húp vội tô mì, gói gém hành lý lên đường ra khỏi rừng
Sau khi nạp năng lượng bằng một cốc mì ly nóng hổi, chúng tôi nhanh chóng tháo lều hạ trại, sửa soạn hành lý để kịp giờ ra khỏi rừng.
Mất nửa tiếng để gói ghém đồ đạc, mọi người theo chân các porters đi sang một lối mòn mới chứ không băng suối về đường cũ.
Theo lời của anh Lực leader thì con đường ra rừng hôm nay sẽ “nhẹ nhàng” hơn trước, do đa phần địa hình sẽ đi xuống dốc và trên đất bằng.
Ngờ đâu chỉ vài tiếng sau, những kẻ “nhẹ dạ cả tin” như tôi đã được trải nghiệm ngay những thử thách “chua” không kém đoạn đường đi vào.
Hành trình về gian nan vất vả gấp bội lần đi
Khoảng một giờ trekking đầu tiên, tình hình diễn ra bình an vô sự, chúng tôi quả thật không gặp nhiều trở ngại ngoại trừ cảm giác lũ vắt ở vạt rừng bên này đông và nguy hiểm hơn.
Chỉ cần một thoáng dừng nghỉ mệt là ngay lập tức lũ vắt sẽ bu lại “thăm hỏi”! Sau vài chặn nghỉ, dù đã cố kiểm tra nhưng ai nấy đều bị vài chú em bí mật “quá giang” theo.
Có người thậm chí còn bị vắt lá cắn nặng đến mức máu tuôn đầm đìa ướt cả cánh tay, khiến cho chúng tôi không khỏi tặc lưỡi ngao ngán trước hiểm họa từ loài sinh vật khó lường này!.
Tầm hai tiếng sau, địa hình trở nên gập ghềnh với các đoạn lên xuống liên tục, nhưng phần lớn là phải tuột xuống những con dốc nghiêng.
Việc thả dốc này những tưởng sẽ giúp cả đoàn di chuyển nhanh, tiết kiệm sức nhưng thực tế thì rủi ro lại tăng cao hơn cả khi lên dốc.
Trên nền đất sình lầy ẩm ướt, rễ cây nổi bám chằn chịt, nếu bất cẩn bước lên một đoạn rễ trồi lên trên lối đi, khả năng bị trượt ngã do thiếu ma sát là rất cao, chưa kể sức nặng của balo trên lưng luôn chực chờ xô cơ thể về phía trước nếu không ổn định trọng tâm thật vững.
So với rừng Phan Dũng (Bình Thuận), đoạn xuống dốc ở Kon Chư Răng có vẻ gắt và khó chịu hơn, một phần do lối đi nhỏ hẹp cộng thêm độ trơn và ít vật bám.
Chúng tôi mất khá nhiều thời gian ở đoạn xuống dốc này, vài đoạn tôi phải dùng cả mông để trượt vì địa hình hiểm trở.
Lúc xuống được gần suối thì cả khớp gối và đầu ngón chân của tôi đều mỏi rã rời khi phải liên tục chống đỡ sức nặng phần thân trên cơ thể.
Dẫu mệt nhưng chúng tôi cũng không dám dừng chân nghỉ quá lâu vì biết rõ vẫn chưa thoát khỏi lãnh địa của vắt.
Anh Thành trong đoàn liên tục xịt thuốc thảo dược lên chân cho mọi người chống côn trùng, nhưng thứ thuốc này cũng nhanh chóng mất tác dụng khi chúng tôi phải liên tiếp băng qua vài đoạn suối nhỏ sau đó.
Thêm một điều khó chịu khác tại cánh rừng bên này, đó là sự xuất hiện của loài cây mây mọc đầy hai bên đường.
Loài cây này có tán rộng thấp, lá mảnh dài, thân chi chít gai nhọn – thứ đã khiến không ít thành viên “ôm hận” khi trót huơ tay trúng hoặc vô tình vén bụi lá chui qua.
Tôi còn nhớ mình phải đứng lại nhổ từng mẫu gai li ti khỏi tay, máu rươm rướm chảy kèm cảm giác nhức nhối vì dại dột nắm cả cành để rướn qua một gốc cây to ngã chắn lối.
Từ đó về sau, tôi luôn cảnh giác nhìn trước ngó sau trước khi sờ đến một thứ gì trong khu rừng này.
Sau khi hoàn tất nửa chặn đường, lúc này tôi đã bắt đầu thấy xót ruột vì buổi sáng chỉ ăn có một ly mì lót dạ.
Tuy nhiên theo lời anh Lực thì cần phải gấp rút đi nhanh hơn nữa vì hiện chúng tôi đã chậm hơn khung giờ dự kiến khá nhiều.
Mọi người đành gác cơn đói sang bên, tiếp tục tăng tốc vì lịch trình hầu như không có nhiều thời gian trống nghỉ mệt.
Địa hình lúc này bắt đầu thay đổi rõ rệt, sau khi lội qua một lòng suối cạn, chúng tôi leo lên một bãi đất có vẻ ít cây lớn, xung quanh um tùm cỏ dại mọc tràn lấp cả lối mòn.
Cỏ cao ngang vai, có đoạn vượt đầu, chốc chốc người đi trước phải dùng dao mở lối. Đây có lẽ là điềm báo cho một thử thách đáng sợ khác khi chỉ vài phút sau đó, chúng tôi đã chính thức bước sang lãnh địa… đầm lầy!
Không còn là thứ bùn sền sệt quện đế giày nữa, lần này chúng tôi thật sự bị sa lầy bởi những lạch nước ngập bùn đến đầu gối.
Lần lượt những con lạch nhỏ xuất hiện trên lối đi bắt buộc đoàn người phải vạch cỏ lội qua, có cái nông và ngắn, chỉ làm ướt chân đôi chút; nhưng có những đoạn sâu hoắm, vừa bước chân xuống con nước đen ngòm chỉ nghe “Rụp” một tiếng, người đã lún đến gối, lắm lúc chân đi giày ở lại, chật vật nhích từng bước nặng nề mới thoát được vũng lầy kinh hoàng trên.
Chưa kịp mừng vì ra khỏi đầm sâu thì trước mặt chúng tôi là một cây cầu khỉ cheo leo không tay vịn bắt qua một lòng suối rộng, bình thường thì có thể qua dễ, nhưng lúc này ai nấy đều bê bết bùn nhão, chẳng khác nào thoa mỡ vào chân, mọi người phải cố giữ thăng bằng hết mức mới vượt qua được cây cầu dài tầm 3m này.
Gian nan vượt đầm lầy
Tiếp theo là một bãi lầy cạn chào đón chúng tôi. Không có nước, nhưng để qua được đoạn lầy này thì còn kinh khủng hơn.
Nhìn qua thì chỉ là một bãi bùn đen dài chừng chục mét, nhưng khi bước lên nó thì hỡi ôi… tùy theo trọng lượng cơ thể mà bạn sẽ bị lún đến mắt cá hoặc bắp vế, giày của bạn sau khi ra khỏi khu vực này sẽ hầu như không nhận dạng ra nổi!
Chúng tôi phải men theo một số cành cây mẫu lá lót tạm bên trên để vượt qua, rất may đoạn lầy này không kéo dài lắm!
Kết quả chung của cả nhóm sau đoạn đường trên là từ đầu gối trở xuống đều bị trét kín bùn đất, ngón chân ướt át lạnh cóng, bước đi nặng nề hơn và dĩ nhiên rồi, bên trong còn vô số con vắt đang bám trụ theo nữa!
Tôi lê từng bước mỏi mệt, cuối cùng cũng ra đến một trảng cỏ rộng để nghỉ mệt, tranh thủ cởi giày xử lí đám côn trùng chết tiệt ấy.
Tương tự như lúc vào K50, ở đoạn đường ra này chúng tôi cũng phải băng qua một con suối lớn, mực nước dâng cao đến thắt lưng nhưng bù lại nhịp chảy khá lành.
Dòng suối mát lạnh, nếu còn thời gian ngâm mình thì đã!
Chúng tôi lần lượt nối đuôi nhau băng qua con suối rộng kia, dòng nước mát lạnh khiến tôi cảm thấy thư thái dễ chịu. Tôi tranh thủ rửa mặt, rửa luôn cả đôi giày lấm lem bùn sình để bước chân được thanh thoát trở lại.
Tầm mười phút sau khi vượt suối, chúng tôi ra đến “Trại bò” – nơi có lẽ là đẹp nhất trong cả cuộc hành trình ngày hôm nay.
Trước mắt tôi là một trảng cỏ rộng mênh mông được phủ lên một tông màu xanh mướt mát, trên cao là sắc nắng vàng ươm hòa cùng nền trời biêng biếc, xa xa điểm xuyến những mái nhà sàn đơn sơ của người đồng bào, dưới đất có vài đàn gia súc đang chạy long nhong kiếm ăn, cảnh sắc đẹp như một bức tranh khiến cho đoàn chúng tôi không khỏi xuýt xoa, phải dừng chân thưởng thức.
Các tay máy lại được dịp tác nghiệp, số khác tranh thủ cởi balo ngồi nghỉ mệt, lấy sức cho chặn đường tiếp theo.
Dốc “Mẹ ơi” ai nấy cũng than thấu trời
Lẽ thường, sau mỗi khoảng lặng thường hay xuất hiện phong ba bão táp, y như rằng chúng tôi được trưởng nhóm thông báo từ đoạn này trở đi sẽ là một con dốc cực dài mà theo cách gọi của những ai từng đi cung Tà Năng – Phan Dũng hay gọi, là con dốc “Thấy Mẹ”, tên địa phương hay gọi là “Mẹ Ơi”
Từ Trại Bò, cả đoàn rẽ tiếp vào một con đường đất đỏ khá rộng rãi, hai bên vẫn là rừng xanh um tùm, lối đi ở giữa lồi lõm in hằn vệt xích của bánh xe thô sơ.
Con dốc này không gắt mà chỉ thoai thoải hướng lên, cái khó là nó kéo dài như thể không hồi kết và chúng tôi thì đã hết “Mana” sau mấy tiếng băng rừng liên tục.
Tin mừng là ở đâu đó trên con đường này, sẽ có xe máy cày vào đón chúng tôi tại điểm hẹn. Đó gần như là liều thuốc tinh thần duy nhất tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt qua thử thách cuối cùng này.
Lần lượt những bước chân xiêu vẹo tiến lên trước, có người cúi mặt đi, có người chống gậy bước, chốc chốc lại dừng lại thở hổn hển.
Tiếng loa ai đó vừa mở, phát ra một bài nhạc sôi động ầm ĩ, các anh em porters không ngừng lên tiếng động viên thúc giục, cứ sau một đoạn nghỉ lại có người thắc mắc: “Hết dốc chưa?”, câu trả lời quen thuộc “Hình như hết rồi!” lại vang lên trấn an tinh thần.
Chẳng biết qua bao lâu thời gian, khi tôi nghe câu trả lời ấy đến lần thứ tám thì quả là chúng tôi bắt đầu bước đi trên đoạn đường bằng phẳng thật, nhưng đi hoài đi mãi mà vẫn chưa thấy bóng dáng xe máy cày đâu cả.
Lúc này có sự phân hóa rõ trong tốp di chuyển, người khỏe đã vượt đi trước khá xa, người yếu sức hơn tụt lại cách quãng, tôi đi ở giữa gần như một mình, con đường trước mặt chỉ còn tiếng gió thổi lá cây xào xạc.
Nước mang theo đã sớm cạn sạch, cơ thể vừa đói khát vừa mệt mỏi, tôi vừa đi vừa dỏng tai nghe ngóng xem có tiếng động cơ nào gần đây hay không? Im ắng! Chỉ thi thoảng vọng lại tiếng hú xa xa của bạn đồng hành.
Cuối cùng tôi cũng bắt kịp nhóm đi đầu, họ đang ngồi nghỉ mệt bên vệ đường. Tôi đến và nghe được tin không vui từ anh bạn tên Phương: “Xe máy cày bị kẹt ở suối, không qua cầu được!”.
Điều đó có nghĩa là nếu muốn lên được xe, chúng tôi phải đi tiếp đến con suối nọ, mà theo thông tin thì nơi ấy cách đây khá xa, một số anh lớn tuổi hầu như không còn sức di chuyển!
Tình hình trở nên phức tạp, vài ánh mắt thất vọng hiện lên trên mặt mọi người. Tôi thở dài tiếp tục quẩy balo lên vai, cảm giác đôi chân bắt đầu không còn thuộc về mình.
Đúng vào giây phút khó khăn này, bên tai tôi bất chợt nghe thấy tiếng gầm gừ văng vẳng của động cơ ở xa, tiếp đó là tiếng reo mừng của tốp anh em đi đầu.
Tôi đi như chạy về phía trước, chỉ thấy khuất sau mấy lùm cây rậm, bóng một cổ xe kềnh càng đang băng băng về phía chúng tôi hệt như một vị cứu tinh trong phim hành động.
Như vậy là chiếc xe máy cày, bằng một cách nào đó, đã vượt suối thành công, giúp cho chúng tôi không phải cuốc bộ nữa.
Tôi rướn cổ báo tin vui cho nhóm đi đằng sau, mọi người hồ hởi đi tới, nét mặt ai nấy đều giãn ra. Lúc này, tôi chính thức thở phào một hơi, cảm nhận mình vừa hoàn tất các thử thách chinh phục K50 rồi.
Ngồi máy cáy vượt rừng: Chặng đường ê mông, sốc ngực tiếp diễn!
Ngồi trên xe máy cày, chúng tôi mất thêm 1 tiếng rưỡi vượt rừng. Xe liên tục lên dốc, bo cua, nghiêng ngã theo địa hình.
Mười phút sau, xe đến trước một con suối nhỏ có cầu gỗ bắc ngang, đây có lẽ là nơi xe bị kẹt lại ban nãy. Cả đoàn xuống suối tranh thủ vệ sinh, kiểm tra vắt trong lúc bác tài tìm cách đưa xe sang cầu.
Sau khi mọi người đã sẵn sàng, xe lại tiếp tục hành trình đưa cả nhóm ra khỏi rừng. Chúng tôi ngồi thả lỏng trên khoang, không còn hồ hởi như chặn đi, nhưng cũng an tâm vì giờ đây không phải “hành xác” nữa.
Chuyến xe về này cũng tương tự như chuyến trước đây, nghĩa là chúng tôi cũng phải chú ý tránh né các cành cây chìa ra ven đường, bị nhồi lên xốc xuống liên tục nhưng so với các trải nghiệm đã qua thì giây phút này vẫn còn sung sướng chán.
Cuối cùng, gần 12 giờ trưa, xe đưa chúng tôi rời khỏi bìa rừng, bánh xe lao rầm rập trên con đường xi măng và đổ xịt lại ngay trước cổng trạm kiểm lâm. Chúng tôi tranh thủ nhận lại đồ đạc đã ký gởi tại đây, sau đó khẩn trương di chuyển lên xe 16 chỗ đợi sẵn bên ngoài.
Tài xế đưa cả đoàn đi thêm tầm 30 phút thì dừng trước một hộ dân ven đường. Hóa ra đây chính là nhà của anh tài xế lái xe máy cày khi nãy, cũng là địa điểm chúng tôi sẽ ăn trưa nghỉ ngơi.
Bữa trưa, ăn như chạy giặc
Trong nhà có 2 phòng vệ sinh riêng, chúng tôi chia nhau tắm rửa thay quần áo trong khi chờ đợi chủ nhà sửa soạn thức ăn.
Cuối cùng cũng được tắm gội đàng hoàng, bộ dạng tả tơi bùn đất của mọi người ban nãy đã được thay thế bằng những bộ trang phục sạch sẽ tinh tươm.
Chúng tôi ngồi quây quần trong gian bếp nhỏ, thưởng thức bữa trưa với cơm canh đơn giản, ăn kèm món bò nhúng lá khổ qua lạ miệng.
Có lẽ vì quá đói và mất sức nên ai cũng ăn cật lực, ba nồi cơm nhanh chóng hết veo. Cơm nước xong thì cũng hơn 2 giờ, chúng tôi tiếp tục ra xe 16 chỗ để di chuyển về huyện K’bang.
Rời Kbang về Sài Gòn
3h30 chúng tôi đến được bến xe K’bang, nơi có chuyến xe giường nằm đi Sài Gòn cuối cùng trong ngày.
Một chặng đường dài đã đến hồi kết, mọi người lục tục chuyển hành lý vào hầm xe, lại quay ra chia tay với các anh em porter dễ mến.
Tuy chỉ mới 3 ngày nhưng chúng tôi cảm nhận rất rõ tình cảm nồng hậu và sự nhiệt tình tận tụy trong công việc các anh đảm nhiệm.
Thật sự nếu không có các anh đi trước mở đường, làm các phần việc nguy hiểm, nấu nướng, khuân vác nặng nhọc… Chắc hẳn chuyến đi đã không được suôn sẻ và thành công như vậy.
Có được những trải nghiệm tuyệt vời này, một lần nữa tôi xin gởi lời cảm ơn chân thành đến đội ngũ của “Adventure with Nature” và “Value Journey” đã kỳ công tổ chức!
Khoảng bốn giờ, xe tròng trành xuất bến. Chúng tôi lúc này đã yên vị trên giường: người thì trò chuyện, người thì mở điện thoại xem ảnh, người thì đeo earphones nghe nhạc…
Tôi nằm lim dim hồi tưởng lại những kỷ niệm tuyệt vời trong hai ngày qua, dần dần trong nỗi lưu luyến mơ hồ ấy, tôi thiếp đi lúc nào không biết.
Câu chuyện về mười ba tiếng trên xe sau đó hẳn là một câu chuyện dài, nhưng đó là việc của tương lai, chỉ biết rằng lúc này đây tôi đang mơ – một giấc mơ đẹp về chuyến hành trình Kon Chư Răng còn lưu lại trong tiềm thức:
Tôi nhớ thác K50 hùng vĩ
“Nàng” 40 thơ mộng yêu kiều
Nhớ hoàng hôn đỏ ban chiều
Có dòng suối chảy cô liêu một mình
Tôi nhớ những lối mòn cây đổ
Lá vàng rơi xào xạc tiếng chân
Đại ngàn lắm nỗi bâng khuâng
Vấn vương một cõi như gần như xa…
( – Kết thúc hành trình -)
Bài, ảnh: Nhật Quang
Biên tập: Xuân Lộc
Video: Xuân Lộc
Review kinh nghiệm trekking thác K50 (Hang Én) Kbang Gia Lai tự tức
Nằm giữa Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng (Kbang, Gia Lai) thác k50 hay còn gọi là thác Hang Én là điểm đến đầy hiểm họa tuy nhiên cảnh đẹp lại tựa chốn bồng lai nên là động lực cho những đôi chân lên đường chinh phục. Cùng kenhhomestay.com điểm qua 1
Hang Én (Quảng Bình) lên phim bom tấn Mỹ
Tin từ Sở Ngoại vụ Quảng Bình cho biết, hãng sản xuất phim lớn thứ 3 thế giới Warner Brothers Feature Film (Mỹ) đã đến hang Én, thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng khảo sát, quay phim định dạng 3D cho bối cảnh bộ phim truyện Peter Pan, một
Hang Én – bước đệm đến Sơn Đoòng
Tôi biết hang Én qua lời giới thiệu của bạn bè, bị mấy tấm hình đẹp và mê đắm lòng người thu hút, nên ấp ủ chuyến đi trekking đầu tiên trong đời.
Du lịch Quảng Bình khám phá Hang Én vào cuối tuần
Đến Vườn Quốc Gia Phong Nha – Kẻ Bàng mùa này, bạn sẽ không khỏi choáng ngợp với vẻ đẹp hùng vĩ của Hang Én, được mệnh danh là hang động lớn thứ 3 của thế giới. Điều đặc biệt hơn, khám phá Hang Én chỉ mất hai ngày một đêm, rất thích hợp cho những ng
Hướng dẫn, kinh nghiệm và lịch trình du lịch Hang Én, Quảng Bình
Trong bảng xếp hạng những hang động lớn nhất thế giới, Hang Én (Quảng Bình) đứng hàng thứ 3 sau “người anh em” Sơn Đoòng và hang Deer của Malaysia. Tham khảo những hướng dẫn, kinh nghiệm và lịch trình du lịch Hang Én (Quảng Bình) sau đây của chúng tôi để