Nằm ẩn mình giữa sa mạc rộng lớn ở Iran là một trong những hiện tượng tự nhiên khiến con người khó tin nhất – dòng sông băng cận nhiệt đới.
Du lịch Iran khám phá dòng sông băng bí ẩn giữa sa mạc
Băng đá ở giữa hoang mạc: Ẩn trong dãy núi Zard-Kuh cao 4.200 m trải dài ở vùng hoang mạc rộng lớn tại biên giới phía Tây Iran là một trong những hiện tượng tự nhiên kỳ thú và hiếm thấy. Ngay rìa hoang mạc nóng bỏng là những dòng sông băng chỉ có ở các vùng cận nhiệt đới. “Hầu hết du khách quốc tế tới Iran là từ châu Âu, nơi có rất nhiều núi cao nên tôi rất khó thuyết phục được họ đến ngắm cảnh tượng ở Zard-Kuh. Tôi mới đón được 3 nhóm khách quốc tế nhưng mỗi lần về họ luôn nói với tôi rằng đó mới là điểm nhấn của cả chuyến đi Iran”, Farshid Zandi, đại diện Zandi Tours.
Một nửa thế giới: Ian Lloyd Neubauer, phóng viên BBC kể: “Tôi gặp Zandi ở Isfahan, nơi từng là thủ đô của đế quốc Ba Tư. Tôi đi tham quan nhiều thánh đường Hồi giáo, cung điện, quảng trường và những khu vườn đẹp mê hồn xây từ thế kỷ 17. Thời đó người Iran có câu ngạn ngữ “Esfahān nesf-e jahān ast” (Isfahan là một nửa của thế giới). Theo lời khuyên của Zandi tôi dành một ngày cho chuyến đi 500 km tới Zard-Kuh để ngắm nhìn Bakhtiari, một bộ tộc du mục sống trong những căn lều dựng trên chính các dòng sông băng”.
Bước vào vùng đồi núi: Ian bắt đầu đi từ 8h sáng ngày hôm sau. Nửa đầu hành trình mọi người phải băng qua một vùng bán hoang mạc bao quanh Isfahan. Nhưng những đỉnh núi phủ tuyết cũng hiện ra ở trước mặt với bầu trời và con đường màu xanh. Đây là lần đầu tiên Ian được tận mắt nhìn thấy ốc đảo với những phong cảnh bí ẩn của Iran. Khi qua thành phố Shar-e-Kord, nơi mọi người gọi là “Mái nhà của Iran” vì nằm ở độ cao 2.070 m so với mặt nước biển, Ian nhìn thấy rất nhiều biển báo in hình đàn ông màu đen trắng. Zandi giải thích rằng họ là những người tử vì đạo trong cuộc chiến Iran- Iraq năm 1980-1988. Nửa triệu người chết trong cuộc xung đột này, bao gồm 95.000 “lính trẻ em” chỉ ở độ tuổi 12.
Khu nghỉ dưỡng cuối cùng: Hầu như mọi người không biết Iran có nhiều tuyết và vùng trượt tuyết đẳng cấp quốc tế. Dù phần lớn mọi người trượt tuyết đều tới núi Alborz, phía Bắc Tehran, thì ngôi làng Chelgre nằm trước các sông băng lại trở thành khu nghỉ trầm lặng suốt từ tháng 11 tới tháng 4 năm sau. Hình vẽ lên phiến đá trước làng có nghĩa là: “Nhà hàng Baba Haje. Kebab từ thịt cừu non, kebab gà, dizi (thịt hầm kiểu Iran), sữa, sữa chua, nước nóng. Chúng tôi vui mừng đón chào quý khách”.
Những dòng thác kỳ lạ: Thác Sheikh Khan dài 9 km nằm sau Chelgre là một trong những thác nước ở Zard-Kuh. Mặc dù nhóm của Ian không còn đi trong sa mạc nữa, cao nguyên ở đây vẫn còn những khu vực bị xói mòn, xen lẫn đất cát và vùng cỏ mọc xanh tốt. Khung cảnh đối nghịch trước mặt, bên cạnh dòng thác chảy từ trên cao thì cái nóng thiêu đốt của hoang mạc vẫn còn. Sau khi đổ đầy các chai nước dự trữ, đoàn của Ian lên đường đi tiếp.
Những đàn dê: Cách thác nước một đoạn ngắn, đoàn của Ian đi qua một gia đình Bakhtiari và đàn gia súc của họ. Trước kia, người Bakhtiari vừa là người chăn nuôi, vừa là thợ săn thú như chó sói, cáo, hổ… những loài hiện không còn sinh sống nhiều ở vùng Zard-Kuh. Hiện nay người Bakhtiari và các tộc người khác ở phía Tây Iran đã sử dụng các loại vũ khí hiện đại, dân số của họ bắt đầu thu hẹp. Năm 1973, khu vực này ở Zard-Kuh còn có tên là Tang-e-Sayyad hay “thung lũng kẻ đi săn”, được biết tới như một chốn của những kẻ săn bắn phi pháp.
Làm len sợi: Người Bakhatiara dành 8 tháng mỗi năm ở Khuzestan, một tỉnh ở miền Nam Iran. Họ di cư tới Zard-Kuh vào cuối tháng 4 để trốn tránh cái nóng tới 50 độ C của mùa hè và ở tới giữa tháng 9, vỗ béo các đàn gia súc nhờ những đồng cỏ xanh tươi. Cuộc di cư thường niên này từng là cuộc phiêu lưu mệt mỏi dài ngày mà họ phải đi bộ qua cả vùng sa mạc cát lẫn nơi tuyết phủ. Ngày nay, người Bakhtiari di chuyển bằng ôtô, dùng xe tải để chở gia súc, nhưng các truyền thống khác của họ vẫn được gìn giữ. Trong ảnh là một phụ nữ Bakhtiari đang cuộn len theo cách truyền thống để làm sợi dệt nên quần áo.
Dòng sông Sự Sống: Cách thác nước Sheikh Khan khoảng 20 km, đường nhựa kết thúc và thay bằng một con đường gập ghềnh bụi bẩn. Không khí ở đây mát lạnh – một điều không bình thường vào mùa hè Iran, trong khi khung cảnh khiến mọi người phải ngạc nhiên. Dòng sông dài 400 km ZayandehRood (sông Sự Sống) chảy giữa thung lũng là một trong những nguồn nước dài nhất Iran. Nhờ có tầng đất ngậm nước, nơi đây chứa tới hàng tỷ khối tuyết tan từ các thành phố như Isfahan và Yazd, xa hơn về phía Nam là Khuzestan.
Thành phố của dân du mục: Sau 3,5 tiếng di chuyển trên đường, đoàn của Ian đến Chama Qar Yakhi, một trong những khu định cư rộng nhất Zard-Kuh, có khoảng 100 người Bakhtiari đang sống. Người Bakhtiari chính thức sở hữu vùng đất này từ nhiều thế hệ trước, dù họ vẫn sống nay đây mai đó. Họ không phải trả thuế, sống theo luật của riêng họ và có cuộc sống khá “đầy đủ”. Theo Reza Abdullah và con trai Ahmad 11 tuổi của anh (ảnh), “đời sống của người du mục không phải lúc nào cũng cần một chiếc giường rải đầy hoa hồng”. Anh tâm sự với Ian: “Tôi chưa từng sống ở thành phố dù tôi nghĩ con người ở đó sẽ có cuộc sống tốt hơn vì chúng tôi không có nhiều tiện nghi. Nhưng nhiều người tới đây nói rằng họ ước có cuộc sống như chúng tôi”.
Những xiên thịt nướng ngon nhất: Một vài năm trước, thu nhập của Abdullah đều từ việc bán thịt, sữa và len cho những người bán buôn địa phương. Nhưng gần đây, anh và những người Bakhtiari phải dành cả mùa hè ở Chama Qar Yakhi để làm việc bằng cách cung cấp thực phẩm cho khách du lịch Iran. Các du khách này là tầng lớp trung lưu mới nổi lên nhờ sự phát triển của kinh tế, họ đi xe tới Isfahan để dã ngoại ở vùng Zard-Kuh. Thịt nướng kebab là món ăn phổ biến của người Iran. Thịt cừu mới giết được cắt miếng nhỏ làm thành xiên là một món khá đắt. Việc nướng thịt trên than củi làm thịt mềm hơn mà hương vị vẫn nguyên vẹn, không phải thêm gia vị. Đoàn của Ian đã thưởng thức món này cùng với bánh mì Iran và hành nướng muối.
Những tấm thảm màu: Những nhóm dân du mục khác ở Chama Qar Yakhi có nhiều cách để kiếm tiền từ du khách như bán mật ong, hương liệu, sữa chua hay thảm len nhiều màu làm thủ công. Ngoài những nghề trên, một gia đình còn nảy ra công việc mở studio, cho du khách mặc thử các trang phục truyền thống của người Bakhtiari và chụp ảnh kỷ niệm. Họ nói rằng Ian là khách nước ngoài đầu tiên tới đây trong năm nay.
Chặng cuối cùng: Sau bữa trưa, Ahmad đưa Zandi và Ian tới những dòng sông băng. Cái gần nhất nằm ở một hang lớn có dòng nước trắng chảy xuyên suốt. Dòng sông băng lớn cỡ như một chiếc xe buýt, bao trùm bởi rất nhiều bụi đất và chỉ có thể phân biệt nó vì một khối băng lớn ở phía trên. Một sông băng khác lớn hơn nằm sâu trong hang dài khoảng 100 m kéo lên núi. Khi nhìn cảnh sa mạc xung quanh, dòng sông kỳ diệu này khiến người ta cảm giác nó chỉ là ảo ảnh chứ không phải có thật.
Động băng: Băng không cứng như Ian nghĩ, nó mềm và khi chạm vào giống như bị vo lại thành cục. Tuy nhiên khi đi lên thì băng rất trơn, Ahmad dẫn Ian và Zandi đi thật chậm qua rìa sông để tới một hòn đá cuội, còn trước mặt là dòng nước lạnh buốt. Tại đây mọi người có thể thấy một chỗ trống hình thành giữa các tảng băng và dòng nước. Ahmad giải thích, vào tháng 8, một đường hầm lớn đủ để người đi bộ vào hình thành phía dưới dòng sông băng. Cái tên Chama Qar Yakhi có nghĩa là “động băng” theo tiếng Bakhtiari, đặt theo chính hiện tượng này.
Theo Vnexpress