Hạnh phúc muôn màu muôn vẻ, và miền đất đã cho cuộc sống của chúng tôi thêm những gam màu mà ở những nơi khác chúng tôi sẽ không thể thấy được.
Du lịch Ninh Thuận – nơi thêm gam màu cuộc sống
Ngày 1: Hai chúng tôi xuất phát từ TP.HCM lúc sáng sớm, đến địa phận xã Cà Ná cũng đã quá trưa. Chúng tôi cứ chạy dọc con đường ven biển nên thơ của Ninh Thuận. Dù đã chạy qua con đường này nhiều lần, cảm xúc vẫn vậy, trầm trồ ngạc nhiên vì màu xanh của biển, một vẻ đẹp rất riêng.
Dưới cái nắng như thiêu đốt, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên con đường ven biển, chạy ngang qua những cánh đồng muối trắng tinh, hải đăng Mũi Dinh, đồi cát Nam Cương, vườn quốc gia Núi Chúa. Hàng chục cây số bỏ lại sau lưng. Trong ảnh: một bến thuyền dưới chân cầu. Những con thuyền ngủ trưa trên làn nước xanh ngọc bích.
Chúng tôi đến bãi biển Bình Tiên khi mặt trời chưa xuống. Bình Tiên là được ví như viên ngọc ẩn giấu của Ninh Thuận với bờ cát trắng trải dài, nằm bên vườn quốc gia Núi Chúa. Đi ra biển, ngồi cạnh nhau, đón nhận những làn gió biển trong lành, để lại sau lưng những bận rộn chốn thị thành.
Cà phê chiều ở một quán trong thôn Bình Tiên.
Ngày 2: Bình minh trên biển Bình Tiên.
Bữa sáng với mì gói và cà phê.
Chia tay miền biển, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình lên núi. Hồ Song Trâu là điểm đến tiếp theo. Hồ là công trình thủy lợi lớn của Ninh Thuận. Giữa cái nắng gay gắt đến mức dường như nghẹt thở, những làn gió mát lành từ hồ làm chúng ta phấn chấn trở lại.
Từ hồ Sông Trâu, chúng tôi cứ đi theo con đường đèo nhỏ không tên, và điều bất ngờ đã tới khi bắt gặp một đàn cừu.
Con đường đẹp như một dải lụa (phía xa xa là hồ Song Sắt, hồ thủy lợi lớn nhất của Ninh Thuận).
Bên bờ hồ Song Sắt, với những ngọn gió mát làm dịu đi cái nắng bỏng gắt ngoài kia.
Sau khi nghỉ chân ở bên hồ Song Sắt, đèo Ngoạn Mục là đích đến tiếp theo. Lên tới đỉnh đèo, dòng không khí mát lạnh từ phía Đơn Dương (Lâm Đồng) làm chúng tôi tươi tỉnh trở lại sau mấy tiếng chạy xe dưới cái nắng như rang để lên đỉnh đèo.
Chúng tôi xuống đèo, quay ngược xe lên hướng huyện Bác Ái, đi qua những con đường đầy đá sỏi và ổ trâu ổ gà mà cứ tưởng chiếc xe gãy đôi. Chúng tôi chạy đua cùng mặt trời bên kia núi và cơn mưa dông sắp tới. Bác Ái là một huyện nghèo của Ninh Thuận, dân cư thưa thớt, chủ yếu là người dân tộc Raglai làm rẫy và chăn nuôi gia súc. Những đứa trẻ ở đây đầu trần chân đất, chăn bò từ trưa đến chiều dưới cái nắng cháy da cháy thịt . Trong hình là một cậu bé người Raglai mà chúng tôi bắt gặp trên đường.
Chia tay lũ trẻ mặt trời bé con, chúng tôi về Phan Rang trong chiều muộn, ghé thăm cụm tháp Po Klong Garai. Cụm tháp được xây dựng vào cuối thế kỷ 13 đầu thế kỷ 14 để thờ vua Po Klong Garai, vị vua đã có công lớn cai trị vương quốc Chăm-pa.
Chúng tôi nghỉ lại buổi tối ở thành phố Phan Rang, ăn bánh canh chả cá, uống nước ép trái cây và đi ngủ sớm sau một ngày đẫm mệt dưới cái nắng danh bất hư truyền của miền đất này.
Ngày 3: Dậy sớm, chúng tôi ăn sáng với bánh xèo, rồi sau đó tiến thẳng về đập Nha Trinh, là đập nước cổ xưa nhất Việt Nam. Đập được xây dựng vào thế kỷ thứ 7. Trải qua hơn 800 năm, đập vẫn là công trình thủy lợi lớn của Ninh Thuận.
Đập Nha Trinh, đập thủy lợi cổ nhất Việt Nam.
Người dân vẫn chạy xe qua lại xuyên qua dòng nước của đập.
Khép lại chuyến đi một vòng Ninh Thuận, hai đứa chúng tôi ghé thăm làng gốm Bàu Trúc, làng gốm cổ nhất Đông Nam Á để quan sát và nghe cách làm gốm của những nghệ nhân nơi đây.
Chúng tôi sẽ không bao giờ quên được cái “gió như Phan, nắng như Rang” của miền đất này, k hông quên sự bình yên của ngôi làng bên bờ biển Bình Tiên, những đứa trẻ đầu trần chân đất gói trọn tuổi thơ nơi xa xôi của Bác Ái.
Theo Lê Quốc Khánh/Zing news