Núi Bà Đen là một ngọn núi vô cùng nổi tiếng thuộc xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh. Núi nằm cách trung tâm thị xã về hướng Tây Bắc khoảng 11km. Đây cũng là ngọn núi vô cùng linh thiêng, thu hút đông đảo người dân lẫn du khách thập phương tìm tới vào mỗi dịp đầu năm. Mặc dù phần lớn người hành hương là người miền Nam nhưng cũng có không ít người dân miền Trung, miền Bắc nghe tiếng linh thiêng mà đến đây dâng hương lễ Phật.
Phần lớn du khách tìm tới núi Bà Đen là để cầu xin được phù hộ sức khỏe và may mắn trong làm ăn. Họ thường xin những gói giấy nhỏ màu đỏ, ở bên trong có thể là chứa một nhúm gạo hoặc là tiền lẻ. Đây được coi như lộc Bà cho để có một năm mới làm ăn phát đạt.
Đường lên chùa Thượng núi Bà Đen có khá nhiều, các du khách có thể lựa chọn đi cáp treo, máng trượt hoặc leo núi đều được. Tuy nhiên, phần lớn các khách hàng hương hiện nay đều chọn đi bộ, nghĩa là họ sẽ phải tự leo hơn ngàn bậc thang đá mới có thể đến nơi. Mặc dù vất vả nhưng các khách hành hương cho rằng như vậy mới chứng tỏ được sự thành tâm và điều cầu xin mới linh ứng. Còn những người trẻ thì đến thăm quan, ngắm cảnh, du xuân thì họ coi đây là một hoạt động thử sức, rèn luyện sức khỏe. Cũng bởi vậy mà vào dịp đầu xuân, rằm tháng Giêng đường lên chùa lúc nào cũng tấp nập nhộn nhịp.
Trong chuyến hành trình từ chân núi lên đến đỉnh núi các bạn có thể ghé vào đền Linh Sơn Thánh Mẫu tại lưng chừng núi để làm lễ sau đó lại tiếp tục theo đường mòn để lên chùa. Ở gần đỉnh núi còn có miếu Sơn Mẫu. đứng từ miếu các bạn có thể phóng tầm mắt để thấy được Hồ Dầu Tiếng cùng khung cảnh xung quanh.
Mặc dù hoạt động tự leo bậc thang lên chùa là rất tốt nhưng cũng tồn tại những nguy hiểm nhất định, đặc biệt là đối với người già, trẻ em hay người có sức khỏe kém. Việc chứng minh lòng thành không nhất định là phải leo bậc thang bộ, “Phật là tại tâm”, trong tâm có Phật là được. Đã có nhiều trường hợp cố gắng leo dẫn đến những tai nạn đáng tiếc như rắn cắn, ngất xỉu vì bệnh tim hay đẻ rớt,…
Chùa trên núi Bà Đen
Chùa Bà Đen có gì?
Chùa Bà Đen là một quần thể chùa lớn bao gồm chùa Bà Đen, hang động và các đền chùa khác. Diện tích của quần thể trải dài 24km2, trong đó có cả những vùng núi xung quanh như núi Bà, núi Phụng, núi Heo.
Các đây 300 năm, đây chỉ là một ngôi chùa nhỏ nằm trên đỉnh núi. Tuy nhiên, sau này chùa đã được mở rộng thêm, tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều lần cho đến khi có quy mô rộng lớn và khang trang như hiện nay. Sở dĩ chùa có tên là chùa Bà Đen là bởi gắn liền với truyền thuyết Bà Đen – Linh Sơn Thánh Mẫu. Đây là ngôi chùa vô cùng linh thiêng và nổi tiếng.
Một số chùa trong quần thể chùa Bà Đen:
Chùa Trung: nằm dưới chân núi, nơi được cho rằng Bà dã dừng chân tu hành. Hùa trước kia rất khang trang nhưng do chiến tranh và thời gian nên đã bị tàn phá, hiện chùa chỉ còn những cảnh vật đơn sơ. Chùa Trung thờ tự như những ngôi chùa miền Bắc thường thờ, tức Tiền Phật hậu Mẫu.
Chùa Ông: Hiện được gọi là Linh Sơn Tiên Thạch Tự (trước kia mang tên là Thạch Động). Du khách vừa lên núi sẽ gặp ngay. Chùa được khánh thành năm 1997, có diện tích 10m2, có kiến trúc hài hòa tương tự nhiều ngôi chùa cổ trong nước. Chùa cũng có hai cột đá xanh được tạc thời Tổ Tâm Hòa (1919) ở tiền đường, được chạm khắc tinh xảo. Chùa này không thờ theo kiểu Tiền Phật hậu Mẫu.
Điện Bà: nằm cạnh chùa Ông, bao gồm 2 phần, phần trong là một vòm hang đá được tạo bởi một phiến đá rất lớn nhô ra khỏi sườn núi, cao gần 2m, diện tích khoảng 20m2. Phần ngoài được xây nối tiếp với hang động, để trống 3 mặt chỉ có trần nhà, diện tích cũng bằng gian thờ Bà. Điện Bà được bày trí rất kỳ ảo và cũng không kém phần trang nghiêm.
Chùa Hang (Động Ông Chàm): từ điện Bà, khách hành hương đi lên khoảng 155 bậc thang qua suối Bạc sẽ tới. Chùa này xưa có tên là động Ông Chàm, vì có một người Chàm lên đây lập động tu luyện bùa chú lúc núi mới được khai phá. Chùa nằm trong một hang đá và có dáng hình như điện Bà Đen đang ngự. Gần cạnh chùa Hang là một ngôi chùa khác có hai tầng với 4 góc cong vút theo kiểu kiến trúc chùa đặc trưng ở miền Bắc.
Bên cạnh lễ Phật, vãn cảnh tham quan, du khách có thể thưởng thức cơm chay tại chùa và mua các món đặc sản Tây Ninh về làm quà như bánh tráng Tây Ninh, muối tôm… Ngoài việc hành hương Lễ hội núi Bà Đen dịp đầu xuân, nhiều du khách cũng tranh thủ đi tham quan một số điểm nổi tiếng gần đó như Tòa Thánh Tây Ninh, Hồ Dầu Tiếng…
Lễ hội núi Bà Đen Tây Ninh diễn ra khi nào?
Lễ hội núi Bà Đen chính thức diễn ra từ đêm 18 và ngày 19 tháng Giêng âm lịch hàng năm với rất nhiều người kéo về trẩy hội. Thời gian là vậy, tuy nhiên thực tế lễ hội kéo dài trong suốt từ chiều 30 tết nguyên Đán đến hết tháng Giêng và cả tháng Hai âm lịch. Đặc biệt vào ngày rằm tháng Giêng, du khách đến tham quan chiêm bái rất đông đúc. Thời điểm này các nẻo đường lên chùa Bà bằng cáp treo, đi bộ đều đông kín khách.
Sở dĩ lễ hội núi Bà Đen thu hút đông người tham gia vì nhiều người tìm về đây không chỉ đi lễ chùa mà còn để vãn cảnh, giải trí. Đặc biệt có rất nhiều bạn trẻ có sở thích leo núi luôn tập trung về đây chinh phục núi Bà mỗi dịp cuối tuần.
Ngoài lễ hành hương đầu xuân lên núi Bà thì tại đây còn có lễ vía Bà, được tổ chức vào các ngày 5 và 6 tháng năm âm lịch hàng năm. Khách hành hương đến đây vào dịp này cũng đông đúc không kém.
Lưu trú ở đâu khi hành hương lễ hội núi Bà?
Nếu là du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, bạn có thể đi về trong ngày nên không cần thuê chỗ lưu trú. Ngược lại đối với các khách ở xa đến thì cần ngủ lại 1, 2 đêm gần khu vực núi Bà để tiện cho di chuyển.
Một số khu vực lưu trú mà du khách đi núi Bà Đen hành hương thường chọn là các Đại lộ 30/4, đường CMT8… Tại đây có khách sạn từ cao cao cấp đến hạng trung và nhà nghỉ giá rẻ. Chi phí lưu trú trung bình sẽ khoảng 100.000 – 400.000 đ /đêm.
- Khách sạn Sunrise. Địa chỉ: 81 Hoàng Lê Kha, Phường 3, tp. Tây Ninh, Tây Ninh.
- Khách sạn Đông Phương. Địa chỉ: 47, Lê Lợi, Phường 3, Tây Ninh.
- Hotels Song Que. Địa chỉ: Cách Mạng Tháng 8, Phường 3, Tây Ninh
- Khách sạn Hoa Đăng. Địa chỉ: 253 Châu Văn Liêm, TT. Hoà Thành, Hoà Thành, Tây Ninh.
- Homestay in Tay Ninh. Địa chỉ: Hiệp Tân, Hòa Thành, Tây Ninh
- Nhà Nghỉ Mai Tuấn. Địa chỉ: 6 Chánh Môn A, Phường 4, Tây Ninh.
Bên cạnh đó, đối với những bạn đi trekking thì việc trải nghiệm một đêm cắm trại ngủ lều, đón bình minh và săn mây buổi sáng cũng là một trải nghiệm thú vị.
Các lưu ý quan trọng khi đi lễ hội núi Bà Đen Tây Ninh vào dịp đầu năm
- Do là dịp lễ hội, có rất đông người tham gia, do đó du khách cần cẩn thận bảo quản tư trang cá nhân, đề phòng bị mất cắp
- Chuẩn bị một sức khỏe thật tốt để có thể leo lên núi bà đỡ vất vả.
- Nên mang giày thể thao, giày chuyên để leo núi để đi lại dễ dàng
- Nên mang theo đủ nước trong balo cho hành trình lên chùa Bà
- Nên mang trang phục kín đáo, không mang quần short, váy ngắn, áo ba lỗ,v.v… Nếu là phật tử thì mặc áo lễ
- Nên dùng kem chống nắng, mũ nón, mang kem chống muỗi, thuốc đau bụng, thuốc chống côn trùng…
- Đối với du khách có mục đích lên chùa Bà Đen ở Tây Ninh để giải trí, tham quan thì lưu ý không nên đi dịp này vì khách hành hương đến đây rất đông, chen kín lối đi, rất nóng nực và phức tạp. Do đó bạn cũng khó lòng có thể chiêm ngưỡng được cảnh đẹp giữa bầu không khí đông đúc như vậy.
Cách di chuyển đến núi Bà Đen Tây Ninh
Núi Bà Đen Tây Ninh cách TP. HCM khoảng 100 km. Du khách từ các vùng miền khác như Hà Nội, Đà Nẵng sẽ cần di chuyển đến TP. Hồ Chí Minh trước rồi sau đó mới đi núi Bà Đen Tây Ninh bằng ô tô/ xe máy.
- Cách 1: Từ bến xe An Sương > đi theo quốc lộ 22A > rẽ trái tại ngã ba Trảng Bàng > Tới ngã ba thị trấn Gò Dầu, rẽ phải theo quốc lộ 22B > chạy khoảng 60km sẽ đến vòng xoay trung tâm TP Tây Ninh
- Cách 2: Từ Bến Thành, du khách đi theo đường Cộng Hòa > Trường Chinh > QL22 > DT782 > DT 790
- Cách 3: Xe bus 703 tuyến Bến Thành – Mộc Bài (40k/vé). Tiếp đó đi xe số 5 tuyến Mộc Bài – Tây Ninh (5k/vé) vào trung tâm TP rồi di chuyển tiếp.
- Cách 4: Đi xe khách, giá vé 60k – 80k/ vé. Mua vé ở bến xe An Sương trên QL 22A.
Di chuyển từ chân núi lên chùa
Như thông tin chia sẻ ở trên, du khách có thể đi máng trượt, cáp treo hoặc đi bộ lên chùa. Nếu những ai không có sức khỏe thì có thể tham khảo thông tin dưới đây.
Đi cáp treo từ chân núi Bà lên chùa:
Cáp treo sẽ hoạt động từ chân núi lên chùa Linh Sơn Tiên Thạch trên đoạn đường dài 1225m, ở độ cao 225m. Vé vào cổng là 16.000đ. Giá vé cáp treo là 85.000đ/ người, 160.000đ/ cặp vé khứ hồi. Thời gian di chuyển là 18 phút/lượt. Hệ thống cáp treo này có tổng số 180 cabin (2 người lớn/cabin), 16 trụ tháp, phục vụ được 500 lượt khách/giờ.
Máng trượt: Hệ thống máng trượt ở núi Bà Đen gần đây được xây mới lại theo tiêu chuẩn Châu Âu hiện đại. Do đó giá vé hiện nay cũng đã tăng lên tương đương với giá cáp treo.
Trên đây là một số thông tin về chùa Bà Đen ở tỉnh Tây Ninh. Nếu có dịp các bạn nên ghé thăm chùa vào đầu xuân hay rằm tháng Giêng để tham gia lễ hội tại chùa cũng như cầu xin bình an, may mắn.