Cung đường đại ngàn trải dài qua ba tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, được mệnh danh là cung đường trek đẹp nhất Việt Nam, cũng là hành trình “cực hình”.
Cung đường Tà Năng – Phan Dũng đi xuyên qua 3 tỉnh: Lâm Đồng, Ninh Thuận và Bình Thuận với tổng chiều dài khoảng 60 km. Đây là một cung đường khó mà bất cứ phượt thủ nào cũng mong ước được chinh phục, nhưng cần chuẩn bị tâm lý, sức khỏe cũng như đồng đội tốt.
Hành trình chinh phục cung đường rừng đẹp nhất Việt Nam này của nhóm chúng tôi diễn ra trong 3 ngày 2 đêm, bắt dầu từ Đức Trọng (Lâm Đồng) và đi bộ xuống Phan Thiết. Trong ấn tượng đầu tiên của nhóm chúng tôi, đây là một cung “cực hình”, không như những chia sẻ trên mạng rằng chỉ có vài km đường rừng núi khó đi, còn lại là đồng bằng.
Hành trình của chúng tôi bắt đầu bằng những đoạn băng rừng, leo đèo, vượt suối, di chuyển liên tục lên xuống những con dốc cao 1.100 m, xuống 500 m so với mực nước biển.
Nhưng quả thực đây là một cung đáng trải nghiệm và đáng nhớ. Bạn nên đi để biết sức chịu đựng của bản thân, và khám phá thiên nhiên kỳ thú.
Lịch trình 3 ngày 2 đêm của chúng tôi như sau: Tối đầu tiên, chúng tôi đón xe khách từ TP.HCM đi Đức Trọng, dừng ở ngã 3 rẽ vào Tà Năng. Đoàn tới nơi vào khoảng 3-4h. Cả đoàn 11 người vào quán phở xào gần đó ăn sáng và nghỉ ngơi.
5h, chúng tôi thuê xe ôm chở vào nhà hoa hồng ngay cửa rừng. Chi phí là 250.000 đồng/xe, chở 2 người. Bạn không nên đi xe hơi vì đường xấu, sẽ phải xuống ở điểm cách cửa rừng rất xa.
Trên đường đi, bạn sẽ qua một số chợ và đại lý, có thể vào mua mì gói, nước uống, sữa tươi, bình gas mini…
Tới khoảng 8-9h, cả đoàn vào tới cửa rừng. Sau khi ổn định, chúng tôi chia đồ ăn và nước uống. Bình quân mỗi người sẽ phải mang 1 balô khoảng 15 kg.
Bắt đầu trekking, các bạn sẽ đi qua rất nhiều rừng thông thấp. Đây là địa điểm đẹp, tha hồ check-in sống ảo. Kế tiếp là các con dốc thẳng đứng, leo rất tốn sức. Đến trưa, chúng tôi ăn nhẹ bằng bánh mì kẹp cá hộp, patê. Nghỉ ngơi một chút, cả đoàn tiếp tục cuộc hành trình.
Tới tối, chúng tôi hạ trại và nướng gà mang theo ăn tối. Đêm đầu không mưa, nhưng không khí lạnh nên bạn lưu ý chuẩn bị đủ áo mưa và áo ấm.
Chúng tôi có gặp một số người người dân đi đốn củi và cán bộ kiểm lâm. Họ rất thân thiện, chỉ cho chúng tôi đường ngắn hơn, nên quay lại vì khi đi theo con đường tới thác chúng tôi phải mất thêm một ngày nữa.
Sáng sớm ngày thứ hai sau khi thức dậy, ngắm bình minh, vệ sinh cá nhân, ăn sáng, chúng tôi bắt đầu lên đường tiếp tục hành trình. Bạn nên lưu ý tiết kiệm nước, nếu không chặng sau sẽ không đủ dùng.
Cả đoàn quay lại ngã 3 đi xuống Phan Dũng (huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận). Tới trưa chúng tôi gặp một đoàn khác đang nghỉ tại đây. Họ chỉ đường cho chúng tôi đi tới quán nhà chị Ớt để ra cửa rừng.
Lúc này chúng tôi cũng đã hết nước, theo bản đồ thì còn 8 km mới tới suối. Đây là lúc mệt nhất, đi mãi mà vẫn không thấy suối. Tới khoảng 16h, chúng tôi mới tìm thấy suối để lấy nước uống, tắm gội …
Ở đây, chúng tôi gặp một nhóm hướng đạo là học sinh, họ không tìm được đường ra nên quay lại cắm trại.
Đây là một vị trí đẹp để hạ trại, nhưng lưu ý nên tránh xa suối một chút, gần phía đường mòn phòng khi trời tối, phía trước không có đường mòn sẽ rất dễ bị lạc.
Đêm xuống, sau khi ăn tối bằng mì gói, chúng tôi nấu cà phê và trà uống, ngồi nói chuyện rồi nghỉ ngơi.
Sáng sớm ngày thứ ba, cả nhóm dậy sớm, lại ăn mì, dọn trại. Lúc này cả 2 nhóm đi chung. Tới được thanh chắn này cũng là lúc bạn đã ra được đến cửa rừng.
Ở cửa rừng, bạn sẽ thấy quán nhà chị Ớt. “Đặc sản” ở đây là nước tăng lực và mì gói. Sau khi ăn uống nghỉ ngơi, cả đoàn thuê xe 16 chỗ về lại TP.HCM. Khoảng 21h, cả đoàn có mặt an toàn tại thành phố, kết thúc chuyến đi 3 ngày 2 đêm khám phá cung đường trekking đẹp nhất Việt Nam.
Theo Thảo Nhi/Zing news