- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Chinh phục núi Chứa Chan
Chiều cuối tuần, xuất phát từ Sài Gòn, nhóm 20 người chúng tôi hướng Đồng Nai thực hiện mục tiêu leo núi Chứa Chan.
Có bạn lần đầu leo ngọn núi này, có bạn đã đi thứ hai lần ba; có bạn đi để chinh phục đỉnh núi, cũng có bạn chỉ muốn tạm xa rời Sài Gòn ồn ã… Ai cũng háo hức cho một chuyến “đi trốn”.
Sau 3 giờ chạy xe máy theo quốc lộ 1, chúng tôi dừng dọc đường mua ít vật dụng cá nhân, ít đồ ăn thức uống và tiến về chân núi.
Núi Chứa Chan cao 840m, trên lưng chừng núi là chùa Bửu Quang. Hành trình chúng tôi chọn lần này là leo theo đường cột điện, xuống theo đường chùa.
Cả nhóm gửi xe ở nhà dân sát chân núi. Nương theo lối mòn, tha thẩn băng qua những đồi cỏ xanh ngắt, cỏ cao ngang hông người. Núi Chứa Chan không cao như núi Bà Đen nhưng đi theo đường cột điện có những chặng dốc hơn rất nhiều, cảnh cũng đẹp hơn.
Có những đoạn lầy lội, cũng có những quãng đá ngăn trở bước chân nhưng cả đoàn cùng động viên nhau vượt qua từng đoạn dốc.
Trên quãng dài con đường, thích nhất là những cơn gió. Gió mát, mơn man da thịt đẫm mồ hôi như xua đi bớt nhọc mệt trên hành trình. Gió lùa làm thảm cỏ tranh gợn sóng, đong đưa in dấu trên nền trời cũng trong vắt.
Buổi chiều trời không mưa như ủng hộ những con tim khát hoang dã. Chúng tôi cứ tiến lên phía trước. Đoạn rừng trúc là đoạn dễ lạc, nhất là lúc trời sập tối thật nhanh. Rậm rạp, nhiều gai và sương mù nhiều khiến tầm nhìn bị thu lại.
Mọi người bám sát nhau, thỉnh thoảng lại gọi tên nếu bất chợt thấy thiếu một thành viên…
Sau hơn 3 giờ vất vả, đẫm mồ hôi và thở dốc, sau một khúc rừng trúc núp sau một con dốc dài, chúng tôi lên đến đỉnh.
Sương vây phủ khắp đỉnh núi. Mọi thứ ở phía xa đều mờ ảo. Cái lạnh thấm dần. Một đống lửa được đốt lên, rất vất vả vì gió mạnh. Lều được dựng. Chúng tôi mỗi người khoác thêm áo ấm, ngồi thật sát bên lửa mà vẫn lạnh.
Có lửa, chúng tôi quây quần nấu nướng, chia nhau những ly rượu ấm đựng trong chai nhựa cắt đôi. Rồi mọi người cùng hát, cứ thế hát mãi trên đỉnh núi cho đến khi tàn lửa…
Đêm trên đỉnh nhiều gió, có mưa nhẹ. Mọi người vào lều và chìm vào giấc ngủ sâu.
5g sáng hôm sau nhiều bạn đã thức dậy đón bình minh, “săn” mây. Sau cơn mưa, sáng trên đỉnh núi dù nắng tràn ngập vẫn lạnh. Xung quanh là cỏ, thật nhiều cỏ, xanh mướt, xanh ngút ngàn, những giọt sương đêm vẫn ướt đẫm trên thân.
Đứng trên đỉnh núi, ngắm mặt trời mọc và mây, chúng tôi đang ở giữa màu xanh.
Thông tin cho bạn
Núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ 2 Nam Bộ, với độ cao 800m, nằm ở huyện Xuân Lộc, Đồng Nai. Với tên gọi bắt nguồn từ tiếng Chăm là Chơk Chăn – có nghĩa là núi non, nơi đây còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như núi Gia Ray, Gia Lào.
Cách TP.HCM khoảng 110km về phía Đông, các bạn chạy xe máy theo quốc lộ 1 hướng đi về Phan Thiết, đi qua thị xã Long Khánh khoảng 25km tới ngã ba Ông Đồn thì rẽ tay trái vào đường Hùng Vương, tiếp tục đi thêm khoảng 1km đến công viên 9-4.
Từ đây hỏi đường, rẽ trái vào sát chân núi để lên đỉnh theo đường dây điện; hoặc tiếp tục đi thêm 3km, rẽ trái sẽ vào một độc đạo đưa bạn vào lối lên đỉnh theo đường chùa.
Có thể rút ngắn quãng đường 110km bằng cách đi theo quốc lộ 51 thay vì qua TP Biên Hòa. Cứ đi qua ngã ba Dầu Giây, thẳng đến Long Khánh rồi đi thẳng đến Xuân Lộc, đến ngã ba Ông Đồn quẹo trái hướng về chân núi.
Nếu đi xe khách: Từ bến xe Miền Đông (TP.HCM), mua vé xe đi Đức Linh, Bình Thuận. Xuống xe ở cổng chào núi Chứa Chan, Gia Lào, bắt xe ôm để đi thêm 3km vào chân núi.
Theo Tuổi Trẻ
Trekking núi Chứa Chan ngày sương mù
Cách TP HCM chỉ 92 km về phía Bình Thuận, Chứa Chan tỉnh Đồng Nai là ngọn núi cao thứ 2 vùng Đông Nam Bộ, chỉ sau núi Bà Đen (Tây Ninh), với độ cao là 837 m so với mực nước biển.