“Vùng đất của người Lo” – cách người Mustang tự gọi mình – có 7.000 người sinh sống, rải rác trên 2.000 km2 ở thung lũng sông Kali Ghandaki. Các đường dọc sông trước kia là tuyến giao thương lớn. Muối từ các hồ sâu trong lòng Tây Tạng và len từ trâu yak được đem đổi lấy thóc lúa và gia vị của Ấn Độ.
Nơi ở của người Mustang là điểm quan trọng trên tuyến đường này, đem lại của cải để có thể xây dựng những tu viện lớn, các tác phẩm nghệ thuật lộng lẫy khoảng từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 17. Đến cuối thế kỷ 18, vương quốc của họ sát nhập với Nepal. Truyền thống của người Mustang có liên hệ mật thiết với Phật giáo. Phần lớn vẫn tin trái đất phẳng, bệnh tật do tà ma gây ra và tăng lữ có thể chữa trị bằng cách trừ tà.
Một trong những truyền thống đặc biệt người Mustang còn thực hiện là anh em lấy chung vợ. Do đất màu mỡ rất ít, nếu mỗi anh em lấy một người vợ khác nhau, đất sẽ bị chia ra, khiến gia đình trở nên nghèo đói.
Các thầy lang vẫn sử dụng y học cổ truyền Tây Tạng, có gốc rễ từ cách đây hơn 2.000 năm. Họ tin rằng cơ thể con người là một thế giới vi mô của vũ trụ, được cấu thành từ 5 nguyên tố cơ bản: đất, lửa, nước, không khí và vũ trụ. Sự xung đột giữa các yếu tố này là nguyên nhân chính gây nên bệnh tật.
Người Mustang theo Phật giáo Tây Tạng. Họ rất sùng đạo. Các lễ cầu nguyện và lễ hội như Tiji là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của bộ tộc. Ở đây, gần như mỗi ngôi làng đều có một tu viện.
Sự lộng lẫy của các tu viện ở Lo Manthang cho thấy vị trí quan trọng của tôn giáo. Điều này còn thể hiện trong cấu trúc gia đình truyền thống: con cả thừa kế tài sản gia đình, con thứ hai tới sống ở tu viện khi khoảng 6-7 tuổi.
“Vương quốc của người Lo” nằm trên cao nguyên lộng gió giữa Tây Bắc Nepal và Tây Tạng, một trong những vùng hẻo lánh nhất thế giới. Vùng đất này có liên hệ văn hóa, lịch sử, tôn giáo với Tây Tạng, nhưng một phần vẫn thuộc Nepal theo chính trị.
Khi nền văn hóa Tây Tạng nguyên thủy đang có nguy cơ biến mất, giờ người Mustang là một trong những nền văn hóa ít ỏi theo gốc này còn sót lại.
Cuộc sống của người dân xoay quanh chăn nuôi gia súc, nông nghiệp, giao thương và du lịch (từ năm 1992). Phần lớn sống cạnh sông Kali Gandaki ở độ cao 2.800-3.900 m so với mực nước biển. Sự hiện diện của nước giúp nông nghiệp ở đây phát triển bền vững. Đại mạch và kiều mạch là hai cây trồng chính, ngoài ra còn có ngô, táo và các loại rau.
Theo quan niệm của họ, máu tốt đem lại sức khỏe, máu xấu gây ốm đau. Có 72 loại máu xấu có thể được chích ra từ các bộ phận của cơ thể. Ngoài máu xấu, bệnh tật có thể do một trong 1.080 con quỷ gây ra. Thầy lang sẽ viết lời cầu nguyện và đưa cho thầy tu đọc, để một trong 8 vị thần chữa bệnh đuổi quỷ dữ đi. Các thầy tu phủ nhận chứng cứ cho thấy trái đất tròn. Theo quan niệm của người Tây Tạng, trái đất phẳng và Lhasa là trung tâm của tất cả.
Mùa xuân là biểu tượng của sự hồi sinh, với các lễ hội mang đậm màu sắc tôn giáo, văn hóa.
Người dân từ khắp vùng Mustang sẽ mặc quần áo đẹp nhất về Lo Manthang dự hội. Vào mùa hè, nơi đây tổ chức lễ hội ngựa Yarlung với các cuộc đua, vũ điệu, rượu ngon và nhiều hoạt động hấp dẫn.
Trước năm 1991, người ngoài vẫn không được vào vùng Mustang.
Sau đó, nơi này dần mở cửa, nhưng vẫn chỉ cho phép 1.000 du khách tới đây mỗi năm.
Theo Zingnews