- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Bí quyết du lịch Campuchia 6 ngày 5 đêm giá rẻ
Sau khi cân nhắc các phương án Trung Quốc, Lào, Thái… thì cách 3 tuần trước Tết, chuyến du lịch Campuchia của đại gia đình mình mới được quyết định.
Chuyến du lịch Campuchia vừa rồi, đoàn nhà mình có tổng cộng 11 người, trong đó chỉ có 3 người U40, còn lại toàn ông bà già và trẻ nhỏ.
Ảnh: Internet |
1. Cung đường: Hà Nội – Tp.HCM – Phnom Penh – Siem Reap – Tp.HCM – Hà Nội
Do đặt sát Tết nên vé bay thẳng Hà Nội – Siem Reap không còn nữa, nếu còn thì là mức giá quá cao không thể chấp nhận được cho một đội quân du lịch đông như vậy. Vì thế, check giá Hà Nội – Sài Gòn – Hà Nội thấy giá quá hợp lý, lại có thể thăm Tp. HCM vào dịp Tết nên đoàn mình quyết định cung đường Hà Nội – Sài Gòn – Phnom Penh – Siem Reap – Sài Gòn – Hà Nội (2 giờ máy bay – 6 tiếng ô tô – 7 tiếng ô tô – 13 tiếng ô tô – 2 giờ máy bay) cho chuyến đi 6 ngày 5 đêm.
Nếu có tầm 6 ngày 5 đêm và bay thẳng được Hà Nội – Siem Riep, Phnom Penh – Hà Nội hoặc Hà Nội – Phnom Penh, Siem Reap – Hà Nội thì cung đường vô cùng hợp lý và nhẹ nhàng là Hà Nội – Siem Reap – Phnom Penh – Hà Nội hoặc ngược lại.
Nếu có 8-10 ngày thì cung đường đẹp và hợp lý là Hà Nội – Siem Reap – Phnom Penh – Shihanok Ville (biển đẹp của Campuchia) – Phnom Penh – Hà Nội.
2. Thời gian
Nhìn chung, khí hậu Việt Nam và Campuchia gần giống nhau nên bạn có thể chọn thời điểm thích hợp để đi du lịch Campuchia mà không sợ có sự khác biệt giữa 2 đất nước. Tuy nhiên, bạn nên chú ý vào mùa nóng thì Campuchia thường cao hơn Việt Nam 1 - 2 độ. Thời điểm đi du lịch phù hợp như sau:
- Từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau: Thời tiết dễ chịu, là thời điểm thích hợp để đến du lịch. Vào giữa tháng 11 hằng năm có lễ hội rước nước, đua thuyền.
- Từ tháng 4 đến tháng 5: Đây là khoảng thời gian nóng nhất tại Campuchia, tháng 4 có lúc đến đến hơn 40 độ C. Vào tháng 4 hàng năm, là ngày Tết của dân Khmer nên mùa này có rất nhiều lễ hội.
- Từ tháng 7 đến tháng 9: Mùa mưa tại Campuchia nên cây cối xanh tốt, đi ngắm cảnh khá ổn.
Gia đình mình đi 6 ngày 5 đêm (mùng 1 – mùng 6 Tết, tức 19 - 24/2 dương lịch): Thời tiết Campuchia tháng 2 không quá nắng gắt, so với Hà Nội cùng nhiệt độ và tối thì mát mẻ dễ chịu. Nước sông thì cạn vì đây là mùa khô.
|
3. Chuẩn bị cho chuyến đi
- Vé máy bay
- Vé bus Tp.HCM – Phnom Penh – Siem Reap – HCM
- Hộ chiếu cho cả người lớn và trẻ em. Hộ chiếu trẻ em nên làm tách riêng từ nhỏ. Nhà mình các bé mỗi đều có hộ chiếu riêng, kể cả bạn nhỏ xíu 4 tuổi (bạn ấy có hộ chiếu tách riêng từ 1,5 tuổi khi bắt đầu làm hộ chiếu).
- Hành lý: Mỗi người một ba lô tùy theo quy định hãng hàng không cho phép (từ 7 – 10kg). Các bạn bé tự chuẩn bị balo cho riêng mình với quần áo tính cho số ngày đi theo thời tiết nơi đến, tự chuẩn bị đồ dùng cá nhân như khăn mặt, bàn chải đánh răng, thuốc đánh răng và các thứ riêng tư khác. Mỗi bạn tự sắp xếp các vật mang theo giải trí khi đi máy bay, bus theo sở thích như truyện, giấy bút vẽ, bộ bài, bánh kẹo ăn dọc đường… Kể cả bé 4 tuổi cũng tự chuẩn bị và tự xếp vào ba lô riêng của mình. Với bé nhỏ nhất, mẹ sẽ kiểm tra lại balo xem thừa thiếu gì nhưng về cơ bản là bé tự chuẩn bị.
- Thuốc men: Hạ sốt, oresol, cảm cúm, đau bụng, nước muối sinh lý, bông băng, và các loại thuốc khác phù hợp với thể trạng mỗi người như thuốc huyết áp, tiểu đường…
Đặc biệt, nhớ mang theo thuốc chống muỗi dạng bôi và xịt vì Campuchia cực kỳ nhiều muỗi (chắc chưa có chiến dịch phun thuốc trừ muỗi hãng năm như tại Việt Nam).
- Mua bảo hiểm du lịch: Nên mua cho yên tâm, lần này nhà mình không mua nên lo ngay ngáy. Lần đi Sing – Malay thì mua của AIG.
|
4. Tiền mang đi
Ngoài việc cầm theo tiền mặt Việt Nam và thẻ tín dụng thì việc mang theo gì khi du lịch Campuchia là điều khá băn khoăn. Tìm hiểu trên các diễn đàn, người thì nói chỉ mang đô, người nói dùng Ria Campuchia lợi hơn, người nói dùng tiền Việt vẫn ok… Kết quả nhà mình đổi đô ở Hà Trung, sang Phnom Penh ra ngân hàng đổi một phần sang Ria. Thực tế thì sao? Campuchia là đất nước dùng song song 2 loại tiền đô và Ria, tiền Việt Nam có lẽ tùy nơi chấp nhận. Nhà mình sáng tại Phnom Penh, vì chưa đổi Ria, đô thì toàn 100 USD nên khi đưa 500.000đ tiền Việt Nam thì người bán nói họ không dùng được. Khi gặp người nước ngoài, người Campuchia tự động tính tiền bằng đô, kể cả ở ngoài đường hay trong siêu thị. Nếu yêu cầu tính Ria thì họ đâm bối rối vì có lẽ họ trót tính giá cho người nước ngoài cao hơn người bản địa.
Tỷ giá được người Campuchia quy đổi là 1 đô = 4000 Ria. Nếu sắp về mà vẫn còn tiền Ria do khi trả lại tiền thừa họ trả cả đô và ria thì các bạn nhớ yêu cầu hoặc nhờ họ trả lại hoặc đổi sang đô. Đổi từ Ria sang tiền Việt thì dọc phố Phạm Ngũ Lão – TP HCM có thể đổi được luôn, nhưng về Hà Nội thì hoàn toàn không biết đổi ở đâu, Hà Trung không đổi Ria.
Kết luận: Nên đổi sang tiền USD và có nhiều mệnh giá nhỏ chứ không nên chỉ dùng một loại 100 USD, vì nhiều nơi người bán không trả lại được (đi tuk tuk 1 chuyến 2 USD, đưa tờ 100 USD người lái xe khóc luôn không chừng), không cần đổi sang Ria.
5. Khách sạn
Các trang để đặt khách sạn quốc tế mà gia đình mình hay dùng là Agoda và Booking.
- Vị trí khách sạn ở Phnom Penh: chọn khu vực River Front do gần Hoàng cung, bảo tàng, tượng đài chiến thắng, sông Tonle Sap, gần khu phố tây… Có thể đi bộ dạo chơi khu vực này. Lý do chọn: Ở lại Phnom Penh không nhiều nên chọn nơi gần các điểm dự kiến.
- Nếu ai thích mua sắm và đi nhiều nơi khắp Phnom Penh có thể chọn khách sạn gần khu vực chợ trung tâm hoặc gần bến xe đi Siem Reap. Nhìn chung Phnom Penh nhỏ nên ở khu vực nào tùy ý thích và dự định mỗi nhà.
- Vị trí khách sạn ở Siem Reap: Chọn khu vực gần Night Market, gần Pub street (khu phố tây) để ăn uống đi lại cho thuận tiện, nhất là đi dạo vào buổi tối, có thể thong dong đi bộ về khách sạn.
6. Mua vé bus cho chuyến đi
Có nhiều hãng xe cung cấp tuyến Hà Nội – Phnom Penh. Nhưng hiện nay, Phnom Penh đi Siem Reap hoặc các tuyến nội địa Campuchia đều phải sang bến xe Phnom Penh để mua. Để thuận lợi cho việc đi lại của đoàn 11 người với chủ yếu người già và trẻ con (3 U40, 3 U70 - 80, 5 U12), nhà mình mua luôn tất cả các chặng tại Việt Nam để sang đó chỉ việc đi chơi, không phải lo lắng gì, vì vậy gia đình mình lựa chọn hãng xe Sorya là hãng xe của Campuchia vừa có tuyến Tp.HCM - Phnom Penh, vừa có tuyến nội địa Campuchia. Các xe đi Campuchia xuất bến Tp.HCM thường đón khách ở Phạm Ngũ Lão hoặc ở gần sân bay Tân Sơn Nhất là Maxi Mark. Nếu nhà ai xuống máy bay thì nên chọn Maxi Mark, nhất là xuống sát giờ xe bus chạy sang Phnom Penh, nếu ai đi mùng 1 giống nhà mình thì đón ở Phạm Ngũ Lão để có đồ ăn trưa giữa lúc đợi xe. Ở Phạm Ngũ Lão có phở Quỳnh mở cả ngày mùng 1 tết và có thời gian chờ dài.
Một vài hãng xe đi Campuchia, các bạn có thể gọi điện đặt vé trực tiếp theo số điện thoại của các hãng ghi dưới đây hoặc vào web xem lịch xuất bến của các chặng:
- Sorya 168 (xe Campuchia): 301 Phạm Ngũ Lão, Quận 1 Tp.HCM. Điện thoại: 090 2575 765 / 083 9209 438 / 086 6701 898. Bán vé chặng HCM – Phnom Penh - Siem Reap và các chặng nội địa trong Campuchia. Giá vé khoảng 9 - 10 USD Tp.HCM – Phnom Penh, 20 USD: HCM – Siem Reap. Đoàn đông 10 người có thể giảm giá. Đoàn nhà mình được giảm còn 390.000đ cho mỗi chặng HCM – Siem Reap và ngược lại ( khoảng 18USD, thường thì giá là 20-23USD, tổng 36USD khứ hồi Tp.HCM – Siem Reap - HCM). Bến xe tại Phnom Penh là ngay chợ Phnom Penh. Bến Siem Reap gần trung tâm, xuất bến di Phnom Penh là đón gần khu Night Market (trung tâm)
+ Website: www.ppsoryatransport.com
- Capitol (xe Campuchia): 267 De Tham St.,Ward Pham Ngu Lao, Dict 1 Ho Chi Minh City - Viet Nam. Phone : (84) 90 88 41 482/(84) 90 75 72 856/(84-8) 9202 112 - (84-8) 903 977 976. Homepage: www.capitoltourscambodia.com. Bán vé chặng HCM – Phnom Penh - Siem Reap và các chặng nội địa trong Campuchia. Giá khoảng 10USD cho 1 chặng Tp.HCM – PhnomPenh. Bến xe tại Phnom Penh gần sông Tonle Sap.
- Sapaco Tourist (hãng xe Việt Nam): 325 Phạm ngũ lão, Q.1, Tp.HCM. ĐT: (08) 3920 6706 - Fax: (08) 3920 3624. Email: sapacotouristsg@gmail.com - Website: http://www.sapacotourist.vn/ Chỉ có chặng HCM – Phnom Penh và ngược lại. Đến Phnom Penh phải mua tiếp của các hãng Campuchia tại bến xe. Giá vé Tp.HCM – Phnom Penh là 230.000đ.
- Khải Nam (hãng xe Việt Nam): 21A, Mạc Thiên Tích, Phường 11, Quận 5, Tp. Hồ Chí Minh. Số điện thoại: (08)22122727. Chỉ có chặng HCM – Phnom Penh và ngược lại. Đến Phnom Penh phải mua tiếp của các hãng Campuchia tại bến xe. Giá vé: Tp.HCM – Phnom Penh: 210.000đ.
- Kumho Samco Buslines: 239 Phạm Ngũ Lão, Q.1, Tp.HCM - ĐT đặt vé: 08.6291.5389. Lô 10 Mạc Thiên Tích, P.11, Q.5, TPHCM - ĐT: 08.66.601.727. Website: http://kumhosamco.com.vn/vi/ho-chi-minh-phnom-penh
7. Các điểm tham quan khi du lịch Campuchia
Phnom Penh
- Cung điện Hoàng Gia – được xem là biểu tượng của vương quốc Campuchia, có kiến trúc khá đặc trưng mang đậm nét văn hóa Khmer. Gắn liền với cung điện này là chùa Bạc, chùa là một tổ hợp gồm rất nhiều công trình nhỏ như tháp, lăng, thư viện, vườn,… Giá vé 6,5 USD. Hiện nay, khách du lịch chỉ được thăm chùa Bạc và các công trình tháp và lăng, cung điện tạm thời không được vào nhưng giá vé không đổi.
- Bảo tàng quốc gia Campuchia: Nơi lưu trữ hơn 5.000 hiện vật thể hiện một nền văn hóa Campuchia giàu có, cũng là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách để có dịp biết thêm văn hóa và lịch sử của đất nước này. Giá vé 5 USD.
- Wat Phnom còn gọi là Chùa bà Penh là nơi khởi nguồn của thủ đô Phnom Penh. Chùa đã rất nhiều tuổi và mang nét kiến trúc tiêu biểu, đặc trưng trong nghệ thuật kiến trúc đền chùa của Campuchia. Giá vé 1 USD.
- Tượng đài độc lập Phnom Penh: Nằm ngay quảng trường lớn của thủ đô. Công trình kiến trúc này khá đặc sắc và mang nhiều ý nghĩa lịch sử, ghi dấu ngày độc lập của Vương quốc khi thoát khỏi áp bức của nước ngoài. Giá vé: Miễn phí.
- Bảo tàng diệt chủng Toul Sleng và cánh đồng chết Choeng Ek Memorial: Lại nhắc nhớ cho người ta khá nhiều điều về chế độ diệt chủng Khmer đỏ đầy tàn bạo trong lịch sử. Chỗ này gia đình không đi vì đầu năm mới nên không muốn vào nơi đau thương và buồn bã này. Giá vé cánh đồng chết 6 USD.
- Cố đô Oodong: Nằm lặng lẽ ở phía tây bắc và cách thủ đô Phnom Penhkhoảng 40km.
- Con đường Sisowath Quay: Nằm dọc bờ sông, mà đông đảo du khách lẫn người dân thủ đô rất yêu thích dạo chơi, hóng gió, quang cảnh nhộn nhịp và đầy hiện đại.
- Chợ trung tâm, chợ Nga (Russia Market): hai chợ này thì nhà mình đi vào ngày tết nên đóng cửa, có lẽ người bán đều là người Việt, người Trung Quốc.
- Chợ đêm: Gần khu vực sông Tonle Sap: Đồ để mua thì không có gì nhưng khu vực ăn uống khá thú vị với các chiếu ngồi bệt, món ăn đặc trưng Phnom Penh,các món nướng ngon.
- Du thuyền sông Tonle Sap: khởi hành từ 5 - 6h tối hàng ngày, dân tự sắm thuyền cho thuê, giá khoảng 30 - 40 USD/ 1 giờ/1 thuyền. Các bạn nên đi vì ngắm sông Tonle Sap lúc hoàng hôn rất đẹp, thanh bình. Ngày thường thuyền có thể đưa mình đến chỗ nuôi cá của người Việt và ăn tối tại đó luôn với các món cá. Hôm nhà mình đi vào tết nên người nuôi cá nghỉ tết.
Siem Reap
- Angkor Wat: Angkor Wat (đọc theo tiếng Việt là Ăng-co Vat) thuộc tỉnh Siem Reap. Angkor Wat còn có tên cổ tiếng Việt là đền Đế Thiên. Nên ngắm hoàng hôn ở Angkor Wat.
- Angkor Thom (Ăng-co Thom) thì được gọi là đền Đế Thích, cả khu đền Angkor được gọi chung là Đế Thiên Đế Thích. Theo tiếng Khmer thì Angkor: Kinh đô, Wat: đền thờ hay chùa, là một đền thờ vị thần Visnu của Ấn Độ Giáo tại Angkor – địa điểm của các thủ đô của Đế quốc Khmer. Đây là một trong các là di tích quan trọng bậc nhất tại Campuchia, được xem là tuyệt đỉnh của nghệ thuật và kiến trúc Khmer. Gồm các đền Bayon, Baphuon, Ta Keo, Ta Prohm (cách Angkor Thom khoảng 1-2 km, nên di chuyển bằng tuk tuk)… Nên ngắm bình minh ở Angkor Thom.
Giá vé vào quần thể Angkor là 20 USD/người, trẻ em dưới 12 tuổi free (yêu cầu xem hộ chiếu khi mua vé, tuổi tính theo hộ chiếu đến ngày mua vé. Vì vậy cháu trai trong đoàn mình tuy 2003 nhưng không phải mua vé vì theo hộ chiếu đến tháng 5 cháu mới tròn 12).
- Chùa Wat PromRat: Chùa đại diện cho chùa Siem Reap với sự nguy nga tráng lệ và rất rộng, ngôi chùa 500 tuổi với tượng Phật nằm.
- Tonlé Sap hay Biển Hồ: Là một hệ thống kết hợp giữa hồ và sông có tầm quan trọng to lớn đối với Campuchia. Đây là hồ nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á và được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới năm 1997.
Tonlé Sap có nghĩa là “sông nước ngọt lớn” nhưng thông thường được dịch là “Hồ Lớn” trong các ngôn ngữ khác. “Biển Hồ” là cách gọi của người Việt chỉ tầm vóc rộng lớn của hồ nước này khiến không thấy bến bờ.
Biển Hồ đi vào mùa mưa nước tràn đầy, cảnh vật đẹp hơn, nhà mình đi vào mùa Tết là mùa cạn nên mực nước thấp, cảnh vật không đẹp như ảnh chụp, cân nhắc thời gian đi để chọn có thăm Biển Hồ hay không. Giá vé: 15 USD/người nếu mua tại bến, đoàn đông 10 người trở lên có thể thương lượng: 11-13USD/người.
- Prasat Preah Vihear: Là một ngôi đền (Angkor) toạ lạc trên một chỏm núi thuộc núi Dângrêk ở Thái Lan, dọc theo biên giới Campuchia. Ngôi đền này được lấy làm tên cho tỉnh Preah Vihear.
- Núi Kulen và sông ngàn Linga: Cách thành phố Siêm Reap 50 km, là kinh đô đầu tiên của triều đại Angkor dưới triều vua Jayavarman II được xây dựng năm 802. Kinh đô này nằm trên đồi Mahendra trong một khu rừng nguyên sinh rộng 37.500 ha với nhiều loài thú hoang dã vẫn còn tồn tại. Đường lên núi Kulen hiểm trở nhưng khá tốt vì được nâng cấp. Ngày xưa vùng núi Kulen vẫn còn hoang sơ và rất nhiều bom mìn còn sót lại nơi đây. Từ đỉnh núi có dòng suối trong veo, được xem là nơi phát nguồn của dòng sông Siem Reap. Trên đồi Mahendra, Jayavarman II đã tuyên bố nền độc lập của vương quốc Khmer và chọn nơi đây làm kinh đô đầu tiên, mà người ta gọi giai đọan này là “Đông Nam Á dưới bóng Angkor”. Từ trên đỉnh đồi, bạn có thể ngắm nhìn toàn thể công viên Angkor từ trên cao.
Nếu các bạn ở Siem Reap khoảng 3 ngày thì nên đi khu này vì rất đẹp.
8. Đi lại tại Phnom Penh và Siem Reap
- Chủ yếu tuk tuk, rất cơ động, thoáng mát, giá đi gần 1-3km 2USD/xe 4 người lớn, đi xa là 6 - 7 USD/xe, đi cả ngày thăm Angkor (cách trung tâm Siem reap 5km) + Biển Hồ: 15 USD/xe.
- Đi bộ: Đi Hoàng Cung, Bảo Tàng, Tượng đài chiến thắng có thể đi bộ vì gần nhau, thời gian khoảng 3-4 tiếng. Đi trong Angkor là đi bộ. Angkor Wat đi thăm tầm 1 – 1,5 tiếng đi bộ, Angkor Thom khoảng 3-5 tiếng.
- Đi xe đạp, xe máy: ở Phnom Penh và Siem Reap, mọi người có thể thuê xe dễ dàng để đi lại, nhà nào toàn thanh niên có thể sử dụng các phương tiện này vì rất cơ động và mát mẻ.
9. Ăn uống
- Phnom Penh: Vì ở ít nên ăn gần khách sạn và tại chợ đêm.
- Reap: Các quán ăn ngon
+ Khu vực Angkor: Khmer Empire Restaurant (7-10 USD/người)
+ Khu vực trung tâm Siem Reap: New bayon Restaurant, Hana BBQ, Khmer Kitchen, KhmerHouse (7-10 USD/người)
+ Ăn buffet + xem múa Apsara: Sophea Restaurant (quán này nghe nói ăn ngon, múa được, nhưng vì đặt chậm nên hết chỗ), Kullen II Restaurant (quán này múa đẹp, ăn không ngon. Tripadvisors Tây khen ngon, nhà mình thì ăn không hợp nên không ngon, ít đồ ăn so với buffet Hà Nội, nhưng giá rẻ) 12 USD/người (chưa đồ uống).
+ Nên xem show "Smile of Angkor": Giá vé từ 38-48 USD gồm ăn và xem, 30 - 40 USD chỉ xem, không ăn.
10. Lịch trình 6 ngày 5 đêm
Ngày 1
HN – Tp.HCM, đến Tp.HCM lúc 11h giờ. Nếu bay từ HN sớm hơn và đến HCM lúc 9-10h thì kịp bắt xe bus Tp.HCM – Phnom Penhlúc 11h. Nhà mình đi chuyến Tp. HCM – Phnom Penh 14h30, đến Phnom Penh 10h tối.
Ngày 2
- Sáng: thăm các điểm hoàng cung, bảo tàng, quảng trường.
- Chiều: Chùa Wat Phnom, Russia Market, chợ trung tâm, tượng đài chiến thắng.
- Tối: Du thuyền sông Tonle Sap, đi chợ đêm.
Ngày 3
- Sáng 7 giờ đi Siem Reap, 14h30 đến nơi.
- Chiều 16h30 đi ngắm hoàng hôn Angkor Wat, mua vé cho ngày hôm sau.
- Tối đi chơi Night Market (Old market)
Ngày 4
- Sáng đi Angkor Thom (nhà nào trẻ khỏe thì đi từ 5h xem bình minh): Thăm 5 đền Bayon, Baphuon, Takeo, quảng trường Voi, Ta Prohm.
- Chiều đi Biển Hồ và chùa Wat Prom Rat rất đẹp, gần khu Night Market.
- Tối ăn buffet và xem múa Apsara: Giá 12 USD, nên đặt từ sáng sớm hoặc ngày hôm trước, nhất là thứ 7 chủ nhật. Đi chợ đêm (New market).
Ngày 5
- 6h45 – 22h: Siem Reap – Tp. HCM. SR – Phnom Penh: 2h30, chuyển xe tại bến 3h Phnom Penh – HCM.
- Tối đêm dạo Sài Gòn khu phố Tây.
Ngày 6
Chơi ở Tp. HCM: Dinh Độc Lập (nên thuê hướng dẫn viên và mua vé xe điện đi một vòng ngắm Dinh Độc Lập). Giá vé vào Dinh: Người lớn 30.000 đ, trẻ em dưới 10 tuổi là 5000đ, xe điện 10.000đ/người, hướng dẫn viên: 150.000đ, nhà thờ lớn, bưu điện, chợ Bến Thành…. Tối bay về Hà Nội.
Mehaicongchua
Review khu du lịch Bình Châu
Khu du lịch Bình Châu có nhiều điểm cộng nhưng cũng không thể bỏ qua được những điểm trừ cực tệ hại.