- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Bãi biển Bình Minh địa điểm du lịch ở Hội An
Nếu như thăm quan Hội An với hành trình nghỉ biển có vẻ quá quen thuộc, du khách hãy thử thay đổi hay cộng thêm vào hành trình của mình vài ngày để đến với Thăng Bình, khám phá bãi biển Bình Minh yên sóng. Nơi này sẽ mang lại cho du khách nhiều trải nghiệm mới lạ.
Xem thêm: Du lịch Hội An
Du lịch Hội An – Tham quan bãi biển Bình Minh (ảnh sưu tầm) |
Biển Bình Minh có lẽ hãy còn là một điều khá mới mẻ, nhưng nơi này hứa hẹn là một điểm đến tuyệt vời góp tên vào những địa điểm đáng để đến trong những chuyến đi thăm quan du lịch Hội An – Quảng Nam. Cách trung tâm huyện Thăng Bình về phía đông gần 10km, ngoài những tiềm năng lớn về khai thác và đánh bắt hải sản, xã Bình Minh còn sở hữu một bãi tắm đẹp và thơ mộng.
Nhìn trên bản đồ, du khách sẽ thấy Bình Minh như lọt giữa lòng Hội An và thành phố Tam Kỳ. Không quá xa Hội An nhưng cũng không quá gần Tam Kỳ vì thế tuyến đường đi đến Bình Minh hẳn sẽ không làm du khách ngần ngại.
Không những chỉ có một bãi tắm, hơn 9km bờ biển của Bình Minh còn nguyên vẻ đẹp hoang sơ và là một tiềm lớn để địa phương kêu gọi nhà đầu tư, phát triển du lịch sinh thái gắn với nghỉ dưỡng… Nhiều du khách đều nhận xét, đây là một bãi tắm lý tưởng, nếu biết đầu tư khai thác thì tương lai sẽ trở thành điểm đến hấp dẫn và đầy triển vọng.
Bãi biển Bình Minh thu hút đông đảo du khách vào những ngày hè (ảnh sưu tầm) |
“Mực cát” vùng lộng
Bãi tắm chính ở Bình Minh được huyện Thăng Bình đầu tư năm 1998 với các hạng mục gồm có nhà để xe, khu tắm nước ngọt và công trình vệ sinh. Sau đầu tư, huyện bàn giao lại cho UBND xã Bình Minh sử dụng để khai thác phục vụ du khách. Trải qua 15 năm từ khi hình thành, du khách trong và ngoài nước đã biết đến bãi tắm Bình Minh. Đây là bãi tắm tuyệt đẹp với bãi cát trắng mịn màng, bờ biển thoai thoải, đặc biệt là làn nước ở đây trong xanh như ngọc.
Du khách lần đầu đến đây, nhìn dòng nước trong xanh với bãi cát trắng mịn, làn gió nồm thổi mơn man cũng sẽ có cảm giác muốn đắm mình vào biển, được vẫy vùng trong làn nước mát rượi để quên hết những mệt nhọc…
Bình minh trên biển (ảnh sưu tầm) |
Nếu dạo quanh bãi biển Bình Minh, nghe chuyện của ngư dân, du khách sẽ có cơ hội biết thêm nhiều điều thú vị về những hành trình dài đằng đẵng của bao người con Bình Minh. Hàng ngày, họ bám ngư trường Hoàng Sa – Trường Sa bằng tình yêu với biển mãnh liệt, lòng yêu nước nồng nàn giản dị và bằng sự kiên cường của những con người bình dân áo vải.
Điều này sẽ làm cho du khách có những cảm tình rất đặc biệt với xứ biển này. Nghỉ ngơi và dạo quanh bãi biển Bình Minh, du khách sẽ cảm nhận được sự thi vị khác biệt, với nhiều cảm xúc đặc biệt.
Người dân nơi đây rất thân thiện (ảnh sưu tầm) |
Không chỉ giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, bãi tắm Bình Minh được biết đến với nhiều món hải sản tươi ngon, đặc biệt là mực cơm. Đây là loại hải sản được khai thác gần bờ và chỉ ở riêng vùng biển ngang mới ngon. Loại mực này được ngư dân khai thác ở vùng biển lộng.
Theo họ, gọi là “mực cát” vì loại hải sản này sống ở vùng biển gần bờ trong những khu vực có cát. Nếu khai thác mực cơm ở những khu vực đáy biển có bùn sẽ không ngon bằng.
Sau khi đánh bắt, ngư dân cẩn thận sử dụng các dụng cụ bảo quản riêng cho mực, để da mực không bị trầy. Mực cơm tươi rói được đưa thẳng vào các nhà hàng ở bãi biển.
Tại các nhà hàng, người đầu bếp sẽ thực hiện công đoạn hấp mực theo cách truyền thống, khá đơn giản nhưng vẫn đảm bảo độ tươi ngon của loại “mực cát” này.
Mực vừa luộc xong, vẫn còn nguyên túi, ửng hồng, tươi rói, căng mọng. Thực khách dùng tay bốc con mực cơm còn nghi ngút khói, chấm vào bát nước mắm nhỏ giã ít gừng và ớt, kèm theo rau húng, chuối chát…
Hương vị thơm ngon đặc trưng khiến món ăn tạo nên giá trị “thương hiệu” của bãi biển Bình Minh, trở thành điểm nhấn cho ẩm thực Hội An.
Ngư dân đón cá về (ảnh sưu tầm) |
Văn hóa tâm linh
Ngoài những món ăn được chế biến hải sản tươi ngon, du khách tới Bình Minh còn có thể tham quan và tìm hiểu những nét văn hóa độc đáo của làng chài vùng biển này. Đó là những hoạt động văn hóa tâm linh được truyền từ đời này qua đời khác.
Nằm cách bãi tắm khoảng 100m về phía Bắc, lăng thờ cá ông được ngư dân 2 làng Tân An và Hà Bình xây dựng từ khá lâu, hướng về phía biển. Đây là nơi an táng cá ông mỗi khi “Ông” lụy vào bờ. Thi thể cá ông được ngư dân khâm liệm cẩn thận, tất cả ngư dân đều có mặt để làm lễ và mai táng chu đáo xung quanh lăng.
Tục thờ cá ông đã được ngư dân địa phương gìn giữ và xem đây là một tín ngưỡng trong nghề đi biển. Theo quan niệm của ngư dân, cá ông là vị thần biển, luôn luôn giúp đỡ họ mỗi khi gặp nạn…
Một phong tục văn hóa đặc sắc khác mà du khách cũng rất quan tâm mỗi khi đến với biển Bình Minh là vào những ngày đầu năm âm lịch, từ mùng 4 cho đến rằm tháng Giêng, du khách sẽ được xem lễ hội cầu ngư rất trang trọng, thành kính cùng với những điệu chèo, điệu hát bả trạo truyền thống. Lễ hội được tổ chức trước những ngày chuẩn bị xuất bến của ngư dân, để cầu mong mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy thuyền.
Hát bả trạo trong lễ hội cầu ngư này của xã Bình Minh là một loại hình văn hóa dân gian đặc sắc, đã được Bộ VH-TT&DL xếp hạng văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia năm 2013.
Bên cạnh đó, cứ hai năm một lần, vào ngày mồng 1 tháng 4 nhân kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm làng cá, huyện Thăng Bình lại tổ chức lễ hội văn hóa miền biển. Địa điểm diễn ra chủ yếu là ở bãi biển Bình Minh. Các xã trong huyện thi đấu những môn thể thao mang đậm nét văn hóa vùng biển, trở thành một điểm hẹn sinh hoạt văn hóa chung cho ngư dân trong huyện.
Kết nối nhiều điểm du lịch
Tọa lạc ở một vị trí rất thuận lợi, kết nối với nhiều điểm du lịch nổi tiếng khác của tỉnh, bãi biển Bình Minh trở thành địa điểm tắm biển hoặc nghỉ dưỡng thú vị.
Xuất phát từ đây, du khách có thể đi đến nhiều điểm khác như Cù Lao Chàm (Hội An). Du khách đi dọc theo đường Thanh Niên ven biển để đến biển Kỳ Hà – Chu Lai hoặc ngược ra phía Bắc đi qua cầu Cửa Đại đến với phố cổ Hội An.
Đặc biệt, chỉ đi khoảng 15km lên Phật viện Đồng Dương ở xã Bình Định Bắc, bạn sẽ được chiêm ngưỡng kinh thành cổ Indrapura của người Chăm. Đây là dấu tích của một vương triều hưng thịnh tồn tại hơn 100 năm trị vì vào thế kỷ thứ X. Trên đường đi, bạn cũng nên ghé thăm lăng Bà Chợ Được thuộc xã Bình Triều, nơi diễn ra lễ hội rước cộ Bà Chợ Được vào ngày 11 tháng Giêng hàng năm…
Được biết, bãi tắm Bình Minh đang được các nhà đầu tư tìm đến. Trong đó, Công ty TNHH Châu Á Thái Bình Dương một doanh nghiệp với tiềm lực lớn đã được UBND tỉnh cấp giấy phép đầu tư. Cụ thể, công trình sẽ được xây dựng trên diện tích 6ha với tổng vốn đầu tư ban đầu lên đến 70 tỷ đồng, bao gồm các hạng mục như nhà lễ tân, khu hội nghị, khu tắm biển, nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cao cấp, bể bơi, sân tennis…
Nếu các dự án sớm được triển khai, bãi biển Bình Minh sẽ là điểm đến hấp dẫn, trở thành trung tâm du lịch của Thăng Bình, kết nối với nhiều địa điểm du lịch ở Hội An trong tương lai gần. Từ bãi tắm này, du khách có thể thăm quan những làng nghề nổi tiếng của huyện Thăng Bình và cả những địa danh ở các huyện lân cận.
Nhiều du khách đã dành khá nhiều thời gian để lưu lại và khám phá biển Bình Minh trong chuyến thăm quan Hội An – Quảng Nam. Khi dạo dọc bãi biển Bình Minh bình yên đến lặng lẽ, họ đã tìm được những góc nhìn đẹp nhất của biển Bình Minh và cảm nhận như có chút mơ màng. Biển nơi này không chỉ là bức tranh đẹp của thiên nhiên mà còn đượm chút nặng lòng với biển và đau đáu những nỗi niềm đang còn ở khơi xa.
Xem thêm:
- Biển Cửa Đại Hội An – miên man miền cát trắng
- Bãi biển An Bàng – mảnh ghép tĩnh lặng của địa điểm du lịch Hội An
- Làng bích họa tam thanh vẻ đẹp cổ tích trong tranh
- Khám phá Làng Rô Hội An – điểm nhấn trên đường đi Trường Sơn