- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
Bạc Liêu, về miền nhãn cổ trăm năm
Nội dung
Cậu cháu từ quê lên chơi, mang theo quà là một bọc nhãn. Loại nhãn hái từ vườn còn tươi rói. Đó là nhãn xuồng cơm vàng – thương hiệu của xứ vọng cổ Bạc Liêu. Vậy là lại “lên lịch”… đi.
Du lịch
Hò hẹn, rồi cuối tuần, chúng tôi phóng xe máy một ngày từ Sài Gòn xuống tới Bạc Liêu, ngủ qua đêm để sáng đi thăm vườn nhãn cổ trên trăm tuổi.
Hai bên đường, người người bán nhãn. Rồi khi tôi hỏi, ai cũng nhiệt tình chỉ đường: “Đi qua hai xã Hiệp Thành và Vĩnh Trạch Đông. Vườn nhãn đó ai cũng biết, rộng lắm, cả cây số…”.
Từ trung tâm thành phố, chạy thêm 6 cây về hướng Nam đã thấy hai bên đường ngập xanh màu lá nhãn, hoa nhãn và hương thơm đặc trưng của nhãn chín bày bán.
Những người dân sống quanh vườn nhãn ân cần đón khách, họ mời khách vào nhà uống nước, có vẻ tiếc rẻ: “Nhãn mới thu hoạch xong hồi tháng 7, giờ chỉ còn ít chùm trái mùa. Cây đang ra hoa và trái non, tháng 9 mới có lứa chín mới”.
Đang mùa này nên nhãn hơi cao giá “chút xíu”, giá hái tại vườn 55.000 đồng/kg. Nhãn giống mới bây giờ là xuồng cơm vàng, tiêu da bò. Còn giống cũ là su-bic với tu-huýt thì cũng còn trồng, nhưng không nhiều do lượng trái chín chậm và năng suất không cao.
Những người dân còn nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi vào đúng vườn nhãn cổ tại ấp Chòm Xoài, xã Hiệp Thành. Nơi còn một cụm những cây nhãn cổ thụ có tuổi trên trăm năm, rất nổi tiếng với khách du lịch.
Theo những người trông coi vườn nhãn cổ, cụ tổ tên Trương Hưng của gia tộc là người trồng những cây nhãn này. Ông cũng là người đưa các giống nhãn từ nước ngoài về trồng trên các giồng đất cát Bạc Liêu.
Giờ chỉ còn lại cụm nhãn cổ tại tại vườn nhà, cũng là khu vườn nhãn lớn nhất tại Bạc Liêu với diện tích lên tới 3ha của gia đình hậu duệ đời thứ ba là ông Trương Kiết.
Những cây nhãn cổ này đến mùa vẫn còn ra hoa kết trái, dù hơi ít. Thường tháng 5 ra hoa và tháng 9 trái chín.
Được nhiều người ưa chuộng, những chùm nhãn còn sót mùa này trái vẫn to, vỏ mỏng, cơm dày, đưa vào miệng đã cảm được mùi thơm và vị ngọt. Người ta còn nói nhãn Bạc Liêu có giá trị dinh dưỡng rất cao, nhãn sấy khô còn để làm thuốc bổ hoặc ngâm rượu uống rất ngon.
Mùa hè, giữa vườn nhãn cổ vẫn rợp mát. Đến đây khách có thể tự tay hái nhãn ăn rồi chọn một gốc nhãn trải chiếu nghỉ ngơi, thư giãn hoặc may mắn được tham gia các buổi sinh hoạt giao lưu Đờn ca tài tử Nam Bộ.
Chia tay những người dân Bạc Liêu hiếu khách hiền hòa, lưu luyến hẹn chuyến quay lại vào tháng 9, mùa thu hoạch “vét” của xứ nhãn xuồng cơm vàng xứ bạc.
Theo Tuổi Trẻ