Du lịch bụi:
Lần này, tôi chọn lên rừng thay vì xuống biển như những chuyến đi trước, với hành trình dự định: TP HCM – Bình Dương – Bình Phước – Đắk Nông – Lâm Đồng.
5h, tôi xuất phát từ TP HCM, dọc theo quốc lộ 13 để đến thành phố Thủ Dầu Một. Từ đây, rẽ sang đường ĐT741 khoảng hơn 35 km, hướng về Bình Phước. Các bạn nhớ ghé thăm cầu Sông Bé với phần giữa bị sập – minh chứng cho lịch sử hào hùng của dân tộc.
Chạy tiếp đường tỉnh 741, các bạn sẽ đến thị xã Đồng Xoài, Bình Phước. Từ Thành phố Thủ Dầu Một, chạy khoảng 80 km, các bạn sẽ tới thị xã Đồng Xoài (Bình Phước). Cung đường Sài Gòn – Bình Phước đã quá quen thuộc với các phượt thủ, đặc biệt là Quốc lộ 14 (hay đường Hồ Chí Minh) – tuyến đường trọng yếu nối các tỉnh Đông Nam Bộ đi Tây Nguyên. Đối với tôi, cung đường này là mơ ước trong hành trình đi trốn Sài Gòn của mình. Mặt đường đẹp, thoáng và làn xe rộng rãi.
Cảnh quan chuyển tiếp giữa đồng bằng và đồi núi thật sự thú vị. Tôi thường ganh tỵ với những người bạn ở đây, vì quê hương họ quá đẹp. Những con dốc nối tiếp nhau, uốn lượn như tấm thải vắt giữa rừng.
Các phượt thủ nhớ chú ý tuân thủ luật giao thông để hành trình trọn vẹn và thật sự có ý nghĩa.
Từ thị xã Đồng Xoài, đi thẳng quốc lộ 14 khoảng 120 km, các bạn sẽ đến thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Đến Gia Nghĩa khoảng 11h, tôi quyết định đi về TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng. Và hành trình gian nan thật sự bắt đầu từ đây.
Men theo quốc lộ 28, đến hồ Tà Đùng (đập thủy điện Đồng Nai 3) là lộ trình tôi định sẵn. Tuy nhiên, tôi bị lạc khi sóng 3G vô hiệu. Đến Quảng Khê, tôi rẽ trái hướng về Bảo Lâm (Lâm Đồng ). Dù đi quá xa so với dự định, bù lại cảnh sắc nơi đây quá ngoạn mục.
Đập thủy điện Đồng Nai chắn nước tạo nên những hòn đảo giữa dòng sông, giống như “vịnh Hạ Long của Tây Nguyên – hồ Tà Đùng” trong kế hoạch cũ của tôi. Một vài lưu ý khi các bạn chọn cung đường này: đi xe số ( tuyệt đối không đi xe tay ga) vì có những đoạn dốc >10% và liên tục; đổ đầy bình xăng (đoạn đường hầu như không có cây xăng).
Tôi theo bảng chỉ dẫn để hướng về thành phố Bảo Lộc, ngắm cảnh đẹp tuyệt vời hai bên đường. Với người đi bụi, balo không cần đầy, nhưng tinh thần phải luôn vững. Khoảng hơn 2 giờ 30 phút “lạc”, tôi cũng mon men về được thành phố chè Bảo Lộc. Lúc này đã là 16h. Bảo Lộc – thành phố lớn thứ hai của tỉnh Lâm Đồng – không có thế mạnh về du lịch. Mọi người “hững hờ” bỏ quên nơi này mà tiến thẳng lên thành phố ngàn hoa – Đà Lạt.
Tuy nhiên, Bảo Lộc đẹp dịu dàng tựa cô gái tuổi xuân thì. Thời tiết se se lạnh, nhịp sống chậm và con người vô cùng thân thiện, ấm áp. Tôi đi dọc đường Trần Quốc Toản, màn sương vẫn còn che mờ lối đi. Khung cảnh hữu tình khiến người lữ khách mãi luyến lưu.
Sáng sớm, nơi đây như chìm vào màn sương hư ảo, cơn mưa nhẹ khiến tiết trời thêm se lạnh. Mọi người nói đến Bảo Lộc để sống chậm, để những tâm hồn đồng điệu có dịp giao hòa… Tôi kiểm chứng điều này hoàn toàn đúng. Không nhộn nhịp, không ồn ào, 8h các cửa hàng vẫn đóng, thành phố vẫn còn đang say giấc nồng.
Mỗi hành trình đối với tôi điều là những trải nghiệm đáng nhớ – đi để trưởng thành, để khám phá và để bản thân thấy mình còn nhỏ bé. Trở về Sài Gòn, phía trước vẫn còn một thử thách. Dù đã đi qua vài lần, đèo Bảo Lộc đối với tôi vẫn thực sự thú vị. Con đèo này lạ ở chỗ, nếu từ Sài Gòn đi Bảo Lộc thì toàn dốc lên, còn chiều ngược lại… toàn dốc xuống. Rất phiêu đấy!
Sau khi vượt đèo Bảo Lộc, tôi tiếp tục theo QL 20 về TP HCM. Hành trình còn khoảng 170 km. Trên đường về, các bạn có dịp đi ngang qua Cầu Nghĩa Tình – cây cầu dây văng thép, có thể ghé ngang tranh thủ “check in”. Từ đây, các bạn chạy thẳng hết QL20, nhập vào QL1A, rẽ phải là về tới thành phố.
Hành trình vỏn vẹn 2 ngày cuối tuần, chưa đầy 600.000 đồng thật sự là kỷ niệm khó quên đối với tôi. Đất nước chúng ta đẹp diệu kỳ, không đẹp cảnh vật, mà còn đẹp ở lòng người. Nếu một ngày, chán Sài Gòn đến tận cùng, thì cứ “cuốn gối ra đi” bạn nhé. Vì “tuổi trẻ chẳng hai lần thắm lại” đâu. Cứ đi đi, vì cuộc đời còn cho phép!
Theo Zing News