- Cáp treo Tây Thiên dài bao nhiêu mét? Thông tin mới nhất 2021 Điểm đến
- Thông tin bản Cát Cát cách thị trấn Sapa bao xa Điểm đến
- Cẩm nang khi đi du lịch Sapa cuối tuần Điểm đến
- 5 khách sạn, nhà nghỉ tốt nhất ở Tam Đảo Vĩnh Phúc Điểm đến
- Kinh nghiệm đi du lịch Nha Trang tiết kiệm vào cuối tuần Điểm đến
- Tháng 5 nên đi du lịch ở đâu đẹp? Điểm đến
8 quán ăn nhìn tuềnh toàng nhưng ai thử một lần cũng gật gù “đáng đồng tiền bát gạo”
Nội dung
Chỉ là quán ăn trong chợ, không có địa chỉ cụ thể, hạn chế về chỗ ngồi, thậm chí còn khó tìm nhưng đồ ăn ở những quán này ngon đến mức có thể khiến người ta quên hết sự thiếu tiện nghi.
8 quán ăn Sài Gòn nhìn tuềnh toàng nhưng ai thử một lần cũng gật gù “đáng đồng tiền bát gạo”
1. Xôi gà – chợ Bà Chiểu
Đến chợ Bà Chiểu mà không ăn xôi gà, thì thật uổng phí một chuyến đi chợ. Ai ở gần chợ Bà Chiểu mà không biết xôi gà siêu rẻ – siêu nhiều – ngon nhất Sài Gòn?
Xe xôi chỉ bán đúng ba loại: xôi gà, xôi thập cẩm và xôi thịt xá xíu. Vậy thôi mà chiều nào từ 5 giờ khi xe đẩy ra đến ngay góc đường Bùi Hữu Nghĩa cũng chật ních người. Cô bán xôi tay nhanh thoăn thoắt, làm không kịp ngơi, những gói xôi còn bọc lá chuối như ngày xưa giờ ở thành phố hiếm có lắm.
Giữ được cái dẻo, cái thơm của hạt xôi nếp mới nấu, miếng gà rô ti to oạch choáng hết nắm xôi cũng chẳng bé nhỏ gì cho cam. Ăn hết phần xôi, no cứng bụng, thay cả bữa cơm tối. Ngoài các loại thịt được chế biến ngon, đậm đà, pate, chà bông mặn mòi thơm béo, thì nước sốt đặc trưng khi chan lên xôi chính là điểm nhấn lớn nhất khiến phần xôi ở chợ Bà Chiểu giữ chân khách chục năm qua.
Xe xôi bán từ 5 giờ chiều đến hơn 11 giờ đêm, giá từ 15.000 đồng.
2. Bánh Bèo – chợ Bàn Cờ
Không phải ai đi chợ Bàn Cờ cũng tìm thấy hàng bánh bèo này, nhưng đã đi chợ Bàn Cờ vào tầm chiều sau 2 giờ, nhất định phải dành bụng để ghé sang đây ăn đĩa bánh bèo thập cẩm bạn nhé!
Hàng chỉ có mỗi một chiếc bàn to, với nhiều ghế đẩu xung quanh, tràn ra đầy hẻm, bạn rẽ vào từ hẻm 51 Cao Thắng chạy hướng vào trong chợ và hỏi thăm sẽ tìm thấy. Một phần bánh bèo thập cẩm giá khoảng 20.000 đồng nhưng lát bánh nào cũng dày dặn, bột đổ khéo nên dai chứ không bở, từ bánh bèo đến bánh nậm, bánh bột lọc, đều rõ vị và bản to cắn vào rất khoái khẩu, nhai cũng đã răng.
Nước mắm pha đậm, kèm với lát ớt Huế nhỏ mà cay nồng, ăn hít hà đến là ngon. Đặc biệt đến đây bạn nhớ gọi kèm nem chua nướng để ăn với bánh, nem chua nướng tại chỗ, còn ấm nóng, thơm lừng, chỉ chạy ngang thôi mà chẳng ghé vào ăn cũng thòm thèm ứa nước miếng.
3. Cháo sườn – chợ Tân Định
Chính xác hàng cháo nằm ở đối diện chợ Tân Định, đoạn đường Hai Bà Trưng quận 3. Hàng cháo mở từ 3 giờ chiều có khi trễ hơn và bán đến khoảng 10 giờ. Cháo sườn Tân Định nổi tiếng khắp Sài Gòn vì hiếm nơi đâu bán được món cháo xay nhuyễn, mịn và không lợn cợn hạt gạo.
Đa số hàng cháo Sài Gòn, đều bán kiểu nấu hạt gạo mềm, kĩ, hạt cơm và nước cháo hòa vào nhau chứ không xay mịn như ở đây. Một phần cháo sườn với khoảng 4 – 5 cục sườn thịt sụn giòn giá chỉ khoảng 20.000 đồng, vừa ngon, rẻ lại ấm bụng buổi tối. Ngoài sườn, còn có nhiều lựa chọn cho bạn như thịt băm, trứng bắc thảo…
4. Bún riêu gánh – chợ Bến Thành
Không xuất sắc như nhiều bài viết ca ngợi, bún riêu gánh ở vỉa hè đường Phan Bội Châu đối diện cổng chợ Bến Thành có giá khá đắt khi một tô nhỏ hơn các hàng khác gần như gấp đôi đã có giá 35.000 đồng. Tuy nhiên, đến chợ Bến Thành không biết ăn gì thì làm một tô bún riêu cho biết vị thì cũng ổn.
Dù là quán ăn vỉa hè nhưng quán luôn đông khách, thậm chí còn là điểm đến quen của nhiều sao Việt. Bán bún nhỏ nên ăn không ngấy, nước dùng đậm đà và các loại huyết, chả, riêu cua đều cho cục rất to choáng hết cả tô. Nước mía uống giá 15.000 đồng/ly, vì ở trung tâm nên món nào cũng đều đắt hơn các hàng khác 10 – 15.000 đồng là điều không khó hiểu.
5. Bánh canh cua Bạch Vân – chợ Hòa Bình
Dù cho không ở gần chợ Hoà Bình, hay không dụng ý đi chợ để ăn hàng, thì khi thèm bánh canh cua, dường như ai cũng muốn chạy đến gánh bánh canh này để ăn dù có xa đến mấy.
Bánh canh cua trong chợ Hoà Bình nằm trên đường Bạch Vân bán từ mấy chục năm khi chỉ là cái gánh tre đến nay. Tầm trưa 1g30 bắt đầu bán đến gần 6 giờ chiều là hết. Bánh canh cua đích thực với cả con cua to, mua cả con hay nửa con hay chỉ lấy thịt nạc cua với chả cá chiên, giò heo, đều bán.
Đến đây tuy ngồi xì xụp vỉa hè, nhưng một phần ăn 100 – 140.000 đồng/ người không có gì là lạ. Nếu bạn gọi một tô đầy đủ kèm một con cua riêng ở ngoài thì tha hồ mà ăn thịt cua, chẳng khác gì đi ăn hải sản cao cấp rồi. Còn nếu không, chỉ cần gọi một tô bình thường giá tầm 40.000 đồng là cũng đủ để ăn no với các loại thịt nạc cua, giò, chả đều đầy ú ụ.
6. Súp cua Thảo – chợ Hồ Thị Kỷ
Tuy Hồ Thị Kỷ là chợ hoa của thành phố, nhưng đây lại là nơi “ẩn mình” của một hàng súp cua óc heo chất lừ mà chỉ cần xem qua ảnh thôi thì ai cũng rộn rạo đói bụng. Súp cua nhưng kì thực phải gọi là súp óc heo trứng bắc thảo vì đây là món “chủ lực” của hàng.
Mỗi ngày, hàng súp chỉ mở bán khoảng 3 tiếng là hết veo, món thường gọi nhất là súp óc heo, hoặc súp trứng bắc thảo hay thập cẩm. Súp ngon quan trọng là gia vị, nêm nếm vừa ăn, súp đặc thịt gà xé chứ không lõng bõng, chén dọn ra choáng đầy phần óc heo mềm béo với nửa quả bắc thảo xám xanh béo ngậy giòn dai.
Một chén súp có đầy đủ, tôm cua trứng với nửa bộ óc heo, 2 quả trứng cút và nửa trứng bắc thảo giá chỉ 28.000 đồng. Tuy vậy quán khá khó tìm, nhiều hàng súp “ăn theo” mọc lên nên bạn phải chạy rà xe chú ý kĩ tên quán và chỉ bán trong tầm giờ này thôi nhé!
7. Khổ qua cà ớt – chợ Phùng Hưng
Chợ Phùng Hưng hay còn gọi là chợ Thủ Đô, tọa lạc giữa quận 5 khu người Hoa nên món khổ qua cà ớt dường như đi khắp Sài Gòn không ai bán, chỉ vào khu chợ này mới tìm thấy, và mới ăn được ngon miệng.
Đặc biệt ở hàng khổ qua cà ớt trong chợ này là cực kì chất lượng, mở bán từ 1 giờ trưa nhưng khách ra vào nườm nượp, một phần ăn đầy đủ nhất định bạn ăn no vì nhồi thịt chả cá dày dặn, cắn ngập răng, cùng với các lát cắt khổ qua, cà, ớt, đậu,… đều dày, to.
Món ăn được bán theo yêu cầu, khác ăn đầy đủ, hay thêm gì bớt gì, sau đó cô bán hàng sẽ chan một lớp nước dùng nóng hổi, lên trên. Bạn có thể chấp cùng tương đen hoặc tương ớt, sa tế đều rất ngon, bắt miệng. Giá một tô đầy đủ từ 22.000 đồng.
8. Phá lấu cô Oanh – chợ Xóm Chiếu
Nằm ngay đầu hẻm 200, con hẻm ăn vặt nổi tiếng nhất quận 4. Phá lấu cô Oanh cũng là nơi bán phá lấu được dân sành ăn Sài thành mê mẩn, “chấm điểm” cao nhất khu này. Phá lấu ngon, đầu tiên nước dùng phải ngon. Nước dùng phá lấu phải đủ vị đậm đà, béo, các loại lòng phải đủ loại từ phèo, gan đến lá sách… ninh vừa mềm tới vẫn giữ được cái dai dai nguyên thủy của lòng bò.
Phá lấu cô Oanh bán 20.000 đồng/ chén khá nhỏ, với ổ bánh mì 3.000 đồng là bạn đủ lót dạ bữa xế. Chỉ duy có quán phá lấu này ở Sài Gòn, khi đến ăn thì đều được dọn kèm một chén nước riêng để khách chấm bánh mì cho thoải mái.
Theo Afamily
Xuyên rừng Bidoup ngắm cây lá phong
Là một trong những khu bảo tồn lớn nhất Việt Nam, vườn quốc gia Bidoup – Núi Bà (cách Đà Lạt 50km) đang thu hút nhiều du khách thích trải nghiệm sự hùng vĩ của núi rừng.
Ban hành bộ quy tắc ứng xử du lịch: Nhiều nhưng thiếu
Bộ VHTT&DL mới ban hành Bộ Quy tắc Ứng xử văn minh du lịch hướng dẫn cách hành xử cho cả khách nước ngoài tới Việt Nam, và người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước.
Hình ảnh ấn tượng từ cuộc thi nhiếp ảnh Zeiss 2017
Zeiss Photography Award là một trong những giải thưởng nhiếp ảnh lớn nhất thế giới, thu hút hàng nghìn nhiếp ảnh gia gửi về bức ảnh chụp địa điểm có ý nghĩa với mình nhất.
5 quán ăn trong hẻm vẫn nườm nượp khách ở Sài Gòn
Không có bàn ghế, thực khách phải xếp hàng đợi khá lâu hoặc chỉ bán trong một giờ, những quán ăn trong hẻm như mì Ý A Hoài, bánh mì hẻm Nguyễn Trãi, bún măng vịt vẫn đông khách tới ăn.
Bảy kỳ quan thế giới đáng chiêm ngưỡng năm 2017
Tạp chí Conde Nast Traveller chọn ra bảy kỳ quan nên đến trong năm 2017. Đó là những công trình và sự kiện văn hóa khiến du khách choáng ngợp trước quy mô và tầm vóc.