Khu người Hoa, quận 5, 6: Khu người Hoa phần lớn tập trung quanh chợ Lớn. Nơi đây được thành lập vào thế kỷ 19. Tháng 4/1931, chợ Lớn được sáp nhập vào Sài Gòn, cho ra đời cái tên Sài Gòn – Chợ Lớn. Đến năm 1956, Sài Gòn trở thành cái tên chính thức và kể từ đó, khi nhắc đến Chợ Lớn, người ta chỉ biết đó là tên của một ngôi chợ hay một khu vực tập trung đông đúc người Hoa sinh sống. Khu này nằm chủ yếu ở quận 5, và rải rác một phần quận 6, quận 8. Ảnh: Quỳnh Trần.
Khi đặt chân đến quận 5, du khách sẽ không khó để bắt gặp hình ảnh của các quán ăn gốc Hoa từ hủ tiếu, mì cho đến các món xôi, phá lấu, bánh hẹ, bột chiên… Các tiệm này dễ dàng nhận biết bởi các biển hiệu tiếng Trung. Giá cả cũng tùy món mà dao động. Ảnh: Phong Vinh.
Chợ Campuchia, quận 10: Lọt thỏm trong chung cư cũ, chợ Campuchia còn được biết đến là chợ Lê Hồng Phong hay chợ Miên. Tại đây có đến hơn chục gian hàng lớn nhỏ chuyên kinh doanh sỉ và lẻ các loại đặc sản của xứ Angkor. Chợ thành lập từ hơn 20 năm nay. Tiểu thương ở đây hầu hết là người Việt từng sinh sống ở Campuchia hoặc người Việt gốc Khơ Me. Ảnh: Thiên Chương.
Đến đây, bạn có thể thưởng thức các món như hủ tiếu ốc, bún riêu cua ốc, bánh canh, nui, chuối nướng… với giá khoảng 25.000 – 50.000 đồng. Món nổi bật tại khu chợ này là bún num bo chốc được nấu từ loại mắm prohoc, một đặc sản ở Campuchia và các loại chè nấu từ loại đường thốt nốt.
Phố Nhật Bản, quận 1: Gần như “đồng phục”, con đường nhựa chưa đầy 2 km ở quận 1, từ hẻm 15A, 15B Lê Thánh Tôn sang Thái Văn Lung đều phủ đầy các bảng hiệu, cảnh cửa làm từ gỗ, vải, đèn lồng tone màu trắng, đỏ, vàng. Nếu không có chữ tiếng Việt, nhiều người đang ngỡ rằng mình đang đứng giữa đất nước mặt trời mọc. Có lẽ vì vậy mà giới trẻ Sài thành mới gọi đây là “khu phố Nhật Bản” giữa lòng phố. Ảnh: Kim Huệ.
Hầu như chủ các quán ăn, nhà hàng tại đây đều là người Nhật. Có lẽ vậy mà hương vị của các món ăn tại đây được đánh giá là vẫn giữ được hương vị gốc. Đến đây, thực khách có thể thưởng thức các món như mì Ramen, bánh Takoyaki, sashimi, sushi, mochi…
Khu ẩm thực Thái ở đường Nguyễn Tri Phương, quận 5: Từ những món mặn đến món ngọt, từ quen thuộc hay xa lạ đối với những người đã từng đến Thái Lan, địa chỉ này có “tất tần tật” những món như vậy. Nơi này được vận hành như một khu ẩm thực đường phố.
Thực đơn của khu này nổi bật với các món đặc sản của Thái Lan như tom yum, lod chong, kem dừa, gỏi Thái, son-tam, heo xiên nướng… Ảnh: Di Vỹ.
Ẩm thực Hàn Quốc ở quận Tân Bình, quận 7, 1: Nếu là tín đồ của các món Hàn, bạn muốn thưởng thức mì lạnh trong khí trời nóng bức ở Sài Gòn hay cuốn miếng sườn nướng và nhâm nhi với ly rượu sochu trong một buổi tối se lạnh thì có thể tìm đến nhiều quán ăn ở Tân Bình, quận 7 hoặc quận 1. Các đoạn đường Thăng Long, Trường Sơn, Tân Sơn Hòa (bên góc phải chợ Phạm Văn Hai) hay khu vực quận 1 trên các tuyến đường Thái Văn Lung, Lê Thánh Tôn, Lê Duẩn… được xem là nơi tập trung đông các quán ăn Hàn Quốc, nhưng nổi bật nhất là khu Phú Mỹ Hưng ở quận 7. Ảnh: Monngon.
Bạn sẽ tìm thấy những món ngon nổi tiếng xứ sở kim chi như thịt ba chỉ nướng, kimbap, canh kim chi, mì lạnh, gà hầm sâm, bánh ttol, canh đậu hũ cay suntubu hay lẩu nấm… Nếu đã thử các món Hàn, bạn đừng quên gọi món panchan ăn kèm để tròn vị hơn. Ảnh: Hồng Liên.
Theo Vnexpress