Giới thiệu về Tháp Nhạn
Nằm bên bờ Bắc sông Đà Rằng, ngọn tháp Chăm cổ kính vươn cao sừng sững nổi bật hẳn giữa khung cảnh xanh thẫm màu cây cối và màu trời phía đỉnh núi Nhạn.
Được xây dựng vào khoảng thế kỷ XI - XII. Theo những nguồn tư liệu của địa phương, tháp Nhạn có bình đồ hình vuông, cao 23,5m. Và hướng về phía Đông - hướng của mặt trời, thần linh, có ý nghĩa của sự sống và sự sinh sôi nảy nở.
Năm 1988, Tháp Nhạn đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc – nghệ thuật cấp quốc gia.
Toàn bộ khu vực tháp Nhạn được quy hoạch gọn trong khuôn viên khoảng 1000m vuông, lát gạch và gọn gàng. Vào ban đêm, ánh đèn từ chân tháp chiếu lên soi rõ tòa tháp, chói sáng hẳn một góc trời, nên tháp càng lung linh hơn.
Với việc sử dụng gạch nung xếp khít với nhau, độ kết dính rất chắc nhưng hoàn toàn không thấy vết của mạch hổ. Và được xây dựng theo tỉ lệ cân đối với ba phần: Đế, thân và mai, còn các tầng tháp có phong cách giống nhau, càng lên cao thì cao thu nhỏ. Chân tháp được ốp đá sa thạch, thân cao và đồ sộ với một màu nâu đỏ rực rỡ. Nóc gồm nhiều lớp xếp, đáng chú ý chính là hình tượng Linga bằng đá được điêu khắc công phu trên đỉnh tháp.
Ba mặt tường đều có trang trí hoa văn gắn với những ý niệm tôn giáo xa xưa và tạo hình cửa giả. Trong lòng tháp rộng khoảng 25m vuông, cảm giác rất cao rộng và sâu thẳm huyền bí.
Không chỉ là địa điểm tham quan, nơi lưu giữ những giá trị lịch sử mà tháp Nhận còn là nơi diễn ra nhiều Lễ hội khác nhau vào mỗi dịp lễ, Tết, mùng 1 và 15 âm lịch hàng tháng. Thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham dự.
Nguồn: Internet