Giới thiệu về Nhà thờ Thạch Bích
Giáo Hạt Thanh Oai - Hòa Bình Thạch Bích, Bích Hòa, Thanh Oai, Hà Nội, Việt Nam Unnamed Road Hà Nội VN Nhà Thờ là: Giáo Xứ Số Giáo Dân: 7,950 Giáo Dân Linh Mục Chánh Xứ: Linh mục Phaolô Nguyễn Văn Đoàn Lịch Thánh lễ Thứ 7: 05:00, 18:00 Lịch Thánh Lễ Chúa Nhật: 05:00, 19:00
Thông tin Giáo xứ Thạch Bích (kẻ Lõi)
Thuộc Tổng Giáo Phận Hà Nội
Đạo Thiên Chúa được các nhà truyền giáo rao giảng trên đất nước Việt Nam từ đầu thế kỷ 16. Nhưng trải qua năm tháng đầy khó khăn, các thừa sai phải trốn tránh, giáo dân phải phân tán. Đến cuối thế kỷ 18, một vài tín hữu trốn tránh đã đến vùng đất này lập nghiệp. Theo lưu truyền thì có 6 người, họ quây quần cùng với một số người ngoại lập thành một làng nhỏ, họ lấy tên là “Thạch Tuyền”.
Chỉ từ 6 người gốc Công giáo, họ đã lập thành gia đình và sinh sống tại đây. Nhờ vào sự trung thành với Đức Tin thờ phượng Chúa, trải qua thời gian, ánh sáng Tin Mừng đã lan dần đến những người chung quanh, số người gia nhập đạo mỗi ngày thêm đông và các vị thừa sai đã quan tâm săn sóc. Đến thời Vua Tự Đức con số giáo dân đã lên khoảng 600 người ( ghi chú: làng còn một số chưa theo đạo, mãi tới đầu thế kỷ 20 mới là làng toàn tòng Công Giáo) và đổi tên là Làng Thạch Bích.
Một yếu tố đáng ghi nhớ là trong thời kỳ bắt đạo vào năm 1858, Đức Cha Retord ( Liêu) là Giám Mục Địa Phận Tây ký “Hà Nội” trong khi thi hành sứ vụ chăm sóc đoàn chiên, lính địa phương đã bắt Ngài và giam tại Đình làng Khe Tang (cạnh làng Thạch Bích) chờ giao nộp về quan trên để lãnh phần thưởng. Một số giáo dân làng Thạch Bích dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Bá Tâm, đã dũng cảm đi giải cứu, đặc biệt không một ai bị thương vong, chiến tích lịch sử oai hùng này đã được họa ảnh lưu niệm, ngày nay còn giữ tại làng Thạch Bích.
Năm 1860, khi Vua Tự Đức ban hành những sắc chỉ cấm đạo khắc nghiệt, các tín hữu Thạch Bích cũng chịu ảnh hưởng. Chính việc giải cứu Đức Cha Retord ngày trước, nay lại làm cho các quan và dân các làng chung quanh đối xử hà khắc hơn. Nơi thờ phượng bị triệt hạ, nhà cửa bị tàn phá, tài sản bị tịch thu, khắc chữ tà đạo lên trán… nhiều ngừoi phải di tản phương xa ẩn náu, đời sống thật nhục nhã và trăm bề khổ cực.
Năm 1862, sau khi Vua Tự Đức ký ( Hoà Ước Nhâm Tuất) số phận chung các người Công Giáo được đối xử nhẹ tay hơn. Những người bị phân sáp và sơ tán lại trở về quê để xây dựng lại. Thời gian này giáo dân Thạch Bích dựng được ngôi nhà thờ nhỏ và phòng tạm trú cho các Cha đến làm phúc, đó là ngôi nhà ba gian (nhiều người còn nhớ nền ngôi nhà cũ này) Thời gian này Thạch Bích là một họ lẻ của Giáo xứ Sơn Miêng.
Đến thời Đức Cha Gendreau (Đông) là Giám Mục Địa Phận, Ngài đã cho Thạch Bích trở thành Giáo xứ và cử Cha Phêrô Điểm làm Cha xứ tiên khởi. Vì số giáo dân đông (khoảng 1500) và có Cha xứ trực tiếp coi sóc, ngôi nhà nguyện cũ chỉ có ba gian quả là chật hẹp, cha con đã quyết định xây nhà thờ mới. Vị trí trung tâm làng được lựa chọn, một số gia đình hy sinh chấp nhận dời chỗ ở, và khu đất thật vuông vắn, khang trang được chuẩn bị để xây dựng. Họa đồ kiến trúc nhà thờ được chọn là bản vẽ của ông Đốc (?). Thân hoạ kiểu và cũng được chính ông trực tiếp coi sóc công trình. Vật liệu và nhân công đều do giáo dân đoàn kết đóng góp. Được nghe kể lại: “Gia đình khá giả xây hai lò gạch, nhà nghèo cũng hai nhà chung một lò” (làng có nhiều ao là do lấy đất nung gạch xây nhà thờ) mọi người nô nức chăm lo việc nhà Chúa. Gia đình nào sớm tối cũng chăm lo việc cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ xin cho ngôi nhà thờ sớm hoàn thành. Dòng dã 8 năm xây dựng, khởi công từ năm 1904 và tới năm 1911 mới hoàn thành Nhà Thờ Thạch Bích. Đặc tính ngôi Thánh Đường hiện có: Nền cao 1,5 mét, lòng rộng 15 mét, dài 45 mét, với hai tháp chuông cao 30 mét, phía trước có sân rộng, chung quanh có đường rước kiệu và khu vực nhà thờ có tường hoa bao quanh rất trang nghiêm và xinh đẹp.
Một điều đáng ghi nhớ cho muôn thế hệ sau này là Chúa đã ban phần thưởng ngay cho tổ tiên chúng ta: liên tiếp trong những năm xây nhà thờ luôn được bội thu trong các vụ mùa và vì thế mọi người càng kiên vững Niềm Tin trông cậy Chúa và hăng say đóng góp xây dựng nhà Chúa.
Làng Thạch Bích còn được nổi danh vì nhờ vào lòng can đảm, anh hùng. Toà Giám Mục Hà Nội tín nhiệm đã trao nhiều công tác quan trọng cho thanh niên xứ Thạch Bích trong suốt những năm cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, mà người đội trưởng là ông Nguyễn Văn Đặng.
Hôm nay nhìn lại lịch sử của làng, chỉ từ 6 người Công Giáo đầu tiên, như men trong bột, ánh sáng Đức Tinh được loan truyền và xây dựng thành một làng toàn tòng Công Giáo, làng vốn có một truyền thống nề nếp về nhiều mặt nên cũng có dư luận coi xứ Thạch Bích như là trưởng nữ của Địa phận Hà nội. Tổng số giáo dân hiện nay trên 10.000 người, một số đã phải đi tản cư các nơi để sinh sống, nhưng vẫn hướng về quê cha đất tổ. Số sinh sống tại làng hiện nay là 6.117 người thống kê năm 2011.
Ngoài ra, việc truyền giáo sang các vùng lân cận cũng phát triển, các họ lẻ được xây dựng và rồi trưởng thành như Giáo xứ Đại ơn. Một số họ lẻ hiện nay còn trực thuộc Xứ Thạch Bích là: Cao Bộ, Đồng Dương, Đồng Hoàng, Phú Mỹ, Cao Mật Bến, Cao Mật Làng, Nội Hồ, My Dương, Văn Nội và Thanh Lãm.
Các đoàn thể Công Giáo cũng được thành lập trong giáo xứ và sinh hoạt vững mạnh, thường xuyên nhận các công tác của giáo xứ rất tích cực. Về văn hoá, làng đã tự túc xây được ngôi trường (dân lập) để con em được khai thông trí tụê, trường đã nhận Thánh Antôn làm quan thầy.
Nhiều con em trong giáo xứ đã dâng con cho Chúa làm tu sĩ, linh mục đang hoạt động hăng say trên cánh đồng truyền giáo trong địa phận Hà Nội và nhiều địa phận khác.
Làng nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng, anh chị em khắp nơi đều nhớ để cầu nguyện cho nhau và cho tổ tiên nữa.