Giới thiệu về Nhà thờ Phát Diệm (Nhà Thờ Đá)
Giáo Hạt Phát Diệm tt. Phát Diệm, Kim Sơn, Ninh Bình, Việt Nam Unnamed Road Ninh Bình VN 0303.862.058 0303.862.058 http://phatdiem.org/ Nhà Thờ là: Nhà Thờ Chính Tòa Bổn Mạng: Đức Mẹ Mân Côi Số Giáo Dân: 5,218 Giáo Dân Năm thành lập: 1854 Linh Mục Chánh Xứ: Tôma A. Nguyễn Bá Khuê
Nhà thờ Phát Diệm (huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình) là một công trình kiến trúc nghệ thuật kiểu phương Đông nổi tiếng không những trong nước mà cả nước ngoài.
Quần thể kiến trúc Nhà thờ Phát Diệm đã được Bộ Văn hoá nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xếp hạng di tích LỊCH SỬ-VĂN HOÁ (Quyết định số 28 VH/QĐ ngày 18-01-1988)
Những thông tin dưới đây nhằm mục đích hướng dẫn khách hành hương và khách du lịch thăm viếng khu nhà thờ Phát Diệm- một quần thể kiến trúc độc đáo trên đất Kim Sơn.
VÀI DÒNG LỊCH SỬ
Đầu thế kỷ XIX, Phát Diệm chỉ là vùng đất bồi với bùn lầy cỏ sậy. Năm 1828, ông Nguyễn Công Trứ, một ông quan tài ba đồng thời cũng là một thi sĩ nổi tiếng, được triều đình Huế phái ra Bắc với chức “Dinh Điền Sứ” để khai phá những vùng đất mới. ¤ng đã lập ra huyện Tiền Hải (Thái Bình) và huyện Kim Sơn (Ninh Bình) nay là hai huyện trù phú, xứng đáng với tên gọi là “biển bạc”, “núi vàng”.
Về mặt truyền giáo, theo như Cha Alexandre de Rhodes (quen gọi là Cha Đắc Lộ) kể trong cuốn “Lịch sử Vương quốc Đàng ngoài”, Ngài tới Cửa Bạng (Ba Làng, Thanh Hoá) ngày Lễ Thánh Giuse, 19-03-1627. Trên đường từ đó đi ra kinh đô Thăng Long (bây giờ là Hà Nội). Ngài đã giảng đạo tại Văn Nho gần cửa Thần Phù (nay là xứ Hảo Nho thuộc giáo phận Phát Diệm).
Như vậy, có thể nói Phát Diệm là một trong những mảnh đất đầu tiên ở miền Bắc mà hạt giống Tin Mừng đã được gieo xuống và bám rễ.
250 năm sau, tức là vào cuối thế kỷ thứ XIX, tại vùng Kim Sơn đã có khoảng 50.000 giáo dân. Năm 1865, Cha Phêrô Trần Lục, còn gọi là Cụ Sáu, được đặt làm chính xứ Phát Diệm. Ngài chính tên là Trần Triêm, sinh năm 1825, ở làng Mỹ Quan huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hoá; về mặt đạo, là họ Đạo Đức thuộc xứ Kẻ Dừa (nay thuộc giáo phận Thanh Hoá). Năm 1841, ngài đi tu, theo học tại chủng viện Vĩnh Trị và Kẻ Non (nay thuộc giáo phận Hà Nội). Ngài có trí thông minh khác thường, thạo cả chữ Hán lẫn tiếng La-tinh, nên đã có thời làm giáo sư chủng viện Vĩnh Trị. Năm 1858, Ngài chịu chức Sáu (chức phó tế). Năm 1860, Ngài chịu chức linh mục. Năm 1863 được Bề Trên đặt trông coi mấy xứ trong Thanh Hoá. Năm 1865, Ngài được đặt làm chính xứ Phát Diệm cho đến khi qua đời ngày 6-7-1899.
Trong 34 năm là chính xứ Phát Diệm, Cụ Sáu đã lo giáo dục nhân bản (qua những “Ca vè Cụ Sáu” mà ngày nay một số cụ già còn thuộc) cũng như đời sống đạo đức cho giáo dân. Đặc biệt với một cái nhìn rất rộng, Cụ Sáu đã có kế hoạch xây dựng khu Nhà Thờ Phát Diệm và đã tuần tự thực hiện từ năm 1875 đến khi Cụ qua đời.
THĂM VIẾNG NHÀ THỜ PHÁT DIỆM
Theo quốc lộ số 1 từ Thanh Hoá ra (60 km), hay từ Hà Nội vào (95 km) đến thị xã Ninh Bình, khách rẽ phía Đông-Nam đi theo đường số 10 được 28km là tới thi trấn Phát Diệm. Ở bên trái (phía Nam) đường số 10 thấy cây Cầu Ngói cổ (cầu có mái) mới phục chế, đi thêm chừng 100m, rẽ sang tay phải (hướng Bắc) theo một con đường trải nhựa dài khoảng 250m, dân ở đây quen gọi là Đường Giữa (1):* thì đến khu Nhà Thờ. Khu này dài khoảng 243m, rộng khoảng 117m, có tường xây bao bọc, trên có nhiều công trình xây dựng như: Ao Hồ (2,3)*, Phương Đình (6)*, Nhà Thờ Lớn (8)*, bốn nhà thờ cạnh (9,10,17,18)*, Nhà Thờ Đá (11)*, ba Hang đá nhân tạo (12, 13, 16)*. Chúng ta sẽ lần lượt đi thăm từng nơi.
AO HỒ (2) VÀ TƯỢNG CHÚA GIÊSU LÀM VUA (3)
PHÁT DIỆM – Nhà thờ Phát Diệm: toàn cảnh
Phat Diem cathedral – general view
Cathédrale de Phat Diem – vue générale
Photo: TGM Phát Diệm
Từ đường giữa (1) vào, khách thấy xa xa một pho tượng trắng, phía sau thấp thoáng những mái cong. Tới gần thì thấy đó là tượng Chúa Giêsu làm Vua (3) đặt trên bệ ở giữa một hòn đảo nhỏ hình vuông trong hồ hình chữ nhật rộng chừng một héc-ta, dân ở đây gọi là Ao Hồ (2). Tượng bằng xi-măng cao 3m, đã được đắp vào quãng năm 1925, còn Ao Hồ là do Cụ Sáu cho đào, trước tiên là để lấy đất đắp cao khu Nhà Thờ, và cũng để phong cảnh thêm hữu tình: trước có “thuỷ” (Ao Hồ) sau có “sơn” (ba hang đá). Ngoài ra, những ngày mưa lầy lội, giáo dân đi lễ cũng ra bến đá Ao Hồ rửa chân, cũng như để nhắc cho mình rằng: trước khi vào nhà Chúa để thờ phượng, ngoài sự chỉnh tề phần xác, còn phải sửa soạn tâm hồn cho trong sạch nữa.
Ba mặt Nam, Đông, Tây của Ao Hồ có bờ và tường xây, bọc phía ngoài là đường rải nhựa. Khách có thể theo con đường về phía Đông, đến góc chính Đông-Nam Ao Hồ thì dừng lại để có một cái nhìn toàn cảnh: Ao Hồ, rồi Phương Đình oai nghiêm soi bóng xuống Ao Hồ những ngày lặng gió, phía sau nhấp nhô những mái nhà thờ lớn nhỏ. Tiếp tục đi hướng Bắc, hết Ao Hồ đến một cổng đá nhỏ mang hai chữ Hán “Đông Dịch” (4), sau một bức tường ngắn đến một cổng đá lớn với ba lối vào: đó là Cổng Đá Đông (5), một trong hai cổng chính vào khu Nhà Thờ. (phía sau cũng có cổng tương đương: một cổng lớn (5a), và một cổng nhỏ, với hai chữ Hán “Tây Dịch” (4a).
PHƯƠNG ĐÌNH (6)
Trong sân này, từ năm 1991 có đặt tượng hai vị Thánh quan thầy giáo phận Phát Diệm: Thánh Phêrô (phía Tây) và Thánh Phaolô (phía Đông).
Phương Đình có nghĩa là “nhà vuông”, hình dáng như cái đình làng rộng lớn mà trống trải, kích thước gần như vuông; chiều ngang 21m, sâu 17m, cao 25m, có 3 tầng. Tầng dưới lớn nhất, xây toàn bằng đá xanh vuông vắn, chia thành ba lòng, trong mỗi lòng có một sập đá. Sập đá ở lòng giữa to nhất, là một khối dài 4,20m, rộng 3,20m, dày 0,30m, tương truyền là sập rồng của vua thời Nhà Hồ (1400-1407) ở thành Tây Giai (Thanh Hoá) ngày xưa. Trên các vách có phù điêu bằng đá, tạc một số vị Thánh. Cũng đáng để ý những chấn song đá hình cây trúc. Trên các vách ngoài của tầng dưới có những phù điêu tạc sự tích Chúa Giêsu, từ khi Chúa vào thành Giêrusalem đến khi Chúa lên trời.
Qua cổng đá, khách vào sân lát toàn gạch ngang dọc là đường kiệu lát đá thước xanh (thước đây là thước ta bằng 40cm); những viên đá này rộng 40cm, dài từ 40cm đến 120cm, đây đó trồng nhãn rợp bóng mát. Bước vào sân, người tín hữu bắt đầu cảm thấy tâm hồn trầm lắng xuống, sẵn sàng đi vào cầu nguyện. Khách có thể đi thăm Phương Đình (6) trước hết. Phương Đình hoàn thành năm 1899, là công trình sau cùng của Cụ Sáu, và theo ý kiến của nhiều người, là kiệt tác của toàn bộ khu này. Đứng ở sân rộng phía nam mà ngắm, khách có cảm tưởng một cái gì đó đồ sộ vững chắc, đồng thời hoàn hảo về mặt nghệ thuật kiến trúc.
PHÁT DIỆM – Phương Đình: chấn song đá hình cây tre
Phuong Dinh: Bamboo-shaped window bars
Phuong Dinh: colonnettes en forme de bambou
Photo: TGM Phát Diệm
Ở mặt chính, phía Nam, có khắc bốn đại tự “Thánh Cung Bảo Toà” nghĩa là “Toà quý của thân thể Thánh”, còn mặt phía Bắc mang những chữ La-tinh “Capella in Cœna Domini” nghĩa là “Nhà nguyện trong (ngày kỷ niệm) Tiệc ly của Chúa”. Những chữ khắc đó nhắc ta nhớ rằng ngày xưa Phương Đình dùng làm tòa đặt Mình Thánh để chầu trong ngày Thứ Năm Tuần Thánh, kỷ niệm bữa Tiệc ly. Hai bên bốn chữ:“Thánh Cung Bảo Toà” có những hàng chữ Hán nhỏ hơn, dịch: “Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, năm Kỷ Hợi niên hiệu Thành Thái” (tức năm 1899).
Qua một cầu thang hẹp, khách lên tầng giữa, cũng bằng đá, có mái, ở đây đặt một trống cái, chỉ dùng các ngày Chúa Nhật và lễ lớn cùng với chuông. Ở bốn góc tầng này là bốn tháp nhỏ có mái cong, trên đỉnh là tượng bốn vị Thánh chép sách Tin Mừng: Tháp phía Đông-Nam là Thánh Máccô, Tây-Nam là Thánh Luca, Đông-Bắc là Thánh Gioan và Tây-Bắc là Thánh Mátthêu. Một cầu thang gỗ đưa lên tầng trên cùng, bằng gỗ, có mái, nơi đặt quả chuông Nam cao 1,90m, đường kính 1,10m, nặng gần 2 tấn. Chuông có 4 núm: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Trên bốn mặt có chữ La-tinh ghi: “Thánh Maria, Thánh Giuse, Thánh Gioan Tẩy Giả Năm Chúa Giáng Sinh 1890”; mặt khác ghi lời chuông nói: “Tôi ca tụng Chúa thật, tôi kêu gọi dân chúng, tôi tập hợp giáo sĩ, tôi khóc người qua đời, tôi đẩy lui dịch tễ, tôi điểm tô ngày lễ”. Trên mặt chuông còn ghi hai dòng chữ Hán: “Thành Thái Canh Dần Tạo” (“làm năm Canh Dần, thời Vua Thành Thái”) và “Phát Diệm xứ công vật” (vật chung của xứ Phát Diệm).
Hơn 100 năm nay, sáng chiều chuông vẫn ngân vang, âm thanh vọng đi xa, có khi đến 10km, để nhắc nhở người tín hữu nâng tâm hồn cầu nguyện với Chúa. Từ tầng cao nhất này, khách có thể nhìn bao quát chung quanh: gần hơn là Ao Hồ, Nhà Thờ Lớn và các Nhà thờ cạnh; xa hơn có thể đếm được 20 nóc nhà thờ vùng Kim Sơn; xa hơn nữa, vào những ngày đẹp trời có thể thấy biển ở phía Nam và núi ở phía Tây.
SÂN GIỮA VÀ LĂNG CỤ SÁU (7)
PHÁT DIỆM – Nhà thờ lớn: mặt tiền và mộ Cụ Sáu
The cathedral: façade and Father Six tomb
La cathédrale: façade et tomeau du Père Six
Photo: Mạnh Đan
Xem xong Phương Đình, khách bước xuống sân nhỏ ở phía bắc, giữa Phương Đình và Nhà Thờ Lớn. Sân này có kích thước dài 25m, rộng 15m, tường hai bên là những chấn song tiện bằng đá. Tại đây có lăng Cụ Sáu (7). Cụ qua đời năm 1899, có tới 40.000 giáo dân dự Thánh lễ An táng; sau đó Cụ được mai táng ở đây, trong ngôi mộ đá bé nhỏ khiêm tốn nhưng ở vị trí tuyệt đẹp, ngay trung tâm công trình kiến trúc của Cụ.
NHÀ THỜ LỚN (8)
PHÁT DIỆM – Nhà thờ lớn và bốn nhà thờ cạnh
The cathedral with four side chapels
La cathédrale et les quatre chapelles laterales
Photo: TGM Phát Diệm
Từ sân giữa nhìn lên phía Bắc, khách có thể ngắm mặt tiền Nhà Thờ Lớn (8). Đứng trước Phương Đình, khách có cảm giác đứng trước một cái gì đồ sộ oai nghiêm, còn trước mặt tiền này, khách được chiêm ngưỡng một cái gì vừa mỹ lệ tinh xảo, vừa thanh thoát lôi cuốn. Trước khi xem kỹ hơn, khách có thể đọc một tài liệu lịch sử: đó là tấm bia đặt ngang tầm mắt, ở phía cực Đông của mặt tiền (đối với người nhìn là bên phải, gần những chấn song đá của sân giữa).
Bia khắc chữ La-tinh, dịch như sau:
“Kính chào Đức Maria, Con của Thiên Chúa Cha
Kính chào Mẹ của Thiên Chúa Con
Kính chào Bạn trăm năm của Chúa Thánh Thần
Kính chào Đền Thờ rất thánh của Ba Ngôi rất thánh.
Xin giải thoát, xin giải thoát chúng con khỏi tội và hoả ngục.
Lạy Đức Maria là Mẹ của n sủng,
Là Đấng dịu hiền sinh ra Đức Khoan Dung,
Xin che chở chúng con khỏi kẻ thù
Và đón nhận chúng con trong giờ chết. Amen
Năm Chúa Giáng sinh 1891, năm tôi xây dựng Nhà Thờ Phát Diệm này để kính Đức Mẹ Mân Côi. Phêrô Sáu ký”.
Như vậy, 1891-1991 Nhà Thờ Lớn này đã được chẵn 100 tuổi.
Nhà thờ lớn phía Tây với hai nhà thờ cạnh
The cathedral the West side with two chapels
La cathédral le côté Ouest avec deux chapelles
Photo: TGM Phát Diệm
Năm kỷ niệm 100 năm xây dựng Nhà Thờ Lớn đã được cử hành trọng thể. Vào dịp bế mạc Năm kỷ niệm. Nhà Thờ đã được cung hiến. Tấm bia ở phía cực tây của mặt tiền, tức là ở vị trí tương ứng với bia thành lập, ghi lại sự kiện này:
“Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi
Ta cùng trẩy lên Đền Thánh Chúa
(Tv 121,1)
Mừng 100 năm (1891-1991)
Cha Phêrô Trần Lục (Cụ Sáu)
Xây dựng Nhà Thờ Phát Diệm
Dâng kính Đức Mẹ Mân Côi
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II
Đã rộng ban ân xá đặc biệt
Cho các tín hữu đến viếng Nhà thờ
Trong năm kỷ niệm.
Vào dịp kết thúc năm hồng ân này
Tôi, Phaolô Bùi Chu Tạo, Giám mục Phát Diệm
Đã long trọng cử hành lễ Cung hiến Nhà thờ
Ngày 6 tháng 10 năm 1991”.
PHÁT DIỆM – Nhà thờ lớn: cung thánh sơn son thiếp vàng
The cathedral: lacquered and gilt retable
La cathédrale: retable en bois laqué et loré
Photo: TGM Phát Diệm
Nhà thờ đã được cất lên năm 1891 chỉ trong vòng ba tháng, nhưng công việc chuẩn bị là sắm sửa vật liệu và trị chân móng đã kéo dài cả mười năm trước đó. Về vật liệu, gỗ thì lấy từ Nghệ An, Thanh Hoá và Sơn Tây, đá lấy ở núi Thiện Dưỡng cách Phát Diệm 30km, đá quý hơn lấy ở núi Nhồi gần tỉnh lỵ Thanh Hóa, cách 60km. Có những cây gỗ nặng tới 7 tấn, những phiến đá nặng đến 20 tấn đã được vận chuyển bằng những phương tiện thô sơ hồi đó. Còn về chân móng, nên nhớ rằng Phát Diệm xưa là biển đã được đất phù sa bồi lên, nên Cụ Sáu đã phải cho đóng xuống hàng triệu cọc tre và đổ xuống biết bao nhiêu đất đá mới đặt được nền móng Nhà Thờ vững chắc cho đến nay.
Trở lại xem mặt tiền Nhà Thờ Lớn, ta thấy phía dưới có năm lối vào bằng đá, phía trên là ba tháp vuông bằng gạch có mái cong. Trên đỉnh tháp giữa, có tượng hai Thiên Thần cầm Thánh Giá, hai bên là hai Thiên Thần khác thổi loa, ở dưới là bốn chữ Hán “ Thẩm Phán Tiền Triệu” (“Điềm báo trước ngày Phán xét”).
Đá của năm lối vào phía dưới được chạm khắc rất tinh vi, đặc biệt trên lối chính giữa là một phiến đá dài 4,20m, cao 1,50m, dày 0,70m, chạm một bụi hoa Mân Côi (tức hoa hồng) từ giữa tỏa ra, trên các ngành có 17 vị Thiên Thần. Trên mỗi lối vào có ba bức phù điêu, tạc các Mầu nhiệm Tràng hạt Mân Côi. Từ trái sang phải là: Thiên Sứ Truyền tin, Đức Bà đi viếng, Đức Bà sinh Chúa Giêsu, Đức Bà dâng Con, Đức Bà tìm thấy Con (năm sự Vui); Chúa Giêsu hấp hối trong vườn, Chúa chịu đánh đòn, Chúa đội mão gai, Chúa vác Thánh Giá, Chúa chịu đóng đinh (năm sự Thương); Chúa sống lại, Chúa lên trời, Chúa Thánh Thần hiện xuống, Đức Bà lên Trời, Đức Bà đội triều thiên (năm sự Mừng).
Năm lối vào xây toàn bằng đá, sâu 9m, trên vách có phù điêu tạc sáu Thiên Thần cầm bình Nước Phép. Phía trên mỗi vị là một câu La-tinh, nói lên thái độ phải có khi cầu nguyện, đó là-từ Đông sang Tây: “Khi cầu nguyện, bất cứ anh em xin điều gì, hãy tin rằng sẽ được”; “Hãy cầu nguyện và xin như người thu thuế và người bệnh phong”; “Hãy chuẩn bị linh hồn bạn, đừng thử thách Chúa của bạn”; “Nơi đây đáng sợ chừng nào: đây là Nhà Thiên Chúa”; “Anh em hãy xin để cửa mở ra cho anh em, hãy tha thứ nếu anh em có hận gì với ai”; “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi sa chước cám dỗ’. Trong cùng là năm cửa gỗ chạm trổ dẫn vào Nhà Thờ.
Từ ngoài Nhà Thờ bước vào trong, phải một lúc nhìn mới rõ, vì bên trong tối hơn bên ngoài nhiều, theo kiểu các đình chùa cổ truyền, tạo bầu không khí trầm mặc thuận tiện cho việc hồi tâm cầu nguyện. Điều đầu tiên thu hút cái nhìn là hai hàng cột lớn ở giữa dẫn đến các bức gỗ chạm ở sau bàn thờ, chói lọi vàng son. Nhà thờ chia làm chín gian với sáu hàng cột gỗ lim, tổng cộng là 52 cột đỡ lấy 4 mái. 16 cây cột ở giữa chu vi 2,60m, cao 11m, nặng 7 tấn, phía trong các cột này đều có chữ La-tinh khắc chìm: “Pax Domini” (“Bình an của Chúa”), còn các cột ở hai hàng ngoài cùng có chữ: “Ave Maria, Joseph”(“Kính chào Maria, Giuse”).
Trước khi lên các gian trên, khách có thể thấy hai con sư tử đá chạm bong ở hai bên gian cuối, mà từ bên ngoài sẽ thấy rõ hơn. Điêu khắc gỗ ở xà kèo các gian dưới có những đường nét khỏe hơn, ở các gian trên thì tinh vi hơn. Ở gian cuối cùng trước Cung Thánh, trên thượng lương (xà dọc cao nhất) có ghi dòng chữ Hán: “Thành Thái tam niên, ngũ nguyệt, thập thất nhật, lập trụ thượng lương” với con số“1891”. Như vậy ngày dựng nóc Nhà Thờ Lớn là ngày 17 tháng 5, niên hiệu Thành Thái thứ ba, tức là ngày 23 tháng 6 năm 1891.
Cung Thánh cao hơn lòng Nhà Thờ hai bậc và gồm hai gian, nhưng không có cột ở giữa nên xà vượt (xà dọc đỡ) rất to. Hai bên Cung Thánh là những chấn song đá lớn chạm trổ khá đẹp. Những chấn song này đỡ 14 tấm phù điêu Đàng Thánh Giá, phía tây 7 tấm, phía đông 7 tấm. Nền Cung Thánh lát gạch hoa, có mộ sáu vị Giám Mục đã phục vụ trong giáo phận Phát Diệm: Đức Cha Alexandre Marcou (mộ thứ 3 từ bên trái) người Pháp, Giám Mục thứ nhất của giáo phận (năm 1902), qua đời 1939; Đức Cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng (mộ thứ 4), quê Sài Gòn, Giám Mục Việt Nam tiên khởi, qua đời 1949; Đức Cha Gioan M. Phan Đình Phùng (mộ thứ 2), quê Kiến Thái (Phát Diệm), qua đời 1944; Đức Cha Giuse Lê Quý Thanh (mộ thứ 6), quê Hà Nam, qua đời 1974; Đức Cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (mộ thứ 5), quê Thanh Hoá, qua đời 1981; Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo (mộ thứ 1), quê Tam Châu, Phát Diệm, qua đời 2001.
Giữa Cung Thánh là một bàn thờ bằng một phiến đá dài 3m, rộng 0,90m, dày 0,20m đặt trên hai cột đá chạm theo kiểu hình cây trúc như ở Phương Đình. Bàn thờ này mới được đặt vào tháng 10 năm 1990 nhân dịp khai mạc Năm kỷ niệm 100 năm xây dựng Nhà Thờ Lớn. Bàn thờ cũ ở phía sau là một khối đá dài 3m, rộng 0,90m, cao 0,97m, ba mặt có chạm trổ hoa lá. Hai bàn thờ cạnh nhỏ hơn, cũng bằng đá chạm trổ, dâng kính Trái Tim Chúa (bên trái) và Đức Mẹ Sầu Bi (bên phải).
Toàn bộ bức vách sau bàn thờ là gỗ, chạm khắc tinh xảo, sơn son thiếp vàng. Chính giữa là toà Đức Mẹ bế Chúa Con, hai bên viền bằng những khung ảnh các Thánh. Phía trên là bảy cửa kính vẽ hình sáu Thánh Tử Đạo đứng hai bên Chúa Giêsu làm Vua.
PHÁT DIỆM – Nhà thờ lớn: phía trong
The cathedral: the nave
La cathédrale: la nef
Photo: Mạnh Đan
Từ trái sang phải: Thánh nữ Anê Đê (Lê Thị Thành), người làng Phúc Nhạc (+1841); Thánh Micae Hồ Đình Hy (+1839); Thánh Phêrô Dumoulin-Borie Cao, Giám Mục Phó địa phận Tây Đàng Ngoài (khi đó gồm cả Phát Diệm, +1838); Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, Cha xứ Phúc Nhạc (+1840); Thánh Nicola Bùi Đức Thể (+1839); Thánh Micae Nguyễn Huy Mỹ, lý trưởng làng Vĩnh Trị (+1838). Phía trên cùng là khung ảnh Đức Mẹ ban tràng hạt Mân Côi cho Thánh Đaminh, chung quanh là 12 Thiên Thần. Ngắm nghía công trình điêu khắc gỗ lớn này, khách vừa thán phục tài nghệ của những người thợ thủ công ngày xưa, vừa ngạc nhiên nhận thấy rằng sau hơn 100 năm các tấm gỗ chạm thiếp vàng vẫn còn rực rỡ như mới.
Thăm xong phía trong, khách bước qua ngưỡng cửa gỗ khá cao ra ngoài hiên. Hai bên Nhà Thờ toàn là cánh cửa gỗ, mỗi bên 28 cánh, có thể mở ra hoặc tháo đi cho thoáng mát nếu cần. Hiên rộng, 1,50m, nền đá; qua ba bậc đá cao là xuống sân. Khách có thể xem phía ngoài các con sư tử đá chạm bong ở gian cuối, hoặc các bình nước phép bằng thạch nhũ, và nhìn chiều dài hun hút của Nhà Thờ: 74m (chiều rộng 24m). Lùi ra một chút khách thấy mái Nhà Thờ có hai tầng, giữa mái trên và mái dưới là một hàng cửa sổ để lấy ánh sáng và không khí. Các phiến gỗ đỡ phần dưới cùng của mái đều chạm trổ và dù đã chịu bao mưa nắng vẫn còn tốt.
Sau khi thăm Phương Đình và Nhà Thờ Lớn, khách có thể đi xem các công trình phụ khác: các Nhà thờ cạnh và các Hang đá.
NHÀ THỜ THÁNH GIUSE (9)
Hai bên Nhà Thờ Lớn, Cụ Sáu đã xây bốn nhà thờ cạnh, mỗi bên hai nhà thờ (9,10,17,18). Cách đây 50 năm, một tác giả đã ví Nhà Thờ Lớn như một “bà chúa ngự giữa các cung phi mỹ lệ”. Đơn giản hơn và hợp cảnh hơn, ta có thể nghĩ đến các chú giúp lễ đứng hai bên linh mục hành lễ. Các nhà thờ cạnh được xây dựng vào những thời gian khác nhau, nhưng cấu trúc tương tự (tháp và chái kiệu, lòng nhà thờ, gian Cung Thánh), tuy mỗi nhà thờ đều có những nét độc đáo. Các nhà thờ này, với thời gian và do chiến tranh, đã bị hư hại nhiều. Ngày 15-8-1972 một quả bom Mỹ đã nổ trên đường kiệu, giữa Nhà Thờ Lớn và hai Nhà thờ cạnh phía tây, làm hư hại Nhà Thờ Lớn khá nhiều, nhất là mái và cửa. Nhà thờ Thánh Giuse (9) bị xiêu, còn Nhà thờ Thánh Phêrô (10) bị đổ, sau đó đã được phục chế khá công phu, nhất là những phần gỗ chạm trổ. Các phần mới (gỗ màu tươi) hài hòa khá tốt với các phần cũ (gỗ màu xám mốc).
Nhà thờ Thánh Giuse (9) ở phía Tây-Nam Nhà Thờ Lớn, dựng năm 1896, toàn bằng gỗ lim. Các cột hình bát giác đều trổ hoa lá quấn quýt. Trước gian Cung Thánh có treo hai vật bằng gỗ chạm như hình bình hương, bên trên có miếng gỗ hình bầu dục nằm ngang, khắc chữ La-tinh thiếp vàng chung quanh: “Salve Pater Salvatoris-Salve Custos Redemptoris” (“Kính chào Cha Vị Cứu Tinh-Kính chào người gìn giữ Đấng Cứu Thế” và ở giữa:“Ite ad Joseph” (“Hãy đến với Giuse”).
Hai bên gian Cung Thánh có chấn song tiện bằng đá, trên đặt những phù điêu bằng đá ghi sự tích Thánh Gia thành Nadarét; phía tây (từ trên xuống dưới): Thánh Giuse qua đời; Lễ Hôn Phối Đức Mẹ và Thánh Giuse; Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu; Đức Mẹ và Thánh Giuse đi thăm bà Isave; Thánh Gia sang Ai-cập; Thánh Gia nghỉ chân; Thánh Gia lao động; phía Đông (từ trên xuống) Thánh Giuse; Đức Maria bị xỉ vả (?); Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu; cảnh đầm ấm Thánh Gia; Đức Mẹ tìm thấy Chúa Giêsu; Chúa Giêsu làm thợ mộc với Thánh Giuse.
NHÀ THỜ THÁNH PHÊRÔ (10)
Từ Nhà thờ Thánh Giuse đi lên phía Bắc đến Nhà thờ Thánh Phêrô (10). Cụ Sáu xây Nhà thờ này năm 1896 để kính Thánh Bảo Trợ của Cụ. Nhà thờ này làm bằng gỗ mít (các phần phục chế bằng gỗ dổi). Đáng lưu ý là cửa chính phía Nam, phần gỗ bên trên cửa (phục chế) khá đẹp, từ trong nhìn ra ngược ánh sáng cũng khá độc đáo. Các cột chạm hoa lá và đặt trên đá tảng cao hình trụ. Hai bên gian Cung Thánh có chấn song đá, trên đặt phù điêu chân dung 12 Thánh Tông Đồ; ở góc trái mỗi tấm phù điêu có hàng chữ Hán ghi tên Thánh Tông Đồ và tên của một họ lẻ thuộc xứ Phát Diệm đã nhận vị Thánh làm Quan Thầy. Toàn thể bàn thờ với các bậc mõ ở trên là một phiến đá nặng 20 tấn.
NHÀ THỜ TRÁI TIM ĐỨC MẸ (NHÀ THỜ ĐÁ) (11)
PHÁT DIỆM – Nhà thờ Đá
The Stone chapel
La chapelle de Pierre
Photo: TGM Phát Diệm
Nhà thờ này (11) ở xế về phía Tây-Bắc nhà thờ Thánh Phêrô. Phía trước có một lầu chuông nhỏ, hai tầng, xây năm 1939. Còn Nhà thờ Trái Tim Đức Mẹ là Nhà thờ đầu tiên Cụ Sáu xây trong khu vực này, vào năm 1883. Nhà thờ này dài 15,30m, rộng 8,50m, cao 6m; nền, cột, xà, tường, chấn song, tháp, bàn thờ đều bằng đá, do đó người Phát Diệm quen gọi Nhà thờ Đá (người địa phương khác đôi khi gọi Nhà Thờ Lớn Phát Diệm là Nhà thờ Đá, nhưng gọi như thế không đúng).
Mặt tiền gồm một tòa Đức Mẹ ở giữa với hai tháp hai bên. Hai tháp này hình vuông, năm tầng, có những nét giống Tháp Bút bên Hồ Hoàn Kiếm ở Hà Nội. Toà Đức Mẹ bằng đá, có khắc bốn thứ tiếng. Trên cùng là chữ Việt: “Lái Tim Rất Thánh Đức Bà chẳng hề mắc tội tổ truyền, cầu cho chúng tôi” (trước năm 1991, đây là hàng chữ khắc tiếng Việt duy nhất trong toàn khu Nhà thờ Phát Diệm). Chung quanh tòa là chữ Hán: “Thánh Mẫu Tâm” (ở trên). “Vô Nhiễm nguyên tội”-“Vị thần đẳng cầu” (hai bên) nghĩa là: “Trái Tim Mẹ Thánh không mắc tội tổ tông, cầu cho chúng tôi”. Phía dưới có chữ Pháp và chữ La-tinh: “Trái Tim Vô Nhiễm Đức Maria, cầu cho chúng tôi”.
Phía trong Nhà thờ bằng đá cẩm thạch nhẵn bóng, với những đường nét thanh thoát nhẹ nhàng. Vách hai bên là những chấn song đá, gần vách có những bức đá chạm thông phong (chạm lộng) hình cây tùng và cúc (phía Đông), mai và trúc (phía Tây). Ba bàn thờ bằng đá chạm trổ; mặt trước bàn thờ chính, ở giữa có hình trái tim với lưỡi gươm đâm thâu, bên trái tạc một cái giếng đậy nắp với hai chữ La-tinh “Puteus Signatus”(“Giếng niêm phong”), bên phải tạc một khu vườn rào kín: giếng niêm phong và và vườn rào kín chỉ Đức Mẹ trinh khiết. Trên bàn thờ chính là Nhà Tạm bằng gỗ chạm, sơn son thiếp vàng và tòa Đức Mẹ bằng đá. Bên ngoài có những bức chạm thông phong (chạm lộng) bằng đá rất đẹp, hình chim phượng hoàng xòe cánh, mang bút nghiên, và con sư tử có bờm dài và răng nanh nhưng mặt trông như mặt người đang cười. Sau đó cũng nên xem hai cửa đá nhỏ xinh xắn phía Bắc. Nhà thờ Đá, tác phẩm đầu tay của Cụ Sáu quả là một kiệt tác, xứng đáng với danh hiệu “Viên Ngọc” mà có người đã tặng cho.
NÚI SỌ (12)
PHÁT DIỆM – Núi Sọ
The Calvary
La Cavaire
Photo: TGM Phát Diệm
Ở phía nam lầu chuông Nhà thờ Đá, là Núi Sọ (12) xây năm 1898. Núi nhỏ này trước kia gọi là Hang Đá Belem, vì hàng năm đến lễ Sinh Nhật thì rước tượng Chúa Hài Đồng đến đặt tại đó cho giáo dân viếng. Năm 1957, một tượng Chúa chịu đóng đinh hai bên có Đức Mẹ và Thánh Gioan được dựng lên nên từ đó mang tên Núi Sọ.
HANG ĐÁ BELEM (13)
Từ Núi Sọ đi hướng Đông thì tới hang đá Belem (13), trước kia gọi là hang đá Táng Xác, vì xưa ngày Thứ Sáu Tuần Thánh có thói quen diễn lại sự Thương Khó Chúa Giêsu, rồi đem tượng Chúa vào táng trong hang núi này; sau năm 1954 đem đặt tượng Sinh Nhật vào, nên nay gọi là hang đá Belem. Núi này khá lớn, cao 12m, và Cụ Sáu đã xây ngay từ năm 1875 (bia đá chữ Hán ghi lại: “Tháng Giêng năm t Hợi, niên hiệu Tự Đức thứ 28”) để thử độ lún của đất trước khi xây các công trình khác trong khu vực này.
Bao quanh là tường hoa bằng đá và gạch thông tráng men xanh. Thứ gạch này rất đẹp, được dùng khá nhiều trong khu Nhà thờ; với thời gian nhiều viên đã bị vỡ, nay được thay bằng gạch mới, khuôn tạo theo kiểu cũ. Sau cổng đá nhỏ, khách đi qua một hồ bán nguyệt trên cây cầu xây. Hiện nay không thể vào xa hơn được nữa vì núi này có nhiều ngóc ngách với những thạch nhũ, những đường lên lối xuống, nhưng năm 1972 do bị bom Mỹ nổ gần, nên bị nứt rạn, nhiều tảng đá đổ xuống hoặc lung lay, rất nguy hiểm. Có người đặt câu hỏi: Làm sao khi xây có thể kéo lên những tảng đá to như thế? Thưa: Ở đây Cụ Sáu dùng một phương pháp mà sau đã dùng để xây mặt tiền Nhà Thờ Lớn và xây Phương Đình, là: xây đến đâu thì chèn đất ở trong đến đó, còn phía ngoài thì đắp đất thoai thoải. Như vậy một mặt trục đá lên dễ dàng, một mặt hồ vữa kịp khô và vững.
HANG ĐÁ LỘ ĐỨC (16)
PHÁT DIỆM – Hang đá Lộ Đức
Grotto of Our Lady of Lourdes
Grotte de Notre Dame de Lourdes
Photo: TGM Phát Diệm
Giáp hang đá Belem, về phía Đông, từ năm 1990 lại đây là một vườn hoa với vòi phun nước và tượng đài Cụ Sáu (14). Ở chỗ này trước kia là cổng vào Nhà Chung (Toà Giám Mục) và những phòng tiếp khách; tất cả đã bị chiến tranh tàn phá cùng với nhiều ngôi nhà khác trong Nhà Chung. Hiện nay, đứng ở đây, khách nhìn lên phía Bắc có thể thấy toàn cảnh Nhà Truyền Thống (dựng năm 2001), Nhà Chung (15); bên trái (phía Tây) là hai dãy nhà tầng, ở giữa là Nhà Nguyện (xây năm 1990), bên phải là một nhà ba tầng và dãy nhà hai tầng (xây năm 1991). Nhìn về phía Nam, khách thấy đầu hồi Nhà Thờ Lớn với ba cửa sổ đá chạm thông phong (chạm lộng), hình con phượng kiểu tương tự như ở nhà thờ Đá. Tiếp tục đi về hướng Đông tới Hang Đá Lộ Đức (16)
Hang này xây năm 1896, ở vị trí tương ứng với hang đá Belem. Quang cảnh khá đẹp với cây cối um tùm, đặc biệt là một cây cổ thụ xòe tán trên chóp đỉnh. Ngay dưới cây cổ thụ là ngôi mộ có mái đá vững chãi. Tấm bia mộ ghi bằng tiếng La-tinh, dịch:
“Máu Tử Đạo là hạt giống sinh ra các Kitô hữu.
Mộ chung các Tôi Tớ Chúa: Cha Tôma Kỳ (ở phía nam); Cha Phêrô Dũng (ở giữa);
Giáo dân Gioan Ngân (ở phía bắc).
Xin Thiên Chúa Bình an và Yêu thương luôn ở với chúng ta đến muôn đời. A men”.
Cha Kỳ (1861) và Cha Dũng (1863) là hai Cha xứ Phát Diệm đầu tiên; còn Ông Ngân là người họ Tự Tân, bị bắt và bị xử cùng Cha Kỳ.
Trước kia Hang đá này mang tên là vườn Giệtsimani, để nhắc lại việc Chúa Giêsu cầu nguyện trong vườn cây Ô-liu trước khi chịu thương khó. Đó cũng là ý nghĩa bốn chữ Hán khắc ở cổng đá phía trước: “Nguyện Đảo Sơn Viên”, nghĩa là “ Vườn núi cầu nguyện”. Năm 1925, tượng Đức Mẹ Lộ-đức do một vị Thừa sai Vân Nam gửi biếu được đặt tại đây, từ đó gọi là Hang Đá Lộ-đức và giáo dân Phát Diệm có thói quen ra đây cầu nguyện ca hát kính Đức Mẹ sau kinh chiều mỗi ngày thứ bảy.
NHÀ THỜ TRÁI TIM CHÚA GIÊSU (17)
Sau khi xem ba Hang đá ở phía Bắc Nhà Thờ Lớn, khách thăm hai nhà thờ cạnh ở phía đông. Trước hết là Nhà Thờ Trái Tim Chúa (17) ở ngay phía nam Hang đá Lộ-đức. Nhà thờ này dựng năm 1889, bằng gỗ lim mật, gọi thế vì mặt gỗ như có bôi mật. Ba bàn thờ bằng đá chạm trổ. Mặt trước bàn thờ chính có khắc những con vật tượng trưng Đức Giêsu, bên trái: con chiên (Đức Giêsu là Chiên Thiên Chúa); ở giữa: Chim bồ nông lấy máu thịt mình nuôi con; bên phải: con sư tử (Đức Giêsu là Sư Tử chi tộc Giuđa đã thắng). Trên bàn thờ có tòa bằng đá với những chữ Hán, ở trên: “Thánh Tử Tâm” (“Trái Tim Người Con Thánh”), hai bên: “Giáo Nguyên Hữu Chúa”-“Đạo Xuất Vu Thiên” (“Việc giáo hóa duy chỉ có Chúa-Đạo lý xuất phát từ trời”). Các cột đều hình tròn kẻ múi, xà ngang dọc chạm trổ hoa lá. Nét độc đáo của Nhà thờ này so với ba Nhà thờ cạnh kia là: mặt tiền có ba tháp hình dáng thon cao, và nhất là toàn bộ cửa phía cuối chạm trổ rất tinh vi đến từng chi tiết nhỏ. Tương truyền rằng một công chức cao cấp người Pháp đã xin Cụ Sáu đưa sang Paris triển lãm, nhưng Cụ đã từ chối, vì muốn để lại dâng cho Chúa mãi mãi.
NHÀ THỜ THÁNH RÔ-CÔ (18)
Ở phía nam Nhà thờ Trái Tim Chúa là Nhà thờ Thánh Rôcô (18) dựng năm 1895. Nhà thờ này trước kia dâng kính Thánh Gioan Tiền hô, đến năm 1923 có dịch tả, giáo dân kêu cầu Thánh Rôcô (một vị Thánh khi còn sống đã có lòng thương giúp các bệnh nhân) mà được khỏi, nên Nhà thờ được đổi tên. Bàn thờ từ trên xuống dưới là một phiến đá toàn khối. Các phần khác bằng gỗ mít, nhiều chỗ chạm trổ trông như những bức rèm vén lên.
Đến đây khách đã thăm qua một lượt toàn bộ công trình kiến trúc của Cụ Sáu trong khu Nhà thờ Phát Diệm. Khách không khỏi thán phục tài tổ chức và cái nhìn xa rộng của Cụ.
Ngày nay người ta nói nhiều đến “hội nhập văn hóa” nhằm diễn tả Đạo Kitô theo sắc thái của mỗi dân tộc. Điều này Cụ Sáu đã làm từ lâu, không những trong kiến trúc, mà còn cả trong một số điểm khác, như các bài vè, câu kinh, hoặc các đồ vật và y phục dùng trong các đám rước, đám tang v.v… mặc dù không ít người thời đó có thể cho là giống các tôn giáo khác.
PHÁT DIỆM – Bốn nhà thờ cạnh, kính Trái Tim Chúa(1)
Thánh Rocô (2), Thánh Giuse (3), Thánh Phêrô (4)
The four side chapels: The Sacred Heart’s (1),
St Roch’s (2), St Joseph’s (3), St Peter’s (4)
Les quatre Chapelles latérales: le Sacré Coeur (1)
St – Roch (2), St – Joseph (3), St – Pierre (4)
Photo: TGM Phát Diệm
Một trăm năm đã qua, tuy phải chịu đựng những tàn phá của thời gian và của chiến tranh, các công trình kiến trúc của Cụ vẫn còn ở trong tình trạng khá tốt, cho khách thập phương chiêm ngưỡng và nhất là cho các tín hữu ngày nay đến cầu nguyện. Nhưng còn phải nghĩ đến tương lai nữa: các Nhà thờ phần lớn bằng gỗ, một vật liệu rất dễ bị hư hại. Vì thế trách nhiệm lớn của con cháu những giáo dân xưa đã cùng với Cụ Sáu xây dựng Nhà Thờ Lớn Phát Diệm, thì nay phải thường xuyên gìn giữ, trùng tu theo đúng nguyên trạng (điều này cũng đúng với khá nhiều Nhà thờ khác ở vùng Kim Sơn, cũng với tuổi thọ xấp xỉ Nhà thờ Phát Diệm). Như thế là bảo toàn một di sản văn hóa dân tộc và một chứng tích Đức Tin của tiền nhân.
PHÁT DIỆM – Nhà thờ Trái Tim Chúa: chạm khắc gỗ
The Sacred Heart’s: wood carvings
Chapelle du Sacré Coeur: bois sculté
Photo: TGM Phát Diệm
PHỤ LỤC I
BÀI GIẢNG CỦA ĐỨC CHA PHAOLÔ BÙI CHU TẠO TRONG THÁNH LỄ KHAI MẠC NĂM KỶ NIỆM MỘT TRĂM NĂM NHÀ THỜ LỚN PHÁT DIỆM (7-10-1990)
Kính thưa các Đức Cha,
các Đức Giám quản,
các Cha Tổng Đại diện,
các Cha,
các Tu sĩ nam nữ,
và anh chị em Giáo dân thân mến,
Hôm nay khai mạc năm kỷ niệm 100 năm ngôi Nhà Thờ Lớn Phát Diệm này. Chúng tôi muốn nói tóm tắt lịch sử của ngôi Nhà thờ này, là một công trình xây dựng có tiếng cả trong nước cũng như ngoài nước.
Người kiến tạo là Cha Trần Lục, quen gọi là Cụ Sáu, chính tên là Triêm, sinh năm 1825 ở làng Mỹ Quan, huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa; về mặt đạo là họ Đạo Đức, xứ Kẻ Dừa, nay thuộc giáo phận Thanh Hóa. Năm 1858, Người chịu chức Sáu, và khi chưa kịp chịu chức Linh Mục thì bị bắt, bị lưu đầy ở Lạng Sơn, từ đấy người ta gọi Người là Cụ Sáu. Năm 1860, khi còn đang phải đầy ở Lạng Sơn, Người xin phép được về thăm quê, nhờ dịp ấy Người chịu chức Linh Mục. Năm 1863 được tha về thì Đức Cha Khiêm sai Người về coi xứ Thanh Hóa, kiêm cả xứ Kẻ Dừa và Tam Tổng. Ở đấy được hơn một năm, Người được bài sai về làm Chính xứ Phát Diệm.
Trong 34 năm làm Cha xứ Phát Diệm, Người đã làm được nhiều việc lớn lao, trong đó có việc xây dựng khu Thánh Đường này. Khu này gồm ba hang đá nhân tạo, năm ngôi nhà nguyện nhỏ trong số đó có một ngôi làm toàn bằng đá, với Nhà Thờ Lớn và tháp chuông, quen gọi là Phương Đình, đang đứng sừng sững trước mặt chúng ta đây. Để thấy công lao và tài ba của Người, chúng tôi xin lưu ý mọi người là thửa đất chúng ta đang ngồi đây, bấy giờ là đất phù sa, lau sậy, nói tắt là bãi biển. Để xây cất ngôi Nhà thờ này, Người đã mất mười năm sắm vật liệu, gỗ lấy ở Bến Thủy (Nghệ An) cách 200km, hoặc từ Hồi Xuân (Thanh Hóa) đem về làm cột, trong đó có 16 cây cao tới 11m, nặng tới 7 tấn.
PHÁT DIỆM – Nhà thờ lớn: cạnh phía Đông
The cathedral: the East side
La cathédrale: la côté est
Photo: Mạnh Đan
Đá thường thì lấy ở Thiện Dưỡng cách 30km, thứ quý lấy ở Núi Nhồi (Thanh Hóa) cách 60km. Gỗ đá ấy cứ chất lên bè mảng chở về, tới nơi chờ nước thuỷ triều lên, thì kéo lên bến, từng trăm bè nối đuôi nhau mà vào.
Sau những năm chuẩn bị vật liệu thì thi công xây dựng. Để tính độ lún của đất, Người đã xây Hang đá Belem trước, rồi mới trị chân móng Nhà thờ. Móng đó được đào sâu rộng, rồi đóng cọc tre xuống, kể có đến triệu cây cọc, cứ cọc nọ đuổi cọc kia, đóng hai ba chục mét cho đến khi không đóng xuống được nữa mới thôi. Sau đó đôn đất đá xuống đầm, hết người đầm, thì cho trâu dẫm, hết lớp nọ đến lớp kia; rồi lại đặt mảng tre xuống, đổ đất mạt, đá giăm, lại đầm như trên, sau cùng mới đặt móng. Các thợ mộc, thợ đá, thợ phụ làm lán ở suốt ra tới bãi. Thợ giỏi các nơi Người kêu gọi về tập trung mà làm. Nhà thờ có chín gian thì giao cho chín hiệp thợ, cho nên trong ba tháng đã có thể đặt được thượng lương. Để dựng các vì kèo, Người xây Ngũ quan trước để lấy điểm tựa mà kéo lên chín vì gỗ Nhà thờ to nặng đến 25 tấn và lắp ráp vào. Còn các khối lớn, Người cho đắp đất thoai thoải mà kéo lên; khi đã đặt các phiến đá vào vị trí chắc chắn thì rỡ đất, san ra chung quanh, cho nên khu Nhà thờ cao hơn các khu đất chung quanh một mét. Trải qua một trăm năm chịu đựng bao mưa nắng bão táp, Nhà thờ vẫn còn đứng vững, có lún, nhưng lún ít và lún đều, không nứt rạn. Đứng trước ngôi Thánh Đường này ai cũng ca ngợi ý chí, tài năng trí óc sáng kiến của Cụ Sáu và Cha Ông chúng ta đã bỏ ra bao nhiêu sức lao nhọc vào đó.
Tồn tại cho đến nay, ngôi Nhà thờ này không những phải đương đầu với nắng mưa bão gió, với sự xói mòn của thời gian, mà còn với bom đạn chiến tranh nữa. Năm 1953, súng đại bác của Pháp đã bắn trúng vào gian cuối phía đông làm gãy một tầu mái là một phiến gỗ lim lớn. Ngày 15-8-1972, máy bay Mỹ đã thả một chuỗi tám quả bom, suốt từ Nhà Chung ra tới Ao Hồ mạn đàng tây, trong số đó có bốn quả khoét những hố sâu, một quả rơi trúng sân đường kiệu Nhà Thờ Lớn về phía tây, thẳng chỗ giáp giới hai Nhà thờ cạnh, làm đổ Nhà thờ cạnh phía bắc, và làm xiêu ghé Nhà thờ phía nam, tung lên mái Nhà Thờ Lớn, cả mái trên mái dưới, 36 viên đá thước, ngói vỡ bay gần hết; trong 56 cánh cửa hai bên Nhà thờ thì vỡ hết 52 cánh, chỉ còn bốn cánh. Nhà thờ xiêu ghé về phía đông-bắc 15-20 phân, vỡ bốn tấm đá Đàng Thánh Giá ở gian Cung Thánh, đất bắn phủ đầy kèo cột.
PHÁT DIỆM – Nhà thờ lớn: vì kèo gỗ lim
The cathedral: detail of timberwork
La cathedral: détail de la charpente
Photo: Mạnh Đan
Đứng trước quang cảnh ấy ai trong chúng tôi cũng ngã lòng, và tưởng có sửa được thì phải đợi sau chiến tranh. Nhưng để lâu thì những vàng thiếp ở trên gian Cung Thánh sẽ bay hết, nên chúng tôi đã quyết sửa ngay. Nói đến việc sửa thì ai cũng hào hứng, và bắt đầu tháng Mân Côi năm ấy, chúng tôi tra tay vào công việc: lấp các hố bom, xẻ gỗ đóng lại 52 cánh cửa chung quanh Nhà thờ, đi mua ngói ở các nơi về lợp lại.
Không những giáo dân ở Phát Diệm, mà còn cả anh chị em giáo dân bên Bùi Chu, trong Thanh Hóa cũng đóng góp, cho thóc, cho gạo nuôi thợ. Trong hai, ba tháng đầu, chung quanh Nhà thờ ngày nào cũng có đến 200 người giúp việc, phần đông là làm không lấy công, hay lấy phần nào thôi. Gỗ thì nhờ họ Thượng Kiệm cúng cả ngôi Nhà thờ của họ bị bom đổ; được nhiều gỗ vì Nhà thờ ấy cột kèo vào cỡ lớn nhất trong giáo phận. Do lòng nhiệt thành, có người ở xa đem cơm gạo về trọ ở đây mà làm, có tốp thợ mộc làm cả tháng không lấy công. Mặc cho máy bay hàng ngày bay lượn ở trên đầu, mặc cho súng bắn họ vẫn cứ làm. Công việc tấp nập như thế hàng hai ba tháng, sau đó còn phải sửa chữa những Nhà thờ nhỏ và sân, hai năm trời mới xong.
Đó là tóm tắt công lao tổ tiên xây dựng, đó là công lao con cháu bảo tồn, đó là sự che chở của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Tôi tin thế, vì những điều tôi nói ở trên, chuỗi bom tám quả ném từ Nhà Chung ra tới bờ hồ, nếu bom cứ theo hướng quả thứ nhất thì những quả sau sẽ rơi đúng vào chính Nhà Thờ Lớn và Phương Đình. Nhưng trái lại, bom cứ rơi chệch vào chỗ trống. Như thế, có phải là bàn tay của Chúa che chở đấy không? Vì Nhà thờ này là công trình xây dựng bởi Đức Tin của cha ông chúng ta, và Chúa cũng muốn giữ nó lại cho con cháu các ngài, mà che chở cho khỏi bom đạn tàn phá.
Vậy hỡi anh chị em giáo dân địa phận Phát Diệm, chúng ta hãy cố gắng sống thế nào để đáp ứng lòng thương xót ấy của Chúa, sống đạo đức, sốt sắng, tiếp tục bảo tồn ngôi Thánh Đường này để trối lại cho con cháu, trông ngày sau sẽ có thể kỷ niệm trăm năm lần thứ hai, rồi lần thứ ba… Nhưng dù sao chăng nữa, ngôi Nhà thờ gỗ đá này cũng không thể tồn tại mãi được, mà đó chỉ là tượng trưng cho đền thờ thiêng liêng mà các vị Thừa Sai đã vất vả xây dựng, cha ông chúng ta cũng đã hy sinh cho tới cả mạng sống để bảo vệ, gìn giữ trối lại cho chúng ta. Phần chúng ta cũng phải nối tiếp truyền thống cha ông để bảo vệ Đền Thánh ấy, để truyền lại cho con cháu muôn đời maisau. Amen.
PHÁT DIỆM – Nhà thờ lớn: điêu khắc đá trên cửa chính
The cathedral: stone relief above the porch
La cathédrale: bas – relief du porche
Photo: TGM Phát Diệm
PHỤ LỤC 2
CÔNG TRÌNH TU BỔ NHÀ THỜ LỚN PHÁT DIỆM
Trải bao thăng trầm, sau hơn 100 năm tồn tại, Nhà Thờ Lớn Phát Diệm vẫn đứng đó sừng sững uy nghi. Tuy nhiên, thời gian và chiến tranh cũng đã ghi những dấu ấn khắc nghiệt trên quần thể kiến trúc này. Chính vì thế, trong bài giảng thánh lễ khai mạc Năm kỷ niệm 100 năm xây dựng Nhà Thờ Lớn (7-10-1990). Đức Cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã nhắc nhở giáo dân “tiếp tục bảo tồn ngôi Thánh Đường này”.
Ngay từ những năm cuối thập niên tám mươi của thế kỷ XX, việc trùng tu bốn nhà thờ cạnh đã được thực hiện. Thế rồi, năm 1994, Toà Giám Mục Phát Diệm đã mời Công ty Tu bổ Di tích Trung ương về khảo sát tình trạng hư hỏng và đề nghị phương án khắc phục đối với hai công trình quan trọng là Nhà Thờ Lớn và Phương Đình. Ngay sau đó, Toà Giám Mục quyết định bắt tay vào việc trùng tu quần thể này một cách có hệ thống và quy mô nhất từ trước đến nay.
Kể từ năm 1997, hàng trăm mét khối gỗ lim được vận chuyển từ Quảng Bình và Lào về Phát Diệm, thợ mộc thợ chạm các nơi được đưa về làm việc liên tục.
Năm 1998, Công ty nói trên lại được mời về để tiến hành việc trùng tu Phương Đình theo nguyên tắc: tuyệt đối trung thành với nguyên mẫu. Sau hơn một năm làm việc tích cực, ngày 23-07-1999, Đức Cha Giuse Nguyễn Văn Yến đã long trọng tổ chức lễ giỗ thứ 100 Cụ Sáu và lễ khánh thành việc tu sửa Phương Đình là công trình cuối cùng Cụ Sáu thực hiện. Kinh phí cho công việc trùng tu hết 90.000 Mỹ kim.
Việc tu bổ Phương Đình đã giúp cho Toà Giám Mục Phát Diệm có những kinh nghiệm quý báu để có thể tự trùng tu Nhà Thờ Lớn, nhờ ý kiến cố vấn của Công ty nói trên. Cuối năm 1999, viêc tu sửa ba ngọn tháp ở mặt tiền Nhà Thờ Lớn được hoàn thành với kinh phí 70.000 Mỹ kim.
Đồng thời với việc tu sửa Phương Đình và ba ngọn tháp, việc khảo sát và xúc tiến trùng tu Nhà Thờ Lớn cũng được thực hiện. Ngày 04-09-2000, một thánh lễ sau cùng được cử hành trong Nhà Thờ Lớn để chính thức bắt đầu công việc. Công việc được tiến hành cách khoa học và kỹ lưỡng theo nguyên tắc: tuyệt đối trung thành với nguyên mẫu, chỉ thay những phần không thể giữ lại được, và không được phép thay những cột đã được xức dầu thánh hiến. Cuối tháng 05-2000, công việc trùng tu đã được hoàn thành mỹ mãn, sau lễ khai mạc Năm Kỷ niệm 100 năm thành lập giáo phận Phát Diệm (1901-2001).
Hôm nay, khách đến thăm vẫn có thể ngắm nhìn Phương Đình và Nhà Thờ Lớn với mái cong cổ kính, duyên dáng như xưa. Nhưng khách khó hình dung được công phu của mấy trăm người thợ vất vả trong năm năm trời đã tỉ mỉ tháo rỡ toàn bộ mái xem xét từng mộng gỗ, thay từng phiến đá, từng cây xà chiếc hoành, chiếc rui, hoàn toàn bằng phương pháp thủ công (vì thuê các phương tiện cơ giới sẽ quá tốn kém). Tổng kết lại, đã thay 3/4 số ngói, 1/5 các phần bằng gỗ, đặc biệt là hai cây xà vượt dài 12m cỡ 0,50 x 0.60m, và hai trong 16 cột ở lòng giữa, chu vi 2,26m, cao 11m. Tính riêng gỗ lim đã dùng là 1000m3, giá trung bình 5.500.000 đồng 1m3. Tổng kinh phí cho toàn bộ công trình khoảng 600.000 Mỹ kim, hoàn toàn do Toà Giám Mục tự liệu. Số tiền này nhiều hơn kinh phí dự trù, vì khi tháo rỡ mới phát hiện thêm những phần hư hỏng cần phải thay thế.
Như vậy, Nhà thờ Phát Diệm, một quần thể kiến trúc Công giáo độc đáo và đồ sộ bậc nhất tại Việt Nam, đồng thời cũng là một di sản văn hóa quý báu của dân tộc, xưa đã do Đức Tin và công sức của tổ tiên ông bà xây dựng, nay lại được lớp hậu sinh trân trọng giữ gìn, để như lời Đức Cha Bùi Chu Tạo trong bài giảng nói trên “trối lại cho con cháu, trông ngày sau chúng có thể kỷ niệm trăm năm lần thứ hai, rồi lần thứ ba…”.
Tòa Giám Mục Phát Diệm