Giới thiệu về Nhà thờ Mằng Lăng

Giáo Hạt Mằng Lăng Thôn Mằng Lăng Tuy An Phú Yên Việt Nam Unnamed Road Phú Yên VN 057865501 057865501 Nhà Thờ là: Giáo Xứ Bổn Mạng: Thánh Giuse (19/3) Số Giáo Dân: 2,026 Giáo Dân

Giáo Hạt Mằng Lăng
Thôn Mằng Lăng Tuy An Phú Yên Việt Nam
Unnamed Road Phú Yên VN
057865501057865501
Nhà Thờ là: Giáo Xứ
Bổn Mạng: Thánh Giuse (19/3)
Số Giáo Dân: 2,026 Giáo Dân
Giáo Hạt Mằng Lăng
Thôn Mằng Lăng Tuy An Phú Yên Việt Nam
Số Giáo Dân:
2,026 Giáo Dân

Thông tin Nhà thờ Mằng Lăng

GIÁO PHẬN QUI NHƠN

  1. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ :

Giáo Xứ Mằng Lăng thuộc phía Bắc Phú Yên. Phía Bắc giáp Giáo Xứ Sông Cầu, phía Nam giáp Giáo Xứ Tuy Hoà, phía Tây giáp Giáo Xứ Đồng Tre, phía Đông giáp Biển Đông. Phần đất của Giáo Xứ Mằng Lăng hiện nay bao gồm thị trấn Chí Thạnh và 12 xã của huyện Tuy An : An Thạch, An Cư, An Hiệp, An Hoà, An Mỹ (Bắc Hòa Đa),An Ninh Đông, An Ninh Tây, An Dân, An Định, An Nghiệp, An Xuân, An Lĩnh. Trên Quốc lộ IA Từ Bắc vô Nam qua trụ cây số 1300 sẽ gặp cầu Ngân Sơn bắc qua sông Kỳ Lộ, dân địa phương gọi là sông Cái. Qua khỏi cầu Ngân Sơn chừng 600 mét, hoặc nếu từ Nam ra Bắc cách ngã ba Chí Thạnh 02 Km, gặp trụ cây số 1301, đi theo huyện lộ về hướng Đông 1900 mét sẽ đến nhà thờ Mằng Lăng cổ kính thuộc thôn Hội Tín, xã An Thạch. Nét cổ kính của ngôi nhà thờ đã nói lên bề dày lịch sử của Giáo xứ.

  1. ĐÔI DÒNG LỊCH SỬ:

Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ( mục Phú Yên, trang 07 ) có ghi : “Đời Lê Thánh Tôn, niên hiệu Hồng Đức thứ 6 (1475) đánh Chiêm Thành mở đến đất nầy lấy núi Thạch Bi làm giới hạn, nhưng từ núi Cù Mông vào Nam còn thuộc man lèo. Qua triều Nguyễn đời chúa Tiên năm Mậu Dần (1578) vua ủy nhiệm ông Lương Văn Chánh làm Trấn Biên Quan, chiêu tập lưu dân đến Cù Mông, Bà Đài, khẩn hoang ở Đà Diễn.” Theo đó, ông Lương Văn Chánh làm Trấn Biên Quan nhưng mãi đến năm Kỷ Tỵ 1629, chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên mới cho lập Dinh Trấn Biên và giao cho người con rể là Nguyễn Phúc Vinh làm Quan Trấn Thủ. Trong bản đồ Việt Nam gồm Đàng Ngoài và Đàng Trong của Cha Đắc Lộ năm 1651 ghi Dinh Trấn Biên là Dinh Phoan, phía trước Dinh là một dòng sông. Ngày nay Dinh Trấn Biên được người địa phương gọi là Thành Cũ thuộc thôn Hội Phú, xã An Ninh Tây, cách nhà thờ Mằng Lăng về hướng Đông Bắc chừng 01 km đường thẳng, tất cả Dinh Trấn đã vang bóng một thời xưa, nay chìm sâu dưới nước dòng sông Cái (Sông Kỳ Lộ chảy đến đây người địa phương gọi là Sông Cái).

Vợ Quan Trấn Thủ là Ngọc Liên công chúa, trưởng nữ của chúa Sãi đã lãnh nhận bí tích rửa tội năm 1636 với tên thánh Maria-Mađalêna. Cuộc tòng giáo của bà được sử liệu ghi chép như sau : “ Tại phú Yên lúc ấy xảy ra một cuộc cãi lý giữa một giáo hữu sốt sắng tên là Hiêrônimô, và một nho sĩ ngoại giáo trước mặt Quan Trấn Thủ… Nho sĩ nầy phải đuối lý không trả lời được câu nào… Quan Trấn Thủ rất mộ mến đạo ta, song ông không theo vì ông không thể bỏ được các vợ bé của ông; tuy vậy ông cho bà vợ cả theo đạo, nếu bà muốn. Bà nầy liền tòng giáo và chúng tôi hy vọng bà sẽ làm cho chồng bà trở lại.” (Người Chứng Thứ Nhất – Phạm Đình Khiêm – sđd trang 50-51). Sau khi tòng giáo bà lập một nhà nguyện ngay trong Dinh Trấn Biên, hằng ngày nhiều giáo hữu đến đây tham gia việc bác ái và truyền giáo làm cho nhiều người nhận biết Thiên Chúa . Tại Trại Thủy (gần cửa biển Tiên Châu) có vợ chồng quan coi cửa biển cũng giữ đạo sốt sắng đều lấy tên thánh là Biển Đức. Ngoài ra còn có ông thầy thuốc danh tiếng, đạo đức, thương người tên là Emmanuel ở tại Hội Phú được nhiều người quý mến (sđd).

Như thế, nhóm giáo hữu đầu tiên ở vùng đất nầy thuộc thành phần một số quan viên dinh trấn, hoặc những di dân phía Bắc đến lập nghiệp theo chủ trương di dân lập ấp ( năm Mậu dần 1578, với Ông Lương Văn Chánh), và một số người mới đón nhận Tin Mừng được các nhà truyền giáo dòng Tên rửa tội.

Trong khoảng 50 năm (1615-1664) những báo cáo thường niên của các nhà truyền giáo dòng Tên ở Đàng Trong chỉ ghi có 03 cư cở: Hội An, Nước Mặn và Thanh Chiêm. Đây là những trung tâm, từ đó xuất phát đi truyền giáo các vùng lân cận. Như thế, lúc bấy giờ Phú Yên (Ranran) nói chung và vùng Dinh Trấn Biên nói riêng là vùng hoạt động của các nhà truyền giáo đặt cư sở tại Nước Mặn do cha Buzomi làm trưởng đoàn (cách thành Qui Nhơn thời đó 10Km về hướng Đông).

Vào một buổi sáng ngày 31/3/1641 ( lễ Phục Sinh) Cha Đắc Lộ đến cửa biển Bà Đài (cửa biển Tiên Châu, vịnh Xuân Đài , An Ninh Tây ngày nay). Cha được Quan Trấn Thủ tiếp đón và ở lại đây 02 tháng, cha thăm viếng các giáo hữu và đã rửa tội cho Anrê Phú Yên cùng với khoảng 90 người khác tại nhà nguyện trong Dinh Trấn Biên.

Năm 1642, Ngài trở lại viếng thăm Phú Yên một lần nữa và khi trở về Hội An (Quảng Nam), nơi có trụ sở của Hội Thày Giảng, Ngài đã dẫn theo Anrê Phú Yên và cũng chính tại đây, Anrê Phú Yên chịu tử đạo vào ngày 26 tháng 7 năm 1644, lúc 19 tuổi, sau 03 năm lãnh nhận bí tích rửa tội. Năm 1645, Cha Đắc-Lộ bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam. Vị Tử Đạo tiên khởi của Việt nam là Anrê Phú Yên đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong Chân Phước vào ngày 05 tháng 3 năm 2000.

Sau khi các nhà truyền giáo dòng Tên rời khỏi Đàng Trong (1665), lúc đầu vùng truyền giáo Phú Yên do các linh mục thừa sai Ba-Lê đảm nhận. Số giáo hữu tăng dần, nhiều giáo điểm có nhà nguyện được thiết lập, nhưng số Thừa Sai còn ít ỏi, không ở cố định một nơi, sự hiện diện của các Thừa Sai chỉ có tính cách vãng lai. Trong bản tóm lược tiểu sử Đức Cha Charles Marin Labbé, Phó Giám Mục Đàng Trong (1697-1723) có ghi: “Ngài chết gần họ giáo chính của Phú Yên, thuộc vùng Mằng Lăng”. Lúc nầy Mằng Lăng chỉ là tên gọi của một vùng đất. Thời gian nầy công cuộc truyền giáo ở Phú Yên được giao cho 2 nhóm truyền giáo: Các vùng phía Bắc của tỉnh thuộc quyền Hội Thừa Sai Paris (MEP) và vùng phía Nam được giao cho các nhà truyền giáo của Thánh Bộ với nhà nguyện Phong-Lua được Cha Joseph Martiali xây dựng vào năm 1736, gần Nhà Thờ Chợ Mới. ( Phong lua đó là Phường Lụa, tục danh thôn Ngân Sơn thị trấn Chí Thạnh ngày nay, một vùng sản xuất lãnh lụa ngũ sắc nỗi tiếng một thời, ca dao còn để lại : Đất Cù Du là nơi chiếu tốt, Lãnh nào tốt bằng lãnh Ngân Sơn.). Như vậy, cơ sở của hai nhóm đều đặt tại phần đất giáo xứ Mằng Lăng ngày nay, chắc chắn đây là trung tâm của công cuộc truyền giáo tỉnh Phú Yên. Lúc bấy giờ, theo kiểm kê của Đức Cha Bennétat, thì tỉnh Phú Yên gồm có 10 Nhà Nguyện và 6 Nhà Thờ (BAVH, No.4, p.208-209). Theo báo cáo của Hội Thừa Sai Paris năm 1747 thì trong tỉnh Phú Yên có 14 nhà thờ và nhà nguyện, trong đó có những nơi thuộc vùng đất giáo xứ Mằng Lăng ngày nay: Chợ Mới có 200 giáo dân, Thầy Đông 100 giáo dân, Mái Nhà 25 giáo dân, Quán Cau 100 giáo dân. Trong danh sách các linh mục tham dự công đồng Gò Thị năm 1841 có các linh mục làm việc tại Phú Yên : Gioakim Lê Văn Tự, Tôma Phan Văn Tông, Anrê Nguyễn Phước Nguyên, Phaolô Đặng Văn Lợi. Trong danh sách các linh mục bản xứ của vùng truyền giáo có ghi số linh mục xuất thân từ Phú Yên : Cha Thới, cha Hòa, Cha Lộc (thụ phong linh mục trước năm 1844), Cha Hoàng (Đức Cha Stêphanô), Cha Cẩm ( Đức Cha Luy Galibert Lợi truyền chức). Cũng trong danh sách nầy có các linh mục làm việc tại Phú Yên : Cha Hiền, Cha Thọ (trước 1862), cách Quán Cau về hướng Nam chừng 07 km có họ đạo Gò Mỹ (Gò Me – Hòa Đa) là nơi cha Phạm Ẩn Sĩ (quê Gia Hựu) đã làm việc mục vụ trước khi chịu chết vì Đạo tại Thái Nguyên năm 1862 (Mm. No.62/1910, p.12-14). Cha MAZOYER vừa thụ phong linh mục năm 1881 sau đó đến Quán Cau và bệnh sốt đã sớm đưa ngài về chầu Chúa tại Quán Cau ngày 06/10/1882 (Nécrologie de Mazoyer). Năm 1850 trong báo cáo của Đức Cha Stêphanô Thể gởi cho Hội Thừa Sai Ba-Lê Truyền Giáo Hải Ngoại, vùng Mằng Lăng hiện nay có những họ đạo : Chợ Mới 423 giáo dân, Đồng Cháy 243, Lò Giấy 303, Mằng Lăng 154, Thầy Đông 65, Đồng Thổ 72, Diêm Điền 230, An Hòa 123, Suối Môn 168, Quán Cau 194. Lúc nầy Chợ Mới vẫn là cư sở của các linh mục. Tại Lò Giấy có chú Tađêo Nghiêm theo giúp Đức Cha Stêphanô, chú cùng bị bắt với Đức Cha tại nhà bà Lưu và chịu chết vì Đạo tại Gò Chàm, Bình Định năm 1861 ( Mm. 1909 /No. 51/ P. 48). Cùng quê Lò Giấy có thầy Phêrô Quờn đã lãnh bốn chức nhỏ, chịu tử đạo ngày 27/06/1862 tại Gò Chàm với hình án giảo quyết ( Mm.5/1909,p.77,79,86).

Chặng đường dài truyền giáo kể trên như thời gian tung gieo hạt giống chờ ngày mùa tử đạo. Tiền bán thế kỷ 19 với những sắc chỉ cấm đạo triệt để, rồi dây dưa tiếp diễn một thời gian dài. Tín hữu khắp nước thông phần thập giá với Chúa Giêsu đủ trăm ngàn cách, nhưng cao điểm khốc liệt nhất là những ngày tháng của phong trào Văn Thân. Tổng kết toàn tỉnh: Trước Văn Thân có 6.890 tín hữu gồm 40 họ đạo, 02 nhà phước, sau Văn Thân còn 1.109 người.(R.A.E 1885. Mgr Van Camelbeke)

Riêng tại vùng Mằng Lăng:

Ngày 19/8/1885 Văn Thân đưa cha Iribarne (Cố Thành) về chầu Chúa tại Quán Cau, đầu thì treo trên cây, thân mình thì được phân mảnh rồi thiêu đốt (Nécrologie de Iribarne). Phong trào Văn Thân cũng tiễn cha Bảo về chầu Chúa tại Chợ Mới. Còn Nhà Phước Mằng Lăng thì Cha Durand viết :“Mới đây, tại Phú Yên là tỉnh phía Bắc Khánh Hòa, tôi đã thăm cảnh tro tàn thê lương của nhà dòng Mằng Lăng và Hoa Vông. Nhà dòng đầu tiên chỉ còn lại hai nữ tu chuyên đi rửa tội, đã may mắn vắng mặt lúc đám quân sát nhân tới bao vây giáo họ.” ( AMEP, tập 821, p.3-7). Cam chịu, phó thác, các nhóm tín hữu trong vùng Mằng Lăng đồng chịu số phận, những kỳ tích các nơi còn vang tiếng: Lò Giấy, Phú Sơn, Cầu Nhánh, Núi Một, Mằng Lăng, Soi Giữa, Thầy Đông.

Sau phong trào Văn Thân, đầu năm 1887 Đức ChaVan Calmelbecke cho Cha Guitton cùng 02 cha phụ tá cha Gioakim Đạt và Cha Phêrô Huề đến Phú Yên. Cha Guitton phụ trách phía Tây (Cây Gia), 02 cha phụ tá phía Nam ( Hoa Vông). Sau ngày 10/04/1888 Cha Lacassagne được bổ nhiệm đến Phú Yên với chức năng quản nhiệm toàn vùng truyền giáo Phú Yên, ngài được tự do chọn Hoa Vông hoặc Mằng Lăng làm trụ sở. Ngài đã chọn Mằng Lăng.

Tháng 09/1888 Đức Cha Van Camelbecke chia Phú Yên làm 02 vùng : Cha Guitton phụ trách vùng Nam Phú Yên có cha phụ tá người Việt Nam là cha Đạt đặt cư sở tại Hoa Vông. Cha Lacassagne phụ trách vùng phía Bắc đặt cư sở tại Mằng Lăng , có cha Huề (quê Phú Điền) làm phụ tá ở tại Cây Gia. Năm 1893 Cha Giuse Nhi về thay thế cha Huề, hơn 04 tháng sau cha Antôn Bản thay cho cha Nhi. Năm 1895 cha Bản về Gò Duối, cha Wendling đảm nhiệm vùng Miền Núi Phú Yên. Năm 1897 cha F.x Hương về Gò Duối thay cha Bản, năm 1898 Cha Phêrô Cao thay cho cha Hương. (Mémoriale 4/1927, p. 30). Như thế mùa gặt tử đạo đã qua và những giọt máu tử đạo đã trở nên những hạt giống mới trổ sinh nhiều hoa trái.

  1. Linh mục Joseph LACASSAGNE (Cố Xuân) : Đến Mằng Lăng năm 1888. Hai năm sau có 564 người lớn lãnh nhận bí tích rửa tội, 162 em được rửa tội trong trường hợp nguy tử. Ngài vừa ổn định đời sống giáo dân vừa lo công việc truyền giáo, xây dựng lại Phước Viện Mằng Lăng, lập Cô Nhi Viện giao cho 2 nữ tu người bản xứ chăm sóc. Năm 1892, Cha Lacassagne khởi công xây dựng ngôi thánh đường Mằng Lăng hiện nay. Năm 1896, Phú Yên được chia thành 03 Giáo Xứ (Secteurs paroissiaux) (*) giao cho 03 Thừa Sai: Giáo Xứ vùng Phía Nam giao cho cha Dubulle, Miền Núi giao cho cha Wendling và vùng phía Bắc cha Lacassagne đảm nhiệm ( Fiche individuelle de Wendling), như thế từ đây ta có thể gọi Mằng Lăng như là một giáo xứ, và là giáo xứ trung tâm của Phú Yên , những sinh hoạt chung của các linh mục như tịnh tâm đều tập trung về đây. Khi công việc xây dựng ngôi thánh đường còn đang dang dỡ, ngài bất ngờ lâm trọng bệnh và mất tại bệnh viện Quân Đội ở ĐàNẵng vào ngày 01/8/1900, lúc 44 tuổi. Hài cốt được cải táng đem về chôn cất trong Thánh đường Mằng Lăng hiện nay.
  2. Linh mục Antoine Joseph Louis Edmon WENDLING ( Cố Linh) : Cha Wendling về làm cha sở Mằng Lăng năm 1901. Năm 1903 có 2555 tín hữu trong 19 giáo điểm . Số người tòng giáo rất đông nhưng số tín hữu không gia tăng vì những trận sốt rét đã cướp đi nhiều nhân mạng. Năm 1906 số tín hữu chỉ còn trên dưới 2360 người. Ngài tiếp tục công trình xây dựng Nhà Thờ của cha Lacassagne, khánh thành vào ngày 14 tháng 4 năm 1907. Nhà thờ có hai tháp chuông với 03 chuông lớn nhỏ, ngày 30/5/1905 thầy Cách đã đến cửa biển Tiên Châu đưa chuông lớn (quà tặng từ Marseille) về Mằng Lăng. Đức Cha Grangeon đến khánh thành, Đức Cha ngỏ lời khen ngợi ‘ước gì đem được về Bình Định để làm nhà thờ Chính Toà cho Giáo Phận…’ (Mm. 04/1907. p.34). Liền kề sau nhà thờ là nhà vuông có hè rộng tứ hướng được chia làm 03 gian thoáng mát tồn tại cho đến ngày nay.

Bên cạnh nhà thờ có nhà lẫm kiên cố, tường dày 60 phân, sau năm 1975 nhà lẫm hoàn toàn được san bằng. Nhờ nguồn thu từ số ruộng đất trên 200 mẫu ta, nên sau khi hoàn thành Nhà thờ, ngài lập lệ phát chẩn hằng tháng cho các gia đình nghèo. Những người mới lập gia đình, ngài cấp đất làm nhà. Các Chức Việc phục vụ giáo xứ cũng được cha phụ cấp hằng năm. Những việc làm nầy được các cha sở kế nhiệm tiếp tục cho đến năm 1945. Năm 1918, vì lâm bệnh Cha Wendling phải trở về Pháp để chữa trị và qua đời ngày 03 tháng 12 năm 1923, lúc 46 tuổi.

  1. Linh mục Marius Julien JEAN (Cố Gioan) : Cha Jean về làm cha sở Mằng Lăng từ tháng 05/1919 đến tháng 12/1926. Năm Giáp Tý (1924), có trận bão lớn làm sụp đổ tầng mái cổ lầu nhà thờ, cha làm lại phần mái hạ thấp xuống gần 2m như hiện nay.
  2. Linh mục Jean Marie François PORCHER (Cố Kính) : Ngài đến Mằng Lăng vào tháng 02 năm 1927 và ở đây được 15 tháng, ngài là vị thừa sai cuối cùng ở đây. Vào tháng 6 năm 1928, Đức Cha Tardieu quyết định giao giáo xứ cho các linh mục Việt Nam coi sóc.

CÁC LINH MỤC QUẢN XỨ VIỆT NAM (1928 cho đến nay):

  1. 1928 – 1944 Linh mục Giacôbê Lê Kim Dung (nguyên quán Trà Kiệu, Quảng nam) từ Trà Kê đổi đến. Ngài củng cố, xây dựng nhà nguyện các họ nhánh, phát triển Phước Viện , Cô Nhi Viện, xây hang đá Lộ Đức, cổ võ việc tôn sùng Thánh Tâm. Ngài xây dựng trường tiểu học bên cạnh nhà thờ, dạy miễn phí, thu nhận học sinh không phân biệt lương giáo. Ngôi trường nầy ngày nay còn 01 phòng dùng làm nhà ở cho các nữ tu đến giúp giáo xứ. Năm 1944 ngài nghỉ hưu.
  2. 1944 – 1947 Linh mục Phaolô Trương Công Chánh (nguyên quán Hoà Mục, Bình Định).
  3. 1947 – 1950 Linh mục Phêrô Nguyễn Đình Tịch (nguyên quán Đồng Tre, Phú Yên). Ngài mở trường Trung Học Tư Thục Trương Vĩnh Ký, trường trung học thứ hai trong toàn tỉnh sau trường công lập Lương Văn Chánh. Ngôi trường nầy ngày nay vẫn còn, dùng làm lớp học giáo lý, phòng đọc sách và phòng truyền thống Anrê Phú Yên. Ngài tổ chức đắp đập, mở hệ thống kênh mương đưa nước về các cánh đồng trong vùng.
  4. 1950 – 1951 Linh mục Phêrô Nguyễn Vĩnh Lưu (nguyên quán Mằng Lăng).
  5. 1951 – 1955 Linh mục Phaolô Huỳnh Tấn Ngoan (nguyên quán Nghĩa Hành, Quảng Ngãi).
  6. 6. 1956 – 1957 Linh mục Gioan Phùng Văn Như (nguyên quán Bình Cang, Nha Trang). Cho đến lúc nầy giáo xứ Mằng Lăng là giáo xứ quan trọng hàng đầu của Phú Yên. Hằng tháng các linh mục trong vùng về đây tĩnh tâm. Còn một tờ giấy giới thiệu trong sổ rửa tội của Mằng Lăng có ký tên Linh mục Gioan Phùng Văn Như, hạt trưởng.
  7. 1957 – 1959 Linh mục Antôn Hoàng Liên Mầu (nguyên quán Tiên Đỏa, Quảng Nam).
  8. 1959 – 1974 Linh mục Phaolô Nguyễn Xuân Bàn (nguyên quán Phú Thượng, Quảng Nam). Vì chiến tranh, nên năm 1964, ngài tạm rời Mằng Lăng về Phú Tân, xã An Cư. Phước Viện và Cô Nhi Viện dời vào Tuy Hoà, dân chúng di cư nhiều nơi, Mằng Lăng trở thành hoang vắng cho đến sau năm 1975 mới dần dần hồi sinh.
  9. 1974 – tháng 12/1975 Linh mục Phaolô Trương Đắc Cần (nguyên quán Gia Hựu, Bình Định). Ngài đến Phú Tân thay cha Bàn được vài tháng, sau ngày 30/4/1975 ngài về Mằng Lăng lo tu sửa, phục chế nhà thờ, nhà xứ sau 10 năm hoang vắng. Ngài đã đề nghị với Đức Giám Mục Giáo Phận thành lập Trung tâm Đại Chủng Viện Mằng Lăng qui tụ được 06 chủng sinh, hiện nay có 3 chủng sinh thuộc Trung Tâm Mằng Lăng đã được thụ phong linh mục: Giuse Trương Đình Hiền, Vinh- Sơn Nguyễn Văn Bản và Gioan Võ Đình Đệ. Vào tháng 7 năm 1976 có cha Phêrô Võ Tá Khánh từ Đà Lạt về hướng dẫn nhóm chủng sinh nầy nhưng đến 13/10/1976 cha phải trở về lại Đà Lạt.
  10. 1975 – tháng 10/1986 Linh mục F.X. Nguyễn Xuân Văn (nguyên quán Đồng Dài, Bình Định). Sau ngày 30/4/1975 cha F.X Nguyễn Xuân Văn và cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri từ giáo phận Đà Nẵng trở về giáo phận Qui Nhơn. Đức Giám Mục giáo Phận quyết định lấy 03 giáo họ của giáo xứ Mằng Lăng : Chợ Mới, Xóm Làng, Đồng Cháy lập thành giáo xứ Chợ Mới, giao cho cha Giacôbê Nguyễn Thành Tri. Còn lại 09 giáo họ thuộc giáo xứ Mằng lăng do cha F.X. Nguyễn Xuân Văn đảm nhiệm. Số giáo dân hồi cư ngày càng đông.
  11. 11. 1986 – tháng 03/1992 Linh mục Giacôbê Nguyễn Thành Tri (nguyên quán Tân Lộc, Quảng Ngãi). Khi cha Tri làm cha sở Mằng Lăng, giáo xứ Chợ Mới không có linh mục đến ở thường xuyên, cha sở Mằng Lăng kiêm nhiệm Chợ Mới.
  12. 1992 – 27/07/1997 Linh mục Phêrô Bùi Huy Bích (nguyên quán Gia Hựu, Bình Định). Ngài có công trùng tu Nhà Thờ và hoàn thành công việc vào ngày Lễ Tổng Lãnh Thiên Thần 29/6/1994, cũng là năm kỷ niệm 102 năm xây dựng Nhà Thờ. Ngài đột ngột qua đời do tai biến mạch máu não vào ngày 27/7/1997. Mộ ngài nằm trước đài Thánh Giuse trong khuôn viên nhà thờ.

13.Tháng 09/1997 – tháng 11/1997 Linh mục Phêrô Tuần Nguyễn Cao Hiên ( nguyên quán Bùi Chu).

  1. Tháng 12/1997 – tháng 06/2003 Linh mục Phaolô Nguyễn Minh Chính (nguyên quán Gia Hựu, Bình Định).
  2. 02/07/2003 …… Linh mục Phêrô Nguyễn Cấp.
Tìm kiếm
  • Địa điểm
  • Sản phẩm & dịch vụ
  • Chuyến đi
  • Bài viết
  • Thành viên