Giới thiệu về Nhà Thờ giáo xứ Xuân Hòa (Bắc Ninh)
Giáo Hạt Bắc Ninh Đại Xuân, Quế Võ, Bắc Ninh, Việt Nam Unnamed Road Thành phố Bắc Ninh Bắc Ninh VN Nhà Thờ là: Giáo Xứ Số Giáo Dân: 1,205 Giáo Dân Năm thành lập: 1879 Linh Mục Chánh Xứ: Linh mục Đaminh Nguyễn Văn Bích, Phó xứ : Linh mục Gioan Nguyễn Xuân Toàn
Nhà Thờ Giáo Xứ Xuân Hòa – Giáo Phận Bắc Ninh
Giáo xứ Xuân Hòa có khoảng 1.200 giáo dân thuộc các họ đạo: Xuân Hòa, Trại Đường, Trại Phán, Trại Ngà, Trại Hà, Xuân Bình và Bất Phí nằm trong huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh. Giáo xứ Xuân Hòa đón nhận hạt giống đức tin rất sớm từ năm 1659 khi thành lập giáo phận Đàng Ngoài tên Kẻ Roi (Xuân Hòa) đã được nhắc đến.
Nhà thờ Xuân Hoà được xây vào năm 1879 do cha Viadé Thanh, đây là một ngôi nhà thờ cổ kính làm bằng gỗ lim với những hoa văn trạm trổ cầu kì, tinh xảo. Toàn bộ gian cung thánh rộng lớn được sơn son thiếp vàng với rất nhiều hình ảnh từ Kinh Thánh. Tượng Chúa chịu nạn trên bàn thờ chính nhà thờ Xuân Hoà chính là pho tượng đã được dùng để bắt các đầu mục (Ban hành giáo) Bắc Ninh bước qua (quá khoá). Tuy nhiên, đúng 100 vị đầu mục đã nhất quyết chung thành với đức tin và đã bị xứ trảm và chôn sống tại cổng tả thành Bắc Ninh ngày 4/4/1862. Trên trần nhà thờ Xuân Hoà còn lưu giữ một số dụng cụ dùng để tra tấn, xiềng xích, gông cùm các vị tử đạo Bắc Ninh. Trong nhà thờ đang lưu giữ thi hài của 27 vị tử đạo, trong đó 26 vị là những người con của Xuân Hòa. Giáo dân Xuân Hòa hiện nay cho dù đi bất cứ nơi đâu, họ vẫn luôn tự hào về truyền thống tổ tiên đã lấy dòng máu thắm làm chứng cho niềm tin yêu son sắt mãnh liệt của họ vào Thiên Chúa.
Khu nhà chung rất rộng, vì đây là trụ sở Dòng Đaminh dành cho các cha Tây Ban Nha. Cách nhà chung khoảng 300m có một khu đất cao xây đá và gạch xung quanh, đó là nền của nhà thờ dự định xây năm 1931.
Gần nhà chung có Nhà Mụ Dòng Đaminh được xây dựng vào năm 1909 với quy mô lớn và còn tồn tại đến nay, mà ngày nay là Tu Viện Nữ Đaminh Xuân Hoà.
Trải qua dòng thời gian, giáo Xứ Xuân Hoà đã dâng hiến cho Giáo Hội những người con ưu tú là: đức cha Đaminh Nguyễn Văn Lãng, giám mục giáo phận Xuân Lộc; cha Giuse Nguyễn Thanh Liên, tổng đại diện giáo phận Kontum, cha Đaminh Nguyễn Văn Đức; cha Giuse Nguyễn Văn Tri; Cha Giuse Nguyễn Thế Hiển; Cha Giuse Nguyễn Văn Tịch (Họ Xuân Bình); cha Giuse Nguyễn Văn Nam, giáo phận Cần Thơ bây giờ đã chính thức trở về làm việc ở giáo phận mẹ Bắc Ninh, cha Đaminh Nguyễn Văn Kinh; cha Phêrô Nguyễn Công Văn; cha Giuse Nguyễn Văn Phong….
Giáo xứ Xuân Hoà có 14 cha coi sóc và gần đây nhất là cha Phanxicô Nguyễn Văn Huân và cha phó Phêrô Nguyễn Văn Thuỷ, OP.
Đời sống của giáo xứ tương đối ổn định, giáo dân giữ đạo theo truyền thống và còn giữ được nếp sống văn hoá cổ, như rước kiệu, ngắm đứng, dâng hoa cổ…. Giáo xứ có đầy đủ các đoàn hội như: Dòng Ba, Mân Côi, Giuse, Ca Đoàn, Giáo Lý Viên, Thiếu Nhi Thánh Thể, đoàn kèn đồng, đội bát âm, trống trắc….
Thông tin thêm:
Cha bề trên dòng thánh Đaminh địa phận Trung (Bùi Chu) bổ nhiệm cha Sùng người Tây Ban Nha, và cha Vĩnh lên coi sóc xứ Kẻ Roi, để chuẩn bị sắm sửa lo liệu những dụng cụ xây cất, đá gạch, gỗ để làm ngôi Thánh Đường. Cho nên, cha Vĩnh mời các cụ cùng các chức dịch đạo, đời, huynh thứ của dân họ hội họp cùng cha. Sau khi cha ngỏ ý kiến là bề trên cho cha xây cất ngôi Thánh Đường phải đồ sộ khang trang của xứ Xuân Hòa (tức Kẻ Roi), là việc đại thể, nên cha mời các cụ, huynh thứ cùng toàn dân họ mình được chóng hoàn thành. Thế là các cụ, các huynh thứ toàn dân họ ai nấy đều vui mừng, được các cha lo liệu mọi sự để làm nhà thờ cho chính mình, nên hết thẩy mọi người già trẻ nam nữ tận lực giúp đỡ mọi công việc không quản ngại khó nhọc việc gì làm trong nhà Chúa. Bấy giờ cha đã đặt mua mấy bè gỗ lim, cha đặt những phiến đá xanh dài 1m bề cao 0,40m. Cha thửa các phiến đá thắt cổ bồng làm bệ chân cột mua ở Đông Triều. Gần 200 tảng đá dài 1m, cao 0,30m, mặt 0,40m. Khi bè gỗ về, và thuyền chở tảng đá về cập bến sông chợ Nội, đi non 1km thì về đến làng. Cha báo cho dân họ biết, thế là các cụ, các ông chức dịch toàn dân đi ra bến sông xuống thuyền mang tảng đá lên đưa sang thuyền của mình chở về ao Cả, sau đưa vào sân nhà thờ. Bè gỗ lim cũng tháo ra từng cây theo con ngòi sông đưa về ao Cả, đưa lên nhà xứ chỉ vài ngày là xong, để sửa soạn cho thợ làm.
Nền móng, phương hướng địa lý cha Sùng và cha Vĩnh cắm cách thức khuôn viên nền móng của ngôi Thánh Đường. Còn kiểu mẫu kích thước trường khoát mọi cái ở cha Vĩnh quản lý đốc công. Cha nhờ dân họ nung gạch, ngói theo khuôn mẫu to nhỏ nơi cha.
Nhà thờ làm 4 mái, có mái thượng dài 10 gian, mỗi gian 4m, bề ngang 30m, đầu về hướng đông, cuối về hướng tây, bên cận tay phải nhà thờ xây 1 tháp cao phỏng 45,5m, tầng chót liền với cuối nhà thờ, có cửa đi lên gác đàn. Cuối nhà thờ hai bên cạnh rộng rãi, xây gạch cả sân cuối nhà thờ, hai bên tả hữu nhà thờ xây hai dẫy nhà quán cư, mỗi cái dài 10 gian để phân chia ranh giới của nhà thờ. Khuôn viên Thánh Đường xây ngăn nắp, kín đáo, có 3 cổng chính vào sân nhà thờ: 1 cửa cuối giữa lớn, 2 bên tả và bên hữu nhỏ hơn đều bằng sắt cả.
Khi làm nhà thờ xong cha lại trù liệu tất cả các vật liệu để trang hoàng 3 tòa bàn thờ, 1 tòa chính, 2 tòa cạnh. Cha đón thợ mộc ở Đình Bảng, thợ trổ chạm kênh bong rất đẹp. Cha lại đón ông đồ Hưng người làng Ngăm Giáo vẽ giỏi nhất để vẽ trên trần nhà thờ cảnh ban đêm, có trăng sao sáng và các vị tinh tú sáng rất đẹp, có những đám mây trắng vàng trên nền trời kéo qua mặt trăng pha lẫn màu hồng, vàng, tím trông rất ngoạn mục như ban đêm thật. Còn trần cạnh 2 bên phăng mỗi gian vẽ 1 kiểu, chạy triện về đạo, xung quanh chạy triện và những cảnh chiết chi hoa lá kết thành kiểu rất đẹp, mỗi đầu cột vẽ một thiên thần khác nhau, đủ kiểu và ý nghĩa tôn giáo, vẽ 14 nơi thương khó của Chúa, từng nơi một, mỗi bức vẽ dài 1,5m. Theo các cụ kể chuyện lại là cha mượn ông đồ Hưng vẽ như thế tất cả 3 năm mới xong, và ông vẽ rất giỏi, ai xem cũng phải khen ông.
Kể từ khi khởi đào chân móng nhà thờ cho đến khi hoàn thành ngôi Thánh Đường độ 15 năm. Ngôi thánh đường cổ kính đồ sộ nguy nga, bức vòng bán nguyệt trên cổng giữa cuối nhà thờ cụ đồ Ba viết 4 chữ nho to cao 0,60m là: “Thánh Giáo Chân Truyền”, và vòng cuốn giữa nhà thờ có đề niên hiệu Tự Đức, “tam thập niên, thập bát nhật, thập nguyệt năm tuế thứ Kỷ Mão tạo thành (1879)”.
Cha làm nhà thờ xong, khánh thành nhà thờ trước 3 năm mới phân chia địa phận Bắc Ninh. Xong cha và dân họ cải táng hài cốt của 26 vị Tử Đạo, để sửa soạn lại, ghi rõ tên tuổi, hiệu thánh của từng vị một và bọc lại hài cốt rất cẩn thận. Xong cha và dân họ cử hành lễ cung nghinh hài cốt 26 vị Tử Đạo một cách rất trọng thể và an táng liền dưới tòa giảng bên trái lòng giữa nhà thờ, dưới gian rưỡi cung thánh, rất sâu, trên nề có xây 4 viên gạch hoa làm dấu để hài cốt ở dưới.
Cha giúp đỡ dân làng và sửa soạn kiến thiết cho dân họ được đẹp đẽ. Cha lập lệ khoán ước cho dân làng, phân chia ra 14 thập, có công việc gì chung cứ cắt từng thập thật là dễ dàng cho dân họ. Đang khi cha con xum họp cùng nhau vui vẻ, bỗng đâu có thư của bề trên địa phận đưa đến cho Cha, Cha mở thư ra xem, Cha phải vâng lời bề trên đổi ngay về xứ Kẻ Sặt, cho nên dân làng rất là tiếc nhớ công ơn của Cha già.
Hiện nay, tòa giảng này không còn nữa.Tuy nhiên, mọi người vẫn biết mộ các vị tử đạo nhờ tấm bia ở giữa nhà thờ.