Giới thiệu về Nhà Thờ Giáo Xứ Vinh Quang
Giáo Hạt Buôn Hô Hoàng Hoa Thám, Tx. Buôn Hồ, Đắk Lắk, Việt Nam Hoàng Hoa Thám Thị xã Buôn Hồ Đắk Lắk VN 0500. 3573 174 0500. 3573 174 Nhà Thờ là: Giáo Xứ Bổn Mạng: Đức Maria Hồn Xác Lên Trời Số Giáo Dân: 7,000 Giáo Dân Diện Tích: 1,000m² Năm thành lập: 1956 Linh Mục Chánh Xứ: Giuse Đỗ Minh Hiển
HÀNH TRÌNH ĐI TÌM VÙNG ĐẤT MỚI
Giáo xứ Vinh Quang kết tụ một phần giáo dân thuộc Giáo phận Vinh và một phần thuộc Giáo Phận Huế.
Trên địa bàn hành chính huyện Quảng Trạch và Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Cũng như lịch sử Giáo Hội Việt Nam, buổi ban đầu Chúa đã cho các nhà truyền giáo thấy được cánh đồng lúa bao la của chân trời Á Đông chưa có hạt giống Tin Mừng.
Ngài đã sai các giáo sĩ từ Phương Tây mang Tin Mừng đến gieo vãi hạt giống Tin Mừng trên vùng đất xa xôi và đạt kết quả tốt đẹp, thiết lập nhiều Giáo hội địa phương tại đây trong đó có Việt Nam.
Chúng ta ngày nay cũng thế, ý Chúa Nhiệm Mầu, khôn ngoan, Ngài mượn chiến tranh tạo cơ hội thuận lợi, qua một hình thức nào đó Ngài đã sai chúng ta mang Tin Mừng đi khắp đó đây để làm chứng về Ngài, không những trong đất nước chúng ta mà cả thế giới bên ngoài. Vì thế sau ngày ký hiệp định Geneve 20.07.1954 chia đôi đất nước, lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới, nơi con sông Bến Hải có cây Cầu Hiền Lương nối liền hai bờ. Miền Bắc thuộc Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà, miền Nam thuộc Việt Nam Cộng Hoà. Quảng Bình thuộc về miền Bắc. Sau ngày ngừng bắn mọi người được tự do định cư nơi nào mình muốn.
Lúc này những người con của huyện Quảng Trạch (thuộc hạt Bình Chính, địa phận Vinh). Huyện Bố Trạch (thuộc Địa Phận Huế). Cũng muốn đi tìm một miền đất mới, để cải thiện đời sống kinh tế, vì nơi quê hương đất chật người đông và cũng nhiều lý do khác. Sau khi rời khỏi nơi “chôn rau cắt rốn” đoàn người di cư đã vào tạm trú lại trại định cư Thạc Giáng, Nội Hà và Đà Nẵng. Họ sống bên nhau và thành lập Giáo xứ Nội Hà dưới sự hướng dẫn của Cha Phú, Cha Lễ, Cha Khai và Cha Phêrô Phạm Hữu Nghi. Cuộc sống của những người di cư khi ở quê nhà là những nông dân tay lấm chân bùn, con trâu đi trước, cái cày theo sau. Giờ đây sống giữa chốn thị thành những công việc kiếm tiền nuôi sống bản thân gia đình trở nên khó khăn. Đứng trước thách thức của cuộc sống, các Cha đã lập một Ban đại diện gồm Cha Khai, Cha Lễ, ông Nguyễn Xuân Đào, ông Nguyễn Trung Trực để đi thăm dò vùng đất mới. Dưới sự hướng dẫn của Cha Khai, đoàn đã từ Đà Nẵng vào Banmêthuột, và từ Banmêthuột dọc theo Quốc lộ 14 đi về hướng KonTum. Đoàn đã dừng chân tại cây số 32 nơi có con suối gọi là H’Lan. Thấy nơi đây có suối, có đất rộng, gần đường quốc lộ dễ bề sinh sống. Đoàn quyết định trở về thông báo cho bà con giáo dân đã tìm được vùng đất mới, phù hợp với đời sống của bà con mình.
Vào khoảng tháng 4 năm 1956, được sự hỗ trợ của chính quyền, bà con xuống tàu tại bến cảng Đà Nẵng để đi vào Nha Trang. Một cuộc hành trình vất vả trên biển khơi, cuối cùng cũng cập được bến cảng Nha Trang, nhưng cũng có tàu lạc hướng cập bến cảng Sông Sài Gòn. Để rồi từ những bến cảng này, đoàn người di cư lại lên đường bằng phương tiện của Quân đội VNCH. Sau bao khó nhọc trên những chuyến tàu xe, đoàn người di cư cũng đến được nơi mình sẽ chọn làm quê hương thứ hai. Những lán trại của công nhân làm đường và trại Hiến Binh đã là nơi tạm trú đầu tiên cho bà con mình (nằm tại Hà Lan C nay thuộc Giáo xứ Vinh Phước).
Nhóm người từ cảng Nha Trang lên có Cha Lễ dẫn đầu. Sau bao ngày vất vả trên tàu, trên xe giờ đây được ổn định trong các lán trại đúng vào chiều 30.4.1956. Để Tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho đoàn người đi tìm vùng đất mới được bình an. Cha Lễ đã dâng Thánh lễ Tạ ơn đầu tiên trên mảnh đất Tây Nguyên vào sáng 01.05.1956. Ý Chúa nhiệm mầu, cột mốc thời gian được đánh dấu đúng vào ngày lễ Thánh Giuse Thợ. Thánh Giuse, người lao động, người Cha của Giáo hội đã tăng thêm sức mạnh cho đoàn người di cư bước vào một cuộc lao động mới. Xây dựng gia đình và xây dựng một cộng đoàn mới trên mảnh đất rừng núi hoang vu này.
Từ đây dưới sự hướng dẫn của Cha Phêrô Phạm Hữu Nghi sáng hiệp dâng Thánh lễ, chiều có buổi cầu kinh. Tình Chúa, tình người làm ấm lên những con người xa quê hương, giúp họ sống đoàn kết yêu thương nhau hơn, đó là những nghị lực cần thiết giúp họ vượt qua những khó khăn buổi ban đầu khi chỉ có hơn 100 gia đình sống và làm việc giữa rừng sâu bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Cho dù còn rất nhiều khó khăn cho cuộc sống, nhưng họ đã tìm thấy được ánh sáng ngày mai. Vì từ nơi đây cánh đồng lúa sẽ mọc lên xanh tốt cho cả vật chất lẫn tinh thần mà họ là những người tiên khởi đặt nền móng cho đồng lúa ấy.
Chúng con xin cảm tạ tình yêu Chúa đã dẫn dắt trên mọi nẻo đường.
GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Cha Phêrô Phạm Hữu Nghi (1956 – 1963)
Để công việc được dễ dàng, Cha Phêrô Phạm Hữu Nghi đã cho bầu ra một Ban hành giáo.
Các ông được bầu vào Ban hành giáo như sau:
– Ông Lê Phúc Hải (Chánh Trương)
– Ông Nguyễn Trực (Phó Trương)
– Ông Trần Đình Hoài (Thư ký)
– Ông Nguyễn Văn Liêm (Thông Tin)
Cùng với Ban Hành Giáo Cha Phêrô Phạm Hữu Nghi, đặt tên cho cộng đoàn tiên khởi là Giáo họ Vinh Quảng, ngụ ý gợi lên nguồn gốc của mình. Chữ Vinh là Giáo Phận Vinh, chữ Quảng lấy từ chữ Quảng Bình ý muốn nói những người ra đi từ Giáo phận Vinh và tỉnh Quảng Bình, hai chữ kết thành tên Vinh Quảng và sau nầy được đọc trại ra là Vinh Quang để vừa dễ gọi vừa tạo thành hai chữ có ý nghĩa. Tiếp đến ngày đã chia Cộng Đoàn tiên khởi thành 4 họ nhỏ được đặt tên như sau:
1. Họ Đông Quang (Gồm có Nội Hà, Cồn Nâm, Giáp Tam, Tân Định, Hà Bồng, Đồng Đưng)
2. Họ Trung Quang (Gồm có Kẻ Sen, Kẻ Bàng, Phương Thượng, Chánh Hoà, Phúc Tự, Lý Hoà, Lăng Cô, Truồi)
3. Họ Tam Quang (Gồm có Hoà Ninh, Phú Ninh, Hướng Phương, Cao Lao, Cồn Sẽ, Chợ Sàng, Tân Phong, Lựu Phong, Tam Trang, Vĩnh Phước)
4. Họ Tân Quang (Gồm có Gia Hưng, Yên Giang, Phú Mỹ, Hà Thanh)
Các họ đều có một Ban điều hành do bà con giáo dân trong họ bầu ra. Sau khi đất được san ủi xong, cùng với Ban định cư bắt đầu chia diện tích đất ở cho các hộ gia đình. Từ đây các gia đình đổi công nhau để chặt cây lấy gỗ làm nhà. Từng khu xóm được mọc lên, cuộc sống của bà con giáo dân dần dần đi vào ổn định, bà con tự khai khai đất hoang để trồng trọt.
Lúc này việc dạy chữ cho con em trong cộng đoàn trở nên cấp thiết. Vì thế bà con giáo dân cùng với Ban hành giáo xây dựng được 4 phòng học, sườn gỗ vách ván, mái lợp tôn. Và Cha Phêrô lấy tên Á Thánh Chân Phước Điểm đặt tên cho trường và tuyển chọn một số giáo chức gồm các ông:
1. Ông Thái Hữu Vỵ
2. Ôâng Nguyễn Hữu Đức
3. Ông Đoàn Khắc Hoán
4. Ông Nguyễn Hữu Phúc
5. Ông Hoàng Trọng An
6. Ông Trần Văn Minh
Để tiện cho việc đi hiệp dâng Thánh lễ của bà con giáo dân cùng với Ban hành giáo Cha đã chọn một lô đất ngay giữa trung tâm để xây dựng ngôi nhà chung (khu đất hiện nay đang là Nhà Thờ và Nhà Xứ của chúng ta). Cùng với cộng đoàn tiên khởi cha đã cho xây dựng một Ngôi nhà nguyện sườn bằng gỗ, vách ván, mái lợp tôn, nền tráng xi măng. Chiều dài khoảng 25m chiều rộng 12m, trước mặt tiền nhà có một tháp chuông cao khoảng 8m. Thời gian này Ban hành giáo đã cho xây dựng một căn nhà ba gian sườn gỗ, vách ván, mái lợp tôn, cạnh Nhà Thờ để làm nơi ở cho Cha sở và là nơi tiếp đón, giải quyết công việc của bà con giáo dân.
Sau những tháng năm đầu vất vả, giờ đây cuộc sống đi vào ổn định. Tiếng lành đồn xa, bà con giáo dân về đây lập nghiệp ngày càng đông. Vào một dịp thuận tiện, trong thời gian này Đức cha Paul Seits Kim giáo phận KomTum viếng thăm và đã nâng họ đạo Vinh Quang lên hàng Giáo xứ và đã chọn Đức Maria Hồn Xác Lên Trời làm bổn mạng, dưới sự coi sóc của cha Phêrô Phạm Hữu Nghi. Ngài là vị chủ chăn tiên khởi của cộng đoàn Giáo xứ Vinh Quang (từ 1956 – 1963).
Trong thời gian này ngài đã tổ chức các đoàn thể: Hội Phụ Huynh, hội bà Mẹ, đoàn Thanh Niên, Đoàn Thiếu Niên.
Vào cuối năm 1957, Toà Giám Mục đã cho Cha Ausgustino Hoàng Đức Sinh về làm Cha phó để giúp Cha xứ và cộng đoàn. Ngài ở đến năm 1959 thì được Đức Giám mục gọi về để đi giúp xứ khác.
Những sinh hoạt của các đoàn thể chủ yếu là Đoàn Thanh Niên và các em Thiếu Niên, được sinh hoạt vào lễ hai, sáng Chúa nhật. Riêng về giáo lý thì ngài cho học vào mùa chay hằng năm, phân chia theo 3 lứa tuổi: lớp I dành cho lứa tuổi thanh niên từ 16 tuổi trở lên chưa có gia đình. Lớp II tuổi từ 13 – 15. Lớp III bắt đầu xưng tội cho đến 12 tuổi. Các buổi học giáo lý do các Ban điều hành từng họ sắp xếp người dạy cũng như địa điểm học. Bắt đầu vào Tuần Thánh thì tập trung về Nhà Thờ để thi.
Trước giờ chầu ngày Chúa Nhật Phục Sinh, Cha Xứ và Ban hành giáo phát thưởng trong nhà thờ rất long trọng. Vì thế hằng năm vào Mùa Chay đi đâu trong Giáo xứ cũng nghe tiếng các em học giáo lý.
Vào năm 1960, bà con các nơi về gia nhập Giáo xứ ngày càng đông, ngôi Nhà Thờ không đủ chỗ cho bà con giáo dân tham dự Thánh lễ. Vì thế Cha Xứ lại nghĩ đến việc xây dựng một ngôi Nhà Thờ rộng lớn hơn.
Lúc này nhờ đất đai màu mỡ, lúa gạo bà con sản xuất cũng có dư, cuộc sống cũng khá hơn, cho nên Cha Quản Xứ cùng với Ban hành giáo và Ban điều hành 4 họ, đã vận động bà con giáo dân lên rừng chặt cây lấy gỗ để làm một ngôi Nhà Thờ mới rộng lớn hơn. Công việc được bà con giáo dân hưởng ứng tích cực, chẳng bao lâu số cây gỗ được tập kết về khu Nhà Thờ một cách nhanh chóng và đầy đủ, Cha Xứ cho dựng một nhà gỗ lợp tranh gần nhà thờ để đựng gỗ. Gần một năm sau số cây gỗ đã khô, Cha kêu gọi thợ mộc trong Giáo xứ đến bào quét số cây cột và cho thợ cưa, cưa xẻ xuyên kèo, đòn tay, rui mè.
Mọi sự đã chuẩn bị xong trong khoảng một năm. Chưa kịp khởi công làm Nhà thờ mới, thì Cha già Phêrô Phạm Hữu Nghi đổ bệnh và cùng với tuổi già Ngài không còn đủû sức khoẻ nên đã xin Đức Giám mục cho nghỉ hưu, thôi chức vụ Quản Xứ vào năm 1963. Ngài hưu dưỡng trong ngôi nhà thí nghiệm nông nghiệp 4T của Mỹ đã để lại cho giáo xứ. Ngôi nhà được xây dựng trên khu đất hiện nay là Xăng Dầu Nga Phiên).
Vào ngày 28.05.1972 Ngài đã được Chúa gọi về. Mộ phần của Ngài đã được Ngài cho xây dựng lúc còn sống trong khu đất Ngài ở. Vì thế sau khi Ngài mất linh cữu đã được chôn cất tại đó.
Sau ngày thống nhất đất nước, khu đất đó được chính quyền trưng dụng nên mộ phần của Ngài được di dời về Nghĩa trang của Giáo Xứ, mộ của Ngài được xây giữa đường gần cổng ra vào. Sau năm 1993, Nghĩa trang được quy hoạch lại cho thứ tự. Một tượng đài Chúa Về Trời được xây dựng năm 1997. Vào ngày 16.10.1997, một lần nữa mộ phần của Ngài được di dời vào nằm sát tượng đài Chúa Về Trời. Xứng đáng với chức vụ Mục Tử mà suốt cuộc đời đã hi sinh để phụng sự Chúa và Giáo hội.
Cộng đoàn chúng con xin được mãi tri ân. Nguyện xin Chúa thưởng công cho Ngài xứng với công đức mà Ngài xứng đáng được hưởng.
GIAI ĐOẠN III (1963 – 1967)
THỜI CHA GIOANBAOTIXITA NGUYỄN ĐĂNG KHOA LÀM QUẢN XỨ
Sau khi cha Phêrô Phạm Hữu Nghi nghỉ hưu. Đức Cha Giáo phận đã bổ nhiệm cha J.B Nguyễn Đăng Khoa về coi sóc Giáo xứ Vinh Quang, vào khoảng tháng 7 năm 1963. Khi đến Giáo Xứ, mọi cơ sở vật chất tương đối ổn định, riêng chỉ có Nhà Thờ là cần phải tu sửa.
Sau một vài tháng ổn định các chương trình mục vụ và sinh hoạt của các đoàn thể. Ngài đã cùng với Ban hành giáo hội thảo, lấy ý kiến của Cộng đoàn và đã đi đến quyết định phá Nhà Thờ cũ để xây dựng ngôi Nhà Thờ mới. Một lần nữa bà con giáo dân, những con người tiên khởi lại phải ra sức làm việc, để cộng đoàn có một bộ mặt mới cả về vật chất lẫn tinh thần. Nhờ sự năng động của Cha phó Đa Minh Hà Duy Khâm trong các công việc sinh hoạt của các đoàn thể. Nên cha Gioan.B Nguyễn Đăng Khoa cũng bớt lo, ngài dồn hết tâm trí cho công việc xây dựng nhà Chúa.
Vào ngày 16.08.1964, dưới sự chủ trì của cha chánh Giáo Phận J.B Trần Thanh Ngoạn, Thánh Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên, khởi công xây dựng Nhà Thờ mới. Phần thợ mộc do giáo dân trong Giáo xứ đảm nhiệm, riêng phần thợ hồ vì trong Giáo xứ không có thợ nên phải thuê thợ ngoài giáo xứ. Chiều dài của Nhà Thờ là 36m, rộng 14m, mặt tiền có hình chữ M cao 16m sườn bằng gỗ có 7 vì, mái lợp ngói. Ở giữa mặt tiền đặt một tượng Đức Mẹ, mang tước hiệu Mẹ Toàn Thắng. Một tháp chuông bằng gỗ cao 8 – 10m đặt phía cuối Nhà Thờ cũng được xây dựng.
Sau gần 1 năm xây dựng, Ngôi Thánh Đường cũng được hoàn thành. Đức Cha Giáo Phận PaulSeits Kim về làm phép Nhà Thờ trọng thể và chủ tế Thánh Lễ Tạ ơn cùng với Cộng Đoàn Giáo xứ Vinh Quang. Cũng trong năm 1965, Cha Phó Hà Duy Khâm cũng được Đức Giám mục gọi về nhận nhiệm sở mới. Trách nhiệm nặng nề lại đè lên Cha J.B Nguyễn Đăng Khoa. Mặc dù thế Ngài cũng lo mở mang thêm phòng học cho con em trong Giáo xứ có điều kiện học hành tốt hơn. Đặc biệt Đoàn Thiếu Nhi, hằng năm vào dịp lễ bổn mạng ngày 01.10, Ngài tổ chức cho các em đi cắm trại ngoài rừng một ngày, giúp các em sống với nhau biết đoàn kết, yêu thương và tinh thần phục vụ.
Ngài làm Quản Xứ đến giữa năm 1967, Đức cha PaulSeits Kim đổi Ngài đi ở Giáo xứ khác. (vào khoảng năm 1972 Ngài về nghỉ hưu). Lúc đầu Ngài về sống tại Giáo xứ Tân Bình (Nha Trang).
Sau lên ở với bà con tại Giáo xứ Vinh Hoà (BanMêThuột). Và Chúa đã cho ngài hưởng phúc vào ngày 24.02.1986, ngài đã được an táng lại Nghĩa trang Giáo xứ Vinh Hoà.
Dưới thời cha Khoa làm Quản Xứ, Ban Hành giáo như sau:
1. Ông Phêrô Nguyễn Háo (Chánh Trương)
2. Ông Phêrô Trần Đình Hoài (Phó I)
3. Ông Phêrô Hoàng Văn Mộ (Phó II)
4. Ông Gioan.B Nguyễn Hữu Phúc (Thư ký)
5. Ông Batôlômêô Nguyễn Nghiêu (Thủ Quỹ)
Trong thời gian cha Phêrô Phạm Hữu Nghi và cha Gioan.B Nguyễn Đăng Khoa làm Quản xứ có nhiều Thầy đến giúp xứ, nhưng thời gian ở ngắn nên chỉ xin được nêu tên quý Thầy như sau:
1. Thầy Trần Văn Yến
2. Thầy Nguyễn Duy Lượng
3. Thầy Phan Hữu Hậu
4. Thầy Trần Văn Hoa
5. Thầy Phan Ngọc Dũng
Cộng đoàn Giáo xứ chúng con xin được tri ân Cha J.B Nguyễn Đăng Khoa, Cha Đa Minh Hà Duy Khâm và Quý Thầy đã cộng tác giúp đỡ Giáo xứ chúng con.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho Quý Cha và Quý Thầy.
GIAI ĐOẠN IV: CHA PHÊRÔ TRẦN ĐỨC SÂM (1967 – 1972)
Sau khi Cha Gioan.B Nguyễn Đăng Khoa đi nhận nhiệm sở mới. Toà Giám Mục bổ nhiệm cha Phêrô Trần Đức Sâm về làm Quản Xứ (lúc này Giáo Phận Banmêthuột đã được thành lập và linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai được Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, bổ nhiệm làm Giám Mục Tiên Khởi Giáo Phận BanMêThuột). Khi Cha Phêrô Trần Đức Sâm về nhận nhiệm sở, Ngài là một Linh mục tuổi đời còn trẻ. Và cùng với thay đổi của Công đồng Vaticanô II, Ngài bắt đầu cải tổ theo tinh thần của Công đồng. Các đoàn thể sinh hoạt mạnh hơn lên. Đoàn thiếu nhi được đổi thành Hùng Tâm Dũng Chí, chương trình sinh hoạt cũng như học giáo lý được tăng thêm.
Về cộng đoàn Giáo xứ ngài đã xoá bỏ 4 họ: Đông – Trung – Tam – Tân. Và chia thành 18 Liên gia. Đứng đầu mỗi Liên gia có một Trưởng và một 1 Phó, các gia đình trong liên gia liên kết theo lối nên rất dễ sinh hoạt. Và theo quy chế mới của Giáo phận, Ngài đã cho bầu lại Ban Hành giáo và đổi tên là Hội Đồng Giáo Xứ, nhiệm kỳ là 4 năm. Quý ông được đắc cử nhiệm kỳ đó như sau:
1. Ông Phêrô Nguyễn Xuân (Chủ Tịch)
2. Ông Phêrô Ngô Đình Nhệm (Phó Đệ I)
3. Ông Giuse Võ Văn Ấm (Phó Đệ II)
4. Ông Giuse Nguyễn Bá Tòng (Thư ký)
5. Ông Gioan Thái Hữu Vỵ (Uỷ Viên Công Lý Hoà Bình)
6. Ông Phêrô Hoàng Ngọc Lựu (Uỷ viên Công Giáo Tiến Hành )
7. Ông Phaolô Phạm Thân (Uỷ Viên Tài chánh kiêm Thủ quỹ)
Trong thời Gian Cha Phêrô Trần Đức Sâm làm Quản xứ, vào tháng 5, tháng kính Đức Mẹ, Ngài hay tổ chức rước kiệu Đức Mẹ, khởi điểm từ nhà Thờ, xuôi theo quốc lộ 14 rẽ vào lối nhà anh Lợi, và theo lối đường dọc nhà ông Lý lên đến nhà bà Tỏ, anh Gia, rẽ ra quốc lộ trở về Nhà Thờ.
Năm 1971, cũng vào tháng 5, một cuộc rước kiệu tôn vinh Đức Mẹ được tổ chức giữa 2 Giáo Xứ: Vinh Quang và Vinh Đức. Hai xe hoa kiệu Mẹ của 2 Giáo xứ được phát xuất từ nhà thờ Giáo xứ Vinh Đức, dọc theo quốc lộ lên hết Giáo xứ Vinh Đức vòng trở lại theo quốc lộ hành trình hết Giáo xứ Vinh Quang và kết thúc bằng việc dâng hoa tạ ơn tại nhà thờ Giáo xứ Vinh Quang. Thật là một việc lạ lùng, đám rước được tổ chức từ 04g00 chiều và kết thúc vào khoảng 07g00 tối. Nhưng trên quốc lộ không có chiếc xe nào qua lại. Cộng đoàn dân Chúa 2 Giáo xứ được tự do đi trên đường mà không sợ sự cố nào xảy ra. Đoàn rước kéo dài gần một cây số. Có thể là một trùng hợp ngẫu nhiên và cũng có thể là một ơn mà Đức Mẹ đã làm để cộng đoàn dân Chúa 2 Giáo xứ được tôn vinh Mẹ trong nghiêm trang và sốt sắng hơn.
Ngoài những việc đạo đức, với tài ngoại giao của Ngài. Ngài cũng đã vận động các nhà hảo tâm, các hội từ thiện giúp đỡ tiền bạc. Ngài đã xây dựng cho Giáo xứ một hội trường rộng lớn, một Nhà xứ khá khang trang. Nếu xét về cơ sở vật chất thời điểm này Giáo xứ Vinh Quang cũng được xếp thứ hạng cao.
Sau 5 năm, Ngài đã để lại nhiều dấu ấn cho Giáo xứ. Vào khoảng tháng 7 năm 1972, Ngài lại lên đường nhận nhiệm sở mới theo lệnh của Toà Giám mục. Sự ra đi của Ngài đã để lại cho cộng đoàn một nỗi luyến tiếc. Cho dù cũng có những lằn roi, còn in đậm nét trên mình một số thanh niên nam nữ. Nhưng đó cũng chỉ vì tình thương mà Ngài không muốn con cái trong cộng đoàn phải hư đi. Cũng nhờ đó mà mọi sinh hoạt đạo đức dưới thời của Ngài sôi động hẳn lên.
Sau khi rời khỏi Giáo xứ Vinh Quang, Ngài đã vào Phước Long nhận nhiệm sở mới. Cuối năm 1974, đầu năm 1975, chiến tranh xảy ra ở đây rất khốc liệt. Ngài đã mất tích từ đó. Cũng có nhiều tin nói Ngài đã chết lúc vượt sông lánh nạn. Ngài ra đi khi tuổi đời mới 45 và chức vụ Linh mục 14 năm. Giáo hội mất đi một mục tử tài năng và đạo đức.
Âu đó cũng là Thánh Ý Chúa muốn đưa Ngài về hưởng phúc lộc Thiên Đàng sớm hơn. Xin được tóm tắt cuộc đời của Ngài và những việc Ngài đã làm cho Giáo xứ Vinh Quang thân yêu này.
Cộng đoàn Giáo xứ chúng con xin được tri ân. Nguyện xin Thiên Chúa ban cho Ngài hạnh phúc trên quê hương vĩnh cửu xứng với chức vụ mục tử Chúa giao.
Dưới thời Cha Phêrô Trần Đức Sâm có sự giúp việc của thầy Giuse Trịnh Văn Hân, năm 1966 – 1968.
Thầy Trần Văn Hoàn khoảng 6 tháng năm 1971.
GIAI ĐOẠN V (1972 – 1974)
THỜI CHA PHAOLÔ VÕ QUỐC NGỮ
THẦY PHÓ TẾ TRẦN XUÂN LÃM 1972 – 1973
Giữa năm 1972, sau khi Cha Phêrô Trần Đức Sâm đi nhận nhiệm sở mới. Toà Giám Mục bổ nhiệm Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ về làm Quản Xứ. Trước ngày về Giáo xứ nhận nhiệm sở, Ngài đã thông báo cho Hội Đồng Giáo Xứ biết không được tổ chức đón rước Ngài, không chiêng, không trống, nếu ngài về mà thấy giáo dân tiếp đón là Ngài quay trở lại Toà Giám Mục và không về ở Xứ nữa.
Biết được tính Ngài như thế nên Hội Đồng Giáo Xứ đã bố trí một cách kín đáo hơn. Khi Ngài về chỉ có Hội Đồng Giáo Xứ đón tại cổng Nhà Thờ và đưa Ngài về Nhà Xứ, sau khi chào thăm hỏi giữa Ngài và Hội Đồng Giáo xứ được khoảng 5 phút thì có một hồi chuông được kéo lên báo hiệu Giáo xứ đã có Cha Xứ mới. Chỉ trong phút chốc giáo dân từ các nhà lân cận đổ về Nhà Xứ để được nhìn thấy vị chủ chăn mới của mình. Trước tình cảm bà con giáo dân dành cho mình. Ngài đã ra trước cửa Nhà Xứ chào thăm và chúc lành cho cộng đoàn.
Lúc này cơ sở vật chất không còn phải xây dựng, Ngài đã bắt tay vào công việc củng cố sinh hoạt của các đoàn thể. Đời sống đạo đức được nâng lên, Ngài về chưa được bao lâu, một biến cố lịch sử đã xảy đến với cộng đoàn Giáo xứ Vinh Quang thân yêu. Ngày 27.01.1973 ký hiệp định ngừng bắn chấm dứt chiến tranh giữa quân đội giải phóng miền Nam và chính phủ Việt Nam Cộng Hoà. Bản hiệp định có hiệu lực lúc 08g00 ngày 28.01.1973, thì vào lúc 21g00 ngày 27.01.1973 một cuộc tấn công ác liệt của Quân đội mặt trận giải phóng vào ngay địa bàn Giáo xứ Vinh Quang. Hai bên đã cầm cự cho đến sáng. Để bảo vệ an toàn cho giáo dân, Cha Quản xứ đã cho bà con chạy qua Giáo xứ Vinh Đức để tránh đạn. Lực lượng tự vệ của xã đã co cụm lại cầm chân quân đội giải phóng phía bên kia cầu chia đôi ranh giới giữa hai Giáo xứ.
Bản hiệp định của 2 chính phủ không có hiệu lực, cuộc chiến vẫn tiếp tục gia tăng. Sau 1 tháng, nhà cửa, cây cối đã san bình địa, bộ đội giải phóng rút lui, cuộc chiến chấm dứt, giáo dân trở về, nhà cửa sụp đổ một đống hoang tàn. Nhà Thờ lúc này chỉ còn lại 3 vài và một mặt tiền loang lổ bom đạn. Tượng Đức Mẹ trước mặt tiền chỉ còn lại bệ chân. Một lần nữa, cộng đoàn Giáo xứ Vinh Quang lại phải bắt tay làm lại từ đầu. Nhờ uy tín và tài ngoại giao của Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ với chính quyền Việt Nam Cộng Hoa, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã về thăm Cha và cộng đoàn Giáo xứ Vinh Quang. Khi phái đoàn của Tổng Thống về thăm, Ngài dẫn đoàn xem xét những cơ sở đổ nát của nhà chung và cộng đoàn. Khi đến trước mặt tiền Nhà Thờ, ngài giới thiệu với Tổng thống, trước đây có tượng Đức Mẹ đứng ở trước mặt tiền, nay Mẹ đã về trời 2/3. Mẹ toàn thắng nay thành Mẹ oán than. Nhờ sự khôn khéo của Ngài mà Tổng thống đã hứa giúp 9 tháng lương thực và mỗi gia đình 14 tấm tôn mè để làm nhà. Các cơ sở kinh doanh gỗ cũng chở về cho một số lượng gỗ khá lớn, nhờ thế đời sống của giáo dân cũng sớm đi vào ổn định để lo cho kịp mùa vụ.
Để các em học sinh không bị bỏ dở chương trình học, với sự hỗ trợ của chính quyền Ngài đã cho xây dựng 6 phòng học chiều dài là 48m, rộng 6m, tường xây gạch, mái lợp tôn Brôximăng. Vì Nhà Thờ đã sụp đổ hơn phân nửa nên không thể sửa chữa được nữa, nên Ngài đã cho làm một nhà tạm sườn gỗ, chung quanh thưng ván và tôn cũ để có nơi dâng Thánh lễ mỗi ngày. Riêng Nhà Xứ cũng bị nhiều mảnh bom đạn, nhưng Ngài đã gia cố sửa chữa lại và Ngài ở đó cho đến ngày đi Xứ khác. Lúc này mọi đóng góp của bà con giáo dân là không thể. Nhờ uy tín và giao tiếp của Ngài, Ngài đã xin được của quân đội một căn nhà tiền chế 3 vài bằng sắt từ Nha Trang đem về để chuẩn bị xây dựng Nhà Thờ mới. Các cơ sở từ thiện cũng như các nhà kinh doanh ở các nơi cũng gởi tiền về giúp đỡ. Ngài đã nhờ kiến trúc sư Phan Văn Yến thiết kế một Nhà Thờ mới, đã nhờ xe ủi, ủi lại mặt bằng của khu đất nhà thờ, mua sắm vật liệu và đã xây được móng nền Nhà Thờ mới. Lúc này mọi công việc tái thiết rất bận rộn nhưng về mặt đạo đức, sinh hoạt của các giới Ngài vẫn rất quan tâm. Ngài đã lập thêm một đoàn thể cho lứa tuổi 16, 17, 18 mang tên “Đoàn Hiệp Sĩ”. Thành viên của đoàn là tự nguyện, không bắt buộc. Mục đích của Ngài lập đoàn này giúp lứa tuổi vị thành niên tìm hiểu về cuộc sống vào đời, và hướng lứa tuổi này vào cuộc sống.
Vào tháng 6 năm 1973, Ngài đã tổ chức bầu lại Hội Đồng Giáo Xứ. Các ông được bầu vào Hội Đồng Giáo Xứ như sau:
1. Ông Gioan Thái Hữu Vỵ (Chủ Tịch)
2. Ông Phêrô Nguyễn Khắc Hoè (Phó I)
3. Ông Phaolô Phạm Thân (Phó II)
4. Ông Giuse Nguyễn Bá Tòng (Thư ký)
5. Ông Giuse Võ Văn Ấm (Tài Chánh)
6. Ông Phêrô Hoàng Ngọc Lựu (Thủ Quỹ)
Mọi công việc đang chuẩn bị xây dựng Nhà Thờ rất xuôi chảy. Bất ngờ ngài tuyên bố xin Toà Giám Mục cho Ngài đi Xứ khác. Biết ý của Ngài, Đức Cha Giáo Phận cho Ngài về Toà Giám Mục nghỉ ngơi ít tháng. Sau Ngài xin về Hà Lan C và thành lập Giáo xứ Vinh Phước.
Vì Ngài ra đi bất ngờ nên việc sắp xếp các Linh mục của Toà Giám Mục để bổ nhiệm về làm Quản Xứ Vinh Quang chưa thực hiện được. Vì thế Giáo xứ đã không có chủ chăn khoảng 6 tháng. Nhưng cũng rất may mắn, trước đó theo chương trình của Giáo Phận mỗi Giáo xứ được rước tượng Đức Mẹ Thánh Du (Mẹ Fatima Toà Thánh tặng cho Giáo Phận tượng được làm bằng gỗ cây sồi) về thăm Giáo xứ. Khi Cha Quản xứ Phaolô Võ Quốc Ngữ ra đi thì Tượng Mẹ còn ở lại với Giáo xứ. Sau hơn một tháng thì Toà Giám Mục cho người về rước tượng Mẹ. Nhưng Hội Đồng Giáo Xứ viện lý do chưa có Cha Xứ thì phải ôm chân Mẹ, nên Toà Giám Mục cũng không đòi nữa. Trong thời gian chưa có Cha Quản xứ mới, hằng tuần vào chiều Chúa nhật Hội Đồng Giáo Xứ cùng cộng đoàn dân Chúa rước kiệu Mẹ từ liên gia này đến liên gia khác. Trong thời gian Đức Mẹ lưu lại tại liên gia mình, thì các gia đình trong liên gia chia luân phiên đọc kinh từ sáng đến chiều tối, và sau đó cả liên gia đọc kinh và làm việc kính Đức Mẹ, đến ngày Chúa nhật lại rước Mẹ về liên gia khác. Nhờ thế trong thời gian không có Cha Quản xứ đời sống đạo của cộng đoàn vẫn sinh hoạt bình thường.
Một lần nữa cộng đoàn Giáo xứ chúng con xin được tri ân Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ.
GIAI ĐOẠN VI (1974)
THỜI CHA AUGUSTINÔ HOÀNG ĐỨC SINH
Giữa năm 1974, Đức Giám Mục Giáo Phận bổ nhiệm Cha Auguslinô Hoàng Đức Sinh về làm Quản xứ. Khi ngài về nhận nhiệm sở, cơ sở Giáo xứ thiếu thốn mọi bề, nhưng với cương vị chủ chăn Ngài đã bàn với Hội Đồng Giáo Xứ để sửa sang, tôn tạo lại các cơ sở của Giáo xứ. Và Ngài cũng lên kế hoạch để xây dựng Nhà Thờ mới. Sau chiến cuộc năm 1973, các cơ sở của Giáo xứ muốn xây dựng chỉ cậy trông vào tài ngoại giao khôn khéo của quý Cha nhiệm sở mà thôi. Vì kinh tế của bà con giáo dân lúc này đang còn gặp nhiều khó khăn, chỉ đóng góp được bằng công sức. Về đời sống sinh hoạt của cộng đoàn thời gian không có Cha Quản xứ, các đoàn thể không còn sinh hoạt. Riêng chỉ có đoàn Hùng Tâm Dũng Chí nhờ vào tài khôn khéo của Ban điều hành và sự hỗ trợ của Hội Đồng Giáo Xứ nên việc sinh hoạt vẫn bình thường. Khi Cha Augustinô Hoàng Đức Sinh về làm Quản xứ, Ngài vẫn tiếp tục duy trì việc sinh hoạt của đoàn Hùng Tâm Dũng Chí. Mặc dầu công việc tại Giáo xứ rất bận rộn, nhưng Ngài cũng muốn tổ chức lại cho Giáo Họ Từ Cung (Giáo Họ Công Chính bây giờ). Ngài đã vào Dâng Thánh lễ và phát quà cho người nghèo một vài lần, nhưng sau vì an ninh không cho phép nên Ngài không được vào dâng Thánh lễ ở đó nữa.
Vì số sườn sắt mà Cha Ngữ xin về hơi thấp so với bản thiết kế, nên Cha Hoàng Đức Sinh đã nhờ kiến trúc sư vẽ lại cho phù hợp. Khi có bản thiết kế mới thì kinh phí xây dựng lại quá ít nên Ngài chưa đồng ý với Hội Đồng Giáo Xứ khởi công xây dựng Nhà Thờ mới.
Sau vì tuổi già và bệnh tật, Ngài đã về Toà Giám mục ở. Giáo xứ Vinh Quang lại một lần nữa thiếu bóng chủ chăn, thời gian khoảng 6 tháng. Trong thời gian này Đức Cha Giáo phận cho Cha Giuse Lê Trần Bảo và Cha Stephanô Nguyễn Văn Đậu hằng tuần đến dâng Thánh lễ Chúa nhật mà thôi.
Tuy chưa để lại dấu ấn gì sâu sắc cho cộng đoàn Giáo xứ, nhưng cũng có những kỷ niệm về Ngài vẫn đáng trân trọng. Cộng đoàn Giáo xứ chúng con xin được tri ân.
Ngài đã được Chúa gọi về ngày 18.01.1990, an táng tại Nghĩa trang Giáo xứ Châu Sơn.
Nguyện xin Chúa cho Ngài được hưởng hạnh phúc Quê Trời
GIAI ĐOẠN VII (02/5/1975- 30/8/1999)
THỜI CHA GlUSE TRỊNH VĂN HÂN LÀM QUẢN XỨ
Sau gần 6 tháng vắng bóng chủ chăn. Vào 2/5/1975 cộng đoàn Giáo xứ Vinh Quang vui mừng đón vị chủ chăn mới. Cha Giuse Trịnh Văn Hân đã được Đức Giám mục Giáo phận Phêrô Nguyễn Huy Mai bổ nhiệm về làm Quản xứ Giáo xứ Vinh Quang. Ngài là giáo sư dạy nhạc tại chủng viện Lê Bảo Tịnh, và tuổi đời của Ngài còn trẻ. Khi về nhận chức Quản xứ, mọi cơ sở vật chất còn thiếu thốn tạm bợ. Nhưng với lòng nhiệt thành và sức trẻ, Ngài cùng với Hội Đồng Giáo Xứ và cộng đoàn Giáo dân quyết tâm để xây dựng một Giáo xứ vững mạnh về tinh thần lẫn cơ sở vật chất.
Vừa có Cha Quản xứ, cộng đoàn Giáo xứ Vinh Quang lại có được một niềm vui lớn. Sau 20 năm chờ đợi, Thầy phó tế Giuse Nguyễn Ngọc Quế được Đức Cha Phêrô Nguyễn Huy Mai về dâng Thánh lễ truyền chức linh mục ngay tại Giáo xứ vào ngày 26/6/1975. Hạt giống ơn gọi đầu tiên đã nảy mầm. So với các Giáo xứ bạn thì còn rất khiêm tốn, nhưng đây cũng là dấu son để thế hệ em út noi theo.
Sau ngày thống nhất đất nước 30/4/1975, dân từ các nơi đổ xô về đây, nên số Giáo dân lên đến hơn 5000 người. Ngôi Nhà Thờ tạm đã chật nay lại chật hơn. Được sự cổ vũ của Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ (Cha Ngữ lúc này làm Quản Xứ Vinh Phước) Cha Giuse Trịnh Văn Hân cùng với Hội Đồng Giáo Xứ đã mở đại hội toàn dân lấy ý kiến. Ai ai cũng đồng tâm nhất trí xây dựng ngôi Nhà Thờ mới. Để phù hợp với điều kiện kinh tế của cộng đoàn giáo dân và vật liệu xây dựng lúc này rất khan hiếm, vì thế Giáo xứ đã tận dụng bộ nhà tiền chế xin được từ trước năm l975 gồm có sườn sắt và tôn lợp.
Sau khi được chính quyền cho phép xây dựng. Nhà Thờ được khởi công đầu tháng 11 năm 1975. Ngày lễ Chúa Kitô Vua năm đó vì kèo đầu tiên được dựng lên (Ngôi Nhà thờ được xây dựng trên nền móng Cha Phaolô Võ Quốc Ngữ đã xây dựng khi Ngài còn làm Quản Xứ ). Từ thợ xây, thợ mộc, thợ hàn, thợ cưa đều được giáo dân tích cực tham gia. Mặc dầu bao khó khăn dồn dập, nhưng nhờ lời bầu cử của Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời và có Chúa cùng đồng hành soi sáng, lo liệu, cộng với tinh thần hăng hái nhiệt tâm của cộng đoàn dân Chúa, chưa đầy 1 năm xây dựng, công trình được hoàn thành tốt đẹp trong bình an.
Ngôi Nhà Thờ có chiều dài 36m, rộng 18m hành lang 3,2m.
Cha Giuse Trịnh Văn Hân là một giáo sư dạy nhạc, nên việc hát trong các Thánh lễ Ngài rất quan tâm. Vì thế Ngài đã thành lập một ca đoàn Thanh Niên, 2 ca đoàn Thiếu Nhi, chính Ngài là người hướng dẫn tập hát nên cũng rất vất vả. Riêng các đoàn thể vì Giáo xứ 6 tháng không có Cha Xứ, nên chỉ còn đoàn Hùng Tâm Dũng Chí vẫn sinh hoạt bình thường, nhờ vào Ban điều hành rất năng động. Trong những năm đầu về làm Quản xứ, vì phải lo công tác xây dựng Nhà Thờ, ngoài ca đoàn, các đoàn thể khác Ngài cũng ít lưu tâm. Năm 1978, chính quyền tổ chức làm ăn theo lối tập thể, các đoàn thể thiếu niên, thanh niên chính quyền quản lý chặt hơn, và chính quyền không muốn các đoàn thể tôn giáo sinh hoạt rầm rộ nữa. Đoàn Thanh Niên, Hiền Mẫu, Gia Trưởng trước đã ít sinh hoạt nay mất hẳn hoàn toàn. Riêng Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, đến năm 1980, thì không còn Ban điều hành nên tất cả mọi sinh hoạt Giáo lý đều do Cha Quản xứ đảm nhiệm.
Đầu năm 1984, tình hình đất nước đổi mới, các sinh hoạt tôn giáo được dễ dàng hơn. Giáo xứ mới tổ chức bầu lại Hội Đồng Giáo Xứ để thay Hội Đồng Giáo Xứ được bầu từ tháng 6 năm 1973.
Có 2 sự thay đổi trong nhiệm kỳ Hội Đồng Giáo Xứ này. Năm 1976, ông Nguyễn Bá Tòng xin nghỉ vì bị bệnh. Giáo xứ đã đề cử ông J.B Nguyễn Chưởng vào thay chức vụ Thư ký. Cuối năm 1978, ông Thái Hữu Vỵ được Nhà nước tập trung học tập. Để điều hành Giáo xứ ông Phó chủ tịch Nguyễn Khắc Hoè được đôn lên làm chủ tịch. Đến năm 1984, nhiệm kỳ Hội Đồng Giáo xứ mới gồm các ông:
1. Ông FX Nguyễn Thái Dương (Chủ Tịch)
2. Ông Inhaxiô Võ Vưỡng (Phó Chủ Tịch)
3. Ông Phêrô Mai Văn Thành (Thư ký)
Nhiệm kỳ này kéo dài đến năm 1992 mới bầu lại. Năm 1985, giới Hiền Mẫu được Cha Quản xứ tổ chức sinh hoạt lại, đứng đầu có một Ban điều hành. Các toán được chia theo từng liên gia. Mỗi toán có một Trưởng và một Phó. Vào chiều thứ sáu đầu tháng Ngài dâng một Thánh lễ riêng cầu nguyện cho giới và để quý bà, quý chị có điều kiện sinh hoạt chung với nhau, giới Hiền Mẫu đã chọn Mẹ Mân Côi làm bổn mạng, Lễ mừng vào ngày 07 – 10 hằng năm.
Đến năm 1986, giới Gia Trưởng cũng được tái thành lập, mọi tổ chức cũng giống giới Hiền Mẫu. Ngày thứ tư đầu tháng cũng có Thánh lễ riêng. Giới Gia Trưởng chọn Thánh Giuse làm bổn mạng. Lễ Mừng vào ngày 19 – 03 hằng năm.
Năm 1992, được sự chấp thuận của chính quyền, Giáo xứ đã tổ chức bầu lại Hội Đồng Giáo xứ nhiệm kỳ 1992 – 1996 gồm các ông:
1. Ông Phêrô Nguyễn Hữu Đức (Chủ Tịch)
2. Ông Phêrô Trương Tuỳ (Phó Chủ tịch I Kiêm Thủ Quỹ )
3. Ông Micae Nguyễn Huy Bào (Phó Chủ Tịch II Kiêm Tài chánh)
4. Ông Giuse Nguyễn Văn (Thư ký)
Năm 1996, có một số anh em đã có gia đình tự nguyện xin Cha Quản xứ, Hội Đồng Giáo Xứ đứng ra tổ chức lại đoàn Thanh Niên. Được sự chấp thuận của Cha Quản xứ, Cha Phó xứ và Hội Đồng Giáo Xứ. Đoàn đã được thành lập vào ngày 24 – 1 1 – 1996. Đoàn chọn Thánh Vinh Sơn Nguyễn Thế Điểm làm bổn mạng. Đoàn được tổ chức thành 5 chi đoàn. Tuổi thành viên lúc mới thành lập là: nam từ 19 – 35 tuổi kể cả có gia đình, nữ từ 19 – 30 chưa có gia đình.
Đoàn Thiếu Nhi từ năm 1980 đến 1986, có một số anh em nhiệt tình cộng tác với Cha Xứ để hướng dẫn các em, không có Ban Điều Hành. Đến năm 1986, Cha Quản xứ mới tổ chức lại các lớp Giáo lý theo từng lứa tuổi như sinh hoạt của đoàn Hùng Tâm Dũng Chí trước đây. Trong những năm 1978 – 1982 chính quyền tổ chức sản xuất theo lối tập thể không thành công, đời sống của nhân dân khó khăn thiếu thốn. Vụ mùa năm 1982, đã tổ chức lại theo hình thức cá thể. Chính quyền chia đất theo lao động và cũng trong vụ mùa này cây cà phê cũng được khuyến khích trồng. Mỗi người được lao động theo ý riêng mình, nên cuộc sống những năm tiếp theo và khi cây cà phê cho trái cuộc sống dần dần đi vào ổn định. Nền kinh tế cũng bắt đầu mở cửa, theo đó đời sống cộng đoàn Giáo xứ Vinh Quang cũng được nâng lên. Đại hội thường niên tổ chức ngày 09.08.1991, Cha Quản Xứ đưa ra kế hoạch kêu gọi tấm lòng vàng tuỳ theo khả năng từng người, từng gia đình ủng hộ cho Giáo xứ để xây dựng tháp chuông.
Lời kêu gọi được cộng đoàn hưởng ứng tích cực. Mô hình tháp chuông được Kiến trúc sư Trần Văn Yến vẽ, Kỹ sư Lê Văn Thành thiết kế và giám sát thi công. Đội xây dựng thanh niên xung phong Đà Nẵng được Giáo xứ hợp đồng thi công. Ngày 16.02.1992 được khởi công xây dựng và hoàn thành vào ngày 28.05.1992. Tháp chuông có chiều cao là 24m.
Qua kinh nghiệm giáo dân tự nguyện đóng góp xây dựng tháp chuông thành công. Cha Quản xứ cùng với Hội Đồng Giáo xứ tiếp tục kêu gọi ủng hộ để xây dựng Nhà Xứ. Sau gần 1 năm tích luỹ, số tiền lên tới 300 triệu đồng và giáo dân vẫn tiếp tục ủng hộ.
Được sự chấp thuận của chính quyền, ngày 03.04.1993 công trình Nhà Xứ được khởi công xây dựng. Giáo xứ đã khoán toàn diện cho anh Bùi Văn Nghĩa, nguyên kế toán đội thanh niên xung phong Đà Nẵng thi công. Mô hình Nhà Xứ do Kiến trúc sư Nguyễn Văn Sáng thiết kế, diện tích là 389m2. Sau gần 1 năm thi công, Nhà Xứ mới hoàn thành. Giáo xứ đã tổ chức Lễ Khánh Thành tổng thể vào ngày 04.01.1994.
Ngày 16.l2.1993, Giáo xứ rất vui mừng được đón tiếp Thầy phó tế JB Nguyễn Minh Tâm về giúp Xứ. Vào ngày 25.04.1994 Đức Giám Mục Giuse Trịnh Chính Trực truyền chức Linh Mục cho Ngài đồng thời bổ nhiệm về làm Cha Phó Giáo xứ Vinh Quang.
Cha Giuse Trịnh Văn Hân gần 20 năm làm Quản Xứ Vinh Quang cùng 2 Giáo Họ Công Chính và Mân Côi. Giờ đây có Cha Phó cùng tiếp sức để cùng Ngài lo cho giáo dân trên 10 ngàn người mà mọi cơ sở vật chất đều cần được xây dựng. Nền kinh tế lúc này phát triển mạnh. Đại hội thường niên vào tháng 8 năm 1996, Ban Thường Vụ Hội Đồng Giáo xứ được bầu lại nhiệm kỳ 1996 – 2000 gồm các ông:
1. Ông Phêrô Nguyễn Hữu Đức (Chủ Tịch)
2. Ông Phêrô Trương Tuỳ (Phó I)
3. Ông Giuse Nguyễn Văn (Phó II)
4. Ông Inhaxiô Võ Vưỡng (Thư ký)
5. Ông Phêrô Lê Ngọc Vĩnh (Thủ Quỹ)
6. Ông Gioan Thái Hữu Quảng (Tài chánh)
Tháng 8 năm 1997, Cha Quản xứ, cha Phó cùng với Hội Đồng Giáo Xứ lên kế hoạch tích luỹ vốn 4 năm để xây dựng ngôi Nhà Thờ mới, xứng đáng hơn cho ngôi Nhà Chúa ngự và cộng đoàn có nơi thờ phượng tốt hơn. Vì ngôi Nhà Thờ cũ đã xuống cấp cần phải tu sửa.
Trong thời gian Cha Giuse Trịnh Văn Hân làm Quản Xứ, Ngài cũng vận động một số gia đình ủng hộ để xây dựng 1 tượng đài Mẹ có vườn hoa cạnh Nhà Xứ, và một tượng đài Chúa Về Trời ở Nghĩa Trang. Và cùng với Hội Đồng Giáo Xứ, Ngài cũng đã quy hoạch Nghĩa Trang lại cho có thứ tự. Phân lô người lớn, thiếu nhi và ấu nhi. Nam riêng, nữ riêng. Mọi sinh hoạt của cộng đoàn ngày càng tiến lên về mọi mặt, công việc tích luỹ vốn hằng năm đang có chiều hướng tốt. Vào ngày 30 – 08 – 1999 theo lệnh của bề trên Cha Giuse Trịnh Văn Hân rời Giáo xứ Vinh Quang để nhận nhiệm sở mới.
27 năm với chức Linh mục, với 24 năm làm Quản Xứ Giáo xứ Vinh Quang. Cha ra đi để lại cho Giáo xứ nhiều kỷ niệm.
Vì thế khi Ngài ra đi Giáo xứ đã tổ chức tiễn chân trong niềm luyến tiếc, nhớ thương.
Nguyện xin Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, bổn mạng của Giáo xứ cho Ngài được hồn an xác mạnh.
Cộng đoàn Giáo xứ Vinh Quang chúng con xin được mãi tri ân.
(Hiện nay Ngài đang làm Quản Xứ Giáo xứ Vinh Hoà, Banmêthuột)
GIAl ĐOẠN VIII
THỜI GIAN CHA CHÍNH J.B NGUYỄN MINH TÂM
CHA PHÓ GIUSE ĐỖ MINH HIỂN
Khi Cha Giuse Trịnh Văn Hân đi nhận nhiệm sở mới. Đức Giám Mục Giuse Trịnh Chính Trực bổ nhiệm Cha Phó JB Nguyễn Minh Tâm lên làm Quản Xứ. Mặc dầu đã làm Cha Phó Giáo xứ Vinh Quang được 4 năm, nhưng hôm nay trong cương vị mới một lần nữa cộng đoàn Giáo xứ tổ chức đón tiếp rất long trọng, Cha chính Giáo phận Đa Minh Hà Duy Khâm, Chủ tế Thánh lễ và trao chìa khoá Nhà Thờ Giáo xứ Vinh Quang cho Cha JB Nguyễn Minh Tâm. Từ đây, trong cương vị chủ chăn mới giữa cộng đoàn thân quen cũ, trách nhiệm nặng nề hơn. Ngài vạch định cho mình hướng đi mới để xây dựng cộng đoàn Giáo xứ Vinh Quang tiến lên về mọi mặt.
Cha JB. Nguyễn Minh Tâm rất quan tâm đến nơi an nghỉ của những người quá cố. Vì thế vừa nhận chức Quản Xứ được vài tháng, Ngài đã bàn với Hội Đồng Giáo xứ xây tường rào bảo vệ Nghĩa trang. Với số tiền khá lớn, lúc này mọi nguồn vốn tích luỹ là để xây dựng Nhà Thờ mới, nên Hội Đồng Giáo xứ cũng hơi lưỡng lự việc xây dựng này. Nhưng nhờ sự động viên và quyết tâm của Cha Quản xứ, là chúng ta cần phải xây dựng các công trình phụ hoàn tất trước khi khởi công xây dựng Nhà Thờ mới. Vì thế Hội Đồng Giáo Xứ đã mạnh dạn thiết kế và cho đấu thầu để xây dựng. Bức tường rào dài 420m và cổng ra vào được khởi công xây dựng hoàn thành tốt đẹp.
Năm 2002, Giáo xứ xây được 1 nhà sinh hoạt với diện tích 220m2 gồm 1 phòng hội, 1 phòng cho Hội đồng Giáo xứ sinh hoạt, 1 phòng cho các chú giúp việc, 1 phòng ăn và 1 nhà bếp. Tất cả các phòng đều đầy đủ tiện nghi cho việc sinh hoạt hằng ngày. Kinh phí xây dựng do Cha Quản xứ JB Nguyễn Minh Tâm xin các Hội từ thiện nước ngoài.
Năm 2003, Giáo xứ tổ chức làm đường nhựa từ Nhà Thờ đến cổng Nghĩa Trang. Để công việc tiễn đưa người quá cố, thăm viếng người thân đang an nghỉ tại Nghĩa trang, và con đường này những em học sinh vẫn hằng ngày đến trường. Cha Quản Xứ cùng với Hội Đồng Giáo Xứ tổ chức buổi họp mở rộng cùng các gia đình 2 bên vệ đường từ quốc lộ 14 đến nghĩa trang và những người có nhu cầu đi lại hằng ngày trên đường. Kế hoạch huy động vốn được đưa ra, những người trực tiếp hưởng lợi đóng 600.000đ, xa hơn 200.000đ đến 300.000đ. Toàn dân trong Giáo xứ mỗi hộ 80.000đ cùng với sự hỗ trợ 30% của chính quyền xã. Hội nghị tán thành, Giáo xứ hợp đồng với Công ty Hoàng Việt. Con đường được thi công ngày 10.05.2003 với tổng chiều dài 437m, rộng 4m. Sau hơn 1 tháng thi công con đường đã hoàn thành tốt đẹp.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Cha Quản Xứ và Hội Đồng Giáo xứ Cộng Đoàn Giáo dân tích cực đóng góp. Vào ngày 05.04.2004 đoạn đường từ cổng Nghĩa trang vào tới Tượng đài Chúa Về Trời cũng được Công ty Trường Hải hợp đồng thi công. Với tổng diện tích 538m2. Từ đây, việc đi lại tiễn đưa và thăm viếng Nghĩa trang rất thuận lợi.
Cùng với việc xây dựng cơ sở vật chất, Cha JB Nguyễn Minh Tâm rất quan tâm đến đời sống đạo đức của cộng đoàn. Khi mới nhậm chức Quản Xứ, ngày thứ 3 và thứ 6 hằng tuần, Thánh lễ được dâng vào buổi chiều để cho các em thiếu nhi có điều kiện tham dự Thánh lễ đông hơn. Sau một thời gian Ngài đã lấy ý kiến chung và đông đảo cộng đoàn đều đồng ý dâng Thánh lễ vào buổi chiều các ngày trong tuần trừ thứ bảy và Chúa nhật.
Ngài cũng rất quan tâm đến các đoàn thể, đặc biệt đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, lớp huynh trưởng và giáo lý viên được hướng dẫn kỹ càng hơn. Đoàn Thanh niên cũng có chương trình giáo lý hằng năm, buộc tất cả các thanh niên trong Giáo xứ phải tham gia học giáo lý, sau mỗi kỳ học đều có thi và cấp chứng chỉ. Đặc biệt, Ngài rất quan tâm đến vấn đề ơn gọi. Vì thế các em trong Giáo xứ cũng đăng ký vào học các trường dòng ngày một đông hơn. Việc học văn hoá của các em trong cộng đoàn Giáo xứ, Cha Nguyễn Minh Tâm cùng với Hội Đồng Giáo Xứ hằng năm vào cuối kỳ học đều phát thưởng cho các em học sinh giỏi, xuất sắc ở cấp I, II học sinh tiên tiến cấp III và các em học sinh nghèo vượt khó. Ngài cũng giúp đỡ nhiều cho các em học sinh gia đình khó khăn, giúp các em có điều kiện đến trường học hành tốt hơn. Để cùng gánh vác với Cha Quản xứ, ngày 16.09. 1999 Thầy Phó tế Giuse Đỗ Minh Hiển được Đức Giám mục Giáo phận cho về giúp xứ và cộng tác với Cha JB Nguyễn Minh Tâm.
Vào ngày 24.11.2000, Thầy được bước lên bàn Thánh tế lễ và Đức cha Giuse Trịnh Chính Trực bổ nhiệm làm Cha Phó Giáo xứ Vinh Quang. Cộng Đoàn Giáo xứ Vinh Quang rất vui mừng vì có được 2 vị chủ chăn khoẻ, đạo đức và rất năng động.
Niềm ước mơ của cộng đoàn là sớm xây dựng ngôi Thánh Đường mới. Cha Quản xứ cũng rất đồng lòng với cộng đoàn nên khi nhiệm kỳ Hội Đồng Giáo Xứ đã hết, nhưng Ngài muốn lưu nhiệm thêm 1 nhiệm kỳ nữa để cộng tác với Ngài. Được sự đồng ý của Đức Giám mục Giáo phận và lấy ý kiến của cộng đoàn nhiệm kỳ Hội Đồng Giáo Xứ đương nhiệm kéo dài đến năm 2004.
Ngài cũng muốn sớm xây dựng Ngôi Thánh đường mới cho Giáo xứ, nhưng nhìn thấy cộng đoàn Giáo họ Mân Côi chưa có nơi thờ phượng, nên Cha bàn với Hội Đồng Giáo Xứ khoan nộp đơn xin làm Nhà Thờ để Giáo họ Mân Côi có điều kiện dễ xin hơn. Ý Chúa nhiệm mầu. Giáo họ Mân Côi nộp đơn xin làm Nhà nguyện chưa được bao lâu đã được chính quyền chấp thuận. Nguồn vốn tích luỹ của Giáo họ còn rất hạn hẹp, nhưng tin tưởng vào quyền năng Chúa quan phòng, Cha JB Nguyễn Minh Tâm mạnh dạn tổ chức lễ khởi công xây dựng. Chỉ trong vòng 1 năm, ngôi nhà nguyện đã xây dựng xong, cùng với các công trình phụ, nhà nghỉ, tường rào, Đài Đức Mẹ đều hoàn tất tốt đẹp vào ngày 04.03.2004.
Trở lại với công việc Giáo Xứ, cùng với Hội Đồng Giáo Xứ làm đơn xin Toà Giám mục và chính quyền các cấp, sau 2 năm 4 tháng giấy phép xây dựng được chính quyền chấp thuận.
Trong niềm vui ước mơ Nhà Thờ được xây dựng. Ngày 10.10.2005, Thánh lễ đồng tế tạ ơn và xin ơn bình an để tháo dỡ Nhà Thờ cũ, lấy mặt bằng xây dựng Nhà Thờ mới.
Ngày 25.10.2005, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tích Đức chủ sự cùng với Quý Cha đồng tế đã hiệp dâng Thánh lễ Đặt viên đá khởi công xây dựng Nhà Thờ mới.
Bên cạnh việc xây dựng Nhà thờ, Giáo xứ cũng chuẩn bị đón mừng 50 năm ngày thành lập Giáo xứ (1956-2006). Nhiều sinh hoạt đạo đức được tổ chức trong năm này. Ngài đã mời Quý Cha dòng Chúa Cứu Thế tổ chức Tuần đại phúc vào ngày 13.08.2005, khai mạc Năm Hồng ân mừng kỷ niệm 50 năm. Đoàn Hùng Tâm Dũng Chí, Đoàn Thanh Niên, giới Hiền Mẫu được tổ chức cắm trại cùng với 2 Giáo họ. Mời ca đoàn các Giáo xứ bạn cùng hát Thánh Ca tôn vinh Mẹ Maria và còn nhiều sinh hoạt khác cho các giới chức, hội đoàn.
Để tưởng nhớ công ơn quý linh mục, quý ân nhân, thân nhân những con người tiên khởi đã có công xây dựng nên Giáo xứ Vinh Quang thân yêu này. Từ tháng 8 năm 2005, Cha Quản xứ cùng với Hội Đồng Giáo xứ tổ chức xây móng đường, bồn hoa và đổ đá mi trên lô mới của Nghĩa trang, mở 2 con đường dưới lô cũ để cho việc đi lại thăm viếng người thân được dễ dàng hơn. Bắt đầu từ ngày 17.05.2006, vào buổi chiều thứ Tư hằng tuần Cha Quản xứ, Cha Phó đồng tế hiệp dâng Thánh lễ cùng với đông đảo cộng đoàn Dân Chúa, để cầu nguyện tỏ lòng biết ơn quý Linh mục, quý ân nhân, thân nhân đã được Chúa gọi về. Việc cầu nguyện hiệp dâng Thánh lễ tại nghĩa trang sẽ kết thúc vào sáng ngày 18.08.2006 bằng Thánh lễ đồng tế trọng thể.
Hôm nay, ngày 29.12.2010, Giáo xứ Vinh Quang hân hoan chào đón Đức cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, Đức cha Phao lô Nguyễn Văn Hòa và hàng ngàn quan khách về tại Giáo xứ dự Lễ Khánh thành Nhà thờ mới. Một ngôi thánh đường rộng lớn, khang trang, bề thế, xứng tầm với một Giáo xứ có bề dày lịch sử trên 50 năm thăng trầm. Một lễ hội tưng bừng được tổ chức trọng thể, thoả lòng mong đợi của toàn Giáo xứ. Niềm vui hôm nay có được là nhờ Hồng Ân Thiên Chúa ban tặng cho Giáo xứ chúng con. Đồng thời, chúng con cũng xin tri ân Quý Đức Giám mục Giáo phận, Quý Cha Quản xứ, Quý Cha Phó, quý vị ân nhân, thân nhân, những người đã dồn cả tâm huyết, sức lực để xây dựng nên Giáo xứ Vinh Quang thân yêu tươi đẹp như ngày hôm nay.
Xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Mẹ Maria Hồn Xác Lên Trời, bổn mạng Giáo xứ ban thưởng ân lộc cho các Ngài, xin cho các Ngài được dồi dào sức khoẻ và khôn ngoan để tiếp tục con đường dấn thân phục vụ Nước Trời.
Vũ Đình Bình tổng hợp
PHẦN BỔ SUNG:
– Tháng 1/2015: Cha Giuse Đỗ Minh Hiển, quản xứ
P. Thống Nhất, Tx. Buôn Hồ, Tỉnh Đăk Lăk.
Giờ lễ
- Nhà thờ Thánh Tâm
02 Phan Chu Trinh, Thắng Lợi, Thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Vietnam
- Nhà thờ chính tòa Buôn Ma Thuột
Số 02 đường Phan Chu Trinh, Thắng Lợi, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk
- Nhà thờ Kim Mai
254 Lê Duẩn, Ea Tam, tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Việt Nam
- Nhà thờ Thánh Tâm (Chính tòa Ban Mê Thuột)
3 Phan Chu Trinh, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk, Việt Nam
- Nhà Thờ Giáo Xứ Công Chính
QL14, Cư Bao, Tx. Buôn Hồ, Đắk Lắk, Việt Nam
- Nhà Thờ Giáo Xứ Vinh Quang
Hoàng Hoa Thám, Tx. Buôn Hồ, Đắk Lắk, Việt Nam
- Nhà Thờ Giáo Xứ Công Chính
QL14, Cư Bao, Tx. Buôn Hồ, Đắk Lắk, Việt Nam
- Nhà Thờ Giáo xứ Mỹ Hòa (Thủ Thiêm)
Nhà thờ Mỹ Hòa, 136 Đường số 11, phường Bình Trưng Đông, Quận 2, Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Đan viện Châu Sơn
Đan Viện Châu Sơn, Xã Phú Sơn, Phú Sơn, huyện Nho Quan, Ninh Bình, Việt Nam
- Nhà thờ Hội An
246 Lý Thường Kiệt, Cẩm Phô, Tp. Hội An, Quảng Nam, Việt Nam
- Nhà thờ Giáo xứ Đồng Quan
Cống Ngô Xá, Quang Lịch, Kiến Xương, Thái Bình, Việt Nam
HỖ TRỢ KHÁCH HÀNG
- Các câu hỏi thường gặp
- Điều khoản sử dụng
- Chính sách và quy định
- Chính sách bảo mật thanh toán
- Hỗ trợ khách hàng: hotro@tadiha.com
- Báo lỗi bảo mật: security@tadiha.com
HỢP TÁC VÀ LIÊN KẾT
Tadiha.com - Đặt phòng, đặt vé xe khách, đặt tour du lịch
© Copy right 2018 - 2024
- Địa điểm
- Sản phẩm & dịch vụ
- Chuyến đi
- Bài viết
- Thành viên