Giới thiệu về Nhà thờ Giáo xứ Tân Sa Châu
Giáo Hạt Chí Hòa 387 Lê Văn Sỹ, Phường 2, Tân Bình, Hồ Chí Minh 387 Lê Văn Sỹ Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh VN 08 3844 9497 08 3844 9497 Nhà Thờ là: Giáo Xứ Bổn Mạng: Thánh Giuse (19/3) Số Giáo Dân: 5,000 Giáo Dân Năm thành lập: 1954 Linh Mục Chánh Xứ: Chánh xứ Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết, Phó xứ Linh Mục Giuse Ngô Viết Thanh, Phụ tá Linh Mục Vinhsơn Nguyễn Hoàng Lê Nguyên
Thông tin Nhà thờ Giáo xứ Tân Sa Châu
Giáo Hạt Chí Hòa – Giáo Phận Sài Gòn
Giáo xứ Tân Sa Châu thuộc Giáo Hạt Chí Hòa, Tổng Giáo Phận T/P Hồ Chí Minh, từ ngày thành lập đến nay đã được 56 năm (1955-2011), dù trải qua nhiều thăng trầm nhưng nhờ sự quan phòng của Chúa và sự che chở của Thánh cả Giu-se bổn mạng, giáo xứ vẫn không ngừng thăng tiến.
I/ VỊ TRÍ
Giáo xứ Tân Sa Châu tọa lạc tại phần đất thuộc xã tân Sơn Hòa, nay là Phường 02, Quận Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh:
Phía Đông giáp Giáo Xứ Đa Minh ( Ba Chuông)
Phía Tây giáp Giáo Xứ Mẫu Tâm
Phía Nam giáp Giáo Xứ Tân Chí Linh và Vình Sơn.
Phía Bắc giáp Giáo Xứ Hòa bình (Gò Vấp).
Sau năm 1954, một số giáo dân định cư và lập nghiệp tại đây, vì phần đông là giáo dân Giáo Xứ Sa Châu (Bùi Chu), cái tên Tân Sa Châu cũng bắt đầu tư đó (Tân là mới, cũng có nghĩa là xã Tân Sơn Hòa), người sáng lập lúc đó chỉ có ý nhắc nhở mọi người có tinh thần hướng về đất tổ Sa Châu (miền Bắc).
Ngày nay cuộc sống thay đổi, Tân Sa Châu quy tụ rất nhiều thành phần khác nhau, gồm cả Bắc – Trung – Nam hợp nhau trong một cộng đồng Giáo Xứ, cùng chung một lý tưởng phụng thờ Thiên Chúa và Tổ Quốc.
II/. TỔ CHỨC – ĐIỀU HÀNH VÀ DÂN SỐ
Theo truyền thống từ ngàn xưa của Giáo Hội, Cha Sở là vị Lãnh Đạo tinh thần tối cao cùng các Cha Phụ tá, dưới có Hội Đồng Mục Vụ, đứng đầu là Ban Thường Vụ rồi đến Ban Điều Hành của Giáo Khu (gồm 7 khu).
Ban Thường Vụ Giáo Xứ gồm có Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ, Phó Chủ tịch Nội Vụ, Phó Chủ Tịch Ngoại Vụ, Thư Ký, Thủ Quỹ và hai Ủy Viên Kinh Tài, một vị đặc trách Truyền Giáo, một đặc trách Giáo Lý, Ban Điều Hành Giáo Khu gồm có: Trưởng Khu, Phó Khu, Thư ký, Thủ Quỹ.
Tất cả các quý chức trong Ban Thường Vụ và Ban Điều Hành Giáo Khu đều là những thừa tác viên của Linh Mục Chánh Xứ, giúp Ngài trong công việc điều hành Giáo Xứ.
Tổng số giáo dân trong xứ theo bản thống kê cuối năm 2010 là 4.613 người (nam 2.256 người, nữ 2.357 người).
III/. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN NHÀ CHÚA
Lúc đầu Cha Đa-Minh Mai Ngọc Khuê dâng lễ tại nhà bạt, rồi sau đó giáo dân cùng nhau xây dựng một thánh đường nhỏ bằng vật liệu nhẹ và dâng lễ tại đó. Vậy Cha Đa-minh Mai Ngọc Khuê được coi là vị sáng lập ra Giáo Xứ Tân Sa Châu.
Từ năm 1966 Bề Trên đã ủy nhiệm CHa Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Đức Thịnh chính thức nhận chúc Chánh Xứ Tân Sa Châu vào ngày 05/06/1966. Khi về coi đoàn chiên Tân Sa Châu Ngài hiểu được tình hình và nhu cầu của giáo dân, lòng khao khát của đoàn chiên đang mong mỏi xây cất lại ngôi Thánh Đường, nên Ngài đã bắt tay vào công cuộc tái thiết này.
Ngày 09/04/1967 Đức Tổng Giáo Mục Giáo Phận Sài Gòn đã về cử hành Lễ đặt viên đá đầu tiên.
Ngày 30/04/1967 khởi công và đào móng tân Thánh Đường Tân Sa Châu, dâng kính Thánh Cả Giu-se. Ngôi Thánh Đường mới có chiều dài 43 mét, chiều rộng 20 mét, tháp chuông cao 31 mét, do Kiến Trúc Sư Trương Ngọc Minh vẽ mẫu, thực hiện đồ án do ông Đoàn Hữu Trí hoàn chỉnh.
Năm 1969 Đức Cha Fx. Trần Thanh Khâm làm phép và khánh thành tân Thánh Đường. Nhờ sự quan phòng của Chúa và Thánh Cả Giu-se bảo trợ, cũng như lòng nhiệt thành của giáo dân trong và ngoài xứ đã góp công góp của nên việc xây dựng ngôi Thánh Đường đã được hoàn tất tốt đẹp với kinh phí xây dựng Thánh Đường là 30.000.000 đồng (ba mươi triệu đồng Việt Nam).
Ngày 30/12/1980 Cha Giu-se Đinh Quang Thịnh thuyên chuyển về làm Phó Xứ và từ năm 1981 Ngài đã tôn tạo lại một số công trình như sau:
Đóng lại toàn bộ ghế Nhà Thờ.
Làm trần Nhà Thờ.
Nới rộng gian Cung Thánh.
Tô đá tường trong Nhà Thờ, làm mới 14 chặng đàng Thánh Giá.
Làm lầu cuối Nhà Thờ.
Làm hai bức phù điêu tả hữu cuối Nhà Thờ.
Sửa lại mái Nhà Thờ.
Ngày 05/12/1992 thừa lệnh Bề Trên, Ngài thuyên chuyển đi nhận nhiệm vụ sở khác nay là Giáo Xứ Đông Quang.
IV/. CÁC ĐẤNG CHỦ CHĂN ĐÃ COI SÓC GIÁO XỨ
1954-1964: Cha Đa-minh Mai Ngọc Khuê (Chánh Xứ Sa Châu – Bùi Chu), theo sự ủy nhiệm của Đức Cha Phê-rô Ma-ri-a Phạm Ngọc Chi, tiếp tục coi giáo hữu Tân Sa Châu, vào thời gian này có các Cha Linh Tông giúp xứ như Cha Già Đản, Cha Tạ Quang Khải, Cha Trần Đình Khắc, Cha Nguyễn Huy Chương, Cha Già Chấn…Sau gần 10 năm phụng vụ cộng đoàn dân Chúa Ngài được thuyên chuyển đi nơi khác. Năm 1964: Ngài về hưu tại Huyện Sỹ. Ngày 02/04/1969 Ngài qua đời và di hài của Ngài được đưa về quàn tại Giáo Xứ để làm lễ án táng trọng thể và an nghỉ tại nghĩa trang các Cha Hạt Chí Hòa.
(Ảnh Cha Đa-minh Mai Ngọc Khuê, người sáng lập Giáo xứ Tân Sa Châu)
(Ảnh từ trái qua Cha Gia-cô-bê Đỗ Minh Lý và Cha phụ tá Phạm Châu Diêm, Hiệp Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc)
Tháng 06/1964-1966: Cha Gia-cô-bê Đỗ Minh Lý được bổ nhiệm Chánh Xứ, Cha Giu-se Phạm Châu Diêm làm Phụ Tá. Ngài đã coi sóc Giáo Xứ được 20 tháng, vì nhu cầu Hiệp Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc, Ngài được Đức Tổng Giám Mục Sài Gòn chấp thuận cho Ngài từ chức Chánh Xứ Tân Sa Châu ngày 17/05/1966 để chuyên lo phong trào Hiệp Hội Thánh Mẫu Toàn Quốc.
(Ảnh từ trái qua Cha Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Đức Thịnh, Cha Tô-ma Đỗ Đức Minh, Cha Giu-se Lê Thanh Minh, Cha An-phong Hoàng Ngọc Bao, Cha Giu-se Đinh Quang Thịnh)
Tháng 06/1966-1992: Cha Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Đức Thịnh về làm Chánh Xứ, Ngài xúc tiến các công trình xây dựng tân Thánh Đường, Nhà Xứ, Trường Học. Thời gian này có Cha Đa-minh Đinh Cảnh Thụy về phụ giúp và Ngài qua đời ngày 19/03/1994 tại Giáo Xứ Tân Sa Châu.
Dưới thời Cha Chánh Xứ Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Đức Thịnh có bốn Cha phụ tá lần lượt phục vụ tại Giáo Xứ Tân Sa Châu:
1968-1970: Cha Tô-ma Đỗ Đức Minh (du học Rô-ma).
1970-1972: Cha Giu-se Lê Thanh Minh (nay là Chánh Xứ Giáo Xứ Tân Hương).
1972-1980: Cha An-phong Hoàng Ngọc Bao (nay là Chánh Xứ Giáo Xứ Bắc Hà).
1980-1982: Cha Giu-se Đinh Quang Thịnh (nay là Chánh Xứ Giáo Xứ Đông Quang).
12/1992: Cha Chánh Xứ Giu-se Ma-ri-a Nguyễn Đức Thịnh được về nghỉ hưu ở nhà hưu dưỡng Chí Hòa, và Ngài đã được Chúa gọi về trong niềm thương tiếc của Xứ.
Ngày 09/01/1993: Cha Đa-minh Vũ Nguyên Thiều quyền Chánh Xứ (nay là Chánh Xứ Giáo Xứ Tân Phú).
(Ảnh từ trái qua Cha Giu-se Nguyễn Hữu Triết, Cha Phê-rô Lê Hoàng Chương, Cha Giu-se Nguyễn Quốc Thắng, Cha Giu-se Ngô Viết Thanh, Cha Đa-minh Nguyễn Văn Trọng)
Ngày 27/02/1993: Cha Giu-se Nguyễn Hữu Triết, nguyên Phó Xứ Giao Xứ Gia Định, được Tòa Tổng Giám Mục bổ nhiệm chính thức Chánh Xứ Tân Sa Châu, và Ngài đã điều hành Giáo xứ cho đến nay.
Trong thời gian này có các Cha Phụ Tá đến phụ giúp Ngài.
Ngày 30/07/1999 Cha Phê-rô Lê Hoàng Chương được tòa Tổng Giám Mục bổ nhiệm làm Linh Mục Phụ tá đến ngày 07/11/2003 Ngài rời nhiệm sở và được bổ nhiệm làm Linh mục Chánh xứ Giáo xứ An Phú.
Ngày 09/08/2003 Cha Giu-se Nguyễn Quôc Thắng được Tòa Giám Mục bổ nhiệm làm Linh Mục Phụ tá, đến ngày 04/08/2007 Ngài rời nhiệm sở và được bổ nhiệm làm Linh Mục Chánh xứ Giáo xứ Bình Đông.
Ngày 26/07/2007 Cha Giu-se Ngô Viết Thanh được Tòa Giám Mục bổ nhiệm làm Linh Mục Phụ tá đến hết tháng 09/2010 Ngài rời nhiệm sở và được bổ nhiệm Linh Mục Phụ tá Giáo xứ Thanh Đa.
Ngày 25/09/2010 Cha Đa-minh Nguyễn Văn Trọng được Tòa Tổng Giám Mục bổ nhiệm làm Linh Mục Phụ tá Giáo xứ Tân Sa Châu cho đến nay.
V/. CÔNG VIỆC TRUYỀN GIÁO
Việc Truyền Giáo của Giáo Xứ từ khi có hội Đồng Mục Vụ từ năm 2000 đến nay vẫn phát triển đều đặn, Hội Đồng mục Vụ thường hay kết hợp cùng các đoàn thể trong Giáo Xứ làm tốt các công việc này. Vì đây là một công tác trọng tâm mà Giáo Hội đã đặt ra, bằng lời cầu nguyện, gương sáng và đức bác ái và không ngừng hoạt động nhưng kết quả tùy thuộc nơi Chúa vì “làm bởi bay nhưng cho bởi Cha trên Trời.”.
VI/. TỔNG LUẬN
Sứ mạng của Giáo Xứ không phải chỉ lo cho Giáo Dân trong Xứ, mà còn phải lo đem Tin Mừng chân lý đến cho mọi người, bên cạnh chúng ta còn nhiều người chưa nhìn thấy ánh sáng Phúc Âm, chưa được hưởng ơn Cứu Chuộc, chúng ta phải chu toàn sứ mạng đem những linh hồn này về đoàn chiên của Chúa. Đó là nhiệm vụ Tông Đồ của mọi người Ki-tô hữu.
Về hình thức tổ chức Giáo Xứ, chúng ta đã cố gắng giữ lại được nếp sống đạo đức chắc chắn theo tinh thần và truyền thống của Cha Ông chúng ta, mà ngày nay Giáo Xứ Tân Sa Châu của chúng ta đang bị những trào lưu vật chất mới lôi cuốn, không còn được hoàn toàn tốt đẹp như xưa, nhưng dưới ánh sáng Tin Mừng chỉ với yêu thương Giáo Xứ mới có thể đạt được những ước vọng tốt đẹp hơn, bởi: “Đâu có tình yêu thương ở đấy có Thiên Chúa”.