Giới thiệu về Nhà Thờ Giáo xứ Mỹ Hòa (Thủ Thiêm)
Giáo Hạt Thủ Thiêm Nhà thờ Mỹ Hòa, 136 Đường số 11, phường Bình Trưng Đông, Quận 2, Hồ Chí Minh, Việt Nam 136 Đường số 11 Hồ Chí Minh Hồ Chí Minh VN 0837430808 0837430808 Nhà Thờ là: Giáo Xứ Bổn Mạng: Đức Mẹ Mân Côi Số Giáo Dân: 2,500 Giáo Dân Năm thành lập: 1955 Linh Mục Chánh Xứ: Phanxicô Xaviê Ngô Phục Lịch Thánh lễ Thứ 7: 05:00, 17:30 Lịch Thánh Lễ Chúa Nhật: 05:00, 17:30
SƠ LƯỢC VỀ GIÁO XỨ MỸ HÒA – QUẬN 2
GIÁO PHẬN SÀI GÒN
Mùa thu năm 1954 phong trào di cư bùng phát khắp miền Bắc. Đồng bào lũ lượt bỏ quê vào miền Nam lập nghiệp. Trước tình hình đổi thay để bảo đảm an toàn sinh mệnh cho vị chủ chăn, nên một bộ phận nhỏ giáo dân thuộc Giáo họ Danh Giáo đưa Cha cố Đa Minh Vũ Bội Quỳnh đi Nam trước. Giáo dân trong giáo xứ vào Nam sau.
I. GIAI ĐOẠN SƠ KHAI.
Đầu năm 1955 Cha cố Đa Minh nguyên Chánh xứ Xuân Hoà đã quy tụ giáo dân Giáo xứ Xuân Hoà còn đang sống rải rác khắp nơi như : Tây Ninh, Long Phước, Lạc An, Phú Hữu, Đốc Vàng, Vũng Tàu về làng Bình Trưng thành lập trại định cư…
Trại trực thuộc Tổng Uỷ Di Cư. Cơ cấu tổ chức trại được chia làm ba khu. Khu A, khu B, khu C. Mỗi khu có một trưởng (ông trùm). Trưởng khu có trách nhiệm liên lạc với Tổng Uỷ để lãnh viện trợ về cung cấp cho bà con.
Vì nhu cầu thờ phượng, Cha cố Đa Minh đã dựng tạm nhà bạt để dâng lễ và cầu nguyện sớm hôm… Thời gian này, Cha cố Đa Minh nhờ Cha giáo Vịnh (+) thuộc địa phận Thanh Hoá giúp ban các bí tích, vì ngài không được dâng lễ do bị bề trên kỷ luật với lý do bỏ xứ vào Nam một mình.
Cùng phụ với các cha, có thầy Giuse Nguyễn Ngọc Lưu và thầy Giuse Đinh Văn Giám. Hai thầy cùng Cha cố Đa Minh đã thiết lập sơ đồ trại định cư, phân từng lô đất, đường xá theo địa hình bàn cờ thẳng tắp. Cấp cho mỗi gia đình 150 m2. Bà con nhận đất tranh thủ cất nhà bằng vật liệu đơn sơ, nhà tranh vách đất… Giồng Trầu thuộc xã Bình Trưng, hình thành từ rừng chồi, giờ đây đã trở thành một trại định cư đông đúc.
Cuối năm 1955, nhờ sự giao thiệp rộng rãi của Cha cố Đa Minh. Ngài được một vị ân nhân người Pháp lúc bấy giờ đang ở căn cứ Cát Lái, đã giúp cho ngài những tấm Tole và cây để ngài dựng lại ngôi Thánh đường bằng Tole tiền chế thay cho nhà bạt. (Xin xem hình)
Điều hành Giáo xứ lúc này vẫn là các cụ Trùm khu. Gồm cụ Trùm Chính (khu A), cụ Trùm Tản (khu B), cụ Trùm Xã Gắt (khu C).
Năm 1957, đời sống kinh tế và cuộc sống sinh nhai của Bà con Giáo xứ dần ổn định. Trại định cư này được địa phương hoá, có sự hiện diện của chính quyền cũ thuộc quận Thủ Đức, Tỉnh Gia Định, về dự lễ thành lập ấp Mỹ Hoà theo hệ thống hành chánh thuộc xã Bình Trưng. Kể từ đó, trại định cư có tên hành chính mới là Ấp Mỹ Hoà. Ý nghĩa hai từ Mỹ – Hoà được kết hợp bởi từ Mỹ (tên một vị ân nhân lớn của Giáo xứ), còn từ Hoà là tên gọi cuối của Giáo xứ Xuân Hoà cũ.
Giáo xứ Mỹ Hoà đã được Bề trên Tổng Giáo Phận nâng lên hàng Giáo xứ từ đây, và thuộc quyền quản trị của Toà Tổng Giám Mục Sài Gòn. Hội đồng giáo xứ cũng bắt đầu được lập ra. Cụ Trùm Đa Minh Trịnh Tản (+) làm chánh trương tiên khởi.
Các khu của Giáo xứ được đổi tên lại :
- khu A là khu Đức Mẹ Vô Nhiễm (trưởng khu là cụ Trùm Chính +)
- khu B là khu Đức Mẹ Fatima (trưởng khu là cụ Trùm Xuất +)
- khu C là khu Đức Mẹ Mân Côi (trưởng khu là cụ Trùm Y +)
Các đoàn thể được hình thành với các tên gọi : đoàn Liên Minh Thánh Tâm (hội gia trưởng ngày nay), hội Thánh Mẫu (hội Các Bà Mẹ hiện nay), hội Con Đức Mẹ, Hùng Tâm Dũng Sĩ (hội giới trẻ ngày nay), đoàn Thiếu Nhi. Riêng hội Dòng Ba Đa Minh đã có từ ngoài Bắc, các cụ được khấn dòng từ trước khi vào Nam, nên tự thành lập lại vào lễ đầu khấn dòng ngày 08/08/1956. Do Cha chính cố Đa Minh làm giám đốc của hội.
Những năm tháng đầu hoà nhập, nhờ nghĩa tình của người địa phương nơi đây hướng dẫn, Bà con giáo xứ sớm học và hiểu được những phong tục tập quán nơi vùng đất mới, nhất là về Nông nghiệp trồng lúa nước và hoa màu. Đây cũng chính là ngành nghề chính của Bà con Mỹ Hoà trên mảnh đất mới lập nghiệp.
Cũng trong năm này có một số xáo trộn về dân số. Một phần không nhỏ Bà con rời bỏ mảnh đất vừa đặt chân lên đây đi lập nghiệp xuống tỉnh Rạch Giá với ước mong đời sống khá giả hơn nơi miền đất phù sa trù phú. Số Giáo dân còn bám trụ lại tại Giáo xứ Mỹ Hoà khoảng 700 người (nhân danh), để lại một khoảng trống khá lớn đất đai nhà cửa và người đi Lễ thưa thớt… Lúc này Cha cố Đa Minh tiến hành cho xây trường tiểu học Xuân Phong (1957) vì nhu cầu giáo dục. Trường gồm 7 phòng học : 1 lớp nhì, 2 lớp ba, 2 lớp bốn, và 2 lớp năm do Thầy Nguyễn Ngọc Lưu làm hiệu trưởng.
Cha chính cố Đa Minh được Đức Giám Mục địa phận Thái Bình cử làm cha chính địa phận. Hằng năm có các thầy, các cậu đi tu về nghỉ hè. Để đáp ứng chỗ ăn – ngủ – nghỉ ngơi và sinh hoạt, năm 1961 Cha cố cho xây dựng lại nhà xứ cao ráo, sạch sẽ, rộng rãi và khang trang. Đồng thời xây dựng thêm phòng hội để có nơi sinh hoạt.
Năm 1962 Cha chính cố Đa Minh mua được một căn nhà ở Thị Nghè làm văn phòng đại diện của địa phận Thái Bình, làm nơi gặp gỡ hội họp của các cha gốc Thái Bình (góc đường Ngô Tất Tố và Nguyễn Văn Lạc ngày nay)
Cha chính cố Đa Minh cũng quy tụ một số cha gốc Thái Bình và các thầy mua đất xây dựng trường Trung Học và nhà thờ Nguyễn Duy Khang (mà sau này thành tu hội Nguyễn Duy Khang thay thế trường Kẻ Giảng ngoài Bắc Việt). Thầy Giuse Nguyễn Ngọc Lưu xuất thân từ tu hội này và đã được thụ phong Linh mục năm 1966 (ngài sống ở nước ngoài và đã được Chúa gọi về nhà Cha 04/12/2014). Thầy Giuse Đinh Văn Giám được truyền chức tại Tổng Giáo Phận Huế (đã mất liên lạc sau biến cố 30/04/1975), cùng nhiều thầy trong tu hội được truyền chức Linh mục, hiện đã mất, và đang còn phục vụ trong và ngoài giáo phận. Cha chính cố Đa Minh có 7 nghĩa tử và một số đông các cháu là Linh mục.
Năm 1962 với sự giúp đỡ của một số Giáo xứ bên Pháp thông qua sự giới thiệu của một vị ân nhân người Pháp, đã giới thiệu và giúp đỡ tài chánh cùng với sự đóng góp của giáo dân xứ đạo nhà. Ngôi nhà thờ thứ hai đã được xây dựng trên nền diện tích cũ (xin xem hình). Nhà thờ có kiến trúc và xây dựng bằng vật liệu nặng (xi măng, gạch, bê tông, mái gỗ lợp ngói cấp 4), trông rộng rãi, thoáng mát hơn… tất cả đều do người giáo dân trong xứ đạo thi công. Tháp nhà thờ được thiết kế dựa theo ý tưởng mẫu chữ Anpha và Ômega, có tháp chuông được đổ bê tông bằng 4 cột trụ nâng đỡ đứng bên cạnh, bên phải nhà thờ. Đến cuối năm 1963, ngôi Thánh đường được Đức cố Tổng Giám Mục TGP Sài Gòn về cắt băng khánh thành và chủ sự Thánh lễ Tạ Ơn.
Cha chính cố Đa Minh Vũ Bội Quỳnh là người cha có công lớn xây dựng Giáo xứ và chăm sóc đoàn chiên Chúa qua 13 năm trong tinh thần đầy yêu thương con cái và quảng đại.
Ngày 10/03/1968 Ngài được Chúa gọi về qua một biến cố lớn của thời chiến tranh. Người Cha Già đáng kính đã sống hết mình trong Chúa, giữa đoàn chiên và cho loan báo Tin Mừng. Cùng chịu nạn với ngài có dì phước Maria Nguyễn Thị Sâm là người giúp việc ẩm thực cho cha cố, các thầy và các cậu. Ngài được Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình chủ tế thánh lễ an táng và được yên nghỉ ngay bên cạnh tượng Đài Đức Mẹ Hoà Bình trong khuôn viên Nhà thờ Giáo xứ. Và như được bảo bọc trong lòng mọi con cái của mình.
2. GIAI ĐOẠN II:
Sau biến cố kinh hoàng và tang tóc tháng 3/1968 trong giáo xứ. Bề trên Tổng Giáo Phận Sài Gòn lúc bấy giờ là Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình rất thương đàn chiên giáo xứ Mỹ Hòa khi cha cố Đa Minh ra đi vội vàng về bên Chúa. Như nai con lạc mẹ, và để an ủi một giáo hạt (thuộc hạt Thủ Đức B) có các giáo xứ trẻ chỉ mới hình thành 13 năm trên vùng đất Bình Trưng – Phú Hữu (Gx. Công Thành, Gx. Tân Lập, Gx. Mỹ Hòa, Gx. Phú Hữu…). Linh mục Luca Nguyễn Thanh Bình đã được Đức Tổng bài sai về làm chánh xứ Mỹ Hòa ngay trong năm 1968.
Cha cố Luca trước khi về Mỹ Hòa ngài là cha phó Gx.Tân Lập (1963-1968). Dưới thời Cha chính cố Vinh Sơn Phạm Chí Thiện (+ 1978).
Tiếp nối truyền thống và di sản của cha cố Đa Minh để lại, Cha cố Luca tiếp tục duy trì và phát triển các hội đoàn của giáo xứ ngày càng đạo đức và thăng tiến. Ngài tiếp quản trường tiểu học tư thục Xuân Phong với tên gọi khác là Hiệu trưởng Nguyễn Quang Hồi để lo về giáo dục văn hóa. Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể phát triển sôi động trong giai đoạn này. Xứ đoàn Hài Đồng Gx. Mỹ Hòa do ngài làm tuyên úy tạo nên một dấu ấn nhất định trong giáo hạt và giáo phận, và chỉ chịu tan rã sau biến cố 1975.
Với lòng nhiệt huyết cổ võ cho đời sống Đức Tin, Cha cố Luca vẫn duy trì các hoạt động dạy học giáo lý, chia sẻ Thánh kinh cho thiếu nhi và giới trẻ. Xứ đoàn Hài Đồng vẫn âm thầm lớn mạnh dù không còn được kết nối với phong trào của toàn giáo phận.
Cùng cộng tác với Cha cố Luca qua các thời kì. Hội Đồng Giáo xứ trải qua các niên khóa như : khóa 1969-1971 do cụ Gioan Kim Nguyễn Văn Bổng (+) làm chánh trương. Khóa 1971-1975, cụ Đa Minh Trịnh Tản (+) được bầu lại. Khóa 1975-1985, cụ Giuse Đinh Quang Hiến (+) làm chánh trương. Khóa 1985-1996, cụ Vinh Sơn Nguyễn Văn Phiên (+) làm chánh trương. Giáo dân đến lúc này vào khoảng 1800 nhân danh.
Từ năm 1983-1996, Cha cố Luca đã tự tìm kiếm tài chính để nuôi 73 cậu từ miền Bắc vào Nam để học và dự tu. Đã có 13 Thầy được truyền chức Linh mục (2005), một số còn học tại Đại Chủng Viện Hà Nội sau 2005.
Nhớ ơn Cha cố Đa Minh tiên khởi. Ngài và con chiên giáo xứ đều đặn dâng lễ hàng tháng và vào ngày giỗ 10/03.
Vào năm 1987 Cha cố Luca lúc này mắt ngài đã rất yếu phải đi mổ đi mổ lại nhiều lần. Ngài mời Cha cố Gioan Baotixita Trần Đức Huyên, nguyên giáo sư Đại Chủng Viện Thánh Giuse Sài Gòn về nghỉ hưu và giúp Cha cố Luca trong công tác mục vụ. Cha cố Luca và giáo dân gọi Cha cố G.B với cái tên thân thương là “Cha Bác”, vì ngài cũng là lớp trên của cha cố Luca.
Ngày 01/08/1995, Cha cố Gioan Baotixita được Bề trên TGP. Sài Gòn bài sai về làm cha sở Giáo xứ Thánh Giuse Thợ – xa lộ Hà Nội, phường Phước Long A, huyện Thủ Đức. Ngài được Chúa gọi về ngày 24/05/2003 sau một quá trình dài phục vụ Chúa – Giáo hội và địa phận. Đặc biệt ngài để lại một công trình ngôi Thánh đường Thánh Giuse Thợ cho Giáo xứ của ngài, vừa khánh thành ngay trong năm đó.
Tháng 4/1996 Cha cố Luca xin đi hưu và ngài ở tại Giáo xứ Phú Hữu có số giáo dân nhỏ hơn để phục vụ. Sức khỏe của ngài lúc này rất yếu. Ngài rời giáo xứ và Tổng Giáo Phận Sài Gòn năm 1998, trở về Giáo xứ Bác Trạch, giáo phận Thái Bình quê hương nơi ngài sinh ra… và ngài đã được Chúa gọi về ngày 16/12/2009 tại quê nhà. Ngài được an nghỉ tại Đất thánh Giáo xứ Bác Trạch. Hưởng thọ 82 tuổi. Kết thúc hành trình 51 năm trong trong chức vụ Thánh chức Linh mục nơi dương thế.
3. GIAI ĐOẠN III:
Sau biến cố Đức cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình – Vị Chủ chăn Tổng Giáo Phận Sài Gòn được Chúa gọi về Nhà Cha 01/07/1995. Cha cố G.B Trần Đức Huyên rời Giáo xứ Mỹ Hòa về nhận xứ Thánh Giuse Thợ (01/08/1995). Cha chính cố Luca lại tái phát bệnh tật. Ngài đã liên hệ với tòa Tổng Giám Mục để xin Cha Giuse Đinh Quang Thịnh về coi sóc Giáo xứ Mỹ Hoà – lúc bấy giờ Đức Cha cố Nicolas Huỳnh Văn Nghi đang làm Giám quản Tông tòa TGP Sài Sòn từ những năm 1993 (kể từ khi Đức cố TGM Phaolo lâm bệnh nặng). Cha cố Luca rời Mỹ Hòa qua Giáo xứ Phú Hữu phục vụ và nghỉ dưỡng ngày 06/04/1996.
Ngày 17/03/1996, Cha Giuse Đinh Quang Thịnh – phó xứ, Giáo xứ Tân Phú – Sài Gòn về Giáo xứ Mỹ Hòa nhận nhiệm sở theo lệnh Bề trên. Lúc này Hội Đồng Giáo Xứ có các cụ Giuse Phạm Văn Gác (+) là chánh trương, cụ Giuse Nguyễn Văn Rĩnh (+), cụ Phêrô Nguyễn Đức, cụ Giuse Đinh Văn Chinh, cụ Tôn, cụ Bảo…
Giữa lúc Cha và Bà con giáo dân còn đang sốt sắng chung tay với nhiều dự định và nhu cầu sửa sang Hội trường Nhà xứ cho rộng rãi để phục vụ Cộng đoàn. Công trình còn đang ngổn ngang bề bộn… thì bỗng nhiên buổi sáng 21/6/1996, ngài buộc phải trở về nơi xuất phát để hoàn thành thủ tục hành chính theo yêu cầu từ phía cơ quan chính quyền huyện Thủ Đức. Ngài rời Giáo xứ đột ngột trở về Giáo xứ Tân Phú, quận Tân Bình mà không được trở lại nữa.
Giáo xứ Mỹ Hòa mới ngày nào bùi ngùi đưa tiễn Cha cố Luca đi hưu dưỡng, vui mừng đón nhận Cha xứ Giuse mới về nhận nhiệm vụ. Thế mà bỗng chốc, nay đàn chiên Giáo xứ như sống trong cả bầu trời đầy ảm đạm thiếu đi vị Chủ chiên… hụt hẫng, bâng khuâng… như đàn gà con khuyết mất gà mẹ…
Giữa lúc đau buồn đó, Đức Cha cố Giám quản Nicolas và Cha chính xứ Tân Lập – G.B. Phạm Văn Hợp – hạt trưởng hạt Thủ Thiêm cố gắng xoay sở trong điều kiện có thể, để lo các Bí tích và Phụng vụ cho Giáo dân Mỹ Hòa. Lần lượt các cha về phụ giúp mục vụ giáo xứ. Có Cha Giuse Quảng, Cha Vinh Sơn Mầm, Cha Phêrô Ân, Cha Thành, Cha Ban, Cha Tam… Đặc biệt, Cha Giuse Hoàng Văn Tình thuộc giáo xứ Thiên Thần bên cạnh, thường xuyên về Mỹ Hòa dâng Thánh lễ, ban bí tích và coi sóc an ủi giáo dân với một niềm trông cậy nơi Thiên Chúa, giáo xứ sẽ có Cha chính xứ một ngày không xa… Cha Giuse, ngài có một tình cảm đặc biệt, rất thương các em Thiếu Nhi Giáo xứ Mỹ Hòa. Có những khi cả Cha và con cùng khóc khi các hội đoàn giáo xứ nhà chưa biết đi đâu và về đâu…
Về việc dạy Giáo lý và chăm sóc Thiếu nhi Thánh Thể vẫn có các Dì được Bề trên Hội Dòng Mến Thánh Giá Tân Lập cử qua giúp đỡ.
Nhờ lòng quảng đại, thương mến của Quý Cha và Quý Sơ, công việc mục vụ và sinh hoạt của các đoàn thể trong Giáo xứ nhà như được hồi sinh và tiếp tục duy trì để tồn tại.
4. GIAI ĐOẠN IV:
Những ngày tháng thiếu vắng Chủ chăn. Bà con giáo dân Giáo xứ Mỹ Hòa vẫn đều đặn tìm về nơi thờ phượng. Đặt hết niềm trông cậy nơi sự quan phòng của Chúa, và qua sự cầu bầu của Đức Mẹ Mân Côi quan thầy giáo xứ. Các cụ ông, cụ bà và thiếu nhi giáo xứ với những lời kinh sớm tối, tìm an ủi bên Mẹ Maria là nguồn cậy trông.
Hai năm… thêm tám tháng gần ngàn ngày chờ đợi… Trong Thánh lễ buổi chiều một ngày đầu tháng 10 năm 1998, thông báo của Cha Giuse Hoàng Văn Tình, một người cha đã đồng hành, đồng cảm với Bà con giáo xứ trong chuỗi những ngày vắng bóng Chủ chăn. “Mỹ Hòa đã chính thức được Bề trên Tổng Giáo Phận chọn cho một vị Mục tử về phục vụ Bà con rồi, ngài là Linh mục F.X. Ngô Phục đầy năng lượng và trẻ trung…”. Cả Nhà thờ như vỡ òa, trong tâm tình xúc động cảm tạ Ơn Chúa. Cha F.X từ miền truyền giáo An Phú – Nhà Bè (quận 7), ngài đã gắn bó với Giáo xứ thân thương này 25 năm trước khi về Giáo xứ Mỹ Hòa. Tất cả nhờ Ơn Đức Cha cố Giám quản Nicolas. Vì chính Ngài đã yêu cầu Cha F.X. về coi sóc Giáo xứ Mỹ Hòa.
Hôm ấy thứ Bảy, một ngày đáng nhớ với Giáo xứ Mỹ Hòa : 24/10/1998. Ngày lễ Tạ Ơn – Đón Cha Tân chính xứ Phanxicô Xaviê Ngô Phục về. Giáo xứ như được sống trong ngày lễ hội tưng bừng. Với sự hiện diện của Đức Tân Tổng Giám Mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn – TGP. Sài Gòn, Chủ tế Thánh lễ. Có quý Cha Tổng Đại Diện, quý Cha hạt trưởng Hạt Thủ Thiêm và Hạt Xóm Chiếu, quý cha khách trong và ngoài Tổng Giáo Phận, cùng với quý vị quan khách khắp nơi về tham dự, chung vui cùng giáo xứ. Sau khi nhận chìa khóa Nhà thờ từ tay Đức tổng, Cha Giuse đưa Cha F.X ra kéo chuông Nhà thờ, đặt tay mở cửa Nhà Chầu Thánh Thể và nhận tòa Giải tội… là các nghi thức của Cha tân chính xứ.
Những ngày tháng đầu nhận xứ quả là những ngày tháng gian nan khổ cực của một vị Linh mục mà Chúa đã chọn ngài sống bao năm giữa những người nghèo của cả lương và giáo… mà như lời chào mở đầu trong Thánh Lễ Tạ Ơn khi về Giáo xứ Mỹ Hoà, ngài tâm sự : “Tôi chưa biết giáo xứ Mỹ Hoà. Tôi về đây vì vâng lời Bề trên. Xin đừng nhìn Vali tôi ! Tôi chỉ có hai bàn tay trắng, không đem theo những chương trình, kế hoạch, dự án ! tôi chỉ đem theo một trái tim … Chừng nào tim của tôi và của anh chị em có cùng nhịp đập, thì sẽ hình thành những dự án, kế hoạch, chương trình … Rất mong mau có ngày đó !…. Xin cám ơn cộng đoàn !”
Trải qua 5 năm phục vụ giáo xứ (1998-2003), ngài bắt tay cùng với Hội Đồng Giáo Xứ và Bà con giáo dân thực hiện vô vàn công việc buộc phải làm ngay. Tổ chức lại các sinh hoạt đoàn thể trong Giáo xứ cho phù hợp với phụng vụ canh tân của Giáo Hội và cộng đồng. Với các dự định và kế hoạch cho tương lai mở mang của Giáo xứ ngoài sức người lúc đó.
Sau 6 tháng Ngài về nhận xứ, một Ban Phục Vụ Dân Chúa ra đời thay cho Hội đồng Giáo xứ. Gồm có Ông Phanxico Xavie Mai Văn Huỳnh (+), trưởng ban, Ông Gioan Baotixita Hồ Đức Ân, và các Ông trưởng khu đầy trẻ trung năng động và giàu nhiệt huyết tông đồ. Cha xứ F.X sắp xếp mở rộng 4 Giáo khu thay cho 3 khu như trước đây. Gồm Giáo khu Cát Minh, Giáo khu Fatima, Giáo khu Vô Nhiễm và Giáo khu Mân Côi. Đồng thời Ngài cho sửa chữa Nhà Xứ đã quá mục nát, chỉnh trang lại Đài Đức Mẹ, phòng học Giáo lý cho các em Thiếu nhi. Sang đầu năm 1999 Ngài và Bà con giáo dân tiến hành xây dựng mới Hội Trường Giáo Xứ làm nơi sinh hoạt cho Cộng đoàn, cũng là để giúp giải quyết các khó khăn về việc tổ chức các sự kiện cưới xin trong Giáo xứ. Trong thời gian này, Ngài giao cho các anh chị Giáo lý viên vừa dạy Giáo lý, vừa từng bước tự quản phong trào Thiếu Nhi Thánh thể của giáo xứ thay cho các Dì đã xin rút về Hội Dòng MTG để làm nhiệm vụ khác của Bề trên. Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo Xứ lớn mạnh trở lại và càng ngày đi vào chiều sâu của giáo hạt và địa phận.
Năm 2002 Ngôi Nhà thờ cấp bốn sau 40 năm đã trở nên cũ kỹ và bắt đầu có những hư hỏng xuống cấp trầm trọng, nhất là vào mùa mưa. Các buổi họp bàn của cả Giáo xứ để lên kế hoạch xây dựng Nhà Chúa đã bắt đầu manh nha và là ao ước của Bà con Giáo dân… Đến tháng 3 năm 2003, Cha xứ cho thành lập một ban Vận động Xây dựng Ngôi Thánh Đường mới hình thành. Cả Giáo xứ bắt đầu thắt lưng buộc bụng, ngày đêm cầu nguyện xin Chúa chúc phúc lành cho công việc chung, để Giáo xứ có một nơi trang nghiêm thờ phượng, xứng hợp với một Giáo xứ ngày càng đông đúc Giáo dân hơn, và đáp ứng nhu cầu mở rộng dân số Giáo dân trên vùng đất quận 2 đang thay da đổi thịt từng ngày.
5. GIAI ĐOẠN V:
Những ngày tháng của năm 2003 đối với cả cộng đoàn : Cha xứ – Ban Phục Vụ dân Chúa – Ban Vận Động Xây Dựng Nhà Chúa, các Kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và Bà con giáo xứ… Là những ngày tháng sống trong bầu khí đồng lòng, đoàn kết và yêu thương của cả cộng đồng.
Các mô hình Nhà Thờ được đưa ra để góp ý, và được đồng thuận rất cao. Với mô hình kiến trúc Nhà thờ theo phong cách kiểu kiến trúc Gothic xen lẫn với kiến trúc Roman đã được lựa chọn để thi công. Với mái tháp chuông chính cao 42 mét, hướng thẳng lên bầu trời là hai tháp nhỏ bên cạnh trông thật hài hoà. Phía dưới tháp chính gồm một vòng tròn hoa văn, ban đầu được thiết kế là đồng hồ lớn và một vòm đặt tượng đài Đức Mẹ quan thầy Mân Côi. Ngôi Nhà thờ còn có các hình khối vuông góc cân xứng, các mái cửa chính điện, hành lang đổ theo hình vòm cung theo kiểu kiến trúc Công giáo thường thấy là chữ Anpha và Ômega. Phía sau Nhà thờ là mái vòm Roman, nơi được dùng làm phòng chuẩn bị Lễ (phòng áo).
Công trình xây dựng Ngôi Thánh Đường đã được bật mí là ý tưởng của Cha chính xứ F.X. cùng với các cộng sự tích cực, cộng tác viên thân tín của ngài. Và về sau này khi hoàn tất các Công trình Nhà thờ, Nhà chờ Phục Sinh, Núi Đức Mẹ, Nhà Mục Vụ… và Sân Khấu Quảng Trường có thêm sân Tennis với sức chứa vài ngàn người là một tâm huyết đã được nung nấu quy hoạch rất bài bản của Cha xứ của chúng ta.
Ngôi Nhà thờ ban đầu được dự toán khoảng 5 tỉ. Và lúc đó cha xứ cùng các ông trong các ban của giáo xứ quyết định khi có đủ 1 tỉ thì giáo xứ sẽ liên hệ xin phép xây dựng, xin đặt viên đá đầu tiên với giáo quyền…
Cũng trong thời gian này (2003), Hội Trường Giáo Xứ mới hoàn thành ngày nào đã được chỉnh trang lại gian cung thánh tạm, để Cha xứ làm Lễ và Bà con giáo dân lui tới tham dự Thánh lễ hàng ngày khi Nhà thờ cũ được hạ xuống để khởi công. Ban Phục Vụ Dân Chúa chính thức được bầu lại, và Bề trên Giáo phận trao giấy chứng nhận là Hội Đồng Mục Vụ của giáo xứ ngày 08/06/2003. Chủ tịch HĐMV được bầu lại là Ông Phanxico Xavie Mai Văn Huỳnh (đã được Chúa gọi về ngày 02/01/2004). Phó Chủ tịch HĐMV là Ông Gioan Baotixita Hồ Đức Ân.
Được sự cho phép của Đức Hồng Y Gioan Baotixita – Tổng Giám Mục – Tổng Giáo Phận, và với giấy phép thuộc sở xây dựng thành phố Hồ Chí Minh đã cấp. Ngày 20/03/2004, Đức Cha cố Nicolas Huỳnh Văn Nghi – Giám Mục chính toà Giáo Phận Phan Thiết chủ sự nghi thức làm phép và Thánh lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên xây dựng Ngôi Thánh Đường Giáo Xứ Mỹ Hoà.
Với 3 năm từ giai đoạn khởi công và hoàn thành Ngôi Thánh Đường giáo xứ Mỹ Hoà là biết bao nhiêu kỉ niệm được dệt nên bởi lòng mến, sự chung sức chung lòng, tình yêu với quê hương xứ sở mới của Cha chính xứ F.X. Cũng như của tất cả Bà con giáo dân Mỹ Hoà. Trong thời gian xây dựng, đã có một quyết định vô cùng táo bạo của Cha xứ – Hội Đồng Mục Vụ và Ban Xây Dựng. Đó là chỉnh sửa giấy phép để Ngôi Thánh Đường có thêm tầng hầm. Diện tích tầng hầm phía dưới lòng Nhà thờ có diện tích tương đương với gian chính Nhà thờ. Có nghĩa là Giáo xứ sẽ được lợi hơn khi ban đầu chỉ là một diện tích xây dựng Nhà thờ bây giờ thành được hai diện tích. Giá trị sử dụng công trình về hạ tầng được nhân lên hai lần về giá trị tài sản, và về giá trị đất. (Giá trị đất xây dựng vào thời điểm 2004 là khoảng 5,5 triệu cho mỗi mét vuông, với 1000 m2 thì giá trị đất sử dụng để xây dựng là khoảng 5,5 tỉ, nay mặt bằng chung là 15 triệu/m2 về đất xây dựng). Trong khi chi phí xây dựng thêm phần tầng hầm lúc đó vào khoảng thêm 3 tỉ.
Cuối năm 2005, mái tháp Nhà Thờ Giáo xứ Mỹ Hoà đã hoàn tất, và có thể nhìn thấy được bằng mắt từ xa… một ngọn tháp cao vút trên bầu trời quận 2 thân thương. Cũng trong cột mốc này, Cha xứ làm phép Nhà Chầu Thánh Thể hoàn thành sớm nhất ngay trong tầng hầm, để bà con giáo dân có nơi tìm về thờ lạy Chúa mỗi ngày, và cầu nguyện cho công việc chung của giáo xứ.
Có thể nói thời gian xây dựng Ngôi Thánh Đường giáo xứ đầy gian lao và vất vả, vẫn còn đọng lại trong mỗi cá nhân mỗi người con giáo xứ sự xúc động bùi ngùi, lòng biết ơn các Ân nhân từ việc ủng hộ hiện kim, hiện vật, tượng thánh, bàn thánh, chuông đồng… Sự giúp đỡ nhiều mặt của tất cả mọi thành phần : Bề trên Tổng Giáo Phận, các Cha xứ và Bà Con giáo dân các giáo xứ trong Tổng Giáo Phận mỗi khi giáo xứ đi ăn mày để tìm kiếm sự giúp đỡ xây dựng. Đặc biệt sự giúp đỡ vô điều kiện của những người lương cũng như người giáo dân sống bên cạnh giáo xứ… Nhất là của sự đoàn kết yêu thương trong từng gia đình, ông bà anh chị em, con cái của giáo xứ, của kiến trúc sư, giám sát công trình, các anh chị công nhân, các nghệ nhân tạc tượng thánh từ miền trung xa xôi vào đây sống và làm việc ngay trong giáo xứ. Trong đó, phải nói đến người đầy lo lắng trách nhiệm, và là người đứng mũi chịu sào cho sự An Toàn trong xây dựng, ngày đêm túc trực bên công trình, cùng làm, cùng ăn với anh chị em làm công trình là Cha chính xứ F.X. kính yêu. Chúng con các thế hệ xin ghi nhận công ơn của Cha xứ chúng con, của các ông bà, chú bác, các anh chị trong những ngày gian nan đó. Xin Chúa luôn gìn giữ, tuôn đổ tràn Thánh Ân trên Cha xứ và Quý vị ông bà cha mẹ, anh chị của chúng con.
Ngày 24/03/2007 được đánh dấu là ngày trọng đại của Giáo xứ Mỹ Hoà. Ngày khánh thành và Thánh Hiến Ngôi Thánh Đường và Bàn Thờ dâng lên Thiên Chúa và là nơi thờ phượng của Giáo dân và cả Giáo hội. Thánh Lễ Tạ Ơn dưới sự chủ tế của Đức Hồng Y Gioan Baotixita – Nguyên Tổng Giám Mục, Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Có sự hiện diện của Quý Cha Tổng đại diện, các Quý cha Hạt trưởng của các giáo hạt. Hạt Thủ Thiêm, và các Cha trong hạt, các Quý Cha Ân nhân, Quý Cha nghĩa tử của Cha xứ, các Cha thân quen của giáo xứ cùng đồng tế. Cùng chia vui với niềm vui chung của Giáo xứ có các Quý vị Ân Nhân xa gần, các Đoàn thể Tôn giáo bạn và các cấp chính quyền quận 2. Các quan khách ở trong và ngoài Tổng Giáo Phận cùng tham dự.
6. GIAI ĐOẠN VI :
Chúng con có thể tự hào khi lịch sử Giáo xứ Mỹ Hòa được viết tiếp lên giai đoạn sáu, là giai đoạn “Nhìn Lại Để Đi Tới”.
Nhớ lại lời mở đầu của vị tân chủ chăn trong Thánh Lễ Tạ Ơn, Cha Tân Chánh Xứ Phanxicô Xaviê Ngô Phục cách đây 20 năm, tháng 10/1998. Trước các bậc Bề trên, quý vị quan khách, ngài nói với bà con giáo xứ : hành trang của tôi mang theo chẳng có gì khác hơn là một Trái Tim. Một món quà quý giá dành tặng cho Bà con nơi ngài vâng lời mà đến. Vẫn một phong cách sống luôn cho đi chính bản thân như thủa tuổi 30 vừa lãnh nhận Thánh chức tại Tổng Giáo Phận Huế ngày 23/05/1973. Linh mục F.X. Ngô Phục đã vâng lời Bề trên theo tiếng gọi Linh hứng, rời quê hương lên đường gia nhập hội Thừa sai Việt Nam và Truyền giáo, bất chấp khó khăn và cơ cực…
Lời ngài nói khi về Giáo xứ Mỹ Hòa đã trở thành định mệnh ! Trái tim của cha xứ và Bà con giáo dân giáo xứ Mỹ Hòa như đã hòa nhịp và ngày càng hòa nhịp sau… 5 năm, 10 năm, 15 năm và rồi 20 năm. Bộ mặt của Giáo xứ Mỹ Hòa và của Cộng đoàn Giáo xứ cho đến hôm nay có thể khẳng định đã thay da đổi thịt một cách ngoạn mục, đáng kinh ngạc. Từ con người, các tổ chức hội đoàn Công giáo, đời sống văn hóa cộng đồng và các công trình Tôn giáo hiện diện xung quanh Giáo xứ… Tất cả là Hồng Ân ! Tạ Ơn Chúa.
Điểm lại các sự kiện, 5 năm (1998 – 2003) : đó có thể gọi là các bước ổn định công tác mục vụ và quản trị. Ban Phục vụ dân Chúa ra đời như một đoàn tông đồ được sai đi phục vụ chỉ vì lợi ích cộng đồng. 4 giới hình thành rõ rệt : Giới Gia Trưởng (Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm), Giới Mẹ Hiền (Các Bà Mẹ Công Giáo), Giới Trẻ và Phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể đã có thể kết nối với giáo hạt và Địa phận và đã lớn mạnh từng ngày. Chương trình xây dựng Ngôi Thánh Đường Mới… 5 năm tiếp theo (2004 – 2008) : Khánh thành Nhà thờ mới (2007), hoàn thiện các hạn mục (2008) : Núi Đức Mẹ, Nhà Chờ Phục Sinh, di dời Mộ Phần Cha Chính Cố Đa Minh vào khuôn viên Nhà Chờ Phục Sinh. Giai đoạn này Hội Đồng Mục Vụ được thành lập. Chủ tịch Hội Đồng Mục Vụ là Ông G.B Hồ Đức Ân, các Ông trong ban thường vụ và các giáo khu gồm : ông Nậm, ông Định, ông Cảnh, ông An, ông Minh, ông Chỉnh, ông Kỳ, ông Hòa, ông Cường, ông Tuynh …
Ngày 23/03/2011, được sự ban phép lành của Đức Hồng Y Gioan Baotixita – Tổng Giám Mục chủ chăn Địa Phận, có giấy phép xây dựng của Sở Xây Dựng thành phố. Đức Giám Mục Phêrô Trần Đình Tứ, Giám mục Giáo phận Phú Cường dâng lễ đặt viên đá xây dựng Nhà Mục Vụ Giáo Xứ. Trải qua một năm, năm 2012 và sau 15 năm (1998 – 2012) Ngôi Nhà Mục Vụ Giáo Xứ Mỹ Hòa và Quảng Trường Giáo Xứ đã hoàn tất và được khánh thành với sự chủ tế Thánh Lễ Tạ Ơn của Đức Hồng Y Gioan Baotixita – nguyên Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Sài Gòn. Một tòa nhà mới khang trang và hiện đại đã hình thành nằm bên cạnh Ngôi Thánh Đường nghiêm trang. Toà nhà Mục Vụ Giáo Xứ gồm một trệt hai lầu. Đáp ứng lòng mong mỏi bấy lâu nay của Bà con giáo dân giáo xứ Mỹ Hòa. Ngôi Nhà Mục Vụ Giáo Xứ được đưa vào sử dụng gồm : Hội Trường Giáo Xứ. Các phòng dạy Giáo Lý Khai Tâm, Rước Lễ Lần Đầu, Thêm Sức và dành cho phong trào Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo xứ. Các phòng nghỉ lưu trú dành cho các vị khách quý viếng thăm và một phòng sinh hoạt của cha xứ.
Như vậy tính đến năm 2012, các công trình tôn tạo vào xây dựng mới Nhà Thờ, Nhà Mục Vụ, Quảng Trường Sân Khấu, Nhà Chờ Phục Sinh, Núi Đức Mẹ của Giáo xứ Mỹ Hòa như hòa vào và là một điểm nhấn về các kiến trúc đẹp, phục vụ nhu cầu thờ phượng Thiên Chúa trên vùng đất quận 2 – Sài Gòn thân thương… Cũng trong năm này, khuôn viên Đất Thánh giáo xứ Mỹ Hòa đã hoàn thành với cổng rào bê tông kiên cố. Là nơi Bà con giáo xứ đưa tiễn người thân và tìm về cầu nguyện cho tổ tiên ông bà.
Hôm nay với một cộng đoàn giáo xứ trẻ trung, năng động và đổi mới. Hội Đồng Mục Vụ khóa thứ 3 đã được bầu lại năm 2016, gồm có các Ông, và cả các Bà phục vụ trong các giáo khu. Ông Antôn Vũ Ngọc Quang (ông trùm Cảnh) là chủ tịch HĐMV, các ông trong ban thường vụ và Giáo khu gồm có ông Antôn Cao Viết Tuấn, ông Phêrô Phạm Kim Quyền, ông Khanh, ông Ngọc Lan, ông Trung, ông Toàn, ông Quý, ông Bảy, ông Đính, ông Phong, bà Thơm, bà Ngắm, bà Diễm, bà Hạnh …
Huynh Đoàn Đa Minh Giáo xứ Mỹ Hòa đã được tái thành lập. Hội Gia Đình Phạt Tạ và Hội Các Bà Mẹ hoạt động ngày càng đạo đức và tham gia tất cả các hoạt động trong Giáo hạt. Các Ca Đoàn Cecilia và Ca Đoàn Mân Côi thay phiên trực dâng lời ca tiếng hát trong các Thánh lễ trọng và các lễ thường nhật. Đặc biệt, Xứ Đoàn Hài Đồng và Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể của Giáo Xứ đã có thể tự quản, lớn mạnh và tự tổ chức các hoạt động rất thành công cho các em thiếu nhi và cho cả cộng đoàn ở trong Giáo xứ và trong Giáo hạt.
Cuối tháng 10/2016, giáo xứ Mỹ Hoà khánh thành quảng trường Đài Thánh Giuse nằm phía đầu Nhà thờ, trong khuôn viên thánh đường. Như vậy, các công trình tôn giáo đã cơ bản hoàn tất. Hai công trình Núi Đức Mẹ và Đài Thánh Giuse của Giáo xứ nhà ví như được Mẹ và Cha Thánh luôn ôm ấp, che chở và bảo bọc con cái trong vòng tay của mình.
KẾT LUẬN :
Với những gì Giáo xứ Mỹ Hòa hôm nay đang có và đã trải qua, trong xây dựng, hình thành và phát triển : Từ con người với tinh thần phục vụ tông đồ, các hội đoàn đạo đức và thăng tiến, một lớp trẻ luôn kế thừa truyền thống và tràn đầy năng lượng lòng nhiệt huyết Nhà Chúa. Chúng con chỉ còn biết dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và các đấng luôn hiện diện bầu cử cho Giáo xứ chúng con. Nhìn lại 20 năm thay đổi của cả Giáo xứ để chúng con tiếp tục cầu nguyện, nắm tay đoàn kết để cùng nhau đi tới. Xin Thiên Chúa luôn ở lại trong cuộc sống của Giáo xứ chúng con. Xin Đức Mẹ Maria Mân Côi Quan Thầy Giáo xứ – Đức Thánh Cả Giuse luôn cầu bầu và bảo trợ cho đời sống cộng đoàn dân Chúa luôn được sống hiệp nhất và yêu thương.
Đã là một thông lệ, Cha xứ và Bà con giáo xứ luôn cầu nguyện bên Núi Đức Mẹ vào mỗi tối thứ bảy và mỗi tối thứ tư bên Đài Thánh Giuse. Giáo xứ chúng con xin tri ân và luôn cầu nguyện cho các Cha Chính Cố của chúng con, cho các Cha đã từng đến phục vụ trong cộng đoàn giáo xứ của chúng con, cho các vị tiền bối, ông bà cha mẹ của chúng con còn sống hay đã về bên Chúa. Cho các Ân Nhân và Thân Nhân của chúng con. Xin Tất cả các ngài cũng cầu nguyện lại cho giáo xứ chúng con nữa. Đặc biệt, con cái giáo xứ xin tri ân Cha Chính Xứ F.X của chúng con vì những gì ngài đã đem lại và còn tiếp tục đem lại vì lợi ích của cộng đoàn Giáo xứ chúng con. Chúng con chỉ biết dùng lời cầu nguyện đêm ngày, xin Thiên Chúa cho Cha xứ luôn được bằng an khỏe mạnh, để ngài tiếp tục phục vụ Chúa và cộng đoàn Giáo xứ Mỹ Hòa thân yêu.
II. TỔ CHỨC ĐOÀN THỂ:
Trong Giáo xứ có các Đoàn thể như sau:
A/ Đoàn thể
1. Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm
2. Các bà Mẹ Công giáo
3. Hội con Đức Mẹ
4. Huynh đoàn Đaminh
5. Đoàn Thiếu nhi Thánh thể
6. Giáo lý viên
7. Ca Đoàn
8. Các họ thiêng liêng
B/ Các Giới (thành lập năm 2004)
1. Giới Gia Trưởng
2. Giới các bà Mẹ Công giáo
3. Giới trẻ
4. Giới thiếu nhi
5. Giới Giáo chức
C/ Những người tận hiến cho Chúa
1. Linh mục
2. Tu sĩ
3. Nữ tu
https://facebook.com/gxmyhoa
BAN TRUYỀN THÔNG GIÁO XỨ MỸ HOÀ 2017