Giới thiệu về Nhà thờ Giáo xứ Hòa Thanh
Giáo Hạt Vạn Ninh ĐT7, Ninh An, Tx. Ninh Hòa, Khánh Hòa, Việt Nam Đường tỉnh 7 Thị xã Ninh Hòa Khánh Hòa VN Nhà Thờ là: Giáo Xứ Bổn Mạng: Lễ Chúa Hiển Linh Số Giáo Dân: 1,100 Giáo Dân Năm thành lập: 2002 Linh Mục Chánh Xứ: Giuse Trần Đình Hòa
Thông tin Nhà Thờ Giáo xứ Hòa Thanh
GIÁO PHẬN NHA TRANG
I. Vị trí địa lý:
Giáo xứ Hoà Thanh sống rải rác tại 7 xã: Ninh An, Ninh Sơn, Ninh Thọ, Ninh Diêm, Ninh Hải, Ninh Thuỷ, Ninh Phước, thuộc huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà; Đông giáp biển Đông, Tây giáp giáo xứ Mỹ Hoán, Nam giáp giáo xứ Mỹ Phước (đèo Bánh Ít), Bắc giáp giáo xứ Vạn Xuân (dốc Đá Trắng). Nhà thờ giáo xứ Hoà Thanh nằm dọc tỉnh lộ 7, trên địa bàn thôn Gia Mỹ, xã Ninh An, cách quốc lộ IA khoảng 3km về hướng Tây.
II. Đôi dòng lịch sử:
Giáo xứ Hoà Thanh và họ lẻ Hòn Khói.
A. Hoà Thanh:
Hoà Thanh trước 1975 là giáo họ Hoà Huỳnh. Nhà thờ giáo họ Hoà Huỳnh được gọi là thánh đường Ngọc Sơn, vì thuộc thôn Ngọc Sơn, xã Ninh An. Không biết Nhà Thờ được xây dựng từ khi nào, nhưng theo các tài liệu còn lưu lại, thì vào năm Bảo Đại thứ 19, Cha Lê Văn Kính đã lập hồ sơ xin trưng khẩn đất hoang ở chung quanh Nhà Thờ để giáo dân Ngọc Sơn khai phá, lấy huê lợi sử dụng cho Thánh Đường. Diện tích khu đất này là 22ha, Đông giáp quốc lộ IA, Tây giáp đường hoả xa (ga Hoà Huỳnh), Nam giáp hương lộ Ngọc Sơn (nay là tỉnh lộ 7), Bắc giáp suối nước.
Từ năm 1939 đến năm 1945, chiến tranh Pháp-Nhật lan rộng, giáo dân Hoà Huỳnh bỏ xứ ra đi. Những năm từ 1954 đến 1963, đất nước tạm yên ổn, giáo dân lại quy tụ về với họ đạo, trong đó có những giáo dân từ Quảng Nam, Quảng Ngãi vào định cư. Từ sau 1967, chiến tranh lại bùng phát, khu vực giáo họ Hoà Huỳnh là một vùng mất an ninh, nên giáo dân một lần nữa lại khăn gói ra đi. Những người ở lại thì một số ít giữa đạo, một số bỏ đức tin, một số theo Cách mạng. Khu vực thánh đường Ngọc Sơn trở thành hoang phế, hiu quạnh.
Năm 1975, hoà bình được lập lại, một số giáo dân cũ quay về quê để làm ăn sinh sống. Cùng với phong trào thiết lập các khu Kinh tế mới, một số giáo dân từ Nha Trang, Mỹ Phước, Mỹ Hoán cũng đến Đá Bàn, thuộc xã Ninh An để phát rẫy, làm ruộng.
Ngày 20 tháng 10 năm 1975, vì thấy nhà thờ Ngọc Sơn đã đổ nát, nên Cha Quản Xứ Mỹ Phước lúc bấy giờ là Cha Tađêô Lê Văn Thanh đã cho giáo dân tháo dỡ, không còn vết tích. Toàn bộ khu đất 22 hecta của Nhà Thờ sau đó được Nhà nước trưng dụng.
Để đáp ứng nhu cầu mục vụ của giáo dân, hàng tháng Cha Tađêô Lê Văn Thanh từ giáo xứ Mỹ Phước đến Ninh An để dâng Thánh lễ, giải tội. Địa điểm dâng lễ là nhà riêng của giáo dân, thay đổi từ nhà này đến nhà khác.
Nhưng rồi con số giáo dân ngày càng gia tăng, nên các nhu cầu mục vụ cũng tăng lên. Đã đến lúc cần phải xây dựng một ngôi nhà thờ để giáo dân có chỗ chính thức đến sinh hoạt tôn giáo. Vì xin xây dựng lại Nhà thờ trên chính mảnh đất cũ của giáo họ Hoà Huỳnh không được, nên Cha Tađêô Lê Văn Thanh đã xin Đức Cha mua một mảnh đất mới, và xây dựng Nhà thờ tại vị trí hiện nay, cách nhà thờ Hoà Huỳnh cũ khoảng 3km. Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Khánh Hoà đã ký giấy cho phép xây dựng Nhà thờ mới vào ngày 15.6.1995, và được Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà làm phép khánh thành ngày 05.01.1997, nhằm ngày lễ Chúa Hiển Linh. Tên của Giáo họ từ nay được gọi là Hoà Thanh, ghép từ hai tên của Đức Giám Mục Giáo phận và Cha Quản xứ Mỹ Phước.
B. Hòn Khói:
Không biết giáo dân đã có tại Hòn Khói từ khi nào. Chỉ biết ngày 13.10.1960, Cha Quản xứ Mỹ Phước (Gò Muồng) lúc bấy giờ là Cha Phaolô Nguyễn Văn Lạc đã mua lại khu đất 924m2 và căn nhà của bà Phan Thị Thỏ, ở tại thôn Phú Thọ, xã Ninh Diêm, để làm nơi sinh hoạt cho giáo dân. Hằng tháng Cha đến cử hành Thánh lễ và các thầy đến dạy giáo lý.
Cùng thời gian này, Cha Phaolô Nguyễn Văn Lạc được chính quyền địa phương cấp cho 704m2 đất, giáp ranh với đất bà Phan Thị Thỏ, để xây dựng Thánh đường. Sau ngày 30.4.1975, cả hai miếng đất và ngôi nhà nói trên đã được Ủy Ban Nhân Dân xã Ninh Diêm lấy làm trụ sở xã, nên giáo dân không còn nơi sinh hoạt nữa.
III. Con người và đời sống:
Theo thống kê cuối năm 2005, giáo xứ Hoà Thanh có tổng cộng 1045 giáo dân, chia ra như sau:
Tại Hòa Thanh có 197 hộ, gồm 809 giáo dân, sống trong các xã Ninh An, Ninh Sơn, và Ninh Thọ, là các xã miền núi. Đa số người dân ở đây sinh sống bằng nông nghiệp. Nghề nông bấp bênh, thu nhập thấp, nên thanh niên thường đi xa để làm ăn, học hành. Vì thế, giáo xứ có rất ít người trẻ.
Tại họ lẻ Hòn Khói có 56 hộ, gồm 236 giáo dân, ở rải rác trong các xã Ninh Diêm, Ninh Thuỷ, Ninh Hải và Ninh Phước, là các xã miền biển. Người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt trên biển, làm ruộng muối, buôn bán nhỏ.
Khi hai nơi này còn thuộc giáo xứ Mỹ Phước, Cha Quản Xứ Tađêô Lê Văn Thanh và Cha phó xứ Giuse Đào Quang Khải thay phiên nhau đi làm công tác mục vụ.
Tại Hòa Thanh, từ khi có Nhà Nguyện, hằng tuần Cha phó xứ đến mục vụ từ chiều Chúa nhật cho đến sáng thứ Năm, Cha Quản xứ từ chiều thứ Năm đến sáng Chúa Nhật.
Tại Hòn Khói thì các Cha chỉ đến cử hành Thánh lễ vào ngày Chúa nhật, tại nhà riêng của giáo dân. Với nghị định 26, Nhà nước không cho phép cử hành Thánh lễ tại nhà riêng, nên việc cử hành Thánh lễ ở đây không thể tiếp tục. Năm 2002, Toà Giám Mục đã cho mua một mảnh đất diện tích 1460m2 tại khu vực xã Ninh Thuỷ để xây dựng Nhà Nguyện, nhưng đến nay vẫn chưa xin được giấy phép.
Từ ngày 15.7.2002, Linh mục Giuse Đào Quang Khải được chỉ định về làm quản xứ Hoà Thanh, tách hẳn ra khỏi giáo xứ Mỹ Phước. Giáo họ Hòn Khói cũng được nhập chung với Hoà Thanh để làm nên một xứ đạo mới.
IV. Cơ sở vật chất:
Nằm trên một khoảnh đất rộng 2900m2, phía trước là cánh đồng, phía sau là một dòng kênh xanh lượn lờ dưới chân một rặng núi thấp, cơ sở của giáo xứ Hoà Thanh hiện nay gồm có:
– một nhà thờ 250m2, làm phép ngày 05.01.1997
– một nhà xứ, khánh thành ngày 31.5.1998
– một đài Đức Mẹ xây dựng năm 2002
– một tháp chuông, làm phép ngày 08.9.2004
– một nhà sinh hoạt, khánh thành tháng 9.2005
Trong tương lai, giáo xứ mong ước sẽ xây dựng thêm vài phòng học để có chỗ cho các trẻ em học giáo lý.