Giới thiệu về Nhà Thờ Giáo xứ Bình Cang
Giáo Hạt Nha Trang Vĩnh Trung, Nha Trang, Khánh Hòa Đường huyện 46 Thành phố Nha Trang Khánh Hòa VN 058.3890178 058.3890178 Nhà Thờ là: Giáo Xứ Bổn Mạng: Đức Mẹ Mân Côi Số Giáo Dân: 2,410 Giáo Dân Năm thành lập: 1740 Linh Mục Chánh Xứ: Antôn Nguyễn Công Nam Lịch Thánh lễ Thứ 7: 18:00 Lịch Thánh Lễ Chúa Nhật: 05:00, 18:30
I. VỊ TRÍ ĐỊA LÝ
Đông nam giáp giáo xứ Phước Hòa (Đường đất từ Thế Thông vào Đồng Bò). Đông bắc giáp giáo xứ Chợ Mới (Ranh giới thôn Phú Vinh). Tây giáp giáo xứ Hà Dừa (Ngã ba cải lộ tuyến, ranh giới xã Diên Toàn). Nam giáp núi. Bắc giáp giáo xứ Đại Điền (Sông Cái).
Gồm các xã Vĩnh Trung, Vĩnh Thái, Vĩnh Hiệp (trừ thôn Vĩnh Điềm – thuộc giáo xứ Chợ Mới), Vĩnh Thạnh (trừ thôn Phú Vinh – Chợ Mới) và xã Diên An.
Địa chỉ hành chính của giáo xứ: thôn Võ Cang, xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang – Khánh Hòa.
II. LỊCH SỬ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Bình Cang là một trong những giáo xứ lâu đời nhất ở tỉnh Khánh Hòa. Giáo xứ được thành lập từ thế kỷ 18 (năm 1740), khi ấy gọi là Võ Cang (cũng có tài liệu ghi năm 1653).
Lúc đầu có năm gia đình giáo hữu lập nghiệp tại bến đò “Chợ Ông Bộ”, họ lập ở đó một ngôi nhà thờ nhỏ bé, đó là ngôi nhà thờ đầu tiên của giáo xứ Bình Cang. Về sau, nơi khu vực nhà thờ hiện tại có một số gia đình công giáo khá đông, nên nhà thờ được di chuyển đến vị trí hiện nay.
Linh mục Favre, phó thanh tra Tòa Thánh, trong biên bản cuộc kinh lý tại Võ Cang ngày 24.9.1740 đã nói như sau: “Đây là một xứ đạo thành lập lâu đời, nhờ cha Gouge, thừa sai người Pháp khuếch trương và chỉnh đốn lại. chúng tôi nhận thấy giáo hữu sốt sắng đến nỗi nói được đây là hình ảnh của giáo hội sơ khai”. Và năm 1746 cha E.R Bennetat trong một bức thư đã khen ngợi lòng nhiệt thành giữ đạo và lòng can đảm chịu mọi khốn khổ vì đạo Chúa của giáo dân Võ Cang. Rồi ngài nói tiếp: “Tôi ở lại Võ Cang 6 ngày, giải tội 120 người, cho rước lễ 100 người và rửa tội 8 người”.
Suốt 300 năm cấm đạo, giáo hữu Bình Cang đồng một số phận như mọi anh em tín hữu khác từ Bắc chí Nam, bị phân sáp, tù đày, chém giết, tra tấn, phải trốn trong rừng, trên núi hoặc xuống tàu đi di cư vào Sài Gòn. Trong số giáo hữu Bình Cang tử đạo có cô Anê Dần là một cô bé thánh thiện và can đảm hơn cả. Bị bắt lúc 12 tuổi dưới thời vua Tự Đức, cô bị giam tù, bị ra khảo, đánh đập trong 3 năm trường, thân mình lở loét, giòi bọ rúc rỉa thối tha. Nhìu người lớn chịu không nổi cực hình đã chối Chúa bỏ đạo, nhưng cô bé thánh thiện vẫn một mực can đảm cầu nguyện van xin ơn Chúa giúp vững tâm cho tới chết.
Sau cơn bách hại thời Văn Thân (1885) Cố Ngoan đã quy tụ giáo dân xây dựng lại nhà thờ, lập nhà mồ côi cho người cô quả tật nguyền. Cố Ngoan đổi, Cố Lượng thay thế ít năm, rồi Cố Bình tới thay thế. Trong thời gian này, nhà thờ bị cơn bão năm Tý (1915) làm sụp đổ. Cố Bình làm lại nhà thờ, xây cất nhà phước Mến Thánh Giá và chăm sóc con chiên rất tận tâm cho tới khi thọ bệnh qua đời.
Cha xứ kế tiếp là Cố Liêm (E. Garrigues), được bổ nhiệm năm 1919 và ở đây cho tới cuối năm 1949, gần 31 năm. Chính nhờ tài đức của ngài cho nên trong thời kỳ này giáo xứ Bình Cang được phát triển khả quan về mọi phương diện. Ngài sửa sang mở rộng thánh đường, xây cất nhà cửa thêm cho tu viện Mến Thánh Giá, lập họ đạo Hòa Tân, mua ruộng đất tạo thành một số tài sản đáng kể cho xứ đạo và tu viện, ngài còn xây nhà xứ, trường học và nghĩa địa. Nhất là ngài đem ánh sáng đức tin đến cho nhìu gia đình và hằng tìm kím hướng dẫn các ơn kêu gọi linh mục và tu sĩ nam nữ.
Năm 1958 – 1967, trong thời kỳ này, Đức Cha Marcel Piquet Lợi lập dòng Khiết Tâm Đức Mẹ tại Bình Cang nơi cơ sở tu viện Mến Thánh Giá ngày trước, còn cha Valour thì xây một trường học ba gian rộng rãi tốt đẹp. Cho tới năm 1971 ba gian nữa được xây nối liền theo, như vậy hoàn thành chương trình ấn định làm một trường học 6 lớp từ mẫu giáo đến lớp 5.
Giáo xứ Bình Cang trước kia có 2 giáo họ là Hòa Tân và Cầu Ké. Hiện nay đã thành 2 giáo xứ. Họ lẻ Thánh Gia nay đã trở thành giáo họ biệt lập.
Nhà thờ giáo xứ Bình Cang đã khai móng tháng 5.2005 và khánh thành ngày 19.3.2007.
III. SINH HOẠT GIÁO XỨ
Giáo xứ Bình Cang có 5 giáo họ. Họ lẻ Thánh Gia trước kia thuộc giáo xứ Bình Cang nhưng nay đã trở thành một giáo họ biệt lập. Tuy có linh mục riêng và nhà nguyện riêng nhưng giáo họ Thánh Gia chưa có đủ những yếu tố để thành lập một giáo xứ mới nên các sinh hoạt tôn giáo như giáo lý, các đoàn thể, hội đoàn, hội nghĩa v.v.., vẫn tạm thời nhập chung với giáo xứ. Giáo họ chỉ phụ trách thánh lễ và chầu Thánh Thể.
- Số giáo dân.
Giáo xứ Bình Cang (năm 2012) có 645 hộ gia đình công giáo với 2410 giáo dân, bao gồm cả giáo họ Thánh Gia.
- Giáo lý.
Các lớp giáo lý gồm các lớp giáo lý phổ thông từ đồng cỏ non đến vào đời học vào mỗi sáng Chúa Nhật sau thánh lễ II. Lớp đào tạo giảng viên giáo lý do các sư huynh LaSan phụ trách. Các sinh hoạt giáo lý cho chủng sinh và dự tu do linh mục quản xứ và thầy xứ phụ trách. Lớp giáo lý chuẩn bị hôn nhân và dự tòng học các buổi tối trong tuần do các nữ tu Khiết Tâm và cha quản xứ phụ trách.
- Các hội đoàn và dòng tu.
Giáo xứ Bình Cang có nhiều hội dòng và hội đoàn vẫn hoạt động tích cực và thường xuyên. Các hội dòng trên địa bàn giáo xứ gồm: dòng Khiết Tâm Đức Mẹ – đóng góp cho giáo xứ trong việc dạy học giáo lý cũng như các công việc trong phụng vụ (chuẩn bị đồ lễ, cắm hoa, đánh đàn, tập hát ca đoàn…), cộng đoàn Vinh Sơn bác ái – tích cực trong những công việc của giáo xứ đặc biệt là chăm sóc giúp đỡ những người già cả neo đơn, những gia đình khó khăn trong giáo xứ cũng như những nơi khác, và cộng đoàn các sư huynh LaSan.
Các hội đoàn gồm: hội đồng giáo xứ, các bà mẹ công giáo, ca đoàn lớn, ca đoàn nhỏ, hội Phan Sinh, hội Lêgiô, chủng sinh, dự tu và nhóm niềm vui và hy vọng vẫn sinh hoạt và làm việc đều đặn.
- Các hoạt động xã hội.
Hằng năm vào dip tết nguyên đán , giáo xứ có tổ chức trợ giúp tiền và gạo cho những gia đình nghèo khó. Đầu niên học, cha xứ giúp các em nghèo sách vở và tiền học. Các giảng viên giáo lý thường tổ chức đi thăm một số gia đình có những người già cả, bệnh tật để an ủi và giúp đỡ họ.
- Đời sống kinh tế.
Người dân ở giáo xứ Bình Cang đa số sống bằng nghề nông, thu nhập không nhiều nhưng cũng đủ để trang trải cuộc sống. Rất ít người có nghề nghiệp, hoặc kinh doanh, dịch vụ, buôn bán nhỏ. Một số người đã về hưu và thất nghiệp. Đời sống tuy có chút khó khăn nhưng giáo dân sống vui và làm việc chăm chỉ.