Giới thiệu về Nhà thờ Giáo xứ Bảo Long
Giáo Hạt Nam Định Thôn 10, Mỹ Hà, Mỹ Lộc, Nam Định, Việt Nam Đường 976 Nam Định VN 0343784837 0343784837 Nhà Thờ là: Giáo Xứ Bổn Mạng: Đức Mẹ Vô Nhiễm 08/12 Số Giáo Dân: 4,685 Giáo Dân Năm thành lập: 1891 Linh Mục Chánh Xứ: Linh mục Giuse Nguyễn Văn Liên
Thông tin Nhà Thờ Giáo xứ Bảo Long
Giáo Phận Hà Nội
Giáo họ trực thuộc:
+ Giáo họ Như Thức
+ Giáo họ Thát Đông
+ Giáo họ Ngọc Xá
+ Giáo họ Quang Sán
+ Giáo họ Bảo Long trong
+ Giáo họ Thượng Khu
+ Giáo họ Tự Tân
+ Giáo họ Thiên Tuế
+ Giáo họ Nguyên Xá
+ Giáo họ Nghĩa Lễ
+ Giáo họ Lang Xá
+ Giáo họ Phạm Thức
Nhà Thờ Giáo xứ Bảo Long được thành lập năm Tân Mão (1891) do Đức Cha Găng Đơ Rơay (tên Việt Nam là Đức Cha Phêrô Maria Đông) là Giám Mục Địa Phận Hà Nội lúc bấy giờ. Ngài lấy 7 họ đạo xứ Kẻ Truyền, huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định và một số tổng Ngọc Lũ lập thành xứ Tân Lịch. Đầu năm 1893 (Quý Tỵ) con sông Ninh Giang được khai mở, thôn Bảo Long là một trong tám thôn thuộc xã Chân Ninh được tách ra và nhập vào tổng Như Thức, huyện Mỹ Lộc tỉnh Nam Định. Lúc này Ngài đổi tên xứ là xứ Chân Ninh. Năm 1950, Đức Cha Giuse Maria Trịnh Như Khuê, Giám Mục Địa Phận Hà Nội đổi lại tên là xứ Bảo Long.
Năm 1902 (Nhâm Dần) một Cha Thừa sai người Pháp JosephDépaulis (tên Việt Nam gọi là Cha cố Hương) từ Ngọc Lũ, Ngài đi khảo sát khu vực Chân Ninh, đến xóm Tân Lịch , Ngài thấy một khoảng đất rộng sáng đẹp, địa hình thuận tiện: phía Bắc giáp sông Ninh Giang làm đường thủy. Phía Nam giáp đê ất Hợi thuận tiện cho giao thông đường bộ. Sau khi đã khảo sát và cân nhắc, Ngài đã mời những vị chức sắc trong làng cũng như chính quyền ra bàn bạc và cắm luôn khu vực nhà thờ theo hướng Nam Bắc.
Trước khi vào việc, cha cố đã khấn hứa: “ Đức Mẹ Vô Nhiễm” giúp con hoàn thành ngôi thánh đường. Ngài nhờ một kiến trúc sư người Pháp lấy mẫu nhà thờ Đức Mẹ Lộ Đức và cho tiến hành thi công. Cha cố đã giao từng việc cho các cụ: cụ chánh trương Phạm Quang Tòng bao quát chung, cụ trùm Thể đốc công, cụ trùm Đồng quản lý công trình, cụ trùm Hồ quản lý và làm thợ mộc, cụ trùm Thức đi thuê thợ xây ở xã Nghĩa Hưng địa phận Phát Diệm. Cha con đã bàn bạc và thống nhất lấy đất ở 8 sào trước cửa khuôn viên, 6 sào ở phía Đông để đóng gạch, gạch được đến đâu các ông nhờ ông phó Ro sang nhờ thợ đốt gạch ở Bồ Gia xứ Tân Hưng đốt bằng củi, rơm rạ, ngói Ngài chuyển từ Mác Xây(Pháp) sang. Đá lấy ở Sở Kiện vận chuyển bằng đường sông, bà con cùng nhau tập kết về nhà thờ. Đang khi làm công trình, Cha cố có lệnh gọi đi quân dịch, Ngài cậy nhờ Đức Mẹ và xin bà con cầu nguyện, mấy ngày sau một thanh niên tên là Trần Văn Trưởng tình nguyện xin đi thay cho cố. Ông đã được bà con chúc mừng và khen ngợi. Cố lại được tiếp tục công việc xây dựng nhà thờ cho đến lúc hoàn thành.
Bảy năm xây dựng là 7 năm hạnh phúc nhưng cũng là 7 năm thách thức với bao nhiêu khó khăn. Công việc trao phó cho từng ông: việc nào vào việc ấy, khuôn khổ vào răm rắp. Ngày 08-12-1909 ngôi thánh đường đã được hoàn thiện, Ngài mời Đức cha Giuse Maria Đông giám mục Hà Nội về cắt băng khánh thành. Ngài lấy thánh quan thầy là: “Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội” từ đó nhà thờ thường xuyên có thánh lễ.
– Năm 1950 tức là sau 59 năm số Giáo dân của 12 họ Giáo là 1700 người.
– Năm 1954 do thời thế loạn lạc, đất nước hai miền phân cách, bà con Giáo dân di cư vào Nam, số còn lại ở nhà khoảng 1200 người.
– Theo tài liệu thống kê của Giáo xứ ngày 26 / 05 /2008 số giáo dân hiện nay là 3500 người .
Từ tháng 8 năm 1953 , Giáo xứ không có các Cha trực tiếp coi sóc, đời sống đức tin của Giáo dân bị mai mốt. Mãi đến năm 1957 Cha già Gioan về hưu tại quê hương họ Nghĩa Lễ thay quyền Cha quản xứ khi Ngài còn bình mạnh.
Ngày 26 tháng 7 năm 1977. Giáo Phận Hà Nội có lớp các Cha trẻ được truyền chức. Bề Trên Giáo Phận đã bổ nhiệm Cha Fx Vũ Đức Văn về coi sóc sáu xứ miền Xuân Bảng, Trại Mới, Bảo Long, Lập Thành, Đồng Đội, Phú Thứ. Ngài quản xứ từ tháng 7 năm 1977 đến năm 1999. Trong thời gian Cha Fx quản xứ, Ngài có công lớn trong việc củng cố đời sống đức tin và tháo gỡ biết bao nhiêu đôi ngăn trở Hôn phối đặc biệt ở hai họ Nguyễn Xá và Lang Xá.
Hạt giống Tin Mừng được gieo vãi và nảy mầm ở Giáo xứ Bảo Long trong một bối cảnh lịch sử không mấy thuận tiện. Thời kỳ cấm đạo khắc nghiệt dưới lưỡi gươm bách hại tàn bạo của triều đại vua Minh Mạng, Tự Đức đến Văn Thân (1820 – 1886). Dù khó khăn cấm cách. Giáo dân trong 7 họ đạo vẫn giữ vững đức tin kiên cường và còn lấy máu đào làm nhân chứng. Trong số 7 họ Giáo thời ấy đã có 12 vị tử đạo là Giáo dân của 3 họ: Như Thức, Quang Sán , Nghĩa Lễ. Trong đó có một vị là Giáo dân họ Bảo Long bị phân sáp theo chiếu chỉ của vua Tự Đức (1860) là cụ Trần Đức Lân bị bắt vì Đạo thời vua Tự Đức (năm 1859). Ngài nhận án và chịu xử giảo tại Cồn Liêu.
Đời sống đức tin đã được in sâu trong tâm hồn của mỗi Kitô Giáo,cho dù khó khăn gian khổ, lòng đạo đức ở các họ trong Giáo xứ ngày một thêm tăng. Để đáp lại tiếng Chúa mời gọi : “ Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít” (Mt 9,37) nhiều người con trong các Giáo họ đã tận hiến cho Chúa làm Linh mục, nam nữ Tu sỹ.
Tổng số các Linh mục, nam nữ Tu Sỹ trong Giáo xứ:
Có 19 Linh mục
Các Thầy có 27
Trên đây là 1 số nét sơ lược về Giáo xứ Bảo Long từ ngày khai sinh tới nay và cũng là kỷ niệm ngôi thánh đường vừa tròn một 100 tuổi. Trong dịp này, Đức Tổng Giám Mục Giuse và quý Cha đã long trọng cung hiến ngôi Thánh đường này và khai mạc năm Thánh tại giáo xứ Bảo Long.