Giới thiệu về Nhà thờ Giáo xứ Bách Tính
Giáo Hạt Báo Ðáp Đường đê vòng, Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định, Việt Nam Đường đê vòng Nam Định VN Nhà Thờ là: Giáo Xứ Số Giáo Dân: 1,100 Giáo Dân Năm thành lập: 1916 Linh Mục Chánh Xứ: Linh mục Jos Hoàng Văn Tuấn (15/12/2015)
GIÁO PHẬN BÙI CHU
GIỚI THIỆU VỀ NHÀ THỜ GIÁO XỨ BÁCH TÍNH
I – HIỆN TẠI:
* Giáo xứ Bách Tính hiện nay gồm 5 giáo họ nằm trên địa bàn 2 xã Nam Hồng và Nam Hoa:
1. Giáo Họ Nhà Xứ Bách Tính(xóm Hồng Thượng, xã Nam Hồng…)
2. Giáo Họ Đại (xóm Hồng Đại, xã Nam Hồng…)
3. Giáo Họ Cát (xóm Hồng Cát, xã Nam Hồng…)
4. Giáo Họ Hưng Nghĩa (thôn Hưng Nghĩa, xã Nam Hoa…)
5. Giáo Họ Trí An (đội 1, thôn Trí An, xã Nam Hoa…)
* Địa bàn: Bách Tính nằm áp sát quốc lộ 21(Cách thành phố Nam Định 12 Km về phía Nam, phía Đông áp sát con sông Hồng )
II- NGUỒN GỐC
Khoảng thế kỷ 13, vùng đất Bách Tính đã có dân từ các làng lân cận đến khai khẩn lập ấp.
Năm 1635, các tu sỹ dòng Tên đến giới thiệu Tin Mừng Đức Ky tô với người dân Bách Tính và nhiều người đón nhận cùng sống Tin Mừng.
Do sức phát triển mạnh của vùng truyền giáo và do nhu cầu mục vụ cho giáo hữu, Đức Cha Gioan De San Ta Cruz Thập nâng Bách Tính lên hàng giáo xứ năm 1720.
Nhân dịp đức cha Thánh Y Igna Tiô Delgado kinh lược các giáo xứ trong giáo phận và đã phê sổ công hàm nhà xứ năm 1806 (theo sách kỷ yếu giáo phận Bùi Chu 1533-1999 ).
Từ khi hạt giống được gieo vào lòng đất quê hương yêu dấu này, người dân trăm họ đã biết ấp ủ hạt giống tin mừng đem ấp ủ vào lòng đất phù sa màu mỡ bên dòng Sông Hồng tươi mát. Hạt giống nảy mầm tươi tốt, cành lá sum suê, bóng cả bao trùm một vùng rộng lớn – đó là xứ mẹ Bách Tính đông vui sầm uất, là mẹ hiền hòa đã sinh ra những người con phương trưởng và đàn cháu đông vui, thế nên có câu:
Tương Nam cao rộng vẻ vang,
Nam Hưng ca hát vinh quang Chúa Trời.
Hưng Nhượng phúc lộc hơn người
Mười sáu xứ họ rạng ngời đức tin…
III- CÁC GIÁO HỌ THỜI XƯA
Năm 1916, Giáo xứ Bách Tính gồm 16 giáo họ với một địa bàn rộng lớn là 16 xã:
1) Họ Nhà Xứ, 2) Họ Hưng Nghĩa, 3) Họ Cát, 4) Họ Đại,
5) Họ Quy Phú, 6) Họ Tương Đông ( hay Họ Nhương Đông), 7) Họ Xối Thượng, 8) Họ Thượng Lao, 9) Họ Tráng Việt, 10) Họ Bình Yên, 11) Họ Liên Tỉnh, 12) Họ Nam Hưng, 13) Họ Duyên Hưng, 14) Họ Thượng Trang, 15) Họ Vĩnh Thượng, 16) Họ Vĩnh Hạ ( xưa các cụ gọi là vĩnh ba ngòi vì xưa chưa có cầu cống, muốn vào đó phải lội qua 3 cái ngòi).
Thời kỳ đó rất đông giáo dân nên các cụ có làm một bộ kiệu Chúa có hai tầng, tầng trên có 8 người khiêng đứng nghiêm vào tầng kiệu dưới, tầng dưới là 24 người khiêng di chuyển đi. Bộ kiệu còn giữ đến sau Giáo xứ còn ít người nên đời Cha giáo Đaminh Thùy, Ngài và các cụ tháo bỏ, dùng thanh đòn cái của kiệu đó làm cột lớn của Tòa Chính hiện nay.
Thời gian trước (được các cụ kể lại): Có những cuộc rước từ Tương Nam về rất hoành tráng, uy nghi và trọng thể nên phải chăng dựng những kiệu lớn như vậy. Hay có lần đón Đức Giám Mục đi kinh lược từ Nam Hưng về giáo xứ rất trọng thể.
V- THỜI KỲ TÁCH XỨ
Năm 1918 Đức Cha Muna Gorri Trung xét nhu cầu mục vụ vì số giáo hữu ngày trở nên đông, Ngài lấy họ Tương Đông, họ Xối Thượng, họ Thượng Lao, Họ Tráng Việt, họ Bình Yên, họ Liên Tỉnh lập nên thành Giáo xứ mới gọi là Giáo xứ Tương Nam.
Năm 1920, Ngài tách 2 họ Vĩnh Thượng và họ Vĩnh Hạ lập nên Giáo xứ mới gọi là Giáo xứ Hưng Nhượng.
Năm 1925, Ngài tách 3 họ: họ Nam Hưng, họ Duyên Hưng và họ Thượng Trang lập nên Giáo xứ mới gọi là Giáo xứ Nam Hưng ( theo sách kỷ yếu Giáo Phận Bùi Chu).
VI- THỜI KỲ SAU TÁCH XỨ
– Sau khi tách xứ (Tương Nam, Hưng Nhượng và Nam Hưng) xứ mẹ Bách Tính còn 5 họ, sau thêm 2 họ nữa là họ Trí An và họ Phố Bè.
– Quan Thầy chung của Giáo xứ là Lễ Đức Mẹ Mân Côi (lễ kính vào 7/10 )
1) Giáo họ Nhà Xứ Bách Tính: Quan thầy Thánh Phêrô (lễ kính vào 29/6)
2) Giáo họ Cát: thành lập năm 1750, Quan thầy Thánh Đaminh (lễ kính vào 8/8). Sau được phép Giáo Phận năm 1983 cho nhận Mẹ Vô nhiễm (lễ kính vào 8/12)
3) Giáo họ Hưng Nghĩa: thành lập năm 1782, Quan thầy Thánh Giuse kết bạn (lễ kính vào 19/3) và sinh nhật Đức Mẹ (lễ kính vào 8/9)
4) Giáo họ Đại: thành lập năm 1749, Quan thầy Thánh Phanxicô Linh mục (lễ kính vào 3/12) và Đức Mẹ Hồn Xác lên trời (lễ kính vào 15/8)
5) Giáo họ Quy Phú: thành lập năm 1798, Quan thầy Thánh Gioan Tông đồ (lễ kính vào 27/2)
6) Giáo họ Trí An: thời kỳ Cha Phêrô Đoán về coi xứ, cha Liễn làm cha phó lập nên họ Trí An năm 1917, Quan thầy Thánh Phaolô trở lại (lễ kính 25/1)
7) Giáo họ Phố Bè: được tách từ một xóm thuộc Giáo họ Nhà xứ, vì thấy xóm giáo dân đông sốt sắng (xóm này bên ngoài bãi Sông Hồng ). Cha già Trị về coi Giáo xứ, Ngài cho xây nhà thờ và lập Giáo họ Phố Bè năm 1935, Quan thầy Thánh Têrêsa Hài Đồng Giê su (lễ kính vào 1/10).
VII- CÁC XÓM CỦA HỌ NHÀ XỨ
Năm 1935: thời gian Giáo họ Nhà xứ rất đông giáo dân, các cụ chia làm 6 xóm:
1) Xóm Phố Bè – Quan Thầy Thánh Têrêsa
2) Xóm Đông nhất – Quan Thầy Thánh Vinhsơn
3) Xóm Đông nhì – Quan Thầy Trái tim
4) Xóm giữa – Quan Thầy Thánh Giuse
5) Xóm sau – Quan Thầy Thánh Gioan và Thánh Giuse
6) Xóm tây- Quan Thầy Thánh Phêrô
Vì có các xóm nên trong xứ, họ có tổ chức công việc gì Ban hành giáo chỉ việc báo cho các ông đầu của các xóm, ông trưởng xóm đó có trách nhiệm loan báo và đôn đốc bà con xóm mình thi hành nhanh chóng và thuận tiện.
VII. NHÂN DANH GIÁO XỨ
Năm 1916 có 5524,
Năm 1951 có 986, năm 1999 có 833 nhân danh trong đó có 397 nam và 436 nữ.
Đến nay, năm 2009 có trên 1102 nhưng trên thực tế vì có nhiều thanh niên nam nữ đi làm ăn tản mát nhiều nơi ít khi về, nên con số không đủ 1102 nhân danh ở nhà. (theo sách kỷ yếu giáo phận ).
VIII- CÁC ĐẤNG TỬ ĐẠO TRONG XỨ
Ngày 2/7/1859 là năm Tự Đức thập tam (Có người gọi tên là ông Đội Cõn) dẫn một toán quân rất đông về làng Bách Tính truy lùng bắt các người đàn ông có đạo, phá phách cướp bóc tài sản các gia đình. Sau đó đốt cháy nhà thờ chính xứ đồng thời đốt luôn cả làng mạc, cũng may hôm đó gió đông thổi lớn và khi trời đã tối thì họ cũng thu quân bỏ về. Càng về tối, gió đông càng mạnh hơn nên sót được xóm đông không bị cháy, nên tổ tiên lúc đó mới còn được chỗ nương thân nhờ nhau. Cho đến ngày được thả tự do, các cụ mới dựng lại được nhà cửa.
Sự kiện đau thương này các cụ có viết một cuốn sách thơ ca rất dài nhưng rất tiếc cuốn sách đó đã bị thất lạc.
Trong toàn giáo xứ có 79 đấng tử đạo, sau đây xin chi tiết từng họ:
1- Giáo Họ Nhà Xứ: có 11 đấng, nhưng thực sự hài cốt được tôn vinh cuối nhà thờ chỉ là 5 đấng:
1) Cụ Phêrô Tốn
2) Cụ Phêrô Tảo 36 tuổi
3) Cụ Phêrô Siêu 31 tuổi
4) Cụ Phêrô Tuấn 26 tuổi
5) Cụ Phêrô Kiêm 32 tuổi, hiện đang suy tôn trên đài ở hàng thứ 10 và 11 có 3 đấng còn lại là cụ Đaminh Lĩnh, cụ Phêrô Thường 24 tuổi, cụ Phêrô Dị 26 tuổi. Ba đấng này được các cụ truyền lại: táng ở gian thứ 5 nhà thờ gỗ cũ (bán cho Xương Điền) và còn một cụ nữa là Phêrô Gia 35 tuổi cụ này bị đập chết buông sông.
* Theo bản án các thánh tử đạo họ nhà xứ thì còn có hai đấng nữa bị mất xác là cụ Phê rô Bảo 34 tuổi và cụ Đaminh Ba 22 tuổi ( việc này không được các cụ lưu truyền lại).
2- Giáo Họ Quy Phú: có 35 đấng nhưng chỉ có 34 đấng có hài cốt hiện đang tôn vinh ở cuối nhà thờ chính xứ, xếp trong 8 hàng mỗi hàng có 4 đấng, hàng thứ 9 xếp 2 đấng nữa. còn một đấng không được các cụ nói rõ tên bị đập chết buông sông. (Các cụ nói: Giáo dân tốn bao nhiêu công sức đi tìm hài cốt, sau cùng Ngài phải hiện về bảo đừng tìm kiếm nữa).
* Lưu ý: Họ Nhà Xứ và họ Quy Phú, tại đây quy tụ hài cốt 39 đấng về đài các thánh tử đạo ở cuối nhà thờ chính xứ để tôn kính.
Ngày13/11/1954 dưới sự chỉ đạo và giám sát của cha Gioakim Nguyễn Đức Hinh cha chính xứ Tương Nam là cha quản xứ Bách Tính lúc đó. Đài hồi đó còn làm sơ sài, sau 7 năm đến năm 1961 Ngài chỉ đạo cho 2 cụ trùm Phêrô Bính ( trùm chánh ) và cụ Phêrô Sắt ( trùm phó ) xây kiên cố như hiện nay, còn các họ Cát, Đại, Hưng Nghĩa hài cốt các đấng được tôn kính ở đài giáo họ đó.
3- Giáo họ Cát: có 17 đấng nhưng hài cốt tôn kính trên đài cuối nhà thờ giáo họ có 6 đấng là: cụ Đaminh Hội, Cụ Đaminh Hoán, cụ Đaminh Gỗ, cụ Đaminh Phụng, cụ Đaminh Bài, cụ Đaminh Thừa. theo tờ bản án họ Cát còn lưu giữ, thì còn 11 đấng còn lại được táng tại nhà quán cũ ở gian chính giữa. trong đó có 2 thầy là thầy Sung và thầy Xuân (Vì 2 thầy ở nơi khác đến nên các cụ không rõ tên thánh, tên họ. còn lại 9 đấng là: 1) cụ Đaminh Trọng (Tạo), 2) cụ Đaminh Khánh, 3) cụ Đaminh Thư, 4) cụ Đaminh Tri, 5) cụ Đaminh Thim, 6) cụ Đaminh Xe, 7) cụ Đaminh Thùy, 8) cụ Đaminh Chưng (Chung), 9) cụ Gioan Cận.
4- Giáo họ Đại: có 13 đấng diễm phúc tử đạo, hiện đang tôn kính trên đài cuối nhà thờ giáo họ là: 1) cụ Phêrô Cương, 2) cụ Phêrô Lương, 3) cụ Phêrô Bình, 4) cụ Phêrô Nhi, 5) cụ Phêrô Hồi, 6) cụ Phêrô Cử, 7) cụ Phêrô Mà, 8) cụ Phanxicô Hòa, 9) cụ Phêrô Báo, 10) cụ Đaminh Đức, 11) cụ Phêrô, 12) cụ Đaminh Bằng, 13) cụ Phanxicô Bảy.
5- Giáo họ Hưng Nghĩa:
Có 3 đấng được tôn kính ở cuối nhà thờ giáo họ là: 1) cụ Thome Vòng, 2) Cia Cinti Hoan, 3) cụ này không tên thánh, tên gọi.
IX- CÁC THÁNH ĐƯỜNG TRONG GIÁO XỨ: ( hiện tại còn 5 nhà thờ )
1- Nhà thờ Giáo họ Nhà xứ:
Thật là ơn trời mưa xuống, đất tốt trổ hoa, một ngôi thánh đường chính xứ nguy nga, đồ sộ với hai ngọn tháp cao lồng lộng như hai cánh tay mẹ hiền vươn lên trời cao xin ơn mưa móc xuống cho đoàn con dương thế trong giáo xứ. Công trình này do cha già Trị, với bàn tay lao động có đức tin của các bậc tiền bối trong bao năm tháng và tồn tại đến ngày nay.
Hoàn thành năm 1936, được các cụ kể lại rằng: “trước khi làm nhà thờ được cha và các bậc tiền bối có tổ chức làm trên dưới 10 lò gạch ở bãi sông Hồng. Các khuôn để đóng gạch mộc được làm sẵn theo các gờ chỉ lồi lõm theo mẫu thiết kế. Hồi đó, các cụ nung gạch bằng củi, cỏ,… khi xây cứ thế lắp ráp vào, không phải chặt đẽo gạch. Nhà thờ dài 60m, trên gian thánh 2 bên hông nhà thờ có xây đua ra 2 bên hình thánh giá. Hai bên đó rộng 22 m nội tâm, 25 m phủ bì. Theo lời các cụ kể: hồi đó giữa giáo xứ Tương Nam và Bách Tính đua nhau làm nhà thờ to. Xứ nhà hạ móng trước, xứ Tương Nam lên tham quan các cụ về thiết kế to hơn xứ nhà, các cụ xứ nhà biết được thế, các cụ liền mở thêm móng rộng ra hai cánh bên, nhà thờ thành hình thánh giá vừa đẹp vừa rộng.
Hai cây tháp trước kia, các cụ làm trên đầu tháp còn có 4 gọng vó, 4 góc vuông vòng lên chụm đầu vào nhau, ở giữa là quả cầu tròn và trên cùng là thánh giá. Sau bị bão hất đổ gọng vó này xuống. hai đầu tháp chỉ còn trơ như hiện tại.
Từ năm 1660, tổ tiên đã 4 lần làm nhà thờ. Nhà thờ thứ 4 đời Tự Đức thập tam (1859) đốt cháy. Cha già Giản về coi xứ, Ngài cho dựng nhà thờ thứ 5 làm bằng gỗ lợp bổi khá to lớn và hoành tráng. Cha già Trị về coi xứ lần thứ 6 làm nhà thờ xây, vẫn được tu dưỡng và sử dụng đến bây giờ. Còn nhà thờ gỗ được bán cho giáo xứ Xương Điền.
2- Nhà Thờ Họ Cát:
Từ khi đón nhận Tin Mừng đến 1915 không được các cụ kể lại. chỉ biết khi cha Đoán về coi xứ ngài cho làm nhà thờ họ Cát năm 1922, sau bị bão đổ. Cha già Trị về coi xứ ngài cho xây lại nhà thờ hiện nay. Chiều dài 30m, rộng 10m, cao 10m
3- Nhà Thờ Họ Đại:
Nhà thờ cũ các cụ làm, sau bị bão đổ. Cha già Trị về coi xứ Ngài cho xây lại ngôi nhà thờ như hiện nay năm 1933. chiều dài 33m, rộng 10m, cao 12m.
4- Nhà Thờ Họ Hưng Nghĩa:
Nhà thờ trước được các cụ làm bằng gỗ năm 1920. Khi cha xứ Phê rô Nguyễn Đức Long xét thấy giáo dân ngày một đông vả lại nhà thờ gỗ lâu ngày nhiều chỗ hư hỏng. Ngài cho xây lại, hoành tráng, to đẹp hơn năm 2005. Chiều dài 29,5m, rộng 13m, cao 14m.
5- Nhà Thờ Họ Trí An:
Cha Đoán về coi giáo xứ. Ngài thành lập nên giáo họ Trí An năm 1917. Theo lời kể của ông cựu quản Phaolô Ri người giáo họ cho biết: từ khi thành lập giáo họ đến nay, giáo họ đã 5 lần di chuyển nơi ở và 8 lần làm nhà thờ. Nhà thờ thứ 8 hiện nay, cha xứ Phê rô Nguyễn Đức Long cho xây dựng năm 2004. Chiều dài 27m, rộng 10m, cao 7,5m.
Hai họ trong giáo xứ không còn nhà thờ là họ Quy Phú và Phố Bè
6- Giáo họ Quy Phú:
Năm 1931, cha già Trị về coi xứ cũng được Ngài xây dựng nhà thờ. Sau vì cuộc sống giáo dân trong giáo họ tản mác đi làm ăn xa nhiều nơi. Nhà thờ gần như bị bỏ hoang, giặc giã đến chiếm đóng làm nơi đồn bốt. đến khoảng 1953, nhà thờ bị phá hủy toàn bộ. giáo dân chỉ còn một gia đình cụ Hợp và con cháu, sau cũng sát nhập vào giáo họ nhà xứ.
7- Giáo họ Phố Bè:
khoảng năm 1935, đây là nơi buôn bán các loại gỗ, luồng, tre, nứa,… Vì bên trong đê là sông con, bên ngoài đê là sông Hồng chưa bị lở, từ mặt đê ra sông còn rộng khoảng 1km nên bà con tụ tập buôn bán rất đông vui, sầm uất. cha già Trị về coi xứ, Ngài xây nhà thờ lấy tên là họ Phố Bè. Sau bãi sông ngày càng lở, nhà thờ cũng bị lở theo. Giáo dân vào sát nhập họ nhà xứ, họ Cát, họ Đại. Hằng năm đến 1/10 những người này thường vẫn xin lễ kính thánh Têrêsa. Để tưởng nhớ hai họ Phố Bè và Quy Phú không còn nhà thờ, đến năm 1996 cha cố Kim Long và quan bác Thuận đã sáng kiến ra bàn bạc với ông Phêrô Nguyễn Văn Viện- hội trưởng hội đồng hương Bách Tính ỏ Sài Gòn tổ chức khuyên cúng làm hai pho tượng và tòa Thánh Gioan quan thầy họ Quy Phú và thánh Têrêsa quan thầy họ Phố Bè đưa về nhà thờ chính xứ để tôn thờ thay cho hai họ không còn nhà thờ. Cũng thời gian đó các Ngài làm luôn cả 14 đàng thánh giá nổi bằng thạch cao đưa về đặt tại nhà thờ chính xứ thay thế cho bộ đàng thánh giá cũ.
X- CÁC CHA COI SÓC
Từ khi đón nhận tin mừng đến năm Tự Đức cấm đạo, không được nghe các cụ nói lại là những cha nào coi xứ, các cụ chỉ hướng dẫn cho từ năm cấm đạo trở lại đây. Nhưng theo sách kỷ yếu giáo phận 1553-1999, sách này có chép là:
1) cha Dinh
2) cha Nghiễm
3) cha Du
4) cha Hiển
5) cha Văn
6) cha Phiên
7) cha Đaminh Tri
8) cha Toản
9) cha Đaminh Trứ
10) cha Toàn
11) cha Đaminh Lương
12) cha Đaminh Quảng
13) cha Đaminh Tuân
14) cha Đaminh Thông
15) cha Vinh sơn Quán.
Thời gian sau cấm đạo trở lại đây được các cụ kể tỉ mỉ.
1) Cha già
Đaminh Nguyễn Văn Giản ( 1869-1900)
Ngài về coi xứ, nhà thờ bị Đội Cõn dẫn quân về đốt rồi ngài đã huy động giáo dân họ xứ làm nhà thờ bằng gỗ lợp bổi đẹp đẽ, to lớn. nhà thờ chính xứ này, đến khi cha già Trị về coi xứ, Ngài làm nhà thờ xây hiện giờ, thì nhà thờ gỗ bán cho giáo xứ Xương Điền. Ngài tạ thế ngày 4/8/1900 tại giáo xứ. thi thể Ngài được giáo xứ an táng ở gian trên cùng áp gian thánh. Nhà thờ bằng gỗ cũ đã bán rồi, đến nay nhà thờ xây nên không rõ vị trí ngài nằm an nghỉ. Tháng 8/2005, cha xứ Phê rô Nguyễn Đức Long- Ngài đặt làm mộ đá đặt ở trong sân đài thánh tử đạo để giáo dân tưởng nhớ, tri ân Ngài.
2) Cha Đaminh Vũ Văn Duệ ( 1872-1914).
Ngài là nghĩa tử cha già Giản và là cha phó của ngài. Ngài tạ thế tại giáo xứ ngày 25/4/1914. Thi thể Ngài được an táng tại phía nam nhà thờ chính xứ ( thẳng gian thánh ra). Đến 8/2005, cha xứ Phê rô Nguyễn Đức Long tổ chức giáo xứ cải táng Ngài và được rước trọng thể đưa hài cốt ngài vào trong sân thánh tử đạo táng và làm mộ đá đặt lên để tri ân ngài.
3) Cha Đaminh Phượng ( 1914-1916 ).
Ngài cũng là nghĩa tử cha già Giản
4) Cha Phê rô Đoán ( 1916-1929 ).
Ngài về coi xứ xây nhà thờ họ Cát (1922 ). Lập nên giáo họ Trí An ( 1917 ) và ngài lập ban kèn đồng ( 1918 ). Như vậy ban kèn đồng đã có từ thời đó, được các cụ trong xứ duy trì, cho đến năm 1954, giáo dân di cư nên không còn người sử dụng. Toàn bộ kèn được bảo quản và cất trong tòa giải tội ( hòm ) ở cuối nhà thờ. Đến năm 1965, cụ trùm Phêrô Bính ( trùm chánh ), cụ Phêrô Sắt ( trùm phó ) xin phép cha quản xứ ( cha Gioakim Hinh ), các cụ bán cho xứ Phú An để lấy kinh phí xây lại nhà chính hiện nay vì nhà chính cha ở lúc đó bằng gỗ lợp bổi lâu năm hư hỏng nặng. Năm 1954, cha Đaminh Đinh Duy Khiêm- Ngài đã có dự tính làm lại nhưng rồi ngài di cư nên không kịp làm. Nhà chính xứ đó các cụ hoàn thành năm 1966.
Đến năm 1998, quan bác Phêrô Nguyễn Đức Thuận ( anh Cha Kim Long ) Ngài ở Sài Gòn về thăm quê hương, ngài tham dự cuộc rước, Ngài thấy không được sôi động vì thiếu ban kèn đồng, nên nguyện vọng ngài muốn dựng lại ban kèn. Sau đó, Ngài bàn với cha xứ Phê rô Nguyễn Đức Long và cha Kim Long. Đồng thời ngài giao cho ông cựu trùm Phê rô Toan nên dự trù khoảng bao nhiêu loại kèn, mỗi loại kèn là bao nhiêu chiếc, ướm kinh phí toàn bộ khoảng bao nhiêu? Sau đó ngài yêu cầu cho anh em học nhạc. sau 3 tháng học nhạc ( 7/1998- 10/1998) trực tiếp cha Kim Long, Ngài cầm tài chính về và Ngài lên Hà Nội mua kèn về trao cho Cha xứ làm phép và để anh em lo tập. Anh em đã lo tập ngày 3 buổi sáng, trưa, tối. Đến 1/11/1998, đại lễ các Thánh, ban kèn được ra mắt, phục vụ lễ. Từ đó ban kèn được duy trì học thêm và phục vụ cho đến nay.
5) Cha phó của cha Đoán là cha Liễn.
6) Cha kế tiếp là Cha già Trị 1929-1936.
Ngài là Trưởng Tử của cha giáo Thuật ( Cha bản hương ) về coi xứ Ngài xây nhà thờ chính xứ hiện nay, xây nhà thờ họ Quy Phú, xây nhà thờ Phố Bè, xây nhà thờ Họ Cát, Họ Đại ( nhà thờ họ Cát Cha Đoán mới làm bị bão đánh đổ ).
7) Tiếp đến là PauLo Chúc ( không được các cụ kể gì về cha ).
8) Cha Phaolô Khải ( 1937- 1939 ), Ngài lập hội cầu nguyện nghĩa binh thánh thể.
9) Sau đó là cha giáo Đaminh Thùy ( Tháng 11/1939-1942 ), ( ngài cũng là nghĩa tử cha già Giản ).
Ngài xây tiếp hai tháp chuông ( cha già Trị còn xây dở ) vào áo cuối nhà thờ, ngài làm ba bộ tòa nhà thờ chính xứ ( hiện nay ) và số tòa treo cột ( sơn son thiếp bạc phủ hoàng kim ). Ngài thay gỗ lim 3 gian cuối trên mái nhà thờ ( khi trước tạm bỏ bằng tre luồng ).
10) Cha Đa Minh Nguyễn Thế Vị ( 1942-1945 ). Ngài vào áo tường hai hông nhà thờ phía ngoài, làm đường kiệu chung quanh nhà thờ. Ngài tạ thế tại giáo xứ 9/11/1945 thi thể Ngài giáo xứ an táng ở cuối nhà thờ chính xứ về phía bắc đến tháng 8/2005 cha xứ Phê rô Nguyễn Đức Long tổ chức giáo xứ cải táng và rước hài cốt Ngài trọng thể vòng quanh nhà thờ về an táng ngài trong sân Đài các thánh tử đạo và lập mộ đá để tri ân ngài.
11) Cha Micae Trần Đức Huỳnh ( 1946-1952 )
Thời kì này khó khăn không xây dựng kiến thiết được, nhưng ngài đã để lại cho giáo xứ Bách Tính một nghĩa tử vô cùng quý giá là: Cha cố nhạc sĩ Phêrô Nguyễn Kim Long.
12) Cha Đaminh Đinh Duy Khiêm ( tháng 2/1952-9/1954 ) Ngài dự định xây lại nhà phòng chính xứ để ở, nhưng chưa kịp làm thì đi di cư. Từ đó giáo xứ sống trong cảnh buồn tẻ, vì giáo dân di cư tản mác, người nam, kẻ bắc, giáo dân thưa thớt, lại không có cha coi sóc nữa. Đáng tiếc cho một xứ mẹ mà mồ côi cha.
13) Cha xứ Tương Nam Gioakim Nguyễn Đức Hinh ( quản xứ Bách Tính 1954-7/1/1965 ).
Ngài qua đời tại giáo xứ Tương Nam.
14) Cha Phêrô Phạm Văn Cử ( Cha quản xứ 1966-1976 )
15) Cha Giu Se Phạm Đình Chẩn cha quản xứ
( 1979-1994 )
Ngài đã qua đời tại giáo xứ Tân-Bình an táng Ngài tại giáo xứ Tân-Bình nơi ngài coi sóc.
16)Cha Phêrô Nguyễn Đức Long
( quản xứ 2/1994-10/2006)
Ngài về quản xứ đến ngày 9/10/1994 Chúa Nhật 28 thường niên ( tức 5/9/âm lịch ) ngày chầu lượt của giáo xứ. Được Đức cha Giuse Vũ Duy Nhất, ngài về ban thánh lễ, chính ngài đã cho công bố bài sai bổ nhiệm cha Phêrô Nguyễn Đức Long cha xứ Bách Tính 9/10/1994-3/2006. Ôi! Thật là tạ ơn chúa, người dân trăm họ nay vui mừng kể sao cho xiết. Trải qua năm tháng buồn tẻ 1954-1994 tròn 40 năm xứ mẹ mồ côi nay đã bừng sáng trở lại.
Cha Phêrô Nguyễn Đức Long ngài về xứ với ơn Thánh Linh, với sức trẻ hăng say, với tài ba của người thợ gặt nhà Chúa, trí lực gồm thâu
Mặc dù với trách nhiệm Đức Cha giao là cha quản xứ của 6 xứ, một giáo miền rộng lớn nhưng ngài vẫn cho mua sỉ vôi huy động giáo xứ đóng gạch bi, cho phá các bờ bụi xây tường bao quanh nhà xứ, cho xây nhiều gian nhà phía đông nhà xứ, trong đó có để khoảng 20 gian làm nhà tình thương, giành cho những người kém may mắn, Ngài tung hoành nam bắc kêu gọi nhà hảo tâm giúp sức để sửa sang kiến thiết giáo đường chính xứ xây dựng lại thánh đường họ Trí An ( 2004 ), thánh đường họ Hưng Nghĩa (2005) và còn nhiều nhà thờ trong miền Ngài coi.
Vì đã có Cha xứ là chỗ dựa đáng tin cậy, nên Cha bản hương: Phêrô Kim Long, Quan bác Phêrô Nguyễn Đức Thuận ( anh cha cố ) và hội đồng hương Bách Tính Sài Gòn, các Ngài kêu gọi thân ân nhân trong nước và hải ngoại rất nhiều lần rót kinh phí về cha xứ để sửa sang thánh đường được hoành tráng như ngày nay. Năm 1995 đổ bê tông trên mái ( đôm ở gian Thánh ) tháng 9/1996 tôn tạo gian thánh lát gạch men, lát gạch men nền nhà thờ thiếp lại 3 tòa chính, Tòa chầu và nhà chầu bằng vàng, đóng 73 ghế dài (1997, do đồng hương Hoa Kì tài trợ ), làm trần nhà thờ, làm mới 5 tòa cột, sửa lại đường kiệu. Tháng 2/1999 thiếp lại hai bộ kiệu, tháng 8/1999 đóng thay các cửa ngang và toàn bộ cửa sổ. Năm 2000 đóng cửa cuối giữa nhà thờ, trong nhà xứ ngài tổ chức giáo xứ đào mở rộng ao, xây bờ chung quanh. Xây dựng nhà giáo lí, trồng cây cảnh chung quanh nhà thờ và khắp vườn trong nhà xứ.
Năm 1994 khi Ngài mới về xứ Ngài đã chỉ cho ông Phêrô Toan ( trùm chánh) và ông Phêrô Vần (trùm phó) làm đơn xin xã hội toàn bộ khu ruộng trũng trước làng về cho họ nhà xứ được hơn hai mẫu và ao cũ của họ được 7 sào ( mới xin lại được ). Vì trước năm 1954 nhà xứ có 3 mẫu tư điền, thời gian vào hợp tác đã hiến cho tập thể. Nhờ đó có lí do để xin ao trước làng. Sau đời ông Phêrô Khiêm làm trùm chuyển đổi làm ao thả cá hết.
Chỉ kể ở đây sơ qua những nét chính, còn nhiều việc Ngài làm kể chẳng xiết.
Ngài còn dự định cải tạo thánh địa cải táng các mộ vô thừa nhận lên quy vào hàng lối xây lập mộ đẹp đẽ cho họ làm Kỳ Đài giữa thánh địa để tiện việc dâng lễ và cầu nguyện tại thánh địa. Dự định mua mấy hộ sau đài các thánh tử đạo để mở nốt con đường thẳng cuối nhà thờ chạy tuột ra đường 21, ngài còn dự định trao đổi với mấy gia đình gần chung quanh Thánh Đường mua đất làm nhà cho họ để mở rộng khu Thánh Đường và còn nhiều dự định khác.
Tháng 3/2006 vâng lời Đức Cha giáo phận Ngài chuyển đổi đi xứ, mọi tầng lớp giáo dân trong xứ vô cùng luyến tiếc ngài. Từ trong nhà xứ ra đến thánh đường hoành tráng như ngày nay là nhờ Cha Nguyễn Đức Long vô cùng to lớn, cũng như ơn cha Kim Long và Quan bác Thuận, hội đồng hương Bách Tính Sài Gòn, hội đồng hương hải ngoại Hoa Kì, thân ân nhân xa ngần, đã không tiếc công sức tiền của đổ vào nhà thờ chính xứ vô vàn. Người dân trăm họ nay không biết đền ơn các ngài sao cho xứng, chỉ biết ghi chép lại cho muôn đời thế hệ sau, để biết mà cảm tạ ngợi khen chúa và nhớ cầu nguyện nhiều cho các Ngài.
17) Cha già Micae Trần Minh Tiến tháng ( 3/2006- 4/2008 ). Vì sức khỏe có hạn nên Ngài chủ yếu chăm lo về đức tin cho giáo xứ, chỉ giáo cho ông Phê rô Đam ( trùm chánh ) cùng cộng tác với ông Đaminh Đề (chánh xứ) khuyên tiến cúng về làm trần giữa gian thánh. Vì điều kiện bệnh tật, nên tháng 4/2008 được Đức Cha giáo phận cho ngài về hưu và chữa bệnh tại quê nhà .
18) Cha Gioan.B Mai Quang Tuyến ( quản xứ 5/2008 ) Cha xứ Dương A.
XI – CÁC CHA BẢN HƯƠNG TRONG XỨ(có 16 cha)
* Giáo họ Nhà xứ: có 11 cha và cha Đỗ Minh Lý (12 cha)
1- Cha Phêrô Nguyễn Văn Khâm Ngài an nghỉ tại giáo phận, 8/2005 cha xứ Phêrô Đức Long, tổ chức rước ngài về trong sân các thánh tử đạo cuối nhà thờ chính xứ, Lập mộ đá tri ân ngài.
2- Cha Phêrô Nguyễn Văn Khoát: Lấy đức khó nghèo làm lí tưởng đời sống Linh mục.
3- Cha Phanxicô Nguyễn Minh Đăng:
4- Dòng Đồng Công cùng lí tưởng như cha Khoát
4- Cha Phêrô Nguyễn Minh Châu: Cha xứ, xứ thánh Tâm- Bảo Lộc
5) Cha nhạc sĩ
Phêrô Nguyễn Kim Long
Tổng thư ký Thánh nhạc Việt Nam, Phó Ủy ban Thánh nhạc, kiêm Giáo sư.
6- Cha Phêrô Nguyễn Quốc Túy
T.U. và phụ trách xứ đạo
7- Cha Phê rô Dương Bá Hoạt. T.G.M.Đài Bắc.
8 – Cha Phêrô Nguyễn Văn Trịnh
9- Cha Phêrô Nguyễn Văn Truyền
10 – Cha Giuse Bùi Quang Cường, hiện đang coi Giáo xứ Trà Cổ.
11 -Cha Giuse Nguyễn Văn Ninh.
* Giáo họ Quy Phú
1- Cha giáo Gioan Lưu Thiện Thuật: Ngài có 8 con, cha già Trị là trưởng tử
2- Cha Gioan Lưu Mai Khiên: Dòng ngôi lời Truyền Giáo ( Hồng Kông)
* Giáo họ Đại
1- Đức đan viện phụ Phanxicô Phạm Quang Điện.
2- Cha Phanxicô Phạm Ngọc Châu (con cụ cố Chấn).
* Giáo họ Hưng Nghĩa
Cha Giuse Lê Ngọc Anh ( Hồng Kông ) con cố Diệm
Ngoài ra còn một cha sinh ra và lớn lên tại xứ Bách Tính ( gốc ông bà cố ở họ Thượng Lao xứ Tương Nam ) là Cha Giacôbê Đỗ Minh Lý GĐ Hiệp hội Thánh mẫu Việt Nam.
XII- Các hội đoàn trong giáo xứ
1- Hội Gia trưởng:
Khi trước vẫn có hội Gia trưởng nhưng chưa đi vào quy mô hoạt động sôi nổi, vẫn còn rời rạc.
Đến năm 2003, được cha xứ Phêrô Nguyễn Đức Long tổ chức cho củng cố lại, cho lập danh sách từng họ và bầu ông Trưởng hội ( mỗi họ một ông Trưởng hội ). Toàn giáo xứ có tất cả 209 hội viên. Toàn giáo xứ nhận thánh Giuse thợ làm quan thầy. Hằng năm, cả giáo xứ xin tổ chức lễ kính Thánh quan thầy vào 1/5 rất long trọng và sốt sắng.
2- Hội hiền mẫu:
Năm 2003, cũng được Cha xứ Phêrô Nguyễn Đức Long cho củng cố lại để đi vào hoạt động sốt sắng hơn. Mỗi họ cũng bầu một hội trưởng của họ đó để tiện việc tổ chức.
Các họ tổ chức may y phục đồng màu theo họ mình, nên trong Giáo xứ, họ tổ chức cuộc rước màu y phục của họ nào đi vào hàng của họ đấy nhìn rất đẹp mắt.
Tổng số hội viên trong toàn giáo xứ là 234. Hội viên nhận lễ Mẹ dâng Chúa Giêsu trong đền thánh ( lễ nến ) làm quan thầy. hằng năm được tổ chức lễ quan thầy rất quan trọng vào ngày 2/2.
3- Hội thiếu nhi Thánh thể: Hội này đời cha Phaolô Khải về coi xứ, Ngài đã lập nên vào năm 1938. Trải qua các thời đại với rất nhiều hàng quản đã mãn khóa, lại được bầu khóa khác lên duy trì.
Sôi động nhất là vào thời điểm năm 1952 ( thời kỳ chưa di cư ) được chia làm nhiều đội ( mỗi đội có tên là Phêrô, Têrêsa, …) và được bầu tông đồ đội đó. Chung quanh sân nhà thờ chính xứ được phân bổ mỗi đội một khoảng đất để trồng hoa các loại. chiều đến, đội nào cũng đua nhau vun tưới rất vui.
Các thiếu nhi đi lễ, đi nhà thờ được phát vé, ai chăm đi nhiều thì được nhiều vé. Vé đó cuối năm được tổ chức mở hội chợ, thiếu nhi lấy vé đó mà mua ảnh tượng, tràng hạt, kinh thánh …
Thời gian sau di cư năm 1954 vì còn ít người nên có buồn tẻ hơn. Đến năm 1994, cha Phêrô Nguyễn Đức Long về nhận xứ, từ đó lại hoạt động sôi nổi. Cha cho mở rất nhiều lớp giáo lý từ cấp I đến cấp III. Tổ chức cho thiếu nhi 12 giờ trưa đến viếng Chúa Giêsu Thánh Thể rất sốt sắng và hội vẫn duy trì đều đặn.
Quân số hiện nay có 110 cháu. Hằng năm được tổ chức lễ quan thầy kính Mình Máu Chúa được GLV, ông bà quản và phụ huynh lo tổ chức lễ cho các cháu rất sốt sắng.
4- Huynh đoàn giáo dân Đaminh:
Huynh đoàn được củng cố và phát triển trên cơ sở Hội dòng Ba Đaminh mà các cụ trong giáo xứ đã duy trì từ trước và vẫn tiếp tục duy trì cho đến khi củng cố lại.
Năm 2003, được phép của cha xứ Phêrô Nguyễn Đức Long, cùng với sự giúp đỡ của ban thường vụ liên huynh giáo phận và ban phụng vụ liên huynh giáo hạt Báo Đáp chỉ đạo khôi phục và chuyển đổi thành huynh đoàn giáo dân Đaminh. Trong thời gian củng cố và chuyển đổi này, được sự chỉ bảo trực tiếp của cha xứ Phêrô Nguyễn Đức Long và cha Gioan Vũ Đức Đạt. Từ đó được nhanh chóng kiện toàn là 80 đoàn viên và đã bầu ra 7 vị trong ban phụng vụ do ông Gioan Bùi Quang Tản đoàn trưởng.
Về tổ chức được chia làm 4 chi huynh của 4 giáo họ: họ Nhà xứ, họ Cát, họ Đại, họ Hưng Nghĩa và đã thực hiện giờ kinh ban chiều ở 4 chi huynh các ngày trong tháng. Riêng ngày Chúa nhật đầu tháng và các lễ trọng thì thực hiện giờ kinh chung toàn huynh đoàn giáo xứ tại nhà thờ chính xứ. Sau đó sinh hoạt và học tập chung toàn giáo xứ.
Vào ngày lễ kính Thánh Đaminh năm 2008. Cha đặc trách giáo phận Giuse Đinh Khắc Vịnh đã tổ chức thâu nhận chính thức 62 anh chị em- nhận thánh Catarina Sehina làm bổn mạng. Hằng năm mừng lễ kính vào ngày 29/4.
Số thành viên của huynh đoàn thêm được 12 thỉnh sinh nữa là 74 thành viên. Hiện nay cầu nguyện 2 lần kinh phụng vụ là sáng, chiều tại 4 chi huynh.
5- Ca đoàn
Từ xa xưa đã có ca đoàn để phục vụ thánh lễ và các nghi thức …Thường có một ca đoàn ở họ nhà xứ. Hồi đó, chủ yếu phụng vụ bằng tiếng Latinh, sau chuyển đổi sang tiếng Việt. Đến đời Cha Giuse Phạm Đình Chẩn thì có các họ như: họ Cát, họ Đại cũng thành lập ca đoàn của họ mình để phục vụ lễ quan thầy giáo họ. Khi Cha Phêrô Nguyễn Đức Long về coi xứ, một thời gian sau Ngài cho mỗi ca đoàn của giáo họ được trực 1 tuần thay đổi. Đến sau, Cha lại cho các ca đoàn của các họ sát nhập chung vào một ca đoàn chung cho giáo xứ. Thời gian đầu do ông Phêrô Toan làm trưởng đến sau chuyển làm trưởng hội kèn đồng. hiện nay, do cô Maria Phạm Thị Đài làm trưởng và duy trì cho đến nay. Số thành viên thường duy trì được 30 thành viên. Quan thầy được nhận đại lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.
6- Ban kèn đồng
Đã có từ lâu khi cha Phêrô Đoán về coi xứ, Ngài đã thành lập ban kèn đồng năm 1918 và được các vị trong họ nhà xứ duy trì rất sốt sắng. Hồi đó, tỉnh Nam Định mở hội thi kèn, ban kèn Bách Tính đi thi đạt giải nhất tỉnh. Sau năm 1954, giáo dân di cư không còn người sử dụng. Đến năm 1965, cụ Phê rô Bính ( trùm chánh ) và cụ Phê rô Sắt ( trùm phó ) được phép của cha quản xứ Gioakim Nguyễn Đức Hinh, hai cụ đã bán kèn đi cho xứ Phú An, lấy tiền làm nhà chính hiện nay.
Đến năm 1996, Quan bác Phêrô Nguyễn Đức Thuận ( anh cha cố Kim Long ), Ngài ở Sài Gòn về thăm quê hương, Ngài tham dự cuộc rước, Ngài thấy không được sôi nổi vì không có hội kèn đồng, nên nguyện vọng Ngài muốn dựng lại ban kèn. Sau đó, Ngài bàn với cha Kim Long và Cha xứ Phêrô Nguyễn Đức Long, rồi Ngài bàn với ông cựu trùm Phêrô Toan nên dự trù. Khi đã quyên góp được đủ kinh phí, Ngài điện về cho thu thập anh em tổ chức học nhạc. Đến 10/1998, Cha Kim Long đưa kinh phí về, Ngài trực tiếp đi Hà Nội mua kèn về cho anh em tập. Đến 1/11/1998, đại lễ kính các thánh ban kèn được ra mắt phục vụ lễ. Quân số thời gian đó có 27 thành viên. Từ đó ban kèn luôn được duy trì và lấy thêm người vào học để thay thế người đi vắng để tiện phục vụ. quan thầy đại lễ trái tim Chúa Giê su.
7- Hội trống:
Trước kia ở họ Nhà xứ cũng đã có một hội trống nhưng chỉ có số ít những quả trống nhỏ do cụ Dũng làm trưởng hội, để phục vụ các cuộc rước hay lễ tang. Nhưng sau vì lâu đời, mặt trống bị bục rách không sử dụng được nữa.
Thời gian sau, ở giáo họ Đại, ông Phanxicô Cầu lên làm trùm chánh thấy các cuộc rước không có tiếng trống kém phần sôi nổi, nên ông đã mạnh dạn dựng nên hội trống này năm 1994 và nhờ ông Đấu ở xứ Báo Đáp xuống hướng dẫn cho hội. quân số trong hội là 25 thành viên, trang phục được may rất sặc sỡ, đẹp đẽ.
Từ đó đến nay, trải qua 5 đời ông hội trưởng, đầu tiên là ông Phanxicô Thịnh, sau đó đến ông Phanxicô Tiến, ông Phanxicô Kim, ông Phanxicô Chiên và bây giờ là ông Phanxicô Hiển đương nhiệm. Từ khi hội trống được thành lập đến nay, các hội viên rât nhiệt tình phục vụ. Khi trong giáo xứ hay giáo họ tổ chức các cuộc rước hay đám tang sôi động hẳn lên. Nhưng cho đến nay, bộ trang phục bị hư đã nhiều. Thật đúng câu các cụ thường nói: “ sống dầu đèn chết kèn đồng’’.