Giới thiệu về Nhà thờ Giáo Xứ Ba Làng
Giáo Hạt Nha Trang Khóm Ba Làng - Vĩnh hải - Nha Trang Mai Xuân Thưởng Thành phố Nha Trang Khánh Hòa 650000 VN 058-355-1944 058-355-1944 Nhà Thờ là: Giáo Xứ Bổn Mạng: Lễ Mân Côi (kính ngày 07.10) Số Giáo Dân: 1,307 Giáo Dân Năm thành lập: 1955 Linh Mục Chánh Xứ: Linh mục Phêrô Phạm Ngọc Lê Lịch Thánh lễ Thứ 7: 18:15 Lịch Thánh Lễ Chúa Nhật: 05:00, 16:45
Lược sử Giáo xứ Ba Làng
- Vị trí địa lý
Giáo Xứ Ba Làng nằm cách Trung Tâm Thành Phố Nha Trang khoảng 4 cây số về phía Bắc.
Ðông giáp biển Ðông, từ mũi Kê Gà đến giáp đường Mai Xuân Thưởng. Bắc từ mũi Kê Gà đến Ðèo Rù Rì. Tây giáp Quốc lộ I: Từ Ðèo Rù Rì đến ngã ba Quốc lộ I – Mai Xuân Thưởng. Nam: Từ ngã ba Quốc lộ I – Mai Xuân Thưởng đến bờ biển, tức dài theo đường Mai Xuân Thưởng.
- Hình thành và phát triển
Sau cuộc đấu tranh đẫm máu ngày 08-01-1955 với bộ đội Việt Minh, chính quyền Hồ Chí Minh buộc lòng phải cho đồng bào Ba Làng đi di cư vào Nam. Không kể những vụ đi Nam lẻ tẻ, đồng bào Ba Làng được đi tập thể trong hai chuyến tàu thuỷ Ba Lan Skilinki: chuyến thứ nhất vào đầu tháng 2 và chuyến thứ hai vào trung tuần tháng 04-1955.
Cập bến Sài Gòn được đưa về tạm trú ở Ba Ðèo hay ở Xuân Trường để rồi ngày 20-04-1955, họ được chở tất cả ra xóm Ðầm Phan Thiết. Nhưng xóm Ðầm chưa phải là “đất hứa”, hơn 1000 người đã đi tìm đất sống ở nơi khác. Sau nhiều ngày tìm đất, chiều 20-07-1955 một đoàn xe lửa chở hơn 1000 người di cư Ba Làng từ Phan Thiết ra Nha Trang. Họ được di chuyển về ngay “Chuồng Giê” (tức Thanh Hải ngày nay) để tạm trú. Họ lấy tên cũ Ba Làng mà đặt tên cho quê hương mới, vì khung cảnh nơi đây gợi lại quê hương Ba Làng đất Bắc: trước mặt Hòn Rùa, Hòn mác, Hòn yên vươn lên khỏi đại dương hiền hoà và thơ mộng, giống như Hòn Dê, núi Nón và biển Sơn, về phía Bắc là những ngọn núi lạc lõng của dãy Trường Sơn khô trọc, tượng trưng như núi Thử Ba Làng, về phía nam Hòn Chồng giống như núi Do, vẫn âm thầm chôn kín bao tâm sự của tài tử giai nhân.
“Úi chà, úi chà xinh!
Phong cảnh thật hữu tình
Trên sơn dưới thuỷ, đất trường sinh”
Sung sướng như kẻ tìm được “đất hứa” trong Cựu Ước, họ hăng hái phá rừng, ủi đất, biến khu rừng đầy cây gai cỏ dại thành một dãi đất bằng phẳng đẹp mắt, các thanh nữ thi đua nhau gánh đất đổ nền, còn thanh niên kẻ vào Suối Dầu chặt cây dựng nhà, người đáp xe lửa vào Ma Lâm mua lá cọ về lợp mái. Nhờ sự tháo vát lanh lẹ của hai Linh mục Nguyễn Quốc Công và Linh mục Bùi Minh Huy, được ông tỉnh trưởng Nguyễn Văn Trân đặc biệt săn sóc, với sự đôn đốc hăng hái của Ủy Ban Ðịnh Cư và sự giúp đỡ của các thầy già Vũ Văn Huỳnh, Nguyễn Sơn Lân, Trịnh Thiên Thu (nay là linh mục) và Nguyễn Ðức Thịnh,trại đã kiến thiết mau chóng gần 200 căn nhà cho đồng bào, và một nhà thờ, một khu nhà xứ ba căn, một hang đá Lộ Ðức, một cái chợ, một cái trường ba gian cho ba lớp học và một khu nhà dòng 5 gian ngay cuối trại dành cho các nữ tu Mến Thánh Giá.
Người dân đã yên tâm về nơi ăn chốn ở, họ nghĩ đến sinh kế mua lưới đóng thuyền: một hợp tác xã ngư nghiệp được thành lập với một lò hấp cá theo kiểu Mỹ Quốc. Cha Công còn vận động với chính phủ chấp thuận cho mua một tàu đánh cá của Nhật Bản. Ba tháng sau mẫu tàu và lưới được gửi về. Nhưng thiện chí có thừa mà sức người có hạn, chương trình kỹ nghệ hoá và ngư nghiệp thất bại. Họ an phận với những thuyền đánh cá gắn thuỷ động cơ.
Năm 1958, trường Biệt Ðộng Quân biến thành trường Hạ Sĩ Quan, Bộ Chỉ Huy trường do đại tá Nguyễn Thế Như chỉ huy trưởng, muốn chỉnh trang lại doanh trại, đồng thời thiết lập thêm nhiều bãi huấn luyện cho khoá sinh, để bảo đảm sinh mạng cho đồng bào và an ninh cho sân bắn, bộ chỉ huy đã điều đình với ban Giám Ðốc trại di chuyển một nửa trại ở phía bắc vàcác công sở xuống phía nam: vì thế mà khu “Văn Côi” mới được thành lập.
Năm1960, đồng bào Ba Làng đã phải một phen hú vía với Ðại Tá Ðỗ Cao Trí khi về làm chỉ huy trưởng trường Hạ Sĩ Quan đã định giải toả các khu vực chung quanh quân trường kể cả làng Ðường Dê và trại di cư Ba Làng, nhưng may thay, với tinh thần tranh đấu Thượng cấp không chấp thuận dự án của ông đề ra, và đồng bào Ba Làng cứ ở lại an cư lạc nghiệp.
Ðược vững dạ yên tâm, đồng bào Ba Làng mau mắn kiến thiết lại cơ đồ, nhất là các công sở, du khách đặt chân lên địa sở Ba Làng, không khỏi ngạc nhiên và thán phục: bên bờ đại dương và dưới tàn phi lao thơ mộng, một đài Chúa Giêsu vua như đang chế ngự thiên nhiên, như đang giăng tay ẵm bế những con ngoan hiền, bên đài là một dãy nhà “Emmaus” có thể nói đây là một nhà tĩnh tâm hay nhà vãng lai cho các Linh Mục triều, dòng khi muốn đến Nha Trang tắm biển và hóng gió sau những ngày mệt mỏi vì phận sự. Cách đài Chúa Kitô vua một con đường hương lộ trong một khuôn viên rộng rãi xinh đẹp, thánh đường Văn Côi đồ sộ, nguy nga hướng ra biển cả, bên phải là trường tiểu học Văn Côi khang trang rộng rãi, bên trái ngôi nhà xứ khiêm nhường như muốn thu hình trước cảnh uy nghiêm của thánh đường. Xa hơn về phía bắc bờ biển, một dãy nhà hai, nơi nương náu của những nữ tu Mến Thánh Giá Thanh Hoá, đồng thời cũng là ký nhi viện Têrêsa.
Ngoài các cơ sở tôn giáo và xã hội trại di cư Ba Làng được đổi mặt một cách mau lẹ: những nhà xây lợp ngói thi nhau mọc lên thay thế cho những căn nhà gỗ lợp lá, lợp tôn, điện nước như ở thành phố, đồng bào thi đua tăng gia sản xuất. Ngoài nghề đánh cá và làm nước mắn, điểm đặc biệt của người dân Ba Làng ngày nay và phát triển nghành chăn nuôi heo rất khoa học, tuy không có hình thức của những chuồng trại lớn như Âu Mỹ. Ngoài ra họ còn tổ chức nuôi gà vịt, đào ao xây hồ thả cá trê, cá chép và lươn ếch. cùng với đời sống vật chất, được phát triển, đời sống tinh thần và truyền đạo rất hăng say. Hàng năm cứ mỗi dịp Giáng Sinh, Hiển Linh về họ thường tổ chức kỷ niệm đấùu tranh đòi tự do và nhớ lại cuộc di cư vào Nam. Nhưng đặc biệt hơn cả, cứ mỗi Tháng Hoa về, họ thường tổ chức những cuộc rước kiệu tôn vinh Ðức Mẹ, và tiếp theo là lễ nghi dâng hoa, một truyền thống của người tín hữu miền Bắc.
Sau 16 năm di cư, giáo xứ Ba Làng đã góp vào vườn Giáo Hội, 2 Linh Mục Nguyễn Viết Hiền và Trịnh Thế Hùng, ngoài ra còn năm Thầy già: Hồ Ngọc Thỉnh; Trần Xuân Thứ, Ngô Ðình San, Nguyễn Bình An, Hồ Trí Thức đang học Ðại Chủng Viện, (các vị này hôm nay làm Linh mục ở các nơi) đã ấy là chưa kể con số hơn 50 Tu Sinh đang ở rãi rác từ các chủng viện Sao Biển, Ðà Lạt, Ban Mê Thuột, Sài Gòn, hoặc ở trong các dòng Chúa Cứu Thế, Phanxicô, Lasan, Giuse, Mỹ Ca, hay các dòng Mến Thánh Giá Bảo Lộc, Tân Bình, Bình Cang, Ðà Lạt, Sài Gòn, Qui Nhơn.
Tóm lại, giáo dân Ba Làng hãnh diện và một xứ đạo tiên khởi của miền Bắc (di sản của cha Alexandre de Rhodes, 1617) họ đang cố gắng xây dựng và kiến thiết giáo hội miền Nam với một tính đức dồi dào trên đường phát triển.Ước mong thay
Các giáo họ: Vẫn giữ những đường nét chính yếu của truyền thống Ba Làng – Thanh Hoá, đoàn người từ nhiều Giáo họ nhỏ dễ dàng qui tụ quanh ba Giáo họ (= làng) nồng cốt là:
Giáo họ Sung Mãn.
Giáo họ Ngoại Hải.
Giáo họ Như Xuân.
Ngoài ra c̣òn có Giáo họ Phú Đồng:
Khởi đầu, các Giáo họ được phân biệt rõ nét theo phần lô đất cất nhà, nhưng sau đó, các nhu cầu mới của của Giáo xứ buộc phải thay đổi địa hình, cũng như có sự pha trộn giữa các Giáo họ theo đường hôn nhân.
Dầu vậy, bà con vẫn nhận diện dễ dàng nguồn gốc Giáo họ của nhau trong các sinh hoạt cộng đồng Giáo xứ.
Các linh mục phụ trách giáo xứ từ ngày thành lập đến nay:
Giuse Nguyễn Quốc Công, Chánh xứ 1955 – 1957.
Phêrô Bùi Minh Huy, Phó xứ 1955 – 1957.
Phêrô Bùi Minh Huy, Chánh xứ 1957 – 1973.
Gioan Bt Trần Thúc Ðịnh, Phó xứ – 1961.
Phaolô Trần Sơn Bích, Chánh xứ 1973 – 1987.
Phaolô Trần Văn Khánh, Hưu dướng 1976 – 1995.
Phêrô Trương Trãi, Quản xứ 1987 -.
Hoa quả ơn gọi của Giáo xứ
Lm Phêrô Nguyễn viết hiền
Lm Phêrô Trịnh thế Hùng
Lm F.X Hồ ngọc Thỉnh
Lm Fx Trần xuân Thứ
Lm G.B Ngô đình San
Lm Giuse Nguyễn bình An
Lm Phêrô Nguyễn khoa Toàn
Lm Phêrô Hồ mạnh Tín
Tu sĩ: Thầy Bình, dòng Ðồng Công
Nữ tu
Têrêsa Mai thị phúc Hạnh (St Paul Ðà nẵng)
Maria Nguyễn thị Khang (MTG Ðà lạt)
Maria Phaolô Nguyễn thị thu Nguyệt (Dòng Camêlô – Hoa kỳ)
Anna Nguyễn thị Thanh Thuư (Dòng Camêlô – Hoa kỳ)
1 Ðại chủng sinh (Ðại chủng viện Sao Biển)
2 chủng sinh ngoại trú, 10 dự tu
Tu sinh:
- Ðặng văn Tuấn, Dòng Chúa Cứu Thế
Maria Nguyễn thị bích Ngọc (MTG Ðà lạt)
Têrêsa Nguyễn thị thuư Hằng (MTG Ðà lạt)
Cêcilia Ðoàn thanh Tú (MTG Ðà lạt)
Sinh hoạt giáo xứ
- Các lớp giáo lý
Các buổi học Giáo lý vẫn luôn được liên tục duy trì trong đời sống Giáo xứ cho lứa tuổi từ 6 đến 16 tuổi. Chiều Chúa Nhật từ 15 giờ 30 đến 16 giờ 30: Dạy theo chương trình chung của Giáo phận. Chiều thứ ba và thứ năm, giờ kinh chiều: Bổ túc Phụng vụ và Kinh Thánh cho các em.
Từ 10 năm nay, Giáo xứ luôn duy trì được con số tối thiểu 12 giảng viên Giáo lý, để đứng đầu (chủ nhiệm) các lớp Giáo lý cho các em. Các em Giáo lý viên này háng tuần được chuẩn bị vào tối thứ ba và sáng Chúa Nhật về sư phạm Giáo lý, tâm lý ứng dụng cũng như những đường hướng của Giáo Hội về Huấn Giáo. Ngoài ra, các em cũng được trang bị thêm một số chuyên môn về sinh hoạt năng động tập thể, nhằm yểm trợ và gia tăng hào hứng cho các buổi học Giáo lý đầy chăm chỉ.
Giáo lý hôn nhân: mỗi khoá kéo dài 6 tháng, tuy nhiên cũng có những trường hợp cá biệt dạy với thời gian ngắn hơn
- Các hoạt động:
Trước đây, hoạt động xã hội của Giáo xứ tựa trên mấy căn nhà cho thuê cũng như nhà Emmaus bên cạnh đài Thánh Tâm, nhưng nay chỉ còn duy trì tinh thần chung qua đóng góp cho Hội Chữ Thập Ðỏ của khóm, cũng như những đợt hưởng ứng các chương trình xã hội chung với bà con phường khóm.
Hướng tương lai
Ưu tiên cho mục vụ gia đình
Thế giới đi vào chuyên ngành, xin cũng để cho mục vụ gia đình được coi như một chuyên nghành. Cụ thể phải được các chuyên viên thực thụ đảm nhiệm, nhất là giáo lý hôn nhân. Vậy cần có một văn phòng cấp giáo phận cho mục vụ gia đình, do những linh mục chuyên viên đứng đầu.