Giới thiệu về Nhà Thờ Giáo Xứ Quan Lãng
Giáo Hạt Bột Đà xã Tường Sơn, Anh Sơn, Nghệ An Unnamed Road Nghệ An VN 0383.242.423 0383.242.423 Nhà Thờ là: Giáo Xứ Bổn Mạng: Tổng lãnh Thiên thần Micae Số Giáo Dân: 4,377 Giáo Dân Năm thành lập: 1995 Linh Mục Chánh Xứ: Linh mục Gioan Nguyễn Văn Niên Linh Mục Phó Xứ, Phụ Tá: Linh mục Paul. Phạm Trọng Phương
Lược sử Giáo xứ Quan Lãng
Từ Quan Lãng nhìn lại lịch sử:
Sự đan xen giữa nỗi ám ảnh và niềm tự hào
19.12.2008
Lịch sử xứ Dừa là những trang thấm đẫm máu đào của bao vị anh hùng kiên trung đứng lên bảo vệ Đạo Chúa. Mỗi một mốc giới tàn sát của giới Văn Thân khát máu là một sự liên hệ gắn liền với dòng lịch sử xứ Dừa.
Dựa vào các nguồn sử liệu, chúng ta cùng nhìn lại những dấu mốc oanh liệt của đạo Chúa nơi mảnh đất địa đầu Tây bắc Nghệ An này.
Nỗi ám ảnh về bóng ma Văn Thân
Thời kỳ mà sử gọi là nước Nam rơi vào mảng đen tối nhất, đó là giao 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ (Biên Hòa, Định Tường, Gia Định) và đảo Côn Lôn cho nước Pháp và 4 triệu quan tiền bồi thường chiến phí theo Hòa Ước Nhâm Tuất 1862; Tiếp đó lại mất luôn 3 tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên. Sau đó Pháp chiếm đóng Bắc Kỳ và đặt nền móng bảo hộ ở Bắc Kỳ theo Hòa Ước Giáp Tuất 1874 ký giữa Nguyễn Văn Tường, Lê Tuấn và phó đề đốc Dupré. Hòa Ước Giáp Tuất có nhiều điều khoản trả lại quyền tự do hành đạo, làm việc phụng thờ của giáo dân nước Nam và các vị thừa sai. Sau Hòa Ước Giáp Tuất 1874 thì nhóm Văn Thân ở Nghệ Tĩnh nổi dậy tàn sát những người theo đạo Công giáo. Theo Văn Thân thì khi Đại úy Francis Garnier đánh Hà Nội lần thứ nhất (20/11/1873) có rất nhiều người Công giáo tiếp tay với quân Pháp; Cầm đầu Văn Thân lúc đó là ông tú Trần Tấn và Đặng Như Mai nổi lên cùng 3000 người đi đốt phá những làng theo đạo và tàn sát họ. Tháng 3 năm 1874 Văn Thân nổi lên và làm bài hịch “Bình Tây sát tả”, nội dung nói rằng: Triều đình dẫu hòa với Tây mặc lòng, sĩ phu nước Nam vẫn không chịu. Vậy trước nhất xin giết hết giáo dân, rồi sau đánh đuổi Tây cho hết để giữ lấy cái văn hóa của ta hơn 1000 năm nay… Sau đó Triều đình cử Nguyễn Văn Tường làm khâm sai đem quân ra dẹp từ tháng 4/1874 đến tháng 8/1874 mới xong. Sau khi Tự Đức chết, quyền hành vương triều Nguyễn lúc đó hầu như nằm trong tay của hai quan phụ chính là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường. Hai tên quan đại thần này mặc sức lộng hành thao túng triều chính, lần lượt bức tử Dục Đức và ám hại Hiệp Hòa. Bấy giờ không khí khủng bố bao trùm cả kinh thành Huế. Một số trong Hoàng tộc và giáo dân bị mất tinh thần nên có số đã phải chạy đi tìm sự bảo vệ của Pháp. Lúc này Thuyết và Tường chỉ cần một tên vua bù nhìn như Kiến Phúc, 15 tuổi lên ngôi vua trong một nghi lễ tấn tôn vội vàng vào 5 giờ sáng ngày 02/12/1883 để tránh sự can thiệp của Pháp. Kiến Phúc lên ngôi, Tôn Thất Thuyết liền mật lệnh cho quân Đoạn Kiết (một lực lượng do ông Thuyết lập ra để diệt bọn phản quốc, do Ưng Chuyên chỉ huy) vào các địa phương tàn sát linh mục làm việc trong các Bộ tham mưu và cố vấn trong hàng ngũ quân đội viễn chinh và một số giáo dân đi lính cho Pháp. Hậu quả là nhiều làng ở phía nam Thừa Thiên và Thanh Hóa máu bị đổ một cách thê thảm và các giáo đường, tu viện bị phá sạch. Đến khi Tây Sơn thất thủ thì triều đình Huế mới chịu tiếp đại sứ Pháp Tricou ở Nhật sang thăm Việt Nam vào 01/01/1884. Hai bên đều mang những vụ vi phạm Hòa Ước Giáp Tuất ra bàn cãi. Nguyễn Văn Tường yêu cầu Tricou sửa đổi một vài khoản trong Hòa Ước để cho sĩ dân bớt công phẫn và công cuộc bình định mới được dễ dàng. Tricou yêu cầu triều đình Huế chấm dứt các cuộc giết hại giáo dân và trừng trị kẻ chủ mưu. Hai ông Tường và Thuyết cực chẳng đã phải lập tòa án để xử Ưng Chuyên tử hình nhằm lấy lòng Pháp.
Hòa Ước cuối cùng giữa Pháp và Việt Nam là Hòa Ước Patenôtre (1884), mục đích của Pháp là tách dần sự ảnh hưởng của Tàu khỏi Việt Nam, được ký giữa Patenôtre, Rheinart và Nguyễn Văn Tường, Phạm Thân Duật, Tôn Thất Phan. Vua Kiến Phúc lên ngôi được 6 tháng thì bệnh nặng và chết. Kiến Phúc băng hà, hai ông Tường và Thuyết chọn Ưng Lịch lúc bấy giờ mới 12 tuổi lên ngôi vua, nhưng phía Pháp phản đối vì vi phạm Hòa Ước Patenôtre, nhưng sau đó Pháp cũng chấp thuận và lấy hiệu là Hàm Nghi. Phía Pháp nhận ra những chống đối trong Triều đình do hai ông Tường và Thuyết cầm đầu nên cần thanh toán sớm. Tôn Thất Thuyết biết trước ý đồ nên thoát được sự trừng trị của Pháp trong một cuộc tháo chạy khỏi sự truy kích của quân Pháp, và ông dẫn vua Hàm Nghi, bà Từ Dũ Hoàng Thái Hậu là mẹ của Tự Đức, bà Thái Hậu Thuận Hiếu là vợ Tự Đức và mẹ nuôi Dục Đức và bà Học Phi vợ thứ của Tự Đức và là mẹ nuôi Kiến Phúc, cùng với tùy tùng tháo chạy. Trong chuyến chạy trốn này, Tôn Thất Thuyết đã ra Hịch Cần Vương và gửi đi khắp nước, nhưng lần viết Hịch cần vương thứ hai tại Quảng Bình (19/07/1885) thì đã tạo nên một sự hưởng ứng cuồng nhiệt nơi giới Văn Thân Nghệ Tĩnh Bình. Hưởng ứng lời kêu gọi này, một loạt văn hào thân sĩ xuống đường và đều xướng lên việc “Cần vương cứu quốc”. Họ cho rằng do bọn giáo dân phản quốc mà có loạn, vì thế đã đồng nhất “Tây là đạo – đạo là Tây” mà “thù Tây” thì “ghét đạo” nên ra sức đốt phá và tàn sát giáo dân tại các làng có đạo. Cuộc chiến mang hai tính chất chống ngoại xâm và bài đạo gây nên cảnh cốt nhục tương tàn thật là thảm khốc và đau lòng.
Phong trào Văn Thân hay là các nhà trí thức khoa bảng vùng dậy hưởng ứng Hịch cần vương của Hàm Nghi. Thực tế, số thân hào văn sĩ này không phải cho đến lúc Hàm Nghi xuất đế, sau cuộc đánh úp kinh thành thất bại, truyền Hịch cần vương, mới nổi lên như vậy, mà đã có từ khi Pháp mới đặt chân đến nước Nam. Nhưng quả thực sau khi Hịch được truyền đi thì mức độ và cường độ nổi dậy dữ dội, dai dẳng và quy mô hơn, ở Trung Kỳ (Hương Khê – Hà Tĩnh) do quan đình nguyên Phan Đình Phùng cầm đầu (1887 – 1895)… Chính sử cũng nhận xét: Do Nghĩa quân không có đường lối rõ ràng, không có sự chỉ huy thống nhất, và chỉ tập hợp được một loạt tay sai vô lại giang hồ yểm trợ, chém giết không biết sợ, không phân biệt được kẻ gian người ngay, cộng với thành kiến có sẵn, nên thẳng tay tàn sát người dân lành.
“Văn Thân” là một thành phần xã hội gồm những Nho sĩ, thân hào, thư lại, công chức hưu trí. Tuy giữ những địa vị khác nhau, nhóm này cùng hấp thụ một nền giáo dục căn bản như nhau về xã hội-văn hóa. Là những người đọc được chữ Hán, và với tư thế đó, họ đóng vai trò trung gian giữa triều đình và dân vì là những người chuyển những công bố của triều đình đến quần chúng, không những vào những dịp quan trọng và ngay cả trong đời sống hàng ngày. Điểm chung của “tập đoàn nho sĩ” này – gồm từ vua đến các quan, đến các thơ lại, các giáo viên, thân hào, những người chuẩn bị đi thi và những người đã thi đỗ… – là biết chữ Hán. Họ là những người phổ biến Khổng giáo, và thấy có nhiệm vụ phải bảo vệ đạo lý Khổng giáo.
Một điều rất đáng để ý nữa là những Nho sĩ chuẩn bị thi cử. Họ là những thành phần tạo dư luận và quảng bá dư luận hiệu nghiệm hơn cả. Nhân các kỳ thi, hàng ngàn thí sinh từ khắp các tỉnh trong xứ tụ hội đông đảo tại các trung tâm thi như Huế, Nam Định (trên 5.000 tại Huế và cùng số đó tại Nam Định nhân kỳ thi năm 1864), đã trao đổi tin tức với nhau về tình hình đất nước. Khi về lại tỉnh nhà, họ là những người quảng bá và bình luận thời sự, tạo ra dư luận. Có thể ví các dịp thi cử này như những đại hội toàn quốc của các đảng chính trị lớn.
Giới Văn Thân chống sự du nhập của đạo Công giáo vì cho rằng những người theo đạo này – “giáo dân” – sống cuộc sống khác lối sống của người dân thường – “lương dân”. Những giáo dân này tụ tập riêng với nhau, sống ngoài lề cộng đồng, và nhất là từ chối một số nghi lễ liên hệ đến một tục lệ mà người Việt coi là tối trọng: thờ cúng ông bà, tổ tiên. Họ từ bỏ tục lệ này vì một quyết định của Giáo Hoàng Benoit XIV năm 1742 cho đó là một “mê tín Tàu”. Vì tư tưởng, văn hóa Khổng giáo đặt nặng vấn đề “chính thống”, “chính-tà” và không chấp nhận sự khác biệt ý kiến, nên giới Văn Thân coi Công giáo như là “Tả đạo”.
Ngoài các yếu tố về đạo lý và tư tưởng, còn một yếu tố nữa là yếu tố kinh tế. Điều này rất sáng tỏ sau vụ Pháp chiếm Bắc Kỳ, sa thải quan chức do triều đình bổ nhiệm, và thay thế bằng những viên chức theo đạo Công giáo, không thuộc giới khoa bảng. Trước hiện tượng này, giới Nho sĩ cảm thấy bị đe dọa vì không còn thấy tương lai, nhất là những người chưa đỗ đạt, và cho dầu có đỗ đạt đi nữa cũng không còn được trọng dụng và quý nể. Địa vị ưu đãi của họ bị đe dọa, do đó phải có phản ứng.
Một lý do khác, có lẽ quan trọng hơn cả, là giới Văn Thân coi người Công giáo là những người dọn đường cho quân xâm lăng Pháp. Họ dựa trên những sự kiện là trong các cuộc tấn công của người Pháp thường có sự hợp tác của người Công giáo, và trong những âm mưu chống lại triều đình, những kẻ chủ mưu thường tìm sự ủng hộ của người Công giáo. Điều này cũng dể hiểu vì bị cấm đoán, ngược đãi và chém giết, người Công giáo phải tìm một lực lượng bảo vệ mình và một chính quyền nâng đỡ họ để tự tồn. Lực lượng đó là Pháp, chính quyền đó là chính quyền Công giáo. Vô tình, giới Văn Thân đã đẩy người Công giáo vào thế phải đi với Pháp và chống triều đình.
Thái độ của giới Văn Thân trong giai đoạn này gồm hai phần: truyền thống chống xâm lăng và sự hấp thụ sâu đậm văn hóa Khổng giáo. Phản ứng chống sự xâm lăng của Pháp không có gì ngạc nhiên vì dân Việt Nam có truyền thống chống ngoại xâm từ lâu đời. Cho nên sự kiện giới Văn Thân chống hòa với Pháp và chủ chiến là điều đương nhiên. Nhưng qua đó, Pháp có cớ để gây chiến. Phần khác, giới Văn Thân chủ chiến trong khi Việt Nam ở vào thế rất yếu so với Pháp. Điểm này sẽ được xét ở đoạn dưới.
Trong việc chống Pháp có một khía cạnh ít được nói đến là khía cạnh văn hóa. Thái độ của triều đình, và đặc biệt là của giới Văn Thân, là hậu quả tai hại không tránh được của sự hấp thụ sâu đậm, nếu không muốn nói là mù quáng tôn sùng, văn hóa Khổng giáo mô hình Trung Hoa. Cho đến cuối thế kỷ XIX, giới Nho sĩ – trí thức – Việt Nam chỉ biết có văn minh Trung Hoa và coi văn minh đó là tuyệt mỹ, tuyệt đối, không có văn minh nào có thể hơn được. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, đó là đỉnh cao của trí tuệ, khuôn mẫu để mọi người bắt chước. Tất cả những biểu hiện khác với văn minh đó đều là man di, thấp kém, không đáng học hỏi, bắt chước. Đây là thái độ của Nho sĩ Việt Nam đối với người Tây phương, nói chung, và người Pháp, nói riêng, khi người Pháp xuất hiện và xin giao dịch với Việt Nam. Thái độ này dẫn đến sự gạt bỏ tất cả các đề nghị canh tân, hiện đại hóa kiểu Tây phương để đạt phú cường và đương đầu với ý đồ bành trướng của Pháp.
Quan điểm và thái độ của giới Văn Thân được trình bày rất rõ ràng trong Hịch Văn Thân ngày 19-3-1874. Hịch này kêu gọi “kẻ Nho gia” ném bút cầm vũ khí để chống “Tây tặc” và “Dương di”. Mà chống Pháp trước hết là diệt hết Công giáo thì “Tây tặc không cửa bước vào mà Dương di cũng không chỗ nào tới được”. Khẩu hiệu được tung ra là “Sát Tả, Bình Tây”. Đạo Gia Tô đột nhập Việt Nam là một đạo giáo “vô phụ vô quân như loại chó dê… bỏ phải trái nói điều mạnh yếu”…
Niềm tự hào về những dòng máu anh hùng tử đạo
- Gắn với những thời điểm lịch sử đẫm máu là những trang sử của giáo xứ Quan Lãng. Giáo xưa Quan Lãng được thành lập từ năm 1853, một cộng đoàn tín hữu chạy trốn sự bách hại của Minh Mệnh (1827) lên vùng cao này để dễ bề sinh sống và giữa đạo. Theo nguồn sử liệu trong LỊCH SỬ GIÁO XỨ QUAN LÃNG, được chia ra các thời kỳ gắn với sự hình thành và phát triển của giáo xứ:
– Năm 1849: Dưới triều Tự Đức, việc cấm đạo rất gắt gao. Nhưng gương xả thân cứu người của các tín hữu Kitô trong cơn dịch tả nghiêm trọng, theo lời kêu gọi của các vị Cha Chung, đã khiến mọi người thán phục.
– Tháng 9 năm 1858: Quân Pháp bắn phá và đổ bộ lên Đà Nẵng, triều đình càng nghi ngờ người công giáo tiếp tay cho giặc. Tự Đức liên tiếp ra các sắc chỉ cấm đạo.
– Năm 1860: Quân Pháp chiếm 3 tỉnh miền đông Nam Kỳ. Mọi căm ghét đổ lên đầu “tả đạo”. Ngày 05/08/1861 vua Tự Đức ra sắc chỉ thứ 8 truyền Phân Tháp các làng Công giáo. Một trang sử thương đau cho Giáo Hội Việt Nam, nhất là giáo phận Vinh.
– Năm 1862: ngày 5 tháng 6, triều Nguyễn ký hòa ước nhường ba tỉnh miền Đông cho Pháp, chấp nhận cho Pháp vào Đà Nẵng tự do buôn bán, đặt sứ thần ở Huế, cho tự do giảng đạo Thiên Chúa, và nếu có cắt đất nhường cho một quốc gia khác phải báo trước cho Pháp biết, hai bên không chứa chấp “giặc” và giao “giặc” cho nhau (“giặc” ở đây hiểu theo Pháp, là những người chống Pháp). Các sử gia Việt Nam thường gọi hòa ước này là “Hòa ước năm Nhâm Tuất”. Trong tình hình này chắc chắn giáo dân Dừa Lãng không tránh khỏi đau thương. Nhưng chưa đầy một năm sau lệnh ân xá ban ra và mọi người được hưởng một bầu khí an bình, tuy nhiên rất ngắn ngủi vì lực lượng Văn Thân ráo riết nhắm vào người có đạo trừng trị vì cho rằng đó là lực lượng nội phản.
– Sau sự kiện 20/11/1873 rối đến Hòa Ước Nhâm Tuất 15/3/1874, lúc này Văn Thân mới rầm rộ nổi lên, và Giáo phận Vinh bước vào giai đoạn đầy đau thương. Ngày 21/4/1874, Tú Vinh chiêu tập chừng 700 người đốt phá xứ Quan Lãng. Ngày 22/4/1874, một nhóm tách khỏi đoàn đi đốt phá Sớ, số khác lên phá Kẻ Mực và Cây Chanh, lần này có 93 giáo hữu bị giết. Ngày 26/4, người ngoại giáo Kẻ Mực bắt 4 người Công giáo nộp cho phó tổng Ba, có ông Ngân bị giết, 3 kia khác được tha.. Ngày 28/4, họ bắt được một người con trai của ông Trương nhưng rồi tha cho về và bắt đi tìm cha xứ Khiêm và ông Trương. Ông Trương bị bắt do lời chiêu dụ khoan hồng, cha Khiêm không tin và trốn thoát chiu lủi trong rừng với cái đói rét và bệnh tật cùng một số giáo hữu khác. Ngày 18/7 khoảng 1200 tên nhóm Văn Thân từ Anh Sơn lên, chúng lục soát rừng rú xung quanh xứ Lạng, phá hết mọi lều trại của giáo hữu trú ẩn, tịch thu đồ đạc và bắt đi 21 người, giết một số, còn lại bắt đi tìm cha Khiêm, nhưng họ chỉ tuân lệnh cho qua mà không cố công tìm. Đến 12/8 thì lính triều đình chiếm phủ Anh Sơn và ra lệnh cấm bách hại giáo hữu theo lệnh của khâm sai Nguyễn Văn Tường, tuân thủ Hòa Ước Giáp Tuất.
Sau đó Cha Khiêm về được với đoàn chiên, nỗi vui mừng trong ngày sum họp thật không diễn tả hết.
– Năm 1883, vua Tự Đức băng hà, sau đó 1885 thì lại xẩy ra những cuộc bách hại dữ dội hơn cũng do nhóm Văn Thân khởi xướng và lãnh đạo.
– Năm 1887, Văn Thân thoái trào, các làng Công giáo mới có cơ hội phục hồi tái thiết. Triều đình bắt các làng ngoài giáo bồi thường đất đai tài sản cho giáo dân. Giáo dân Dừa Lãng trở về làng cũ gầy dựng lại cơ đồ. Từ đây sinh hoạt tôn giáo ngày càng khởi sắc. Lịch sử êm ả trôi cho đến thời kỳ thập niên 30 thế kỷ XX: Đảng Cộng sản ra đời; Cách mạng tháng 8 thành công khi sinh ra nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa; thực hiện giảm tô cải cách; chiến tranh chống pháp, chống mỹ; Thông nhất đất nước và xây dựng Chủ nghĩa trên toàn cõi Việt Nam: Hợp tác hóa, cải tạo công thương… Tất cả đều gắn với xứ sở Dừa Lãng những dấu ấn lịch sử này. Những giai đoạn đó có cha Ngọc, cha Thiện, cha Hương cùng với những giáo dân khác… là chứng nhân anh dũng cho sự kiên trung với Giáo Hội để duy trì sự đạo nơi đây. Năm 1991, bước ngoặt lịch sử làm thay đổi chế độ chính trị của toàn khối XHCN, đã tạo nên bước chuyển mình mạnh mẽ trên Quan Lãng, Nhà thờ được xây mới.
Ngày 21/5/1995 lễ cung hiến Thánh đường Quan Lãng với tước hiệu Tổng lãnh Thiên thần Micae.
Ngày 15/12/2006, cha Antôn Trần Văn Công về quản xứ và ngài liền bắt tay vào việc kiến thiết lại ngôi thánh đường sau hơn 10 năm đã không đủ cho việc phụng thờ của xứ đạo không phát triển nơi đây. Và sau hơn một năm, ngày 15/12/2008 cũng là ngày kỷ niệm cha Antôn về quản xứ, ngôi thánh đường mới lại được cắt băng khánh thành và cung hiến. Cùng ngày, giáo xứ có 281 em được lãnh nhận Bí tích Thêm sức.
Trải qua lịch sử nhiều thăng trầm của giáo xứ Quan Lãng, dòng máu anh hùng tử đạo đã thấm nơi mảnh đất này làm trổ sinh nhiều hoa quả ơn gọi, toàn giáo xứ hiện có hơn 70 Linh mục và nam nữ Tu sĩ, trong đó có 6 linh mục là những người con của giáo xứ và có 50 Tu sĩ đã khấn trọn.
Cám ơn cha ông, những người anh dũng hy sinh cho đạo Chúa nơi đây ngày càng được phát triển không ngừng, cống hiến nhiều cho Giáo Hội những người con trung kiên bảo vệ Giáo Hội và mở mang nước Chúa.
Nguồn: http://www.giaoxugiaohovietnam.com