Giới thiệu về Nhà thờ chính tòa Thái Bình
Giáo Hạt Tp Thái Bình 8, Trần Hưng Đạo, P. Lê Hồng Phong, Thái Bình Trần Hưng Đạo tp. Thái Bình Thái Bình VN http://giaophanthaibinh.org/ Nhà Thờ là: Nhà Thờ Chính Tòa Bổn Mạng: Thánh Tâm Chúa Giêsu Số Giáo Dân: 1,435 Giáo Dân Năm thành lập: 1908
Lược sử Giáo xứ Chính Tòa
I – VỊ TRÍ
Nhà thờ chính tòa Thái Bình tọa lạc giữa trung tâm thành phố, ngay cạnh Tòa giám mục Thái Bình. Trước đây, thị xã Thái Bình thuộc tỉnh Nam Định, là phủ lị của phủ Thái Bình (Phủ Thái).
Ngày thành lập: 17.8.1908
Bổn mạng: Thánh Tâm Chúa Giêsu
Số giáo dân : 1435
Linh mục chính xứ: P. Assisi Nguyễn Tiến Tám (9/2014)
Địa chỉ: Nhà thờ Chính Toà Thái Bình, số 8 Trần Hưng Đạo, P. Lê Hồng Phong, t/p Thái Bình, tỉnh Thái Bình.
II – QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Không ai biết xứ Thái Bình đón nhận Tin Mừng từ khi nào, chỉ biết Thái Bình là họ lẻ (Giáo họ Kỳ Bá) của xứ Sa Cát, được thành lập năm 1722. Do vậy, xứ Thái Bình cũng được đón nhận Tin Mừng khá sớm.
Ngày 21.3.1890, Toàn quyền Đông Dương Jules Georges Piquet ra nghị định thành lập tỉnh Thái Bình, gồm phủ Thái Bình, phủ Kiến Xương (tách từ tỉnh Nam Định) và huyện Thần Khê (tách từ tỉnh Hưng Yên). Tỉnh lỵ đặt tại phủ Kiến Xương, bên sông Trà Lý. Khi đó, họ giáo tại phủ lỵ Thái Bình vẫn còn là một họ lẻ của xứ Sa Cát, gọi là Kỳ Bá (Kỳ Bá hay Kỳ Bố, cũng gọi là Bố Hải Khẩu. Kỳ Bá còn có tên là Bo, như bến đò Bo, cầu Bo), với hơn chục nhân danh và chưa có nhà nguyện.
Năm 1906, cha Phêrô Munagorri Trung là cha xứ Sa Cát, thấy viễn tượng Thái Bình sẽ là nơi thích hợp đặt Tòa giám mục. Nơi đây sẽ trở thành nhà thờ chính tòa giáo phận. Vì thế, ngài mời cố Tây Ban Nha Andres Kiên giúp việc xây cất ngôi thánh đường kiểu gothic, nguy nga lộng lẫy.
Ngày 17.8.1908, Đức cha Trung (Pedro Munagorri y Obineta) – Giám mục Tông toà Địa phận Trung – đã cắt một số giáo họ thuộc xứ Sa Cát và xứ Cổ Việt để thành lập xứ Thái Bình, nhận lễ Trái Tim Chúa Giêsu làm quan thầy. Vì là một xứ tỉnh lỵ, nên Thái Bình có nhiều lợi điểm, như các sở dòng Phaolô từ Pháp đến, viện mồ côi, nhà dưỡng lão…
Năm 1915, Thái Bình là xứ đầu tiên thành lập hội Thánh nữ Imenda, hội Trái Tim Chúa Giêsu (chỉ sau xứ Tiên Chu).
Ngày 09.3.1936, một sự kiện đáng ghi nhớ và tự hào đối với giáo xứ Thái Bình, Tòa Thánh ban Sắc lệnh Praecipuas inter Apostolicas (Những Ưu Tư Tông Đồ), thành lập Giáo phận Thái Bình. Giáo xứ Thái Bình vinh dự trở thành Giáo xứ Chính toà của giáo phận. Như thế, ước nguyện của Đức cha Phêrô Munagorri Trung đã trở thành hiện thực. Nhà thờ Chính tòa là nhà thờ mẹ của các nhà thờ trong Giáo phận.
Trong thời kỳ cấm đạo, là phủ lị, nên chung quanh Thái Bình có nhiều nhà tù giam giữ các tín hữu Công giáo; là pháp trường xử tử các người tin Chúa Kitô. Phường Kỳ Bá xưa kia có một mẫu ruộng bỏ hoang không ai dám canh tác, vì đó là nơi giam giữ các tín hữu bị bắt trong thời cấm đạo. Nhiều tín hữu bị trầm hà ở Đông Trì (quan cho trói chân người nọ vào cổ người kia, rồi quăng xuống sông). Địa danh Soi Noi thuộc họ Lạc Đạo cũng là một nhà tù và nơi xử 27 vị tử đạo. Thời gian đầu, nhiều người nơi đây nghe rõ tiếng đọc kinh. Sau khi chuyển hài cốt các vị đi nơi khác, hiện tượng đó không còn nữa.
Giáo xứ Thái Bình cũng vinh dự đóng góp bốn vị Hiền phúc vào vườn Vạn Tuế Thái Bình. Đó là thầy giảng Nhâm, thầy giảng Giuse Hiến, hai anh em ruột Đaminh Vân và Đaminh Quế. Những Hiền phúc này đã được ghi vào sổ Tử đạo Rôma, chờ ngày Giáo Hội tôn phong lên bậc Chân phước.
Năm 1906, ngôi nhà thờ đầu tiên được xây dựng và được trùng tu vào các năm 1937, 1967 và 1995.
Ngày 17.7.2005, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang và cha xứ Giuse Trần Xuân Chiêu đã cho khởi công xây dựng Ngôi thánh đường như hiện nay. Ngày 13.10.2007, nhân ngày họp Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, các Đức giám mục trong cả nước đã cùng về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn, long trọng cắt băng khánh thánh và thánh hiến ngôi thánh đường.
Giáo xứ chính tòa Thái Bình gồm các giáo họ: Lạc Đạo, Đại Hội, Đồng Đức, Tân Thành, Phúc Khánh, Thượng Cầm và Đông Trì.
Từ năm thành lập đến năm 1954, có các cha coi sóc: cha tràng An (Marcos Gispert), cha Rengen Lễ, cha Xuyên, cha Trinh, cha Hạnh, cha Sùng, cha Thanh Minh, cha Trần Chấn Chỉnh, cha Đức, cha Quý.
Từ năm 1954 đến nay có Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ (1954 – 1977), cha Giuse Mai Trần Huynh (1977 – 1992), cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo (1992 – 2002), cha Giuse Trần Xuân Chiêu (2002 – 2009), Đức ông Giêrônimô Nguyễn Phúc Hạnh, hiện nay là cha P. Assisi Nguyễn Tiến Tám (9/2014)
III – TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Giáo xứ Chính toà Thái Bình nằm ở trung tâm thành phố, nên việc tổ chức các sinh hoạt tôn giáo cần rất nhiều ơn Chúa và sự cộng tác của mọi thành phần dân Chúa. Phần đông giáo dân nơi đây là người ngụ cư gồm: các sinh viên, những người dân lao động sống bằng nghề buôn bán tự do. Số dân bản địa hoặc cư trú lâu đời ở giáo xứ rất khiêm tốn. Chính vì thế, việc giáo dục đức tin gặp rất nhiều khó khăn.
Giáo xứ hiện nay có các đoàn hội sau: Hội con Đức Mẹ, hội Thánh Têrêxa, hội Gia Trưởng, Huynh đoàn giáo dân Đaminh, ban Ca đoàn, ban Kèn đồng, ban Trống… Các đoàn hội hoạt động theo tôn chỉ riêng nhưng cùng chung mục đích làm sáng Danh Chúa, giúp nhau thăng tiến bản thân và gia đình.
Giới trẻ là tương lai của Giáo hội và xã hội. Chính vì thế, giáo xứ rất quan tâm tới sứ vụ huấn giáo. Hiện nay, giáo xứ có 8 lớp giáo lý các cấp, với khoảng trên 200 em, học vào chiều Chúa nhật hằng tuần. Ngoài ra, giáo xứ còn thường xuyên mở các lớp giáo lý hôn nhân, giáo lý dự tòng để giúp cho các bạn trẻ chuẩn bị hành trang bước vào đời.
Các buổi sáng ngày thường đều có thánh lễ. Riêng chiều thứ bảy và Chúa Nhật có 5 lễ dành cho các thành phần khác nhau.
Từ khi về nhiệm sở giáo xứ Chính Toà Thái Bình, Đức Ông Giêrônimô Jos. Nguyễn Phúc Hạnh đang đẩy mạnh việc “tái truyền giáo” giúp cho người giáo dân sống trưởng thành về đức tin. Ngài cũng thao thức, cố gắng chấn chỉnh lại các ban ngành đoàn hội, hướng dẫn họ sống đạo ngày một tốt hơn.
Theo dự phóng trong chương trình tổ chức Năm thánh mừng 75 năm thành lập Giáo phận (1936 – 2011), tầng hầm nhà thờ sẽ được chia thành ba khu: phần đầu là Nhà Nguyện Thánh Thể, dành cho giáo dân trong Giáo phận và khách hành hương dâng lễ riêng, hoặc thay phiên nhau tôn vinh Chúa Giêsu Thánh Thể. Phần dưới gian cung thánh (có phần mộ các vị Giám mục tiền nhiệm) là Phòng các Thánh Tử Đạo, để kính nhớ các Thánh và các đấng tiền nhân, cũng là nơi hội họp của giáo xứ. Phần giữa và cuối làm Nhà Truyền thống, trong đó trưng bày các kỷ vật của 102 giáo xứ trong toàn Giáo phận. Trong tương lai, Giáo phận sẽ tu sửa ngôi nhà phía đầu Thánh đường để làm nhà khách cho các đoàn hành hương.
Nguồn : Website Giáo Phân Thái Bình
…………………………
Nhà thờ Chính Tòa Thái Bình
Nguồn : Website Giáo Phân Thái Bình
Năm 1906, khi Thái Bình còn nằm trong Giáo phận Trung, cố Tây Ban Nha Andres Kiên đã lãnh trách nhiệm chỉ đạo việc xây cất ngôi đường với chiều dài hạn chế. Mãi đến năm 1937 khi Giáo phận vừa thoát thai, thánh đường thị xã trở thành nhà thờ chính tòa Giáo phận, Đức Giám mục tiên khởi Gioan Casado Thuận mới truyền cho cố Tây Ban Nha Rengen Lễ là cha sở xứ Thái Bình lúc ấy đốc công xây cất thêm phần nhà thờ từ cánh thánh giá trở lên, đồng thời lập bàn thờ sơn son thếp vàng, làm cho ngôi thánh đường trở nên đồ sộ, rộng lớn, bề thế, khang trang hơn nhiều, xứng tầm vóc của ngôi thánh đường mẹ, thánh đường của Đức Giám mục, trung tâm hội tụ Phụng vụ của toàn Giáo phận.
Trong thời kỳ chiến tranh 1954-1975, nhà thờ chính tòa đã hai lần bị trúng bom vào ngày 19-08 và 12-10-1967 gây hư hại nặng cho nhà thờ. Trong hoàn cảnh chiến tranh và nghèo khó Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ cùng với hàng giáo sĩ và giáo dân từng bước sửa chữa tạm thời. Đức cha Giuse Đinh Bỉnh tiếp tục công việc sửa chữa, và cuối cùng, năm 1995, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, Giám mục chính tòa Giáo phận Thái Bình, đã sửa sang để trở thành ngôi thánh đường khang trang đẹp đẽ.
Ngày 02-02-1996, lễ Đức Mẹ Dâng Chúa Giêsu trong đền thờ, Đức Giám mục Giáo phận đã long trọng cử hành thánh lễ cung hiến nhà thờ chính tòa để ghi nhớ muôn đời.
Để chuẩn bị cho những kỉ niệm lớn: 100 năm xây dựng nhà thờ chính tòa, 60 năm thành lập Giáo phận Thái Bình, Đức Giám mục Giáo phận cùng với toàn thể linh mục, nam nữ tu sĩ và giáo dân lên kế hoạch trùng tu lại ngôi nhà thờ chính tòa đã xuống cấp trầm trọng.
Nhà thờ chính tòa cũ đã được xây dựng từ năm 1906, đã được trùng tu hai lần dưới thời Đức cha Đaminh Đinh Đức Trụ do cha Giuse Mai Trần Huynh là quản xứ Thái Bình thực hiện; một lần dưới thời Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang do cha Giêrônimô Nguyễn Văn Đạo thực hiện. Nhà thờ chính tòa được xây bằng các vật liệu kém là gạch thủ công, cát đào đồng nội với vôi nung gia công, không có bê tông cốt sắt. Trần nhà thờ được thiết kế bằng các chất liệu vôi vữa, rơm tre. Toàn bộ các xà cong được treo bởi các gông bằng gỗ; xà trần và các đầu mộng các xà vòm vì tuổi thọ quá dài nên đã bị mục nát, dù đã khôi phục bằng những dây thép buộc chằng chịt, nay đến ngày sụp đổ. Toàn bộ mái nhà thờ gồm hoành, rui, gỗ và ngói được dựa trên các xà ngang bằng hai thanh sắt chữ I, đã mục nát; quá nhiều lần sửa chữa đã phải dùng giây thép và ốc bulông vít lại, trận bão năm 1997 đã làm nhiều xà bị gãy, toàn bộ lan can bị vỡ nát do tình trạng thụt lún của nhà thờ.
Để tránh tình trạng xấu nhất có thể xảy ra là nhà thờ có thể đổ bất cứ lúc nào trong lúc dâng thánh lễ có đông người tham dự. Theo ý kiến của các chuyên gia xây dựng, nếu trùng tu nhà thờ chính tòa thì kinh phí gấp 2,5 lần xây dựng nhà thờ mới. Vì vậy, Đức Giám mục Giáo phận và toàn thể linh mục đoàn và giáo dân đã quyết định cho xây nhà thờ mới.
Để thuận lợi cho việc xây dựng ngôi thánh đường mới xứng với tầm vóc của ngôi nhà thờ mẹ trong Giáo phận, Đức Giám mục và cha xứ nhà thờ chính tòa đã làm đơn yêu cầu trả lại khu đất trước kia của nhà thờ. Sau một thời gian chính quyền cùng với những hộ sử dụng đất đã đồng ý trả lại cho Giáo phận với quỹ đất là 2.986 m2. Năm 2003, Đức Giám mục Giáo phận đã đặt viên đá góc tường, nhưng phải hai năm sau, tức ngày 17-07-2005, nhà thờ chính thức khởi công. Yêu cầu kiến trúc đối với ngôi nhà thờ mới phải đáp ứng được xu hướng mô hình kiến trúc đồ họa đang thịnh hành ở Việt Nam và được địa phương ưa chuộng từ kiểu dáng cho tới đường nét. Phải cố gắng diễn tả càng nhiều ý nghĩa tôn giáo càng tốt; không dập khuôn theo kiến trúc phương tây: gotique, tum, vòm v.v.; không chạy theo kiến trúc Á Đông như cung đình, chùa chiền, lăng tẩm v.v.; không lòe loẹt, rườm rà; phải đảm bảo độ bền vững lâu dài; phải có tầng trệt để xe cho người dự lễ v.v..
Trải qua quá trình thi công đến ngày 13-10-2007, ngôi Nhà Thờ Chính Tòa Thái Bình mới đã được Đức Giám mục Giáo phận cùng với các Đức Giám mục toàn quốc vừa họp xong khóa họp thường niên tại Hà Nội đã về dự lễ và cắt băng khánh thành và thánh hiến.
Nguồn : Website Giáo Phân Thái Bình