Giới thiệu về Nhà thờ chính tòa Phủ Cam

Giáo Hạt Thành Phố Huế Phước Vĩnh, Thành Phố Huế kiet 152 Trần Phú tổ 16 tp. Huế Thừa Thiên Huế VN 84543831967 84543831967 tonggiaophanhue@gmail.com http://tonggiaophanhue.net Nhà Thờ là: Nhà Thờ Chính Tòa Lịch Thánh lễ Thứ 7: 05:00, 18:30 Lịch Thánh Lễ Chúa Nhật: 05:30, 08:00, 15:00, 18:30

Giáo Hạt Thành Phố Huế
Phước Vĩnh, Thành Phố Huế
kiet 152 Trần Phú tổ 16 tp. Huế Thừa Thiên Huế VN
8454383196784543831967
tonggiaophanhue@gmail.com
http://tonggiaophanhue.net
Nhà Thờ là: Nhà Thờ Chính Tòa
Lịch Thánh lễ Thứ 7: 05:00, 18:30
Lịch Thánh Lễ Chúa Nhật: 05:30, 08:00, 15:00, 18:30
Giáo Hạt Thành Phố Huế
Phước Vĩnh, Thành Phố Huế

Nhà thờ chính tòa Phủ Cam là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Đây là một trong những nhà thờ to lớn, nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế. Ngôi nhà thờ ngày nay được xây theo lối kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế.

Lược sử Giáo xứ Phủ Cam

Giáo xứ Phủ Cam qua dòng lịch sử

Bài 1: Năm 1888, 1889, 1890, 1891, 1893, 1894, 1895
Bài 2: Năm 1897, 1902, 1905, 1906, 1908
Bài 3: Năm 1911, 1912, 1913
Bài 4: Năm 1915, 1921, 1924
Bài 5: Năm 1931, 1933, 1936, 1937, 1938, 1940

Lm. Stanislaô Nguyễn Đức Vệ

Bài 1: Năm 1888, 1889, 1890, 1891, 1893, 1894, 1895

Năm 1888 (Đức cha Caspar)

Phủ Cam, nghèo của cải trần gian, nhưng giàu tình cảm đạo đức, muốn biểu dương chứng tá niềm tin của mình và ngay trước Vương điện, bằng việc xây cao hai ngọn tháp hướng lên trời hai bên mặt tiền đẹp đẽ của thánh đường.

Năm 1889 (Đức cha Caspar)

“Cuối cùng, vào ngày kia, sau khi con báo tin sẽ sai một linh mục bản quốc đến ở nơi một trong những làng ấy (Diêm Tụ, An Lưu, Dưỡng Mông, Hà Nhuận…) để dạy những ai mong ước lắng nghe, các vị chức sắc, chánh tổng, lý trưởng và những người có ảnh hưởng khác, không cầm giữ được sự giận dữ, và giữa khuya ngày thứ sáu cho đến thứ bảy (mồng 1 đến mồng 2 tháng ba), họ đến thật đông, bao vây một ngôi nhà, nơi một người kitô hữu Phủ Cam qua đường đã qui tụ một số người để dạy họ học kinh. Họ đã bắt trói, đánh đập, bắt mang gông người chủ nhà tên Nam, ông gia người này tên Kim, cũng như người tín hữu Phủ cam, sau khi đã lấy đi 54 quan tiền của ông. Những người khác hoảng sợ, đã chạy trốn khắp nơi. Sau một vài răn đe, người giáo dân Phủ Cam được thả ra, còn hai người khác bị dẫn lên huyện”. (Phúc trình của cha Allys).

Năm 1890 (Đức cha Caspar)

“Từ năm 1883, lúc các nho sĩ đã hoàn toàn triệt tiêu nhiều giáo xứ trong hạt của con, Đức Cha đã không ngừng hết sức ao ước và chuẩn bị tái lập lại các giáo xứ. Phần con, từ khi ở Phủ Cam, con đã rất đỗi mong ước dựng lại, từ những đổ nát, các giáo xứ thấm nhuần máu của bao nhiêu vị tử đạo này. Nhưng cho đến những thời gian gần đây, tất cả mọi nỗ lực của con đều không có kết quả, và người ta có thể sợ rằng xứ này vẫn ngoan cố ở dưới ách ma quỉ. Bất ngờ, con có được niềm an ủi là thấy phát xuất một chuyển động lớn hướng về đức tin, và hôm nay, hầu như con có thể hát bài Nunc dimittis (Giờ đây, xin để tôi tớ Chúa ra đi bình an), bởi vì nếu tất cả những cộng đoàn kitô hữu đã bị tiêu diệt chưa phục hồi lại được, thì đã có những chỗ mới thay thế”. (Phúc trình của cha Allys).

Năm 1891 (Đức cha Caspar)

“Số 1.921 kitô hữu trong giáo hạt của con, làm cho con bận rộn nhiều, chưa kể việc con phải dành một phần thời gian cho một cộng đoàn nữ tu và phải lo liên tục cho Nhà Dục Anh. Thực sự, con có một cha phó người Việt; nhưng ngoài vị linh mục này mới đến ở Phủ Cam, ít rõ các công trình của con, tuổi 57 đè nặng trên vai ngăn cản nhiều cho nhiệt tình của ngài tung cánh. Giá mà con có được các giáo lý viên; nhưng những người trợ tá quý báu này còn thiếu, đứng trước những bông lúa rất dể mót vào nếu chúng con có nhiều người, chúng con chỉ còn một hy vọng, đó là Chúa nhân lành thương xót chúng con và sẽ làm trổ sinh tại nước Pháp, cũng như tại Việt Nam, nhiều ơn gọi tông đồ”. (Phúc trình của cha Allys).

Năm 1893 (Đức cha Caspar)

“Hoàng thân Hường Chức (cháu nội vua Minh Mạng) đang ở trong tình trạng quá suy nhược, không thể làm cho các kẻ bách hại ông lo ngại chút nào. Hoàng thân Hường Tế, anh của ông và là bạn lưu đày với ông, để mình bị quên lãng bao nhiêu có thể và không sợ hạ mình đi dạy các em nhỏ và săn sóc những người bệnh tật trong giáo xứ ông đang lưu lại. Các hoàng thân và công chúa đã trở lại đạo tiếp tục tỏ ra là những người kitô hữu sốt sắng và chịu đựng không chút than van những thiếu thốn mất mát do Triều đình áp đặt vì đức tin của họ” (Phúc trình của cha Allys).

Năm 1894 (Đức cha Caspar)

“Con sẽ nói gì về giáo xứ Phủ Cam của con? Con đã rửa tội cho 118 người lớn và 235 trẻ em con cái lương dân. Đó là thành quả rõ nét nhất trong năm. Ôi! Thưa Đức Cha, tại sao không có được nhiều vị thừa sai hơn trong miền Bắc Đàng Trong này? Thực đáng ước ao có nhiều hơn gấp đôi số thừa sai chúng ta đang có. Bấy giờ có lẽ công trình của Chúa sẽ tiến những bước thật dài. Nếu ít nữa chúng ta có thêm những giáo lý viên!…” (Phúc trình của cha Allys).

Năm 1895 (Đức cha Caspar)

Về phần cha sở Phủ Cam, ngài cảm nhận được một sự an ủi lớn lao; quả thực, cha Patinier, mặc dầu đau yếu, đã sẵn sàng lãnh trách nhiệm lo họ đạo Thợ Đúc, kỳ cựu và sốt sắng, quan trọng nhất trong các họ nhánh của Phủ Cam. Mặc dầu như thế, cha sở Phủ Cam còn phụ trách gần 2.000 tín hữu, mà nhiều người ở rất xa nhà xứ. Vì thiếu nhân sự trong Hội Truyền Giáo, nên còn có trở ngại cho việc xin thiết lập một giáo xứ mới gồm các cộng đoàn kitô hửu Sình, An Nhơn, Cồn Soi (tức Cồn Hến)…

Bài 2: Năm 1897, 1902, 1905, 1906, 1908

+Năm 1897 (Đức cha Caspar) :

“Giáo hạt Bên Thuỷ hiện nay có 10.305 tín hữu; từ ngày 1/05/1896 đến ngày 1/05/1897, chúng tôi đã giải tội 23.704 người, cho rước lễ 27.732 người và rửa tội 1.749 lương dân. Con số cuối cùng này là quan trọng nhất, ít nữa về mặt truyền bá Đức Tin, đã có được nhờ những cố gắng của mọi người, các vị thừa sai và các linh mục bản quốc.

Cha Patinier, mặc dầu luôn đau yếu, đã rửa tội 72 dự tòng và thiết lập một cộng đoàn kitô hữu rất sốt sắng; cha Héri đã rửa tội 302 người; cha Stoeffler: 268 người; cha Godet dầu lưu lại thời gian ngắn trong giáo xứ của ngài, nhưng đã rửa tội 72 người; cha Quế gần như mù loà và đi lại khó khăn, đã rửa tội 24 người; cha Doãn: 177 người; cha Chánh: 287 người và cha sở Phủ Cam: 547 người.

Chỉ mình Thiên Chúa nhân lành biết được bao nhiêu lao nhọc khó khăn chúng tôi đã có dịp gánh lấy qua những cuộc trở lại này. May thay, giữa những cơn giông tố dữ dằn đổ xuống trên những người mới theo đạo, Chúa đã an ủi chúng tôi bằng những thời gian êm ả và tạm thời lắng dịu.

Đàng khác, Chúa Quan phòng đã không để chúng tôi thiếu những niềm an ủi. Điều an ủi lớn nhất và bổ sức nhiều nhất, chắc chắn không sai, đó là sự bền vững không lay chuyển của những người tín hữu mới theo đạo của chúng tôi. Nhiều người trong họ đã bị xiềng xích, gông cùm, bị đập đánh đến đổ máu và bị giam giữ nhiều ngày trong ngục; không một ai đã bị nhụt chí đi. Hơn nữa, sự hung hăng của các quan lại hành hạ họ, xem ra càng làm tăng thêm lòng can đảm của họ, và trước mặt các lý hình, họ cất cao giọng đọc kinh hôm mai một cách đầy đủ và sốt sắng, chúng tôi không nói ngoa, giống như ở trong nhà thờ giáo xứ của họ.

Một niềm an ủi khác, chúng con cũng đã thấy được rõ ràng, đó là điều chúng con đã và vẫn còn cảm nhận được khi thấy những sự sách nhiễu đó chẳng ngăn cản được chút nào các người lương dân đến với chúng con. Ngược lại, và tưởng như Thiên Chúa nhân lành thích trêu chọc những kẻ nghịch thù chúng con và cho thấy những nổ lực thù hằn của họ là vô ích, những người công giáo càng bị bách hại, thì những người lương dân càng xin trở lại. Điều này làm cho người ta tự hỏi chẳng phải Chúa Quan phòng để cho xãy ra những sự sách nhiễu đó hầu lôi kéo những người lương dân quan tâm đến đạo và, có thể nói, thúc bách họ ôm ấp đạo Chúa đó sao. “. (Phúc trình của cha Allys)

+Năm 1902 (Đức cha Caspar) :

Cha Allys đã hoàn thành nhà thờ Phủ Cam, công trình đã được ngài lo xây dựng từ nhiều năm qua. Nhà thờ rộng rãi khang trang nằm trên một ngọn đồi nhỏ ngay giữa lòng giáo xứ. Đây là nhà thờ to lớn và đẹp đẽ nhất chúng tôi có được trong Miền Truyền Giáo này. Nhà thờ đã được làm phép trọng thể vào ngày 27 tháng 8 vừa qua. Cộng đoàn tham dự rất đông và nghi lễ thật hoành tráng. Phúc trình của cha Allys xác nhận 20 người lớn được rửa tội, 1.146 người xưng tội năm. 4.905 lượt xưng tội nhiều lần, 1.139 người rước lễ mùa Phục sinh và 4.891 lượt rước lễ do lòng sốt sắng, 36 người chịu Của Ăn Đàng, 28 ngưòi được ban bí tích Xức dầu thánh , rửa tội cho 74 trẻ em con nhà có đạo và 82 em con cái người lương. Thêm vào các số kê khai này, còn có số xưng tội và rước lễ của 64 nữ tu bản xứ của tu viện Phủ Cam.

+Năm 1905 (Đức cha Caspar) :

Phủ Cam. Tôi đã nói về cha Allys, người điều khiển giáo xứ này từ 20 năm qua. Nhờ nhiệt tình khéo léo, ngài đã làm cho giáo xứ này nên rất hưng thịnh và xây cho một nhà thờ, có lẽ chỉ kém nhà thờ Di-Loan về kiểu kiến trúc thuần tuý, nhưng vượt trổi về kích thước rộng lớn.

Cha Léculier giúp cha Allys trong trách vụ nặng nề. Ngài đặc biệt lo bệnh viện bản xứ và trường của các Nữ tu dòng thánh Phaolô thành Chartres. Rửa tội : 75 người lớn; 103 trẻ em lương dân. Thêm vào những thành quả tốt đẹp đó còn có số 8.000 lượt giải tội, và các vị cũng đồng ý với tôi là giáo xứ Phủ Cam, với ngôi thánh đường rộng rãi, với tu viện gồm 80 nữ tu người Việt, với số giáo dân 2.000 người, là viên ngọc quí của Miền Ttruyền Giáo này.

+Năm 1906 (Cha chính Izarn) :

617 người lớn được rửa tội; đó là bó lúa do cha Allys và các vị phụ tá của ngài thâu lượm được trong giáo hạt kinh đô rộng lớn . Những xứ ghi nhận trên 20 người được rửa tội là: Phủ Cam, 47; Hà Úc. 85; Diêm Tụ, 33; Thạch Bình, 82; Trài, 24; Linh Thuỷ 50; Nước Mặn, 21; Nước Ngọt, 67; An Thành, 72; Nam Phổ, 27; Đá Hàn, 36; Lại Ân, 51…

+Năm 1908 (Đức cha Allys) :

Tất cả các cộng đoàn kitô hửu đó (đã được kể trong bản báo cáo) đều thuần nhất, bao gồm những người thuộc cùng làng với nhau và nói chung cùng làm các nghề nghiệp như nhau. Nhưng giáo xứ Phủ Cam có một đặc điểm là gồm người tứ phương. Ít nữa hai phần ba dân cư đã đến ở gần như từ khắp nơi, ngay cả từ Nam kỳ và Bắc kỳ. Dầu khác biệt gốc gác như thế, các giáo dân Phủ cam luôn sống trong an hoà. Tôi nhớ rỏ họ không hề kiện cáo nhau trước mặt các quan lại hoặc các viên công sứ.

Tinh thần thuận hoà đó lôi cuốn về Phủ Cam khá nhiều gia đình không tìm được sự yên tỉnh nơi khác và nhiều lương dân bị bách hại trong các làng mạc vì ao ước trở thành kitô hữu. Cuối cùng, nhờ sự hiểu biết tốt đẹp đối với nhau giữa tất cả các dân cư, nên tinh thần đức tin ở đó rất sống động. Đây là một giáo xứ tuyệt vời và là nơi của cả Miền Truyền Giáo có số người tín hửu tăng triển nhanh nhất. Giáo dân tăng gấp ba lần trong vòng 20 năm. Hiện nay, số giáo dân lên tới 2.290 người. Theo bảng thống kê, có 7.121 lựơt xưng tội, 12.070 lựơt rước lễ, 110 tân tòng và 159 trẻ em lương dân đã được tái sinh trong thời gian thi hành mục vụ này.

+++

Bài 3: Năm 1911, 1912, 1913

+Năm 1911 (Đức cha Allys) :

Vào năm 1890. giáo hạt Bên Thuỷ chỉ có 4.684 tín hữu, trong số này 1.089 người là tân tòng vừa mới được rửa tội; hiện nay có 15.045 người, chia thành 14 giáo xứ.

Giáo xứ quan trọng nhất là Phủ cam. Tổng số giáo dân là 2.442 người; gần hai phần ba là đạo mới. Cha Stoeffler cùng với cha Hội mới chịu chức trợ lực, lo giáo xứ này và cũng hướng dẫn một cộng đoàn gồm 56 nữ tu bản xứ ở đây. Ngài cho thấy rằng ngài không thể lo đầy đủ cho công việc này; điều này càng cho người ta dể nhận ra rằng thiếu các giáo lý viên trong Miền Truyền Giáo của chúng tôi. Lại nữa đây là một vài phần trích trong bản tường trình của ngài: “Để theo đúng sắc lệnh Quam singulari, con đã bắt đầu dạy các trẻ em đến tuổi khôn. Trong thời gian làm việc này, 152 em đã được tiến đến Bàn thánh ; nhưng con số những trẻ chưa được rước lễ còn rất nhiều. Việc phải dạy thêm này, cho đến hôm nay, đã ngăn trở con trong việc chăm lo đầy đủ cho ba họ nhánh trực thuộc giáo xứ Phủ Cam. Con e sợ mình cũng không thể làm được trong tương lai, trừ ra nếu có thêm một cha phó nữa trợ lực, một sự trợ giúp càng được hết sức ao ước khi thấy dân chúng làng Thần Phù đến xin trở lại. Nếu con đạt được kết quả trong việc dạy dỗ và rửa tội cho những người dân tốt lành này, rồi xây dựng được một cộng đoàn tín hữu trong làng này, cách không xa các trung tâm mới là Dạ Lê và Thanh Thuỷ, con sẽ thấy, như từ lâu hằng tin tưởng, một giáo xứ đẹp đẽ được mọc lên trong vùng này, một vùng cho đến những năm sau này vẫn không có một người kitô hữu nào”

+Năm 1912 (Đức cha Allys) :

Cha Stoeffler và cha phó Bat. Hội rất bận rộn với 2.404 giáo dân Phủ Cam.

+Năm 1913 (Đức cha Allys) :

Ở Thần Phù không thiếu những khó khăn. Càng khó vì ở đó số giáo dân ít ỏi. Tuy nhiên, vì số những người xin trở lại ngày càng tăng ở làng này trong thời gian gần đây, cha Stoeffler đã xây dựng nơi đó một ngôi nhà nguyện nhỏ và sắp tới, một cha phó của ngài sẽ đến ở lại đó vài tháng. Cũng chẳng phải là viễn vông khi hy vọng rằng trước cuối năm nay, số tân tòng sẽ vượt quá trăm người.

Chúng tôi sẽ càng hạnh phúc hơn nữa khi được thấy niềm hy vọng này thể hiện, bởi sự tăng triển số tín hữu của Thần Phù và ba họ nhánh khác đã được tôi nói đến ở trên sẽ giúp cho việc thành lập một giáo xứ mới ở đó. Điều này sẽ rất có lợi: trước tiên cho Phủ Cam, nơi công việc quá nhiều không làm xuể; rồi cho các họ đạo mới này khi có một linh mục ở tại chỗ điều khiển, việc đào luyện đời sống kitô hữu sẽ nhanh chóng hơn.

Trong lúc chờ đợi những ước mong này được thể hiện, cha Stoeffler với hai cha phó Bat.Hội và Phaolô Tuyến trợ giúp, trong thời gian thi hành mục vụ vừa rồi, đã rửa tội 321 tân tòng, giải tội 12,646 lượt người, cho rước lễ 26.499 lượt và chuẩn bị 254 người chịu phép thêm sức.

Nói thế, phải chăng nơi chúng tôi, mọi sự đều tốt đẹp tuyệt vời hơn tất cả mọi nơi? Than ôi, không phải thế, và hầu như khắp nơi, còn có một số kitô hữu chắc chắn không muốn bỏ đạo, cũng chẳng muốn bị coi như người chối đạo, nhưng chỉ giữ những bổn phận đạo đức tuỳ tiện, theo sở thích bất thường của mình và tuỳ thời. Cũng có những kẻ, để khỏi phải làm hoà với tha nhân, trả lại của chiếm đoạt bất công hoặc từ bỏ các dịp tội, họ đã sống qua nhiều năm không lãnh nhận các bí tích. Họ sống như những người ngoại và chết trong những hoàn cảnh không thể không nghĩ đến án phạt của Thiên Chúa. Điều đó đã xãy đến trước hết cho một giáo dân Phủ Cam của tôi.

Người này gốc Nam kỳ, đã đến sống tại Gia Hội, một khu vực của Huế lúc đó thuộc giáo xứ Phủ Cam. Dầu ít sốt sắng, ông vẫn giữ khá đều các bổn phận đao đức; nhưng dần dần với thời gian, ông đã chịu ảnh hưởng của bạn bè ngoại đạo, và những sự chơi thân thường xuyên này làm cho ông dần dần rời bỏ đường ngay nẻo chính. Chẳng bao lâu, tôi đau lòng được tin ông đã có thêm vợ lẻ. Được cảnh cáo về gương xấu ông đã phạm và về hiểm nguy cho phần linh hồn, xem ra ông đã suy nghĩ lại; và trong một ít thời gian, người ta có thể hy vọng ông thay đổi lối sống. Nhưng đam mê bóp nghẹt tiếng nói của lương tâm, và để tỏ ra mình đã chọn lập trường sống theo sở thích của mình, người vô phúc đó đã đưa người vợ lẽ về ở với ông, và nói với một người chê trách ông về hành vi xấu xa đó rằng : “Khi nào đến tuổi 70, tôi sẽ hối cải; còn bây giờ, tôi muốn tận hưởng cuộc sống”.

Một vài tuần lễ trôi qua, người ngoại tình lâm bệnh nặng. Người vợ chính thức của ông nghĩ rằng mình phải sai ai đó đi báo tin cho cha sở Phủ Cam về tình trạng hiểm nguy của chồng mình. Tin báo cấp tốc đến vào lúc 8 giờ tối, tức khắc cha Lữ phó xứ lên thuyền đi đến với người hấp hối. Vài phút sau, con thuyền đã rời hói Phủ Cam, và tiến ra sông lớn của Huế; gần hai cây số phải vượt qua, trước khi tới nhà người bệnh. Dầu thời tiết cho đến lúc đó rất bình lặng, bỗng chốc gió bắt đầu thổi với một cường độ làm cho con thuyền bị sóng đánh đu đưa mãi gần hai giờ sau mới vượt qua được chặng đường thường chỉ cần nửa giờ chèo khi thời tiết yên tỉnh.

Vừa xuống thuyền, cha Lữ đi nhanh ngay tới nhà bệnh nhân; nhưng xem ra tất cả đều chống lại người vô phúc này. Quả thực, vị linh mục đã phải đứng lại nơi cửa nhà vì bà vợ lẻ ngăn cản và cửa chỉ mở ra sau nhiều thương thảo, khi người bệnh đã qua đời rồi. Cha Lữ cúi mình trên giường bệnh nhân, và nhận ra rằng trước mặt ngài chỉ còn là một tử thi, đẩm ướt mồ hôi của cơn hấp hối.

Sự khủng khiếp của cái chết không dừng tại đó. Lúc người ta sắp đưa ra nghĩa trang, nắp hòm, mặc dầu đóng chốt rất chắc chắn, bỗng bung ra vì tức hơi, và tử thi đã quá phình ra hiện ra trước mắt kinh hoàng của những người tham dự, để lại một ký ức không bao giờ quên.

May thay những cái chết như thế này thật hoạ hiếm và những cuộc trở về với Chúa trong cơn nguy hiểm dễ dàng hơn; bởi vì khắp nơi trong Vùng truyền giáo, có các thừa sai và các linh mục bản xứ có thể mời được một cách dễ dàng.

+++

Bài 4: Năm 1915, 1921, 1924

+Năm 1915 (Đức cha Allys):

Trong thời gian thi hành mục vụ này, tại Phủ Cam một người cháu gái của Minh Mạng qua đời, người này đã trở lại đạo 38 năm nay. Công chúa này, để tự do hơn trong việc giữ đạo, đã ở riêng ra, không ở với con gái và thân nhân; bà trú lúc nơi này lúc nơi khác, thường thì ở tại cô nhi viện của các Chị Em dòng thánh Phaolô thành Chartres, nơi rất vui lòng tiếp đón bà. Thấm nhuần hiểu biết về tầm quan trọng của ơn cứu rỗi, và lo sợ các hình phạt hoả ngục trên hết mọi sự, bà đã không bao giờ đi lệch đường ngay nẻo chính và bà không ngần ngại chấp nhâïn cái chết hơn là chối từ đức tin của mình.

Một ngày kia bà đi trên một chiếc thuyền buồm với đoàn thuỷ thủ không làm cho bà tin tưởng bao nhiêu, ý tưởng đến với bà là những người trên thuyền có ý định giết bà để chiếm số tiền tương đối lớn bà đang mang theo. Viễn cảnh phải chết vì một chút tiền bạc làm cho bà không chịu được. Bà tự nhủ:”Nếu phải chết, tôi cam lòng; nhưng ước gì tôi chết vì Chúa, vì đạo của tôi, chứ không phải vì một ít đồng tiền”. Và không do dự phút nào, bà vất xuống nước tất cả những gì bà đang có.

Ngay khi bà cảm thấy bệnh nặng, bà nhờ người đưa đến nhà một trong những người cháu, mà bà biết đó là một kitô hữu rất tốt. Ở đó, sau khi sốt sắng lảnh nhận Của Ăn Đàng và phép xức dầu, bà từ giã cõi đời về với Chúa. Một người em của bà trước kia cũng có ao ước trở lại đạo cùng thời gian với bà; nhưng ông đã chẳng bao giờ muốn dứt bỏ hoàn toàn những tập tục ngoại đạo, và dầu luôn bị ám ảnh bởi nỗi lo lắng sợ chết mà không được rửa tội, nên tiếp tục sống trong ngoại giáo. Sau cái chết của chị ông, chắc hẳn nhờ lời cầu nguyện của bà trên trời cho ông, ông đã không nấn ná chần chờ nữa và đã được cha Stoeffler ban phép rửa tội .

+Năm 1921 (Đức cha Allys) :

Mặc dầu không được ổn định về mặt vật chất, giáo hạt Bên Thuỷ vẫn có những giáo xứ tốt lành và phong phú, mà đầu hết phải kể đến Phủ Cam, gồm 2.752 giáo dân.

Nếu để ý xem xét nhiều người tân tòng đã được rửa tội hằng năm trong giáo xứ này, số kitô hửu sẽ cao hơn nhiều lắm; nhưng do vùng đất nhỏ hẹp, nằm ngay cửa vào Huế, nên một số lớn dân cư phải rời xa quê đi đến ở khắp nơi trong Đông Dương, nhất là tại Đà Nẵng, Savannakhet, Nam kỳ và Vientiane.

Tuy nhiên, hạt nhân ưu tú gồm những gia đình kitô hữu kỳ cựu hầu như vẫn y nguyên và chính nhờ đó phần nào, mà nhiều người đạo mới sống tại Phủ Cam hoặc vùng lân cận đã được đào luyện nhanh chóng trong việc giữ đạo.Trong thời gian thi hành mục vụ này, số các lựơt xưng tội được nâng lên 10.660 và rước lễ là 20.975.

Điều hành giáo xứ này là một trách vụ nặng nề cho cha Stoeffler và các phó xứ của ngài là cha Khâm và cha Phú, bởi vì, ngoài việc ban các bí tích và nhiều việc khác phải bàn đến và xét xử, việc dạy dỗ các tân tòng, nhất là dạy các trẻ có tới hàng trăm, mà các ngài phải hoàn toàn lo đảm trách, thì Phủ cam cũng như hầu hết các giáo xứ khác của Miền truyền giáo thiếu hụt các giáo lý viên.Mặc dầu công việc nặng nề, cha Stoeffler và các cộng sự viên của ngài vẫn tìm được giờ để chuẩn bị rửa tội cho 126 người dự tòng.

Cách đây hơn 29 năm, ngày 31 tháng 5 năm 1892, Đức Cha Caspar đã được cha sở hồi đó mời ban phép Rửa tội tại Phủ Cam cho 30 dự tòng thuộc Hoàng gia. Một vài giờ trước khi rửa tội, những người dự tòng này thấy hai hoàng thân bà con của mình, cháu vua Minh Mạng đi lưu đày, họ đã bị kết án phải chịu hình phạt khắc nghiệt và nhục nhã này chỉ vì họ đã theo đạo Công giáo.

Trong số những người mới trở lại đạo chứng kiến những hình phạt mà các người thuộc Hoàng gia theo đạo phải chịu, có hoàng thân Hường Thuyền, người bấy giờ đã nói với cha Allys rằng:” Phần con, cả gia đình và bà con ruột thịt, chúng con đã đến với cha để được làm kitô hữu, cho dẩu chúng con tất cả phải bị kết án tử hình, thì chúng con chỉ về lại nhà sau khi chúng con đã được rửa tội.”

Trong nhiều dịp kễ về Miền Truyền Giáo Huế, cuộc sống nên gương của vị hoàng thân này đã được nhắc đến. Trước khi trở lại đạo, ông đã rời bỏ vợ con để lui vào trong một căn nhà nhỏ nghèo nàn, sống trong cô tịch và hãm mình. Từ ngày được rửa tội, ông không bao giờ đi lệch khỏi con đường mình đã dấn thân vào. Không có bất cứ niềm vui, lao nhọc, bệnh tật nào làm biến dạng đi lối sống của ông, và làm suy giảm đi sự tùng phục hoàn toàn của ông trước thánh ý Chúa. Ông xưng tội hàng tuần, ông rước Chúa hàng ngày, chuyên cần viếng Thánh Thể mỗi ngày, và tự nguyện ăn chay thường xuyên, với nhiều hy sinh hãm mình khác.

Để ngày càng thanh luyện tâm hồn đẹp đẽ này và kiến tạo cho ông một phần thưởng dồi dào hơn, Chúa nhân lành đã để cho ông trong những thời gian cuối đời chịu thêm những đau khổ thể xác và tinh thần. Ông chịu đựng tất cả không bao giờ than trách và ông đã trút linh hồn trong an bình. Nếu trong gần 30 năm, đời sống hoàn hảo của vị hoàng thân này đã là một đề tài ca ngợi và cảm hoá, thì đám tang của ông mang đặc tính của một cuộc kết thúc huy hoàng. Dầu thời tiết xấu, một đám đông đáng kể, gồm cả kitô hữu lẫn lương dân, sau khi đã dự thánh lễ an táng trọng thể và nghi thức phó dâng và từ biệt lần cuối do Đức Giám mục Đại diện Tông toà Huế chủ sự, đã đi theo linh cửu cho đến nơi chôn cất. Trong số những người tham dự đông đảo đó, người ta thấy ngoài hàng giáo sĩ, các chức sắc Phủ Cam và các giáo xứ lân cận, còn có vị hoàng thân tộc trưởng, các đại diện của các vị bộ trưởng Việt Nam và quan Tổng đốc Huế. Thượng Thư bộ Lại Nguyễn Hửu Bài hiện diện để bày tỏ lòng quí chuộng và cảm phục người quá cố; tất cả mọi người lương giáo đều nói đi nói lại với nhau rằng: người quá cố là hoàng thân Thuyền không thể nào được ca ngợi cho xứng, vì ông vượt trên mọi lời ca tụng.

Minh Mạng và hai người kế vị ông đã bách hại những người kitô hữu một cách dữ dằn, Thiên Chúa báo oán như một vị Chúa nhân lành, đã làm cho một phần tử trong Hoàng gia thành một người kitô hữu chẳng sợ hãi cũng chẳng hờn trách, được tôn kính ngang hàng một vị thánh!

Cho đến năm 1890, giáo xứ Phủ Cam, trừ một vài nơi ít quan trọng ở ngay trong địa giới, bao gồm tất cả giáo hạt Bên Thuỷ bây giờ, nghĩa là kéo dài trên phần đất của ba huyện, một nửa tỉnh Huế. Dần dần nhờ có nhiều người trở lại đạo, có thể thiết lập đây đó những trụ sở, trở thành những chi nhánh quan trọng và rất phồn thịnh của giáo xứ mẹ.

+Năm 1924 (Đức cha Allys):

Sau những cuộc tàn sát xãy ra tại Việt Nam trong những năm 1885-1886, người ta đã có thể tin đã đến thời trở lại của lương dân: chỉ trong vòng 3 hoặc 4 năm sau đó người ta thấy các cuộc trở lại đạo nhiều hơn bao giờ hết. Năm 1892, để loại đi ao ước trở lại đạo ngay nơi chính những thành phần trong Hoàng gia, chính quyền kết án lưu đày, có nghĩa là một cái chết không tránh khỏi, hai vị hoàng thân cháu Minh Mạng là những người trở lại đạo trước hết: ngày hai vị Tuyên xưng đức tin này đi lưu đày, phải mang xiềng xích nặng nề, thì 27 ông hoàng bà chúa và 3 người dâu của Minh Mạng lãnh nhận phép rửa tội trong nhà thờ Phủ Cam.

+++

Bài 5: Năm 1931, 1933, 1936, 1937, 1938, 1940

+Năm 1931 (Đức cha Chabanon):

Người kế vị Đức Cha Allys, là Giám mục phó của ngài từ một năm qua, đã được tấn phong giám mục ngày 28/10/1930, vào ngày lễ kính hai thánh tông đồ Simon và Giuđa. Ngày đó, các Đức Giám mục Đại diện Tông Toà của Đông Dương đã tụ về Paris để dự Tổng công hội, chưa trở về lại trong các Vùng truyền giáo. Nghi lễ phong chức sẽ được nổi bật thêm nếu được các ngài hiện diện, tuy nhiên vẫn rất long trọng. Đức Cha Dreyer Khâm sứ Toà thánh cách đây sáu tháng đã tấn phong Đức Cha Tardieu ngày 1/5/1930, nay cũng rất muốn đổ dầu thánh trên người bạn học cũ và vẫn là người bạn trung thành của Đức Giám mục Đại diện Tông toà Qui Nhơn. Đức Cha Cooman, Giám mục phó của Đức Cha Marcou, và Đức Cha Chaize, Giám mục phó của Đức Cha Gendreau, là những vị phụ phong. Đức Cha Gordaliza, Đại diện Tông toà Bắc Ninh, mặc dầu sức yếu, vẫn chịu nhọc nhằn vượt qua đường dài để đến thay mặt cho đại gia đình dòng Đa Minh và các Vùng truyền giáo phồn thịnh của Bắc kỳ được giao phó cho ngài. Từ Vinh, Qui Nhơn, Kontum và cả từ Sàigòn xa kia, những anh em đồng môn cũng đã đến, như biểu tượng hiệp nhất sống động của các Miền Truyền Giáo Đông Dương. Hàng giáo sĩ Huế, linh mục thừa sai và bản địa, có mặt hầu như đông đủ, cũng như đại diện các Dòng tu và các Hội dòng, là những báu vật tô điểm các Miền Truyền Giáo của chúng tôi hôm nay. Nghi lễ diển ra với trật tự hoàn hảo, trong nhà thờ lớn Phủ Cam, được trang trí một cách tốt nhất, gây ấn tượng mạnh trên cộng đoàn tham dự đông đảo, gồm cả người Pháp và người Việt, ít khi thấy được những cuộc lễ như thế này.

+Năm 1933 (Đức cha Chabanon) :

Các Sư Huynh dòng Thánh Tâm năm nay đã mở hai trường đầu tiên tại Phủ cam và Kim Long. Học phí ít ỏi do một số học sinh nộp đủ để cấp dưỡng các giáo viên. Có được như thế luôn không? Dầu sao, điều có thể trong các trung tâm này lại không thể có trong phần lớn các họ đạo của chúng tôi, và các trường học càng thêm nhiều, thì sẽ càng tăng thêm phí tổn phải chịu cho Vùng truyền giáo. Các Sư huynh làm việc tại Kim Long và Phủ Cam làm tròn công việc với sự bù đắp của các học sinh, các phụ huynh và của cha sở. Tôi mong rằng các sự đổi mới được thực hiện tại Trường An sẽ không làm tổn hại cho việc đào tạo các giáo viên và là giáo lý viên khiêm tốn của chúng tôi.

+Năm 1936 (Cha Lemasle, Bề trên Miền Truyền Giáo) :

Để hợp với giáo huấn của Đức Thánh Cha, các tổ chức Nghĩa Binh Thánh Thể và Tông đồ Cầu nguyện đã được thiết lập trong một số họ đạo để cổ võ Hoạt động Công giáo tiến hành, Tôi kể ra đặc biệt ở giáo xứ Phủ Cam, An Do Tây và Hà Úc, là những nơi cha Chapuis, cha Anrê Cần, cha Kaichinger, và cha J.B.Hân đã thu lượm được nhiều thành quả rất tốt. Thật đáng ước mong cho phong trào này còn lan rộng hơn và như thế, các kinh nguyện, các việc rước lễ và hy sinh của biết bao trẻ em, của các thanh niên nam nữ, tất cả đều được linh hoạt bởi một tinh thần chinh phục đích thực, lôi kéo xuống trên quần chúng lương dân nhiều ơn trở lại.

+Năm 1937 (Đức cha Lemasle):

Tiếp đến về giáo xứ Phủ Cam, với 3.156 giáo dân và tu viện gồm 47 nữ tu Mến Thánh Giá. Chính cha Chapuis, là cha chính địa phận, đứng đầu nhiệm sở này, nơi đã có hơn 20.000 lượt xưng tội và gần 90.000 lượt rước lễ. Ngài có một cha phó trẻ là cha Quí giúp ngài trong công việc nặng nề.

Hai trường tiểu học: một cho trẻ nam, do các Anh Em Hèn Mọn Thánh Tâm điều hành, một cho trẻ nữ được trao cho các nữ tu Mến Thánh Giá, chuẩn bị các học sinh của mình đi thi lấy bằng; một trường dạy kinh bổn qui tụ các trẻ để dạy giáo lý. Phong trào Nghĩa Binh Thánh Thể đủ mọi cấp ngày càng phát triển và cho nhiều thành quả rất tốt.

+Năm 1938 (Đức cha Lemasle) :

Sau cùng một thử nghiệm dò dẫm của Hội từ thiện thánh Vinh-sơn mới được thành hình, Qui chế của Hội đã được Công sứ tại Huế chuẩn thuận và các thành viên trong Hội đã bắt đầu cách khiêm tốn hoạt động tông đồ của mình bên cạnh các người nghèo, số người này không thiếu ở Phủ Cam và các vùng lân cận.

Đức cha Ngô Đình Thục đã được tấn phong Giám Mục ngày 4 tháng 5 trong nhà thờ chính toà Phủ Cam do Đức cha Drapier, Khâm sứ Toà thánh tại Đông Dương. Nhiều Đức Giám mục Đại diện Tông toà hiện diện càng thêm phần long trọng cho buổi lễ, với sự tham dự của các vị chức sắc Pháp Việt tại Huế, cũng như rất đông giáo dân và lương dân.

+Năm 1940 (Đức cha Lemasle) :

Trước lễ Chúa Giáng Sinh, Đức cha địa phận đã viếng thăm mục vụ hai nhiệm sở của giáo hạt Bên Thuỷ: Hà Vĩnh và Phủ Cam… Ba ngày sau, đến lượt Phủ Cam, giáo xứ quan trọng nhất và rất sốt sắng của Vùng truyền giáo: hơn 3.000 tín hữu được trao phó cho lòng nhiệt thành của cha Chapuis và cha phó. Tuy nhiên vị chủ chăn giáo xứ than phiền về một vài giáo dân lơ là bổn phận đạo đức. Số xưng tội là 21.392 lượt và số rước lễ là 76.608 trong suốt thời gian thi hành mục vụ này là một bằng chứng sức sống đạo đức dồi dào của nhiệm sở này. Hai trăm mười bốn người, đa số là trẻ em, đã được ban phép Thêm sức.

(Trích dịch từ nguyên bản Pháp Ngữ “ Các Báo Cáo Thường Niên của Các Vị Giám Mục Giáo Phận Huế gửi Hội Truyền Giáo Hải Ngoại Paris từ 1872 đến 1940” do Lê Thiện Sĩ sưu tập)

Lm. Stanislaô Nguyễn Đức Vệ

* Nguồn : Trang Web Tổng Giáo phận Huế

…………………….

Vài hàng về nhà thờ Phủ Cam

Nguồn : WikiPedia

Nhà thờ chính tòa Phủ Cam [1] là nhà thờ chính tòa của Tổng Giáo phận Huế, tọa lạc trên đồi Phước Quả, thuộc địa phận phường Phước Vĩnh, thành phố Huế. Đây là một trong những giáo đường to lớn, nổi tiếng và lâu đời nhất tại Huế, thánh đường được xây theo lối kiến trúc hiện đại, do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế.

Lịch sử

Vào thế kỷ 17, dưới thời các chúa Nguyễn, “Phủ Cam” (府 柑) vốn là một phủ, là chỗ ở của các hoàng tử.[2]

Thời gian đó, đa số các nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Huế chỉ là những nhà nguyện đơn giản với sườn gỗ, mái tranh. Khi các vua chúa Việt Nam hạ lệnh cấm đạo gay gắt thì chúng bị triệt đi. Dưới thời Pháp thuộc, các nhà thờ được xây dựng trở lại và dần được nâng cấp thêm khang trang, bề thế. Nhà thờ Phủ Cam là một trường hợp như vậy.

Năm 1682, linh mục Langlois cho xây dựng nhà nguyện Phủ Cam bằng tranh tre tại xóm Đá, sát bờ sông An Cựu.

Hai năm sau, linh mục đã cho triệt giải nhà nguyện này và mua đất trên đồi Phước Quả để xây dựng một nhà thờ to lớn hơn và kiên cố bằng đá, lúc đó nhà thờ quay về hướng Tây. Đó là một công trình to lớn, chắc chắn và được chúa Nguyễn Phúc Tần thán phục. Nhưng đến thời chúa Nguyễn Phúc Chu, vào năm 1698, ngôi nhà thờ ấy bị triệt giải hoàn toàn.[3]

Sau đó 2 thế kỷ, vào năm 1898, Giám mục Eugène Marie Allys (Đức Cha Lý) đã cho xây mới Nhà thờ Phủ Cam bằng gạch, mái lợp ngói khá đồ sộ ở vị trí cũ nhưng mặt quay về hướng Bắc. Công trình này do chính Giám mục thiết kế và giám sát thi công đã hoàn thành vào năm 1902.

Năm 1960, sau khi Giáo phận Huế được nâng lên hàng Tổng giáo phận và Tổng giám mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục từ Vĩnh Long về nhận chức Tổng giám mục Huế, ông đã cho phá hủy toàn bộ nhà thờ Phủ Cam cũ và khởi công xây cất Nhà thờ chính tòa mới với đồ án do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thực hiện.

Đường lên Nhà thờ Phủ CamÐầu năm 1963, nhà thờ bắt đầu được khởi công xây dựng. Trong khi việc xây dựng đang tiến hành thì xảy ra cuộc đảo chánh ngày 1 tháng 11 năm 1963, tổng thống Ngô Đình Diệm bị sát hại và Tổng giám mục Ngô Đình Thục lúc đó đang họp Công đồng tại Roma, vì hoàn cảnh chính trị không trở về Việt Nam, việc xây dựng cũng bị chững lại.

Tuy việc xây dựng vẫn được tiến hành song tiến độ rất chậm chạp, tới năm 1967 nhà thờ mới lên được phần Cung thánh.

Trong sự kiện Tết Mậu Thân (1968), bom đạn đã làm hư hại phần lớn công trình kiến thiết nhà thờ và việc xây dựng đã gặp nhiều trở ngại mãi cho đến trước 1975 vẫn chưa hoàn thành.

Sau thống nhất đất nước, do hoàn cảnh, mọi công tác xây dựng đều tiến hành chậm chạp, và đến năm 1995, phần thân nhà thờ về cơ bản được hoàn thành.

Năm 1999, để chuẩn bị cho hai ngày 28 và 29 tháng 6 năm 2000, là ngày Tổng Giáo phận Huế Thánh Hiến Nhà thờ chính tòa Phủ Cam nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Giáo Phận Huế (kể từ khi tách rời khỏi Giáo phận Đàng Trong), Tổng giám mục Stêphanô Nguyễn Như Thể hạ quyết tâm bằng đủ mọi cách phải hoàn thành các trang trí bên trong nhà thờ và hai tháp chuông trước tiền đường. Công trình xây cất đã hoàn tất vào tháng 5 năm 2000.

Như thế, trải qua 3 đời Giám mục – từ Tổng giám mục Ngô Đình Thục đến Tổng giám mục Nguyễn Kim Điền và Tổng giám mục Nguyễn Như Thể – sau gần 40 năm xây dựng, nhà thờ chính tòa Phủ Cam mới hoàn thành với diện mạo như hiện nay.

Kiến trúc

Tượng Đức Mẹ La Vang tại nhà thờ Phủ CamMặt bằng xây dựng nhà thờ mang dạng thánh giá, đầu hướng về phía Nam đuôi hướng Bắc. Nhà thờ có kết cấu theo kỹ thuật xây dựng hiện đại nhưng phần trang trí vẫn theo nghệ thuật cổ điển của phương Tây. Các trụ đỡ được đúc sát vào tường, chạy uốn cong dần về phía trước, mềm mại. Bốn góc mỗi góc có ba trụ đỡ vươn dần ra, tạo thành một không gian đủ rộng ôm kín Cung thánh và bàn thờ.

Lòng nhà thờ rộng, có thể chứa được 2500 người đến dự lễ. Có hai dãy cửa gương màu nằm ở phần trên bên trong lòng nhà thờ cung cấp ánh sáng cho nội thất.

Cung thánh là một hình tròn có các cấp đi lên, trên cung là một hình tròn nhưng nhỏ hơn với bàn thờ bằng đá cẩm thạch nguyên khối.

Nhà tạm, được xây sát vào phần hậu thân nhà thờ, nằm gọn vào phần lõm phía sau và được đặt trên một bệ cao ngay chính giữa.

Bên trong nhà thờ, cánh trái là phần mộ Ðức cố Tổng giám mục Philipphê Nguyễn Kim Ðiền, cánh phải đối diện là bàn thờ thánh tử vì đạo Tống Viết Bường (người gốc Phủ Cam, mất năm 1833).

Phía trước nhà thờ Chính toà Phủ Cam có hai tượng đúc: bên phải là thánh Phêrô, bên trái thánh Phaolô cũng là những bổn mạng của giáo xứ Phủ Cam.

Nhìn tổng thể, nhà thờ Phủ Cam với đỉnh nhà thờ vươn thẳng lên trời trông vẫn thanh thoát nhẹ nhàng, mang tính nghệ thuật và tôn giáo.

…………….

Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam Xây 40 Năm Mới Xong

Nguồn : Vietbao.com (06/02/2000)

Tác giả : Nguyễn Lý Tưởng

Trải Qua Ba Đời Tổng Giám Mục, Từ 1961 Tới 2000

Trong hai ngày 28 và 29-6-2000 sắp đến, Tổng Giáo Phận Huế sẽ Thánh Hiến Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam nhân dịp kỷ niệm 150 năm ngày thành lập Giáo Phận Huế, tách rời khỏi Giáo Phận Đàng Trong. Trải qua 3 đời Giám Mục từ Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục đến Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền và Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Như Thể, gần 40 năm Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam mới hoàn thành! Thật là một chuyện hy hữu trong thế giới ngày nay khi mà kỹ thuật xây dựng của những thập niên cuối thế kỷ XX đã đến trình độ cao tốc hoàn hảo!

Nhà Thờ Chính Tòa Phủ Cam được xây cất từ thời Đức Giám Mục Eugène Marie Allys (Đức Cha Lý, 1908-1931). Ngày 8-12-1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII ban sắc lệnh nâng Giáo Phận Huế lên hàng Tổng Giáo Phận và Đức Tổng Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục từ Vĩnh Long về nhận chức Tổng Giám Mục Huế (12-4- 1961) thì sau đó đã phá hủy toàn bộ nhà thờ Phủ Cam cũ và khởi công xây cất Nhà Thờ Chính Tòa mới với đồ án do Kiến Trúc Sư Ngô Viết Thụ thực hiện.

Trong khi việc xây dựng đang tiến hành thì xảy ra cuộc đảo chánh ngày 1-11-1963, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị sát hại và Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục lúc đó đang họp Công Đồng tại Roma, vì hoàn cảnh chính trị, không trở về Việt Nam nữa. Sau đó, Tòa Thánh đã cử Đức Cha Philippe Nguyễn Kim Điền từ Cần Thơ ra Huế làm Tổng Giám Mục Giám Quản TGP Huế. Năm 1968, Đức Tổng Giám Mục Ngô Đình Thục từ chức TGM Huế và Đức TGM Nguyễn Kim Điền chính thức làm Tổng Giám Mục Huế.

Trong Tết Mậu Thân 1968, bom đạn đã làm hư hại phần lớn công trình kiến thiết nhà thờ này và việc xây dựng đã gặp nhiều trở ngại mãi cho đến 1975 vẫn chưa hoàn thành.

Sau ngày 30-4-1975, do hoàn cảnh đất nước, mọi công tác tại đây phải tạm ngưng.

Để kịp Thánh Hiến Nhà Thờ Chính Tòa vào dịp kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo Phận Huế, Đức Tổng Giám Mục Stêphanô Nguyễn Như Thể, bằng đủ mọi cách phải hoàn thành các trang trí bên trong nhà thờ và hai tháp chuông trước tiền đường.

Công trình xây cất đã hoàn tất 100% vào tháng 5-2000 và sẽ Thánh Hiến vào dịp Lễ Hai Thánh Phêrô và Phaolô 28 và 29-6-2000 sắp đến.

Tại Hải Ngoại, Hội Bảo Trợ Giáo Phận Huế sẽ tổ chức tại Trung Tâm Công Giáo VN/GP Orange vào ngày 6-8-2000 Lễ Kính Đức Mẹ La Vang (nằm trong tuần lễ Đức Mẹ Hồn Và Xác Lên Trời) và kỷ niệm 150 năm thành lập Giáo Phận Huế. Thánh Lễ sẽ do các Đấng thuộc Giáo Phận Huế đang phục vụ Giáo Hội tại Hải Ngoại đồng tế, có phép lành Tòa Thánh và Ơn Toàn Xá đặc biệt dành cho những ai tham dự lễ này. Xin mời anh chị em giáo hữu đến thật đông đủ.

Ngày 8 tháng 6 cũng là ngày giỗ thứ 12 của Đức Tổng Giám Mục Philippê Nguyễn Kim Điền và ngày 19-6 kỷ niệm 12 năm 117 vị Tử Đạo VN được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tôn phong lên bậc hiển thánh.

Nhân dịp nầy, chúng tôi xin giới thiệu với độc giả bài viết sau đây của Ông Nguyễn Quang Tuyến (Littleton, CO) về Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền để mọi người hiểu biết thêm về “một vị tử đạo trong thời đại ngày nay”. Bài viết như sau.

Kỷ Niệm 12 Năm Phong Thánh 117 Vị Tử Đạo Vn, Tưởng Nhớ Đức TGM Nguyễn Kim Điền Nhân Ngày Giỗ Thứ 12 Của Ngài

Người viết: Nguyễn Quang Tuyến (Littleton, CO)

……………..

Khi còn ở ngoài Bắc, phần đông chỉ quen thuộc tên gọi của các dòng như: Đa Minh, Phanxicô, Chúa Cứu Thế. Khổ tu: Phước Sơn, Châu Sơn, v.v… Dòng nữ như: Dòng Kín, Vincent de Paul, Đa Minh, Mến Thánh Giá v.v… Khi đã di cư vào miền Nam thấy xuất hiện nhiều tên Dòng mới như: Tiểu Đệ (dòng nam – Faucauld), Tiểu Muội (dòng nữ). Cũng vì có nhiều hội dòng như vậy cũng như nhiều tu hội đời nên Giáo Hội miền Nam rất sinh động và hưng thịnh trong vòng 20 năm, trước khi xảy ra cuộc “tháo chạy” ra nước ngoài.

DÒNG TIỂU ĐỆ CHÚA GIÊSU (Charles de Faucauld)

Kể từ năm 1959, chúng tôi cư ngụ tại đường Phan Đình Phùng và Nguyễn Thiện Thuật (Chợ Bàn Cờ-Saigon) phía dưới đường Cao Thắng, hoạt động tại Giáo Họ Bàn Cờ (huyện Sĩ-nhà thờ lầu). Phía trên đường Cao Thắng tới Lê Văn Duyệt (chợ Vườn Chuối), vẫn nghe thấy có các Linh Mục, tu sĩ (dòng Tiểu Đệ) và các “Sơ” (thuộc Tiểu Muội), thuê nhà riêng để sinh hoạt cho mỗi giới. Thường ngày vẫn đi giúp việc cho các tư nhân và xí nghiệp để sinh sống, đồng thời tạo thêm phương tiện cho các môi trường truyền giáo. Trong số các Cha, thầy chúng tôi được biết không rõ lắm là có một Linh Mục ngày nào cũng đi đạp “xích lô”, nhưng diện mạo rất đẹp người, tối về lại có giờ Thánh Lễ, kinh nguyện chung cho cả hai ngành.

LINH MỤC ĐẠP XÍCH LÔ ĐÓ LÀ AI?

Lần đầu tiên chúng tôi được ông Đinh Minh Ngọc, Hội Trưởng Hội Cựu Tu Sĩ mời dự đại hội của các cựu tu sĩ. Xin mở ngoặc – Ông Đinh Minh Ngọc là chủ cơ sở của Tòa Báo Xây Dựng, sau này đã biến thành “Giáo Xứ Xây Dựng” do Linh Mục Nguyễn Quang Lãm (ký giả Thiên Hổ) coi sóc (trụ trì tại đường Thánh Mẫu, Chí Hòa).

Buổi đại hội được tổ chức tại hội trường Taberd (dòng các Sư Huynh La San). Trước giờ khai mạc đã có đông đủ các thành viên đến dự. Trên những hàng ghế dành cho các quan khách và số đông các Cha được mời, phần đông là các Cha Bùi Chu. Trong số các Cha có một vị không mặc áo chùng thâm hay “bộ clergé” gì cả, nhưng mặc chiếc sơ mi mầu “cháo lòng”, quần kaki đã cũ và chân đi xăng đan. Chúng tôi tò mò hỏi thăm mới hay đó là Cha Nguyễn Kim Điền, người Anh Cả thuộc Dòng Tiểu Đệ – Chi Việt nam.

Đến phần góp ý kiến, xướng ngôn viên đã mời Cha Điền lên phát biểu cảm tưởng. Phải thú thật rằng ngay những phút đầu mới nghe giọng nói của Cha ai cũng hơi muốn “buồn ngủ”, vì giọng nói chậm rãi, trầm buồn và không mấy hoạt bát. Nhưng, dần dần chính giọng nói hơi buồn lúc đầu đã trở nên sinh động lạ thường. Dần dà ngài tả đến những giờ hoạt động truyền giáo tại Giáo Phận Cần Thơ. Chỉ có một mình ngài và người chở chiếc ghe nhỏ mon men trên sông rạch ngoằn ngoèo đến khắp nơi hang cùng ngõ hẻm, để thăm dân cho biết sự tình và rao giảng Tin Mừng cho những người chưa biết Chúa.

Cha vừa dứt lời thì những tràng pháo tay vang dội cả hội trường, hội trường tự nhiên bừng sáng với những ý định truyền giáo, đã tạo thêm cho những người cựu tu sĩ hiện diện hôm nay, tự nghĩ đến hoàn cảnh đời sống hiện tại, dù còn là những tu sĩ đang rao giảng Nước Chúa hay đã khoác chiếc áo “bố đời”, cũng cố tìm những phương cách… mở mang Nước Cháu, để bù lại những ngày tháng đã bước theo Chúa.

CHA PHILIPPÊ NGUYEÃN KIM ĐIỀN ĐƯỢC THĂNG CHỨC GIÁM MỤC

Vì những tăng trưởng lớn mạnh của Giáo Hội Công Giáo Miền Nam Việt Nam, ngày 24 tháng 11 năm 1960, Đức Thánh Cha Gioan XXIII đã ban hành Tông Hiến Venerabilium Nostrotrum thành lập hàng Giáo Phẩm Việt Nam. Từ đây Giáo Hội Mẹ Việt Nam gồm thành ba Giáo Tỉnh và 17 Giáo Phận hiện tại đều trực thuộc Thánh Bộ Truyền Giáo Roma. Đồng thời Tòa Thánh cũng thành lập mấy Giáo Phận mới như Long Xuyên, Mỹ Tho, Đà lạt, và cùng thăng chức một số Tân Giám Mục trong đó có Cha Philippê Nguyễn Kim Điền, lễ phong chức Giám Mục tập thể được tổ chức ngay tại vườn hoa cuối Vương Cung Thánh Đường Nữ Vương Hòa Bình Saigon, mặt tiền khán đài được hướng thẳng ra đường Tự Do.

Sau khi thăng chức Giám Mục, Đức Cha Điền đã trọng nhậm Giáo Phận Cần Thơ thay thế Đức Cha Nguyễn Văn Bình được cử làm Tổng Giám Mục Giáo Tỉnh Saigon thay thế Đức Cha Simon Hòa Nguyễn Văn Hiền được cử làm Giám Mục Giáo Phận Đà Lạt. Sau năm 1963, Đức Cha Nguyễn Kim Điền được thăng chức Tổng Giám Mục và được cử làm Giám Quản Tổng Giáo Phận Huế thay thế Đức Tổng Giám Mục Phêrô Martinô Ngô Đình Thục đã xuất ngoại đi họp Công Đồng và ở lại Roma vì tình hình chính trị tại Việt Nam Cộng Hòa sau vụ Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị thảm sát ngày 2-11-1963.

HỌA VÔ ĐƠN CHÍ

”…Trong 5 năm trọng nhậm Tổng Giáo Phận Huế, thánh giá đầu tiên mà Chúa gởi đến cho ngài là biến cố Tết Mậu Thân, gây nên cho TGP Huế biết bao cảnh tang tóc đau thương. Nhưng là một phần tử của Dòng Tiểu Đệ, theo chân Anh Cả Charles de Faucauld, Đức Tổng đã rất mực khôn ngoan và sáng suốt để lèo lái con thuyền Giáo Phận qua những cơn lốc và các làn sóng ngầm tiếp dần sau này… Đối với Nhà Nước Cộng Sản lúc bấy giờ, các hàng ngũ lãnh đạo tôn giáo vẫn là một cái gai đâm vào sườn đảng, đường lối căn bản của các đạo giáo vẫn là mọi đại họa cho tập đoàn phi nhân phản dân tộc của chúng. Riêng Giáo Hội Công Giáo Việt Nam bị chúng chiếu cố rất kỹ và tìm mọi cách để phân hóa các cấp điều khiển Giáo Hội. Sau tháng 4-1975, các Giám Mục Việt Nam được Tòa Thánh ban cho đặc quyền củng cố hàng ngũ hầu cứu nguy Giáo Hội.

“Ngày 27-09-1975, ở Huế, Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền đã chọn Linh Mục Nguyễn Như Thể để tấn phong làm Giám Mục Phó với quyền kế vị. Đức Tân Giám Mục nhãn hiệu Tòa Tipasa di Mauritania. Mấy năm đầu đối với Đức Tổng Điền kể như mọi sự sẽ êm xuôi, nhưng sau khi “Ủy Ban Đoàn Kết Công Giáo Yêu Nước Việt Nam” ra đời bắt đầu gây chia rẽ nội bộ Công Giáo, nhất là sau khi Đức TGM Điền treo chén (ipso facto) một Linh Mục thuộc Giáo Phận Huế đã không vâng lời ngài cứ đi họp đại hội của Ủy Ban tại Hà Nội, chính quyền Bình Trị Thiên đã theo sát tình hình tìm cơ hội hạ độc thủ. Đối tượng của chúng là Đức TGM Điền, hằng ngày “được ra làm việc” tại sở Công An Bình Trị Thiên, sáng đi chiều về, ròng rã mấy tháng trời. Trước khi ra tay, chúng tìm cách triệt hạ Đức Tổng Phó, ép buộc Đức Cha Thể phải xin từ nhiệm. Ngài đã phải đệ đơn xin Tòa Thánh cho giải nhiệm chức vụ, trước áp lực của Nhà Nước. Tòa Thánh đã chấp nhận đơn xin từ nhiệm của Đức Tổng Phó Nguyễn Như Thể và ngài chỉ còn là một vị Giám Mục nghỉ hưu tại Tòa TGM Huế mà thôi.

“Cô lập xong Đức Tổng Điền, Cộng Sản bèn lợi dụng vụ nữ tu Trương Thị Lý bị bắt quả tang mang những thư luân lưu của ngài chuyển vào Sàigon cho Cộng Đồng Mến Thánh Giá, để đặt Đức Tổng Điền vào cái thế “cá nằm trên thớt”. Trong sự căng thẳng của tình thế, ngài lâm trọng bệnh phải vào điều trị tại Bệnh Viện Huế, rồi được chính quyền cho di chuyển vào Sàigòn chữa trị tại bệnh viện Chợ Rẫy, Chợ Lớn.

“PHÚC TRÙNG LAI” NHƯNG “BẤT PHÙNG THỜI”

”…Trong khi đó Hội Đồng Giám Mục Việt Nam liên lạc xin với Tòa Thánh cho ngài sang Roma điều trị. Tòa Thánh chấp thuận ngay và gởi điện tín “hỏa tốc” về Việt Nam, nhưng chỉ một tiếng đồng hồ sau khi được tin vui này, Đức TGM Điền đã thành người thiên cổ. Ngài mất vào ngày Thứ Bảy 8-6-1988, mười hôm trước ngày Phong Thánh 117 Vị Tử Đạo VN. Bao nhiêu nghi vấn đã được đặt ra sau cái tang đau dớn này của Tổng Giáo Phận Huế-Chiều trong Thánh Lễ lần thứ hai tại Thánh Đường Giáng Sinh thuộc Giáo Hội Công Giáo cai quản, Đức Ông Lê Xuân Thượng chủ tế, Cha Nguyễn Thanh Long đã loan báo với đoàn Hành Hương Phong Thánh tin Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền qua đời tại Sàigon. Thánh lễ tối này đã được chuyển thành Thánh Lễ Phát Tang cầu cho linh hồn Đức Cố Tổng Giám Mục Philippê Nguyễn Kim Điền!!!

“Âm mưu thâm độc của Chính quyền Cộng Sản nói chung và Ủy Ban Nhân Dân Bình Trị Thiên nói riêng, cùng một lúc đã hạ được hai vị chủ chiên của Tổng Giáo Phận Huế, chúng “mở cờ trong bụng” và ăn mừng lớn. Người Việt chúng ta thường nói “Đã chết thì cho chết luôn”, nên sau khi Cộng Sản cho ông Tổng đi luôn, thì chúng cũng không cho ông Phó quay trở lại thay thế điều khiển Giáo Phận Huế nữa…” (Trích trong bài “Một vì sao hôm tái chiếu sáng” (Viết về Đức TGM Thể) của Nguyễn Quang Tuyến – Dân Chúa tháng 10, 1994- tr.47, 48 và 49. Nguyễn Lý-Tưởng TTK Nguyệt San Hiệp Nhất có hiệu đính và bổ túc những chỗ sai sót nhầm lẫn của tác giả trong bài này trước khi đăng vào Hiệp Nhất số 90 tháng 6-2000).

GIÁO HỘI MẸ VIỆT NAM – MỪNG BA NĂM NGÀY TÔN PHONG YỂN THÁNH

Theo đề bài thơ trên đăng trong Thông Tin Giáo Xứ Nữ Vương Tử Đạo Việt Nam tại Denver, chúng tôi đã viết:

….

Giáo Tỉnh Huế với cố đô Thành Nội
Tổng Giám Mục Phi-lip Nguyễn Kim Điền
Vì Đạo Chúa đã hết sức trung kiên
Chưa tử đạo nhưng “đã chết vì Đạo”

Quang Tuyến (1991)

Trong bài “Thương Nhớ Hình hài Mẹ Việt Nam”, chúng tôi đã ghi:

Thánh đường Phủ Cam chiếu sáng rạng ngời
Nguyễn Kim Điền chủ chiên ôi kính nhớ. …

Quang Tuyến (1992)

Sau năm 1975, Đức Cha Điền được nhiều người nghe danh biết tiếng với thái độ cứng rắn của một vị chủ chiên đã kịch liệt chống đối chính quyền Cộng Sản Việt Nam. Cùng với sự chống đối mãnh liệt của ngài, nhà cầm quyền Cộng Sản đã có những điểm rất căng thẳng với Linh Mục, tu sĩ và giáo dân Giáo Phận Huế. Riêng với ngài, Cộng Sản Việt Nam đã dùng nhiều biện pháp trả đũa mạnh mẽ như:

– Cho Công An thường xuyên theo dõi và canh chứng các lối ra vào của Tòa TGM Huế cũng như theo dõi nội dung các bài giảng của Ngài trong Thánh Lễ.

– Không cho ngài tham dự các phiên họp của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

– Không cho ngài đi Roma triều yết Đức Giáo Hoàng và viếng mộ hai Thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô.

– Là Tổng Giám Mục của TGP Huế gồm thành phố Huế và ba tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị, Quảng Bình, ngài đã bị cấm không được ra khỏi thành phố Huế mà không có phép.

– Gây khó khăn tối đa trong việc thuyên chuyển nhiệm sở các Cha Sở. Bắt bớ giam cầm các Linh Mục thân tín của Tòa Tổng Giám Mục.

– Các cơ sở của Giáo Phận Huế như Tòa Giám Mục, Đại Chủng Viện, Nhà Chung, các Dòng Tu v.v…. đều bị phong tỏa và lục

Tìm kiếm
  • Địa điểm
  • Sản phẩm & dịch vụ
  • Chuyến đi
  • Bài viết
  • Thành viên