Giới thiệu về Nhà thờ Chánh Tòa Phú Cường
Giáo Hạt Phú Cường 394 Cách Mạng Tháng Tám, Phú Cường, TX. Thủ Dầu Một, Bình Dương 8 Cách Mạng Tháng Tám Thành phố Thủ Dầu Một Bình Dương 431 VN 06503822292 06503822292 https://giaophanphucuong.org Nhà Thờ là: Nhà Thờ Chính Tòa Linh Mục Chánh Xứ: Linh mục Giuse Cao Đình Phương Lịch Thánh Lễ Chúa Nhật: 05:00, 07:00, 09:00, 16:00, 17:00, 18:00, 19:00
Lịch sử Giáo xứ Chánh Tòa Giáo Phận Phú Cường
Giáo phận Phú Cường
QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN:
I. LỊCH SỬ
Hiện nay, nhà thờ tọa lạc ngay cạnh Ngã Sáu thuộc trung tâm thị xã Thủ Dầu Một, trên một khu đất cao hơn mặt đường khoảng 4 m.
Về lịch sử, không ai biết rõ nguồn gốc họ Phú Cường, mà trước kia gọi là họ Thủ Dầu Một. May mắn chúng ta còn giữ lại được bức thư của cha Phêrô Nguyễn Đức Nhi, cha sở Việt Nam đầu tiên của họ Thủ viết cho cha Poinat (Cố Oai) vào năm 1910. Ngài viết:
“Vốn trước kia, Đại Pháp qua Nam Kỳ thì chưa có họ Thủ, hoặc có một hai người đạo hạnh lếu láo theo ở giữa kẻ ngoại hoặc có kẻ trốn cơn bắt đạo, đến đó ẩn tránh vậy mà thôi. Đến lúc Đại Pháp đánh lấy thành Biên Hòa là năm 1861, thì qua chiếm cứ Thủ Dầu Một, vậy thì bổn đạo Tân Triều, Bến Gỗ, Búng, Lái Thiêu, Bến Sắn đổ tràn đến Thủ hoặc nương bóng cờ Langsa khỏi Trào Nam bắt bớ vì đạo, hay đặng buôn bán với người ngoại quốc. Bởi vậy sinh ra đông người có đạo ở đó. Tôi tưởng đó là gốc họ Thủ như vậy. Lúc ấy Đức Cha Bắc Kỳ (Mgr. Puginier) với ít cha Langsa cùng nhiều thầy chạy trốn bắt đạo vô Sài Gòn, nên Đức Cha Ngãi (Mgr. Lefebvre) xin các ông này lên Thủ coi sóc ở các họ ấy, vì các cha trong này khi ấy ít lắm. Lại nhận các thầy theo Đức Cha ra làm thông ngôn, như Huyện Thi, thầy Tạo, thầy Viên, thầy sáu Diên, các ông này “potentes”(quyền thế) lắm, nhất là huyện Thi….”. Những điều cha Phêrô Nhi viết trên đây cũng ăn khớp với một số tài liệu lịch sử xã hội.
II. CÁC LINH MỤC PHỤC VỤ HỌ PHÚ CƯỜNG
Theo các sổ sách còn lưu lại tại Tòa Tổng giám Mục Sài Gòn cũng như theo tài liệu của MEP tại website:Archivesmep.mepasie.org; và đặc biệt là cuốn “Almanach de la Cochinchine: 1864 – 1897”. Các linh mục sau đây đã đến phục vụ họ Phú Cường với tư cách là cha sở hay cha phụ tá:
· 1864 – 1865: Chabrier Jean Baptiste Charles Xavier.
· 1865 – 1868: Sorel Joseph Constant (Cố Lựu).
· 1869 – 1870: Emile-Fransois-Marie Moreau.
· 1870 – 1871: Le Prince Jules Adolphe.
· 1871 – 1873: Legrand Gédéon Osée (Cố Cao).
· 1874 – 1875: Louvet Eugène Louis
· 1875 – 1876: Phêrô Nguyễn Đức Nhi (Cha sở Việt Nam đầu tiên).
· 1876 – 1877: Humbert Felix (Cố Hiệu)
G. Thạch (1876 – 1879): Phụ tá
· 1877 – 1880: Pugnet Louis Étienne
· 1881 – 1882: Faron Eugène Francois Joseph
· 1882 – 1886: Boutier Charles (Cố Thiết).
· 1886 – 1918: Poinat Joseph (Cố Oai)
Clair JeanBaptiste Marie (Cố Quang) 1887: Phó xứ
Desseaume Denys Charles (1895 – 1898)
Lioger Alexandre (1898): Phó xứ
Gioakim Nguyễn Ngọc Yến (1908 – 1911): Phó xứ
Phanxicô Trần Văn Vàng (Vàng tàu) (1911 – 1913): Phó xứ
Villeneuve Joseph (Cố Vinh): (1902 – 1904; 1914 – 1918): Phó xứ
· 1918 – 1921: Villeneuve Joseph (Cố Vinh)
Giuse Nguyễn Văn Bạch: Phó xứ
Gioan Baotixita Lê Quang Triều: Phó xứ
· 1921 – 1930: Brugidou Cyprien (Cố Báu)
· 1930 – 1931: Thommeret Roger (Cố Thơm)
· 1931 – 1932: Detry René (Cố Tri)
· 1932 – 1935: Sion Henri (cố Sĩ)
· 1935 – 1938: Phanxicô Lê Vĩnh Khương
· 1938 – 1947: Frison Félix (cố Hoàng)
Phaolô Lê Đình Hiền (1940 – 1941): Phó xứ
Phaolô Nguyễn Tấn Hưng (1941): Phó xứ
Giuse Huỳnh Kim Đức (1942): Phó xứ
· 1947 – 1949: Phaolô Nguyễn Quang Minh
Léon Nguyễn Văn Hiền: Phó xứ
· 1949 – 1950: Rubat Du Merac Xavier:
· 1950 – 1965: Phaolô Nguyễn Văn Minh
Phêrô Võ Văn Ngộ (1961 – 1965): Phó xứ
· 1965 – 1987: Antôn Phùng Thành
Phêrô Trần Đình Tứ (1965 – 1968): Phó xứ
Đaminh Hà Chí Luyến (1968 – 1970): Phó xứ
Giuse Quang Minh Tuấn (1969 – 1990): Phó xứ
Đaminh Phạm Quang Hưng (1974 – 1977): Phó xứ
Phêrô Phan Danh Uy (1970 – 72;1999 – 2001): Phó xứ
Giuse Nguyễn Đình Hòe (1972 – 1975): Phó xứ
Các cha tạm trú:
Giuse Lê Thanh Quang (1975 – 1990)
Phêrô Nguyễn Đình Chế (1975 – 1988)
Giuse Nguyễn Văn Ban (1978 – 1987)
· 1988 – 1999: Phêrô Trần Đình Tứ
Giuse Nguyễn Văn Thịnh (1991 – 1992): Phó xứ
Phaolô Lê Vinh Đởm (1992 – 1994): Phó xứ
Phaolô Nguyễn Quốc Thắng (1993 – 1998): Phó xứ
· 1999 – 2010: Micae Lê Văn Khâm
Giuse Nguyễn Ngọc Đức (1999 – ): phó xứ
Antôn Phạm Văn Sáng (2004 – ): Phó xứ
Phêrô Trần Văn Phúc MF
Phêrô Hồng Thanh Bình (2006 – 2010): Phó xứ
III. CÁC NHÀ THỜ CỦA HỌ PHÚ CƯỜNG
1. Nhà Thờ Đầu Tiên (1864)
Năm Ất Sửu, đời Tự Đức thứ XVIII, tức là năm 1865, cha Sorel Constant – Joseph đến Việt Nam và được sai đến Thủ Dầu Một, nơi đây Ngài đã cất lên một ngôi nhà thờ đầu tiên bằng gạch kiểu Gothique, có tháp, trên gò nông cao, cạch Tòa Bố cũ.
Nhà xứ, nhà trường Quốc Ngữ thì được cất trên đồi nông thấp, đối diện mái nhà thờ, gần bên mồ mã của thời đàng cựu (nay là nơi cất nhà chơi của trường Thánh Giuse).
2. Nhà Thờ Thứ Hai (1897)
Năm 1897, tại Thủ Dầu Một, công tác phá đồi lấp rạch, phóng đường quốc lộ được tiến hành nhộn nhịp. Vì dân phu đào đất phá nông quá nhiều, nên chân đồi nhà thờ bắt đầu bị trụt xuống, móng lồi ra làm nứt tường vách nhà thờ khá trầm trọng, khiến không sử dụng được nữa phải dỡ bỏ đi.
Thay thế nhà thờ bị hư, cha Poinat (cố Oai) , lúc ấy là chánh sở họ Thủ¸đã cất một ngôi nhà thờ khác khiêm tốn hơn trên đất thánh cũ (tức chỗ làm võ đài của trường Thánh Giuse). Đất thánh được dời về địa điểm khác ở bên cạnh đường đi vô họ đạo Chánh Thiện, thuộc phường Hiệp Thành. Đến năm 1995, vì nhu cầu phát triển đô thị, đất thánh được nhà nước quy hoạch xây dựng trường chuyên Hùng Vương và năm 2001 xây trường Lê Hồng Phong.
Nhà thờ thứ hai này được làm bằng gỗ mít nài, lợp ngói, nền lót gạch tàu, khá rộng rãi (28 m x 17 m). Tuy chính ngài cũng như các cha sở kế tiếp đều coi đây là nhà thờ tạm, chờ lúc thuận tiện sẽ cất nhà thờ khác xứng đáng hơn. Dầu vậy, nó cũng thọ được trên 40 năm.
3. Nhà Thờ Hiện Nay (1941)
Ngày 01 tháng 02 năm 1938, họ Thủ tiếp nhận cha sở mới, cha Félix Prison (cố Hoàng). Ngài đến thay thế cha sở Phanxicô Lê Vĩnh Khương đổi lên làm cha sở Dầu Tiếng. Cố Hoàng vừa xây xong nhà thờ Mặc Bắc (Trà Vinh) thì được đổi về Thủ. Nhà thờ Thủ cũng đã đến lúc phải xây lại. Vì thế Ngài đã khởi công ngay, rập theo khuôn mẫu nhà thờ Mặc Bắc vừa mới hoàn thành. Theo người ta kể lại, Ngài đã đưa nhóm thợ Mặc Bắc lên và chính Ngài trực tiếp đốc công xây cất. Ngài cũng dùng tiền của gia đình để lại mà mua sắm vật liệu và trang trải mọi chi phí.
Nhà thờ được kiến thiết hoàn toàn bằng gạch , vôi và cát. Vì thế, để có thể đứng vững, tường và cột được xây rất kiên cố, đồ sộ. Đây là những bức tường dày 50 cm, xây trên nền đá. Hai hàng cột giữa to và cao. Trần được ghép thành những vòm, coi ngoạn mục, uy nghi và trang trọng. Cây tháp hiện nay là cây tháp đã đỗ mất phần ngọn…
Nhà thờ mới được làm phép và khánh thành vào ngày thứ tư, ngày 23 tháng 07 năm 1941. Hôm ấy cũng làm phép hai quả chuông mới. Như vậy tới nay nhà thờ này đã được hơn nữa thế kỷ (cụ thể là 64 năm).
Khi trở thành nhà thờ Chánh Tòa vào cuối năm 1965, cha Antôn Phùng Thành đã sửa sang lại cho hợp với phụng vụ mới và tiện việc cử hành các nghi lễ đại triều.
IV. SINH HOẠT HỌ ĐẠO XƯA VÀ NAY
Theo lá thư của cha Phêrô Nhi, về mặt tôn giáo cũng xã hội của họ Thủ vào năm 1875: “Khi tôi đến đó (1875) thì mọi sự là “bien organisé” (có tổ chức đàng hoàng): nhà thờ có rồi, như cha đã thấy (mà cha nào tạo lập tôi không rõ), nhà cha sở cũng có trên nông thấp trước nhà thờ, cha cũng biết có trường quốc ngữ (mà cha nào tạo lập tôi không nhớ). Khi tôi đến đó số bổn đạo gần 900, giàu có cả, nhất là Huyện Thị, trùm Văm, huyện Vân, thầy Cửu, biện Qúy, biện Mầu, biện Đó, biện Khao, biện Thản, bà Kim, bà Giàu (bà này còn sống hay đã chết xin cha hỏi bà này)”.
Về việc tổ chức các ngày lễ, cha có ghi: “Có một lần lễ sinh nhật,dọn nhà thờ¸ông Tham biện xem lễ. Lễ rồi ông ra nói cùng thầy rằng: “Này là cửa thiên đàng (tôi không rõ ông nói thật hay có ý nhạo) nhưng mà thật họ dọn cũng thắp đèn vô vàn trên tháp nhà thờ, ngó coi thiệt mỏng mắt….kẻ ngoại đến coi là vô số; tổng làng trực chủ, canh giờ nghiêm chỉnh, bằng an…”
Theo tài liệu của MEP, vào thời cha sở Boutier Charles (1882 – 1886), họ Thủ số giáo dân tăng là 1.200 người.
Về mặt văn hóa cha Phùng Thanh Quang có ghi:
“Năm 1902, tỉnh Thủ Dầu Một đươc thành lập, họ tuy kém về tài chánh, nhưng cũng cố vươn lên. Trường học nới rộng và tách riêng trường nam và trường nữ; các bà phước trăng Dòng Thánh Phaolô dạy học. Người ta vẫn còn nhắc nhở đến Soeur Cathérine dạy các lớp trẻ lớn bao đồng trọng thể và đánh đàn rất giỏi. Soeur Anteine lo cho học trò nữ, dạy học rất giỏi.”
Từ cuối năm 1965, giáo phận Phú Cường được thành lập, tách rời khỏi giáo phận Sài Gòn. Nhà thờ Thủ trở thành nhà thờ Chánh Tòa của giáo phận mới mang tên Phú Cường.
Cha Phùng Thành được Đức Cha Giuse Phạm Văn Thiên mời về làm quản lý giáo phận kiêm chánh sở nhà thờ Chánh Tòa. Trong vòng không đầy 02 tháng, cha phải gấp rút xây Tòa Giám Mục tạm thời tại cánh phải của nhà xứ kịp đón Đức Giám Mục về nhận giáo phận, ngày 06 tháng 01 năm 1966.
Từ đây, Phú Cường trở thành trung tâm của địa phận nơi có Tòa Giám Mục. Đức Giám Mục thường xuyên cử hành các nghi thức trong những ngày lễ quan trọng, với sự tập trung của các linh mục và giáo dân trong toàn giáo phận. Nơi đây, các lớp người từ các miền trong giáo phận đã tụ về để hội họp, để thụ huấn, để sinh hoạt.
Con số giáo dân đã bắt đầu tăng lên, vì chiến tranh đã đến lúc ác liệt tại các vùng sâu, nên giáo dân từ nhiều nơi đổ về lánh cư.
Trường tiểu học trước kia, từ niên khóa 1966 đến 1967 đã trở thành trường trung tiểu học. Năm 1970 một ngôi trường được xây kiên cố với 1 hầm, 1 trệt, 2 lầu, dài trên 60 m. Trường đã trở thành trường trung học tư thục lớn nhất của toàn tỉnh với danh hiệu trường Thánh Giuse. Từ năm 1978, trường Thánh Giuse được giao cho nhà nước quản lý…nhà thờ còn giữ lại nữa tầng hầm và 3 phòng tầng trệt để dạy giáo lý.
Song song với việc xây cất nhà trường, cha Phùng Thành đã xây một võ đường để cho các học sinh tập luyện võ thuật nhu đạo, ngay trước sân trường.
Năm 1970, do chính biến tại đất Campuchia, Hội Dòng Con Đức Mẹ phải rời khỏi trụ sở Russeykeo về Việt Nam và được Đức Cha Giuse tiếp nhận vào giáo phận và đặt trụ sở mới tại khuôn viên nhà thờ Phú Cường.
Năm 1972, Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm đã xây mới một trụ sở tại đường Phan Văn Hùm, để làm ký túc xá cho học sinh tiểu học.
Cho đến năm 1975, giáo xứ Chánh Tòa có 03 cộng đoàn nữ tu; các soeur Dòng Thánh Phaolô phục vụ tại bệnh viện tỉnh, Con Đức Mẹ phục vụ nhà xứ và phòng thánh, các dì Mến Thánh Giá Thủ Thiêm dạy giáo lý.
Sinh Hoạt Đạo Đức
· Chúa Nhật có 6 lễ: Phục vụ cho tín hữu tại chỗ, khách vãng lai và công nhân các khu công nghiệp.
· Ngày thường có 2 lễ: sang 5 giờ và chiều 5 giờ 30.
· Những giờ chầu Thánh Thể: sau thánh lễ chiều mỗi ngày.
· Về các lớp giáo lý, các em thiếu nhi từ 6 – 17 tuổi theo học các lớp giáo lý vào mỗi ngày Chúa Nhật.
· Các lớp giáo lý dự tong, lớp giáo lý hôn nhân mở dạy suốt năm.
· Các hội đoàn: Legiô, Dòng ba Phan Sinh, Dòng ba Cát Minh, Cùng Theo Chúa, Hội Hiền Mẫu, Hội Phụ Lão, Hội Chữ Thập Đỏ Công Giáo, tuy mới xây dựng lại nhưng hoạt động rất tích cực…
Vì Bình Dương hiện nay là nơi phát triển các khu công nghiệp, số lượng người di dân từ nơi khác đến rất lớn, nên nhu cầu mục vụ cho họ, cũng là điều quan tâm hàng đầu của họ đạo: Hỗ trợ xe đưa rước họ tham dự thánh lễ Chúa Nhật, tổ chức những buổi giao lưu học hỏi giáo lý, các lớp giáo lý dự tòng, giáo lý hôn nhân được tổ chức thường xuyên, số người tham dự ngày một nhiều…
Công Tác Bác Ái Xã Hội
Trước 1975, Caritas giáo phận Phú Cường do cha Antôn Phùng Thành làm giám đốc, đặt văn phòng hoạt động tại Phú Cường. Hiện nay, Ban Bác Ái Xã Hôi của giáo phận có văn phòng tại nhà thờ Chánh Tòa, nhiều công tác từ thiện đang được thực hiện cách đều đặn: xây dựng nhà tình thương, hàng tháng giúp gạo cho 200 người bệnh tật, người già cả neo đơn, nồi súp tình thương cho bệnh viện, bữa cơm tình thương và khám phát thuốc tại nhà xứ vào mỗi trưa Chúa nhật cho 300 người nghèo tại chỗ và mang tới nhà, giúp học bổng cho học sinh nghèo. Sự ủng hộ và đóng góp của giáo dân trong và ngoài giáo xứ rất tích cực trong các công tác bác ái.
Dự Kiến Xây Dựng
Hiện nay giáo xứ đang thiếu phòng ốc để dạy giáo lý cho thiếu nhi vào mỗi chiều ngày Chúa nhật, cũng như chưa có phòng sinh hoạt các đoàn thể
Ngôi thánh đường đang sử dụng quá hẹp và cũng đã xuống cấp rất trầm trọng. Mái vòm bị mục và rơi rớt từng mảng to, khiến người ngồi trong nhà thờ không an tâm khi dự lễ. Nhưng để xây dựng một nhà thờ mới khả dĩ dung nạp được số đông giáo dân hơn, cần có mặt bằng rộng hơn. Điều này lại vướng đến trường học Nguyễn Đình Chiểu là trường thánh Giuse cũ. Nhà nước đang quản lý và làm trường trung học bán công. Ngày 22/09/2005, chính quyền tỉnh Bình Dương công bố quyết định giao trả đất và ngôi trường lại cho giáo xứ.
Ước gì, hình ảnh của nhà thờ Chánh Tòa, nhà thờ Mẹ của các nhà thờ trong giáo phận, có vị trí giữa trung tâm thị xã, năm trên một gò cao, chứng kiến những dòng người ngược xuôi, như muốn mời gọi mọi người vươn lên cao, vượt khỏi mọi vướng bận của biết bao lo toan phiền muộn, để đến gặp Đấng là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng nhà thờ Chánh tòa
Sáng 13-06-2009, tại nhà thờ giáo xứ Chánh tòa giáo phận Phú Cường, số 394 đường Cách mạng Tháng Tám, Thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, Đức cha Phêrô Trần Đình Tứ, giám mục Phú Cường, đã làm phép viên đá đầu tiên và diện tích nhà thờ mới, sau đó ngài chủ tế Thánh lễ cầu cho công trình xây dựng ngôi nhà-thờ-mẹ của giáo phận đạt kết quả mĩ mãn, góp phần vào công cuộc làm chứng cho đức Tin Kitô giáo và ca tụng vinh quang Chúa trên miền đất đông bắc Nam bộ.
Đồng tế với Đức giám mục Phú Cường, có Đức cha Giuse Vũ Duy Thống, giám mục phụ tá Tổng giáo phận TP.HCM và hơn một trăm linh mục trong giáo phận và các giáo phận bạn. Tham dự Thánh lễ có hàng trăm nam nữ tu sĩ, chủng sinh và hơn hai ngàn giáo dân đến từ các giáo xứ trong giáo phận Phú Cường và các giáo phận TP.HCM, Xuân Lộc, Mĩ Tho, Long Xuyên…
Được biết ngôi nhà thờ sắp được thay thế có tuổi đời 68 năm, đã xuống cấp nghiêm trọng, đến nỗi cha sở Micae Lê Văn Khâm đã phải cho giăng lưới phòng ngừa gạch vữa trên trần rơi xuống đầu người dự lễ.
Tiền thân nhà thờ Chánh tòa Phú Cường là nhà thờ họ đạo Thủ Dầu Một (thành lập năm 1865 với cha sở đầu tiên là linh mục Sorel Constant – Joseph), rồi Phú Cường và nay là giáo xứ Chánh tòa (năm 1965 được Đức giám mục tiên khởi giáo phận đặt làm nhà thờ Chánh tòa của giáo phận Phú Cường mới được thành lập).
Trước bề dày lịch sử 140 năm của họ đạo và gần 70 năm hiện diện của ngôi nhà thờ sừng sững trên một khu đất cao cạnh Ngã Sáu thuộc trung tâm thị xã Thủ Dầu Một, Đức cha Giuse Vũ Duy Thống không khỏi một thoáng “bâng khuâng” trong giây phút sắp phải chia tay ngôi nhà thờ cũ.
Xúc cảm của Đức cha Giuse cũng là tâm tình của bổn đạo Chánh tòa.
Bà Lê Thị Năm, 48 tuổi, mới gia nhập họ đạo được 6 năm, chia sẻ: “Tôi từ miệt Cà Mau lên đây kiếm sống. Thuở ban đầu còn xa lạ, nhưng cha sở và bổn đạo Chánh tòa đã tổ chức nhiều sinh hoạt gắn kết mọi người, nên tôi nhanh chóng hòa nhập gia đình mới, thấy gắn bó với họ đạo. Đặc biệt ngôi nhà thờ, tuy cũ kĩ, xuống cấp nhưng đối với tôi đã trở thành hình ảnh đầy kỉ niệm. Nay Đức cha, cha sở và mọi người đồng tâm nhất trí xây ngôi nhà thờ mới cho Chúa, thấy vui lắm, phấn khởi lắm. Mong cho thuận buồm xuôi gió, có ngôi nhà thờ mới đặng mọi người ở đây tiếp tục làm sáng danh Chúa”.
Lâng lâng trước những tấm lòng hướng đến ngôi nhà thờ mới
Ý nghĩ của người giáo dân Chánh tòa đã được Đức cha Giuse phát triển thành những suy ngẫm sâu sắc của Đức cha Giuse trong bài giảng Thánh lễ.
Đức cha Giuse Vũ Duy Thống bày tỏ nỗi “bâng khuâng” khi nghĩ mình đang dâng thánh lễ trong một nếp nhà sắp được dỡ bỏ, nhưng cũng lại thấy “lâng lâng” lúc ngẫm suy những tấm lòng đang chăm chút cho “nếp nhà mới” mau ra đời.
Đức cha Giuse nói đến ba tấm lòng khiến ngài “lâng lâng”. Tấm lòng của Chúa mở ra cho giáo phận Phú Cường. Tấm lòng của Giáo Hội luôn mở ra cho mọi con cái, cụ thể là tấm lòng của Đức đương kim Giám mục dành cho con cái trong giáo phận (Đức cha Phêrô nguyên là cha sở chánh tòa giai đoạn 1988-1999). Tấm lòng của quý ân nhân xa gần sẽ góp phần thúc đẩy tiến độ của công trình xây dựng.
Linh mục Micae Lê văn Khâm, Tổng đại diện, cha sở giáo xứ Chánh tòa, đã phát biểu trước khi Thánh lễ kết thúc. Cha nói lời cảm ơn tấm lòng và sự giúp đỡ của các vị chủ chăn và mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài giáo phận. Cha nêu bật ý nghĩa sự hiện diện những ngôi nhà thờ trên mảnh đất con người sinh sống. Cha nói: “Ở đâu có nhà thờ, ở đó có dấu chỉ của tình Chúa yêu thương”. Ngài còn nêu lên ý nghĩa của việc xây dựng nhà thờ là “cách bày tỏ đức Tin và đời sống cầu nguyện của cộng đoàn Kitô hữu”.
Rồi đây, trong một thời gian nữa, có dịp đến khu vực trung tâm thị xã Thủ Dầu Một, mọi người sẽ được nhìn ngắm và bước vào cầu nguyện trong một ngôi thánh đường gô-tích với ba ngọn tháp cao vút. Những ngọn tháp vươn lên trời xanh như khát vọng vươn cao của các Kitô hữu tại Phú Cường.
Đức cha Giuse Vũ Duy Thống nói: “Đất Phú Cường – đất Thủ Dầu Một, đất của trái cây và… trái tim. Trái tim Chúa Giêsu yêu thương mọi người. Trái tim người Phú Cường – đất Thủ yêu mến Chúa và tha nhân”.